Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh

Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh

Văn mẫu lớp 8: Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo các bài Ngữ văn 8 nhằm củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh

Dàn ý Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh mẫu 1

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát bài thơ Ngắm trăng- Dẫn dắt vào hai câu cuối bài thơ

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp hài hoà, tri kỷ giữa trăng và người

– Không gian: tại phòng giam của nhà tù.- Thời gian: đêm- Bác “ngắm” trăng, thưởng trăng qua ánh cửa nhà tù, niềm say mê với đẹp của thiên nhiên.- Trăng “nhòm” qua khe cửa để “ngắm” người tù.=> Sự giao cảm, tri âm giữa trăng và người.

b. Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.

– Nơi ngục tù không làm cho người cách mạng nản chí, mệt mỏi.- Lạc quan trong gian khó- Yêu thiên nhiên, nhạy cảm trước thiên nhiên

3. Kết bài

Khẳng định lại vẻ đẹp trong hai câu thơ cuối bài.

Dàn ý Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh, bài thơ Ngắm trăng và hai câu thơ cuối bài.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ”: trong phòng giam tăm tối, Bác hướng tới vầng trăng, nhìn về ánh sáng, tâm hồn thêm thư thái. Song sắt nhà tù không thể nào ngăn cách được người tù và vầng trăng. Tâm hồn của người tù đó đã vượt thoát khỏi bốn bức tường của nhà lao để mở rộng chào đón chân thành và tha thiết người bạn đặc biệt của mình. Tất cả thu vào một hành động ngắm, nhòm kì lạ; nhìn nhau qua chấn song sắt của nhà tù.

“Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”: Ánh trăng xuyên thấu nhà tù để nhìn lại, chia sẻ với người tù. Ánh trăng như ánh mắt, như gương mặt con người, có tâm hồn, có tình cảm và đầy sự đồng cảm. Trăng đâu chỉ còn là đối tượng thiên nhiên, là vẻ đẹp chỉ để thưởng thức mà ở đây trăng đã trở thành kẻ tâm giao, tri kỉ của người tù. Hành động của trăng là hành động của những người bạn đã thấu hiểu tâm hồn của nhau. Trăng nhìn người, người nhìn trăng. Và phút giao cảm thiêng liêng ấy đã khiến mọi đau thương, gian khổ, tăm tối của cuộc sống ngục tù tan biến.

Hai câu thơ với kết cấu tương xứng đã làm nổi bật vẻ đẹp của người thi sĩ và ánh trăng, dù trong cảnh tù đày bẩn thỉu nhưng Người vẫn luôn giữ cho mình những phẩm chất, tính cách tốt đẹp, thuần khiết không gì sánh bằng.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, ý nghĩa của hai đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung.

Đọc thêm:  Soạn bài Nghị luận về một tư tưởng đạo lý – Ngữ Văn 12 – Vuihoc.vn

Văn mẫu Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh mẫu 1

Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh – Bài mẫu 1

Trăng luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của biết bao nhà thơ, nhà văn trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trong số đó, phải kể đến một thi sĩ gắn bó với trăng tha thiết, đó là Hồ Chí Minh. Bác viết rất nhiều về trăng, nhưng có lẽ Ngắm trăng là bài thơ hay nhất của Người bởi nó có cảnh, có tình trong đó. Đặc biệt, hai câu cuối bài thơ là đã khắc họa bức chân dung tự họa đầy hài hoà, độc đáo giữa người từ với vầng trăng:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổTrăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Trong chốn tù lao gông cùm, nơi chật hẹp với bốn bức tường lạnh lẽo ấy, ngỡ là cô đơn đến tột cùng. Nhưng không, nơi tù đày không có rượu hoa làm bạn, tri kỉ tìm đến Người là vầng trăng. Người thưởng thức ánh trăng lại trong cảnh ngộ của tù nhân vậy mà vẫn toát lên vẻ ung dung, thảnh thơi lạ thường. Ngoài cửa sổ, ánh trăng soi, Người lặng lẽ ngắm nhìn ánh trăng hiền dịu, thứ ánh sáng mênh mang, an bình của thiên nhiên đã xua tan những nhọc nhằn nơi ngục tù tăm tối. Tù đày giữ chân Người, nhưng không thể ngăn tâm hồn Người được, qua khung cửa sổ, vẻ đẹp của thiên nhiên không rộng lớn nhưng tròn đầy, Bác trân trọng khoảnh khắc đẹp đẽ, trong ngần ấy. Từ “ngắm” vừa cho thấy được sự nâng niu, yêu thương của Người dành cho thiên nhiên vừa cho thấy được sự say đắm của người khi thưởng thức vầng trăng của tạo hoá.

Đọc ở nguyên bản chữ Hán, ta càng cảm nhận được cảnh thưởng trăng đặc biệt này:

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệtNguyệt tòng song khích khán thi gia”.

