Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao

TOP 4 bài Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 cảm nhận rõ hơn về những vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Thao, Nho và Phương Định.

Cả 3 nữ thanh niên xung phong đều mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm, gan dạ, quyết tâm chiến đấu cho tổ quốc. Mời các em cùng tải miễn phí về tham khảo, để có thêm nhiều vốn từ, học thật tốt môn Văn 9.

Dàn ý Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong

1. Mở bài

  • Giới thiệu tác giả Lê Minh Khuê, tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, ba cô gái thanh niên xung phong.

2. Thân bài

a. Khái quát chung:

  • Sáng tác năm 1971- khi cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt, dữ dội.
  • Truyện viết về 3 cô gái thanh niên xung phong làm việc trên một cao điểm của tuyến đường Trường Sơn.

b. Cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong

* Hoàn cảnh sống và chiến đấu:

  • Ba cô gái sống trong một cái hang dưới chân cao điểm.
  • Công việc gian khó, hiểm nguy: đo khối lượng đất đá, phá bom, đánh dấu bom chưa nổ.
  • Khó khăn, gian khổ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời và mộng mơ.

* Vẻ đẹp chung:

  • Trách nhiệm trong công việc: bất cứ khi nào có bom rơi phải lập tức làm việc (sửa lại đường và phá bom chưa nổ) để cho các đoàn xe đi qua.
  • Dũng cảm, gan gạ: làm việc trên cao điểm, bom đạn của địch có thể rơi bất cứ lúc nào, luôn cận kề với cái chết trong những lần rà phá bom.
  • Tình đồng chí, đồng đội sâu sắc: cả ba chị em đều rất yêu thương, gắn bó và chia sẻ với nhau (nhất là khi Nho bị thương trong một lần phá bom).
  • Tâm hồn trong sáng, giàu cảm xúc, mộng mơ: ở mỗi người luôn giữ lại nét con gái với nhiều ước mơ (Phương Định thích hát, chị Thao thích chép bài hát còn Nho thích thêu thùa).

* Vẻ đẹp riêng:

  • Phương Định: là cô gái Hà Nội thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm về gia đình, yêu quý đồng đội, gan dạ, dũng cảm.
  • Thao: người chị lớn tuổi hơn dày dặn kinh nghiệm sống và chiến đấu, dũng cảm nhưng ám ảnh sợ máu.
  • Nho: cô em út trong sáng, mỏng manh, ý chí chiến đấu ngoan cường, coi cái chết nhẹ tựa như không.

3. Kết bài

  • Khẳng định lại giá trị của tác phẩm, tài năng nghệ thuật của tác giả.

Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 1

Tuyến đường Trường Sơn từ lâu đã trở thành tuyến đường huyền thoại và được nhắc đến trong rất nhiều bài hát, rất nhiều tác phẩm văn học. Chẳng hạn như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã kể câu chuyện về anh lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thông qua bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Nói đến tuyến đường Trường Sơn thì sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc tới những cô gái thanh niên xung phong làm công tác mở đường. Câu chuyện mà Lê Minh Khuê đã kể trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi cho chúng ta thấy rõ hơn về những cô gái ấy.

Những ngôi sao xa xôi được Lê Minh Khuya viết vào năm 1971, khi ấy nước ta đang trải qua cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Tác phẩm đã ghi lại một cách chân thực nhất đời sống của các cô gái thanh niên xung phong. Thông qua đó, chúng ta thấy được cuộc chiến tranh kia ác liệt đến nhường nào và những cô gái nhỏ bé mạnh mẽ, gan dạ đến thế nào. Dù sống trong cảnh chiến tranh và phải đối diện với rất nhiều hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn giữ vững được tinh thần lạc quan, hồn nhiên, yêu đời. Họ là đại diện cho một thế hệ thanh niên Việt Nam nhiệt huyết, sôi nổi sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Ba cô gái thanh niên xung phong ở đây là Phương Định, Nho và Thao. Họ là một tổ trinh sát sống và làm việc trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn. Ở nơi ấy, bom rơi đạn lạc đã là chuyện thường tình. Sự sống gần như đã bị hủy diệt vì bom đạn khi mà những thân cây bị tước khô cháy. Đường đi thì lở loét vì bom đạn. Con người sống trong cảnh biết nay không biết mai. Cái chết rình rập họ từng giờ, từng phút một. Thế nhưng, không vì thế mà họ nản lòng. Địch bắn phá ở đâu thì họ đi tới đó. Công việc của các cô gái là phải đo khối lượng đất lấp vào hố bom. Nếu có quả bom nào chưa nổ, họ phải tìm cách cho nó nổ thì mới đảm bảo được an toàn cho những chuyến xe qua. Chúng ta chỉ là những người được nghe kể lại câu chuyện nhưng cũng đủ thấy lạnh gáy vậy mà ba cô gái gan dạ vẫn làm công việc ấy mỗi ngày như là chuyện thường tình.

Trong số 3 cô gái, Phương Định là nhân vật được miêu tả nhiều hơn cả. Tuy nhiên, thông qua nhân vật Phương Định, chúng ta cũng thấy được vẻ đẹp chung của các cô gái. Phương Định cũng như bao cô gái khác có một thời học sinh đầy sôi nổi. Cô thường xuyên nhớ về Hà Nội, nhớ về những kỉ niệm tươi đẹp thời còn đi học. Có thể thấy dù sống trong môi trường ác liệt nhưng cô vẫn giữ được tâm hồn trong sáng, thơ mộng. Chính những kí ức về thời đi học đã làm xoa dịu những căng thẳng của cô trong công việc, giúp cô và các đồng đội của mình vượt qua được những gian truân và hướng về một tương lai tươi sáng hơn.

