Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng

Đề bài: Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

phan tich hinh anh nguoi phu nu tay bac trong tac pham vo chong a phu

Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc.

2. Thân bài

* Khái quát về nhân vật Mị:– Là cô gái trẻ trung, yêu đời, tràn đầy sức sống- Bị ép trở thành con dâu trừ nợ cho gia đình thống lí- Từ một cô gái lạc quan, yêu đời trở thành người đàn bà nhẫn nhục, cam chịu, sống lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”.→ Cuộc sống và số phận của Mị cũng hé mở phần nào bức tranh về cuộc sống của những người phụ nữ Tây Bắc trong xã hội xưa:

* Hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc thông qua nhân vật Mị:

– Nghèo khổ, bị cường quyền áp bước, tước đoạt quyền tự do, hạnh phúc:+ Bố mẹ Mị vay tiền của thống lí Pá Tra, năm nào cũng phải trả một nương ngô, đến khi về già vẫn chưa trả được hết nợ.+ Mị bị gia đình thống lí ép buộc trở thành con dâu để xóa đi món nợ mà bố mẹ Mị đã vay.→ Hoàn cảnh của Mị cũng là tình cảnh chung của rất nhiều những người phụ nữ Tây Bắc khác, vì nghèo mà những người phụ nữ ấy bị giai cấp thống trị tước đoạt đi tất cả, từ tuổi trẻ, tự do và những khát khao hạnh phúc.

– Tần tảo, chịu thương chịu khó lao động mưu sinh:+ Mị và những người đàn bà ở Hồng Ngài phải làm nhiều công việc vất vả: hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, đi nương bẻ bắp, đi hái củi, bung ngô,….+ Hình ảnh Mị quay sợi gai bên tàu ngựa đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Hồng Ngài khi có việc phải vào nhà thống lí.→ Đó là những người phụ nữ nghèo quanh năm bận rộn với những công việc chân tay để mưu sinh cho cuộc sống.

– Bị trói buộc bởi tư tưởng “xuất giá tòng phu”, sống vì nhà chồng dù có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc:+ Cuộc sống của Mị khi làm dâu trong nhà thống lí cũng đã tái hiện phần nào cuộc sống của những người phụ nữ Tây Bắc xưa.+ Những người phụ nữ sau khi lấy chồng dù không có hạnh phúc hay bị chèn ép, đối xử bất công thì vẫn sẽ phải hết lòng vì nhà chồng, sống chết cũng phải theo nhà chồng+ Cách sống cam chịu và quan niệm này được thể hiện trong chính suy nghĩ của Mị “mình đã bị đem trình ma thì có chết cũng trở thành ma nhà thống lí, chết cũng không được tự do”.

Đọc thêm:  Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên

– Giàu tình nghĩa, sống trách nhiệm:+ Bị A Sử đối xử tàn tệ thì khi A Sử bị thương Mị vẫn hết lòng chăm sóc cho A Sử.+ Dù trên người vẫn còn đau nhức vì bị trói đứng suốt một đêm nhưng Mị vẫn cố đi vào rừng hái thuốc, thức đêm để xoa thuốc cho A Sử.→ Ở Mị nổi bật một vẻ đẹp thật đáng trân trọng của người phụ nữ Tây Bắc xưa, đó chính là tình nghĩa và trách nhiệm. Mị với A Sử không có lòng với nhau nhưng Mị vẫn làm hết trách nhiệm của một người vợ nên có.

– Tấm lòng giàu yêu thương của Mị còn thể hiện qua chi tiết Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ.→ Mị đã bất chấp mọi hình phạt khốc liệt phía trước mà cởi trói cứu A Phủ.

– Sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng:+ Sống lâu trong cái khổ, mọi cảm xúc của Mị đều bị tê liệt, thế nhưng sức sống vẫn luôn âm ỉ cháy.+ Hành động vụt chạy theo A Phủ là biểu hiện rõ nét nhất của sức sống ấy, Mị đã cùng A Phủ chạy trốn, sức sống tiềm tàng đã giúp Mị gạt bỏ mọi xiềng xích, đau khổ để giải thoát cho chính mình.

3. Kết bài

Rút ra kết luận chung

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)

Vợ chồng A Phủ là kết quả của chuyến đi thực tế đến mảnh đất Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Trong tác phẩm, nhà văn không chỉ dựng lên bức tranh sống động về xã hội phong kiến miền núi trước cách mạng tháng Tám, mở ra cuộc đời và số phận của những người nông dân nghèo mà còn thể hiện sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống và những phong tục của con người nơi đây. Đặc biệt, qua hình ảnh của Mị và những người đàn bà trong gia đình thống lí Pá Tra, nhà văn Tô Hoài còn mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và số phận của những người phụ nữ Tây Bắc xưa.

Truyện xoay quanh nhân vật Mị – người con gái xinh đẹp, yêu đời nhưng có số phận bất hạnh, éo le khi bị bắt làm con dâu gạt nợ cho gia đình thống lí. Khi còn sống cùng cha mẹ, Mị là cô gái trẻ trung, yêu lao động, lúc nào cũng tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, cuộc sống của Mị hoàn toàn bị đảo lộn từ khi bị A Sử bắt về làm vợ. Từ một cô gái yêu đời, Mị trở nên cam chịu, lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”. Hình ảnh của Mị đầu tác phẩm thật khiến người ta phải xót xa “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái quay sợi gai bên tầng đá trước cửa cạnh tàu ngựa”. Hình ảnh Mị bận rộn bên những công việc lao động cũng chính là hình ảnh của những người phụ nữ Tây Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó trong xã hội xưa. Đó là những người phụ nữ nghèo quanh năm bận rộn với những công việc chân tay để mưu sinh cho cuộc sống “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp,…đi hái củi, lúc bung ngô,…”. Thế nhưng hoàn cảnh của Mị lại đặc biệt hơn cả, Mị là con dâu của thống lí Pá Tra, cuộc hôn nhân của Mị và A Sử cũng hoàn toàn ép buộc “Mị và A Sử không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Cuộc sống không hạnh phúc trong gia đình thống lí đã vắt kiệt sự sống, khiến Mị trở nên lầm lũi, cam chịu đến đáng thương. Trên danh nghĩa Mị là con dâu nhà quan, thế nhưng thực chất Mị lại có thân phận như một người ở không hơn không kém, Mị phải làm việc quần quật như “con trâu con ngựa”, trên khuôn mặt lúc nào cũng mang nét đượm buồn, lúc nào Mị cũng “cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.