Và ánh trăng kia đang hiểu được tấm lòng của thi nhân hay đang ngưỡng mộ người tù nhân trong căn phòng ấy mà buông mình đáp xuống:

“Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Thủ pháp nhân hoá được sử dụng tài tình, trăng “nhòm”, trăng “ngắm”. Nơi khe cửa kia là song sắt của phòng lao nhà tù, ánh trăng vượt qua nó, rọi sáng gốc nơi tù nhân đang đứng, ngắm nhìn người tù bằng tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ. Đến với người thi nhân giàu tình cảm kia, trăng không còn là vật vô tri nữa mà biết thưởng thức, biết ngắm nhìn và trân trọng tấm lòng kia. Trăng và người, mặt đối mặt như đôi bạn tâm giao, tri kỉ. Khoảnh khắc ấy thật đẹp biết bao, đó là khoảnh khắc làm tan biến mọi đau khổ, bóng tối, cô đơn nơi xứ người của nhà cách mạng.

Hai câu thơ chỉ với 14 tiếng thôi mà khiến ta không khỏi khâm phục Người. Bác đâu chỉ có tâm hồn đẹp, một lý tưởng rộng lớn mà Bác con là người bản lĩnh, mạnh mẽ, một tinh thần lạc quan, vượt lên những khó khăn của nghịch cảnh để sống đẹp, sống có ích.

-HẾT-

Dàn ý Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh mẫu 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Bác đã dẫn dắt đất nước ta ra khỏi cảnh lầm than, nô lệ khi bị quân thù xâm lược. Không những thế, Người còn là một nhà thơ, nhà văn, một tác giả lớn của nền văn học Việt Nam. Một trong số đó phải kể đến bài thơ Ngắm trăng được sáng tác khi Bác bị nhốt ở nhà ngục với cuộc sống tù đày khốn khó. Tuy nhiên, chất thơ, tâm hồn nghệ sĩ vẫn luôn tỏa sáng, đặc biệt là qua hai câu thơ cuối bài:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổTrăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Đọc thêm:  Phân tích ý nghĩa đoạn kết tác phẩm Vợ nhặt (5 Mẫu) – Download.vn

Từ phòng giam tăm tối, Bác hướng tới vầng trăng, nhìn về ánh sáng, tâm hồn thêm thư thái. Song sắt nhà tù không thể nào ngăn cách được người tù và vầng trăng. Trăng được nhân hóa như một người bạn tri âm, tri kỉ từ viễn xứ đến chốn ngục tù tăm tối thăm Bác. Hai bên là những người bạn tâm giao, gắn bó với nhau nơi ngục tù tăm tối. Hai câu thơ được cấu trúc đăng đối tạo nên sự cân xứng hài hòa giữa người và trăng, giữa ngôn từ, hình ảnh và ý thơ.

Bốn câu thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã mang đến cho chúng ta cái nhìn, cách cảm về một góc độ khác của chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh sự thông minh, trí tuệ giúp nước nhà giành độc lập, Bác còn là một thi sĩ có tâm hồn bay bổng, hòa mình cùng với thiên nhiên, với cảnh đẹp dù trong hoàn cảnh éo le nhất.

Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ cùng cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh đa gây nhiều ấn tượng sâu sắc và góp phần không nhỏ vào việc làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam.

Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh – Bài mẫu 3

Đến câu thơ thứ ba ánh trăng mới xuất hiện trực tiếp trước mắt đắm say của người tù:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Cảnh thưởng trăng ở đây thật đặc biệt. Đặc biệt trong sự giản dị không có rượu có hoa. Đặc biệt bởi vị thế của người ngắm trăng không phải là người thanh nhàn, một tao nhân mặc khách mà là một người tù bị giam hãm, xiềng xích trong bốn bức tường với muôn nghìn khổ cực. Nhưng tâm hồn của người tù đó đã vượt thoát khỏi bốn bức tường của nhà lao để mở rộng chào đón chân thành và tha thiết người bạn đặc biệt của mình. Tất cả thu vào một hành động ngắm, nhòm kì lạ; nhìn nhau qua chấn song sắt của nhà tù. Hai câu thơ chữ Hán đã lột tả được đầy đủ cảnh thưởng trăng đặc biệt này:

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.

Hai chữ đầu của hai câu thơ là hình ảnh người và trăng (Nhân — nguyệt, nguyệt — thi gia) và giữa hai vế của mỗi câu, giữa trăng và người tù là song sắt nhà giam tàn bạo. Hiện thực tàn bạo của nhà tù vẫn len lỏi vào cuộc sống tinh thần của người tù. Nó như muốn ngăn cách người tù và trăng. Tất cả làm cho cuộc sống trong tù và làm cho buổi thưởng trăng thật rõ ràng, sống động. Ớ đây, người tù đã một lần nữa vượt qua và chiến thắng được hiện thực tù đày. Người tù ấy đã quên đi cuộc sống lao khổ của chốn tù đày để tâm hồn vượt thoát, bay bổng, hòa vào với vẻ đẹp của ánh trăng. Động từ “hướng” không chỉ là cử động của một cái nhìn mà là sự thức dậy của cả một tâm hồn đầy say đắm. Hình như trăng đã hiểu tâm hồn người tù, hiểu được tình cảm chân thành của người tù nên cũng có một hành động đầy tình cảm:

“Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.

