Bài văn Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ

Đề bài: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

phan tich hinh anh nha cach mang yeu nuoc qua bai tho vao nha nguc quang dong cam tac

Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài:

a. Hai câu thơ đầu “Vẫn là hào kiệt…hãy ở tù”:– Phong thái rất đỗi ngang tàng, tự tin.- Phan Bội Châu không như lẽ thường, người ở nơi chốn ngục tù nhưng vẫn nhận mình mang dáng vẻ của “hào kiệt” có tài năng chí khí hơn hẳn người thường.- Tinh thần, khẩu khí tự tin, ngang tàng của tác giả còn thể hiện rất rõ trong câu “Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”, vậy hóa ra trong tâm tưởng người chiến sĩ cách mạng nhà tù thực chất chỉ là một chỗ nghỉ tạm, sau những ngày bôn ba vất vả hay sao?=> Ý chí kiên cường, không chịu khuất phục số phận của Phan Bội Châu, những chắn song sắt, những gông cùm xiềng xích rõ ràng chỉ có thể giam giữ được thể xác con người, chứ không thể nào trói buộc được tinh thần của ông.=> Tác giả đã mạnh mẽ vượt lên trên tất cả những nghịch cảnh tù đày để cho mình một tâm hồn thanh thản, ung dung đối mặt với những khó khăn phía trước.

b. Hai câu thơ tiếp:”Đã khách không… năm châu”:– Âm hưởng trầm thống, cố nén những nỗi đau đang ẩn giấu bên trong, mang đến cảm giác nghẹn ngào, cay đắng và có đôi phần chơ vơ lạc lõng.- Phan Bội Châu từng vượt trùng dương sang nhiều nước khác nhau với một lòng hăng say cách mạng, mong muốn giải phóng dân tộc với phận “khách không nhà trong bốn bể”. Tuy nhiên ngay khi sự nghiệp còn dang dở thì ông lại bị bắt, thậm chí bị thực dân Pháp phán án tử vắng mặt, thế nên mới có câu “lại người có tội giữa năm châu”.=> Đó không hoàn toàn là tiếng than cho số phận cá nhân, mà thực tế là nỗi đau xót cho thực cảnh của cả một dân tộc phải trải qua quá nhiều những biến động, nhân dân sống cuộc đời lênh đênh, lạc lõng không biết rồi sẽ về đâu. Đến đây ta mới thấy thật rõ tầm vóc của một con người, một vị lãnh tụ, một người chiến sĩ cách mạng có tấm lòng của bậc anh hùng thời thế.

c. Hai câu thơ tiếp “Bủa tay ôm chặt…cuộc oán thù”:– Giọng thơ chuyển sang vẻ hào hùng, với lối nói khoa trương, thường được sử dụng trong bút pháp lãng mạn của văn học thiên hướng anh hùng ca.- Lối nói “bủa tay ôm chặt bồ kinh tế/mở miệng cười tan cuộc oán thù” đã đẩy tầm vóc của con người lên đến mức thần thánh, vĩ đại, mang tầm vóc lớn lao sánh ngang với thiên nhiên trời đất.=> Bộc lộ rất rõ được khẩu khí, thần thái, ý chí hiên ngang của bậc anh hùng hào kiệt, mà ở trong bất kỳ một nghĩ cảnh nào, thì tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm làm cách mạng vẫn không hề thay đổi, một lòng gắn bó. Đối mặt với những thủ đoạn tàn độc của quân thù, người anh hùng vẫn mạnh mẽ hiên ngang, nở nụ cười tự tin, khinh nhờn, chứ quyết không chịu khuất phục, quỳ gối dẫu rằng phải hy sinh cả tính mạng.

d. Hai câu thơ cuối: “Thân ấy vẫn còn… sợ gì đâu”:– Tinh thần lạc quan, kiên cường trước hoàn cảnh khốn khó, ông không hề để tâm đến những vất vả, gian lao, những thủ đoạn ghê gớm của giặc và cả cái chết đang gần tới mình.- Một lòng tin tưởng rằng, chỉ cần người còn thì sự nghiệp còn, dẫu mất hết những gì đã dày công xây dựng, nhưng chỉ cần có ý chí và còn sống sót được trở ra thì ta lại làm lại từ đầu.=> Lý tưởng cứu nước, cứu đời cao đẹp đã mang đến cho người chiến sĩ cách mạng những sức mạnh phi thường, phong thái hiên ngang mạnh mẽ, đứng giữa đời.