Đọc thêm:  Nêu ý nghĩa chi tiết tiếng đàn và niêu com trong truyện thạch sanh

Mị sinh ra trong một gia đình nghèo, ngày xưa bố Mị lấy mẹ Mị không có tiền cưới nên đã vay tiền của thống lí Pá Tra, mỗi năm phải trả một nương ngô. Đến khi về già thì bố mẹ Mị vẫn chưa trả hết nợ. Cũng vì nghèo khó và món nợ từ năm này đến năm khác ấy mà Mị bị gia đình thống lí ép buộc trở thành con dâu để xóa đi món nợ mà bố mẹ Mị đã vay. Có lẽ hoàn cảnh của Mị cũng là tình cảnh chung của rất nhiều những người phụ nữ Tây Bắc khác. Vì nghèo mà những người phụ nữ ấy bị giai cấp thống trị tước đoạt đi tất cả, từ tuổi trẻ, tự do và những khát khao hạnh phúc.

Vì bố, vì món nợ của gia đình mà Mị chấp nhận sống một cuộc sống như “địa ngục trần gian” trong gia đình thống lí. Trong gia đình quyền quý nhưng không chút tình người đấy, Mị đã bị chà đạp, hủy hoại cả về thể xác và tinh thần. Mị sống như một cái xác không hồn, mọi cảm xúc bị tê liệt “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”. Cuộc sống của Mị khi làm dâu trong nhà thống lí cũng đã tái hiện phần nào cuộc sống của những người phụ nữ Tây Bắc xưa. Những người phụ nữ sau khi lấy chồng dù không có hạnh phúc hay bị chèn ép, đối xử bất công thì vẫn sẽ phải hết lòng vì nhà chồng, sống chết cũng phải theo nhà chồng “Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đuổi theo con ngựa của chồng”. Cách sống cam chịu và quan niệm này được thể hiện trong chính suy nghĩ của Mị “mình đã bị đem trình ma thì có chết cũng trở thành ma nhà thống lí, chết cũng không được tự do”.

Đọc thêm:  Bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh từ hội thi “Chúng em kể

Mị là một cô gái giàu tình nghĩa, dù bị A Sử đối xử tàn tệ, bị trói đánh giữa nhà khi có ý định đi chơi mùa xuân thì khi A Sử bị thương Mị vẫn hết lòng chăm sóc cho A Sử. Dù trên người vẫn còn đau nhức vì bị trói đứng suốt một đêm nhưng Mị vẫn cố đi vào rừng hái thuốc, thức đêm để xoa thuốc cho A Sử. Ở Mị chúng ta còn thấy một vẻ đẹp thật đáng trân trọng của người phụ nữ Tây Bắc xưa, đó chính là tình nghĩa và trách nhiệm. Mị với A Sử không có lòng với nhau nhưng Mị vẫn làm hết trách nhiệm của một người vợ nên có. Tấm lòng giàu yêu thương của Mị còn thể hiện qua chi tiết Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ. Mị thương xót, đồng cảm cho số phận của A Phủ, Mị biết rằng chỉ ngày mai, ngày kia thôi người kia sẽ chết, một cái chết đầy đau đớn. Thế nên Mị đã bất chấp mọi hình phạt khốc liệt phía trước mà cởi trói cứu A Phủ.

Một vẻ đẹp đáng quý khác bên trong nhân vật Mị hay cũng chính là những người phụ nữ Tây Bắc, đó là sức sống tiềm tàng. Sống lâu trong cái khổ, mọi cảm xúc của Mị đều bị tê liệt, thế nhưng sức sống vẫn luôn âm ỉ cháy giống như ngọn lửa nhỏ âm ỉ dưới đống tro tàn, chỉ cần một cơn gió thổi qua nó sẽ bùng cháy dữ dội. Hành động vụt chạy theo A Phủ là biểu hiện rõ nét nhất của sức sống ấy, Mị đã cùng A Phủ chạy trốn, sức sống tiềm tàng đã giúp Mị gạt bỏ mọi xiềng xích, đau khổ để giải thoát cho chính mình.

Có thể nói, thông qua hình tượng nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã mang đến cho người đọc một bức chân dung đầy sống động về người phụ nữ Tây Bắc. Đó là những con người chịu thương, chịu khó, bên cạnh sự cam chịu, nhẫn nhục trước cuộc sống, số phận thì học cũng là những người có sức sống, sức phản kháng mạnh mẽ. Dù bị cường quyền, thần quyền chèn ép, áp bức thì họ vẫn gắng gượng vươn lên để giải thoát khỏi mọi đau khổ, giành lại tự do và hạnh phúc.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-anh-nguoi-phu-nu-tay-bac-trong-tac-pham-vo-chong-a-phu-68884n.aspx Trên đây chúng tôi đã cùng các em Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, tìm hiểu thêm về truyện ngắn, các em không nên bỏ qua: Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ chồng A Phủ, Chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Cảm nhận của anh chị về hành động Mị chạy theo A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button