Ánh trăng xuyên thấu nhà tù để nhìn lại, chia sẻ với người tù. Ánh trăng như ánh mắt, như gương mặt con người, có tâm hồn, có tình cảm và đầy sự đồng cảm. Trăng dâu chỉ còn là đối tượng thiên nhiên, là vẻ đẹp chỉ để thưởng thức mà ở đây trăng đã trở thành kẻ tâm giao, tri kỉ của người tù. Hành động của trăng là hành động của những người bạn đã thấu hiểu tâm hồn của nhau. Trăng nhìn người, người nhìn trăng. Và phút giao cảm thiêng liêng ấy đã khiến mọi đau thương, gian khổ, tăm tối của cuộc sống ngục tù tan biến.

Đọc thêm:  Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện

ngắm trăng

Tâm hồn con người nhẹ nhõm, thăng hoa, khiến tù nhân thoắt biến thành thi nhân. Chữ “nhân” trong câu thơ thứ ba Bác dùng để chỉ người ngắm trăng, nhưng đến chữ cuối cùng của bài thơ, người ngắm trăng đã biến thành thi nhân. Có một điều kỳ lạ, bài thơ Ngắm trăng là một trong số ít những bài thơ Bác tự nhận mình là thi nhân. Cuộc sống trong tù là vô nhân đạo. Nhưng đằng sau đó, không đơn giản chỉ là một trái tim biết rung cảm trước cái đẹp vĩnh hằng của tạo hóa, mà còn là một tâm hồn mạnh mẽ, tràn ngập sức sống, dám vượt qua hiện thực trần trụi của nhà tù để giao hòa với thiên nhiên, đất trời. Nếu không phải là một tâm hồn nghệ sĩ, không phải là một bản lĩnh thép của một người chiến sĩ kiên cường thì Bác không thể vượt qua chính mình trong hoàn cảnh đó.

Ngắm trăng là một bài thơ chứa nhiều sức nặng, một thi phẩm mang vẻ đẹp cổ kính, hoa lệ. Ngắm trăng, thưởng trăng đối với Bác Hồ còn là một nét đẹp của tâm hồn yêu đời và khao khát tự do.

Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh – Bài mẫu 4

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Ít ai thưởng trăng trong tư thế kì lạ này. Đọc kĩ nguyên tác chữ Hán để thấy rõ hơn vị trí của người, trăng và cái song sắt nhà tù:

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Nhân – nguyệt, rồi nguyệt – thi gia ở hai đầu câu thơ, cái song sắt chắn ở giữa. Trong mối tương giao tri kỉ tri âm của con người và vầng trăng, cái song sắt hiện lên thật thô bạo nhưng bất lực. Chú ý: ở đầu câu, Bác dùng nhân tức người, người tù, để chỉ chủ thể, nhưng cuối câu thơ dưới, chủ thể lại là thi gia. Trước cuộc ngắm trăng, Bác là người tù, cuối cuộc ngắm trăng, người tù đã thành nhà thơ. Bác đã hoàn thành cuộc vượt ngục bằng hành động ngắm trăng, thân thể ở trong lao nhưng tinh thần đã ở ngoài lao!

Ngắm trăng nhưng lại phát hiện ra vẻ đẹp của cõi người. Người xưa ngắm trăng thấy trăng đẹp, trăng trong, lại buồn cho cõi đời cát bụi trầm luân. Lý Bạch nghĩ ngợi:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,Cúi đầu nhớ cố hương

Tản Đà ngao ngán nói với chị Hằng:

Trần thế nay em chán nữa rồi!

Hồ Chí Minh ngắm trăng rất giống người xưa trong niềm mê say cái đẹp thiên nhiên nhưng cũng khác người xưa trong sự phát hiện vẻ đẹp của cõi người. Với Bác, người ngắm trăng thì trăng cũng ngắm người, vẻ đẹp con người cũng đủ sức làm say vầng trăng. Đây không chỉ là cái hay của bút pháp mà còn là vẻ đẹp của một nhân sinh quan.

Rõ ràng, đã có một cuộc vượt ngục thần kì. Hành động ngắm trăng chính là hành động vượt ngục. Làm thơ quả là một hình thức vượt ngục độc đáo ngay cả khi cách thức ấy mang tính chất ảo tưởng.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các Tác giả – tác phẩm Ngữ văn 8 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

  • Soạn Văn 8: Ngắm trăng (Hồ Chí Minh)
  • Soạn bài lớp 8: Ngắm trăng
  • Phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
Đánh giá bài viết