Đọc thêm:  Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm (chi tiết) - Loigiaihay.com

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Phan Bội Châu (1867-1940), là nhà hoạt động cách mạng vĩ đại và tiêu biểu nhất trong phong trào cách mạng mạng Việt Nam kiểu mới những năm đầu thế kỷ XX. Tuy con đường và tầm nhìn của Phan Bội Châu trong công cuộc giải phóng dân tộc còn có nhiều hạn chế, tuy nhiên cho đến ngày hôm nay lịch sử Việt Nam vẫn không thể phủ nhận công lao của người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền cách mạng hiện đại của dân tộc. Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng sôi nổi mà Phan Bội Châu còn là một nhà văn, nhà thơ với số lượng tác phẩm đồ sộ, phong phú với nội dung chính thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm chống giặc cứu nước và lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Phan Bội Châu, ra đời vào năm 1914 trong những ngày đầu tác giả chịu cảnh sống trong ngục tù khi bị bọn quân phiệt Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam. Thông qua tác phẩm ta thấy được hình ảnh của một nhà cách mạng với tấm lòng yêu nước sâu nặng, tinh thần lạc quan, vững vàng trước khốn cảnh.

Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm được viết đầu tiên trong tập Ngục trung thư, tác phẩm vốn được xem như bức thư tuyệt mệnh của Phan Bội Châu thời điểm ấy. Bởi lẽ ngay từ năm 1912, Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp tuyên án tử hình vắng mặt, chính vì thế đến năm 1914 khi bị bọn quân phiệt Quảng Đông bắt giam và có ý định trao trả cho Pháp, ông đã xác định mình khó có thể thoát chết. Trước hoàn cảnh bế tắc vậy, thế nhưng người chí sĩ yêu nước vẫn mạnh mẽ, với ý nghĩa rằng bản thân không thể làm nên nghiệp lớn, thì cũng muốn để lại cho đời một tác phẩm văn chương có ý nghĩa, cổ vũ tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu của các thế hệ tiếp nối. Đó chính là mục đích chính của Phan Bội Châu khi viết Ngục trung thư, đặc biệt với Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm được viết đầu tiên, mà Phan Bội Châu nói rằng “tự an ủi mình”, hình tượng người chí sĩ cách mạng hiện lên với những vẻ đẹp tinh thần phi thường, mạnh mẽ, dường như phá tan cả cái khốn cảnh ngục tù.

“Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưuChạy mỏi chân thì hãy ở tù”

Ở hai câu thơ đầu tiên ta thấy được một phong thái rất đỗi ngang tàng, tự tin và lạc quan của tác giả, rõ ràng rằng bản thân Phan Bội Châu từng kể rằng bản thân mình khi ấy đã bị áp giải đi một cách thực ghê gớm “nào xiềng tay, nào trói chặt” rồi thì cả việc phải “chung một chỗ với bọn tù xử tử”, thú thực đó là một hoàn cảnh chật vật, bế tắc vô cùng, dễ đem đến cho con người ta những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên Phan Bội Châu lại không như lẽ thường, người ở nơi chốn ngục tù nhưng vẫn nhận mình mang dáng vẻ của “hào kiệt” có tài năng chí khí hơn hẳn người thường, lại vẫn đậm nét “phong lưu”, ở đây ý chỉ lối sống ung dung, đường hoàng, trang nhã, lịch sự. Chung quy lại, dẫu ở tù thế nhưng Phan Bội Châu vẫn một lòng tin tưởng vào thần thái, khí chất con người mình, quyết không để bản thân rơi vào khốn cảnh, hay suy sụp như những kẻ tù khác. Có thể nói rằng bậc anh hùng, chí sĩ như Phan Bội Châu phong thái thật khác hẳn người thường, dù bị giam cầm nhưng vẫn ung dung, tự tin, đàng hoàng mà sống. Đặc biệt tinh thần, khẩu khí tự tin, ngang tàng của tác giả còn thể hiện rất rõ trong câu “Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”, vậy hóa ra trong tâm tưởng người chiến sĩ cách mạng nhà tù thực chất chỉ là một chỗ nghỉ tạm, sau những ngày bôn ba vất vả hay sao. Nhưng có lẽ nhìn sâu hơn nữa ta còn thấy được ý chí kiên cường, không chịu khuất phục số phận của Phan Bội Châu, những chắn song sắt, những gông cùm xiềng xích rõ ràng chỉ có thể giam giữ được thể xác con người, chứ không thể nào trói buộc được tinh thần của ông. Tác giả đã mạnh mẽ vượt lên trên tất cả những nghịch cảnh tù đày để cho mình một tâm hồn thanh thản, ung dung đối mặt với những khó khăn phía trước, đồng thời gợi cảm hứng sáng tác cả những tác phẩm văn thơ có giá trị. Đối với một biến cố nghiêm trọng thế nhưng trong đôi mắt và tầm nhìn của người làm việc lớn, chí khí kiên cường như Phan Bội Châu đó lại trở thành thứ để cười cợt, bông đùa, nhẹ tựa lông hồng, quả là điều đáng nể phục ở những con người được hưởng nền giáo dục xưa.

Đọc thêm:  Vẻ đẹp hào hoa, bi tráng trong bài thơ Tây Tiến (6 Mẫu) - Download.vn

“Đã khách không nhà trong bốn biểnLại người có tội giữa năm châu”

Khác với giọng điệu thảnh thơi, ung dung và có chút bông đùa ở hai cầu đầu, thì đến đâu âm hưởng ở hai câu thơ tiếp đã có sự biến đổi lớn, âm hưởng trầm thống, cố nén những nỗi đau đang ẩn giấu bên trong, mang đến cảm giác nghẹn ngào, cay đắng và có đôi phần chơ vơ lạc lõng, khi Phan Bội Châu dường như đang phát ra những tiếng than thầm kín cho cuộc đời lắm thăng trầm của mình. Nói về cuộc đời của Phan Bội Châu, quả thực lắm bôn ba vất vả, vốn là người thông minh hiếu học, thông thuộc tứ kinh ngũ thư, là một truyền nhân xuất sắc của nền văn học Nho giáo, Khổng Tử. Tuy nhiên đáng tiếc, đó cũng là lúc nền Hán học ở nước ta suy tàn, Phan Bội Châu hoàn toàn không có đất dụng võ. Với tinh thần yêu nước sâu sắc và giác ngộ cách mạng sớm, Phan Bội Châu từng ủng hộ tham gia khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương nhưng đáng tiếc vì lực lượng non yếu và tổ chức cũ kỹ , phong trào nhanh chóng bị đàn áp. Lúc này đây với tâm tưởng về món nợ công danh, Phan Bội Châu lại quyết tâm làm lại từ đầu, cứu nước bằng một con đường mới – con đường tư bản chủ nghĩa, từ bỏ tất cả những vốn Hán học mấy chục năm, để tìm kiếm một con đường mới, có vẻ nhiều chông gai. Năm 1905, Phan Bội Châu lên đường sang Nhật và trong suốt hơn 10 năm sau đó, ông đã vượt trùng dương sang nhiều nước khác nhau với một lòng hăng say cách mạng, mong muốn giải phóng dân tộc với phận “khách không nhà trong bốn bể”. Tuy nhiên ngay khi sự nghiệp còn dang dở thì ông lại bị bắt, thậm chí bị thực dân Pháp phán án tử vắng mặt, thế nên mới có câu “lại người có tội giữa năm châu”. Thực nghe thập phần chua xót, một lòng vì chính nghĩa nhưng vẫn trở thành kẻ có tội, phải vào chốn ngục tù lao khổ, chịu nhiều mất mát, cay đắng. Tuy nhiên khi thấu đáo hết cuộc đời, xông pha nhiều sương gió của Phan Bội Châu, ta mới hiểu đó không hoàn toàn là tiếng than cho số phận cá nhân, mà thực tế là nỗi đau xót cho thực cảnh của cả một dân tộc phải trải qua quá nhiều những biến động, nhân dân sống cuộc đời lênh đênh, lạc lõng không biết rồi sẽ về đâu. Đến đây ta mới thấy thật rõ tầm vóc của một con người, một vị lãnh tụ, một người chiến sĩ cách mạng có tấm lòng của bậc anh hùng thời thế.

Đọc thêm:  Bài Thơ Mưa Trần Đăng Khoa ❤ Nội Dung, Cảm Nhận

“Bủa tay ôm chặt bồ kinh tếMở miệng cười tan cuộc oán thù”

Đến hai câu thơ 5, 6 giọng thơ lại một lần nữa thay đổi, thoát khỏi cái không khí trầm buồn, dồn nén đau thương, thì đến đây giọng thơ chuyển sang vẻ hào hùng, với lối nói khoa trương, thường được sử dụng trong bút pháp lãng mạn của văn học thiên hướng anh hùng ca. Mà ở đây đối với nhân vật trữ tình, từ một con người nhỏ bé giữa vũ trụ bao la nhưng với lối nói “bủa tay ôm chặt bồ kinh tế/mở miệng cười tan cuộc oán thù” đã đẩy tầm vóc của con người lên đến mức thần thánh, vĩ đại, mang tầm vóc lớn lao sánh ngang với thiên nhiên trời đất. Từ đó bộc lộ rất rõ được khẩu khí, thần thái, ý chí hiên ngang của bậc anh hùng hào kiệt, mà ở trong bất kỳ một nghĩ cảnh nào, thì tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm làm cách mạng vẫn không hề thay đổi, một lòng gắn bó. Đối mặt với những thủ đoạn tàn độc của quân thù, người anh hùng vẫn mạnh mẽ hiên ngang, nở nụ cười tự tin, khinh nhờn, chứ quyết không chịu khuất phục, quỳ gối dẫu rằng phải hy sinh cả tính mạng.

“Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệpBao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu”

Hai câu thơ cuối tức là lời tổng kết của tác giả sau những suy nghĩ, tâm trạng về thực cảnh tù đày của mình. Ở đây một lần nữa ta lại nhận thấy được tinh thần lạc quan, kiên cường của Phan Bội Châu, trước hoàn cảnh khốn khó, ông không hề để tâm đến những vất vả, gian lao, những thủ đoạn ghê gớm của giặc và cả cái chết đang gần tới mình. Mà bản thân ông vẫn một lòng tin tưởng rằng, chỉ cần người còn thì sự nghiệp còn, dẫu mất hết những gì đã dày công xây dựng, nhưng chỉ cần có ý chí và còn sống sót được trở ra thì ta lại làm lại từ đầu. Ông chẳng hề sợ hãi hay nề hà gì trước những hung hiểm đang còn chờ đợi phía trước, có thể nói rằng lý tưởng cứu nước, cứu đời cao đẹp đã mang đến cho người chiến sĩ cách mạng những sức mạnh phi thường, phong thái hiên ngang mạnh mẽ, đứng giữa đời.

Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm hay và đáng chú ý nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của Phan Bội Châu. Không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống giặc mạnh mẽ, cùng với tinh thần kiên cường, lạc quan của người chiến sĩ cách mạng mà nó còn ghi lại một dấu ấn quan trọng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lắm gian truân mà cũng nhiều vẻ vang của Phan Bội Châu.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-anh-nha-cach-mang-yeu-nuoc-qua-bai-tho-vao-nha-nguc-quang-dong-cam-tac-58733n.aspx Bài viết là những phân tích cơ bản về hình tượng của người chiến sĩ cách mạng yêu nước thời kỳ đầu Phan Bội Châu, để tìm hiểu thêm về tác phẩm mời các em tham khảo thêm các bài viết Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu, Thuyết minh về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu, Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, Hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button