Điều khiến em cảm thấy mến mộ ở cô gái này là cô ý thức được về ngoại hình của mình. Tuy nhiên, không vì thế mà cô tỏ ra kiêu kì, ngạo mạn. Ngược lại, Phương Định vẫn luôn chan hòa với đồng đội của mình. Với hai đồng đội của mình ở trong tổ trinh sát, cô coi họ như chị em trong nhà, có chuyện gì cũng chia sẻ cùng nhau. Trong công việc, họ hợp tác với nhau ăn ý. Trong đời sống hàng ngày, họ cùng nhau đùa vui hát ca. Ngay cả với những người chiến sĩ cô gặp trên đường làm nhiệm vụ, cô cũng dành cho họ một tình cảm yêu mến đặc biệt.

Đọc thêm:  4 Đề đọc hiểu Đò Lèn (Nguyễn Duy) có đáp án chi tiết

Tuy nhiên, điều khiến em khâm phục hơn cả ở những cô gái thanh niên xung phong này là tinh thần chiến đấu quả cảm vì công việc của họ. Họ làm mà như đang chơi mà chơi với những quả bom thì đâu phải là chuyện đùa. Bom có thể nổ bất cứ lúc nào và họ cũng có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Nếu bom nổ, không chỉ không giữ được tính mạng mà có khi thân xác cũng không được toàn vẹn. Thế nhưng vì Tổ quốc, họ dám chấp nhận hy sinh. Mặc dù công việc gỡ bom khiến cho thần kinh luôn phải căng thẳng nhưng các cô gái vẫn bình tĩnh và xử lý một cách đầy ung dung như thể họ có tài điều khiển bom vậy. Nhờ họ mà biết bao chuyến xe qua trong an toàn, những con người xa lạ nhìn thấy nhau mà vẫy tay chào như là thân quen từ lâu lắm.

Có thể thấy, các chị có một tâm hồn thật đẹp. Trước cái chung của đất nước, họ đã dẹp cái riêng sang một bên. Tuy không sống trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh nhưng thông qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi và thông qua ba nữ thanh niên xung phong, chúng ta như được sống lại không khí hào hùng của dân tộc khi mà cả nước đang sục sôi đánh Mĩ.

Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 2

“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê – một trong những truyện ngắn hay và tiêu biểu nhất nói về thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu của ba cô gái trong một tổ trinh sát phá bom ở một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Ba nữ thanh niên xung phong Phương Định, Thao, Nho cũng là những đại diện tiêu biểu nhất của thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Ba nữ thanh niên xung phong: Phương Định, Thao, Nho đã làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, họ đều là những người con gái còn rất trẻ. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom của địch gây ra cản trở đường giao thông đi lại, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và tìm cách phá bom. Họ ở nơi cao điểm nên là nơi tập trung bom đạn và nhiều sự nguy hiểm nhất, không những thế công việc của họ lại càng đặc biệt nguy hiểm. Máy bay địch luôn lảng vảng thăm dò ở trên và có thể thả bom bất cứ lúc nào, họ vẫn phải chạy đi chạy lại ngoài đường ngay giữa ban ngày. Sau mỗi trận bom, họ phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào bới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Phá bom đâu phải đơn giản, công việc đó như là đối đầu với thần chết, chỉ trong gang tấc thôi có thể mất đi tính mạng, nếu không có một tinh thần thép cùng sự bình tĩnh và dũng cảm kiên cường thì không thể làm được. Tuy nhiên với cả ba cô gái, công việc ấy đã trở thành công việc thường ngày – diễn ra hàng ngày thậm chí mấy lần trong một ngày, số lần họ rà phá bom là số lần họ đối mặt với thần chết chỉ trong gang tấc.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt và nguy hiểm nơi chiến trường ấy, ta tưởng như các cô gái sẽ hoàn toàn bị vùi dập, mệt mỏi và chán nản. Nhưng không, cuộc sống của họ có mùi của bom đạn khét mù nhưng vẫn có màu hồng, màu hồng của những niềm vui hồn nhiên, những lúc nghỉ ngơi thanh thản, nghĩ về ước mơ, hoài bão. Hơn thế hoàn cảnh càng nhắc nhở họ phải đoàn kết, gắn bó và sát cánh bên nhau cùng sống, cùng hoàn thành nhiệm vụ. Là những cô gái còn rất trẻ, cá tính và hoàn cảnh riêng không giống nhau nhưng ở họ đều có những phẩm chất chung của những chiến sĩ thanh niên xung phong ở chiến trường: đó là tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, là lòng dũng cảm không sợ gian khổ hy sinh, tình đồng đội luôn gắn bó. Ở họ còn có những nét chung của các cô gái trẻ: Hay mơ mộng, nhạy cảm và ôm nhiều cảm xúc, ấp ủ nhiều ước mơ. Cả ba đều giữ lại những nét cá tính con gái của mình mặc cho hoàn cảnh sống và chiến đầu giữa chiến trường, bom đạn vẫn là nơi họ vẽ ra khoảng trời riêng của mình. Nho “hoa tay” chẳng có nhưng cứ rảnh lại ngồi thêu thùa, chị Thao hát chẳng sai lời thì cũng sai tông sai nhạc ấy vậy mà lại cặm cụi ngồi chép lời bài hát vào sổ tay. Còn Phương Định, nàng thơ của Hà Nội rất mộng mơ hay ngồi hát vu vơ, thường đứng trước gương rồi ngắm chính bản thân mình.

Cả ba cô gái cùng sống với nhau như ba chị em gái trong gia đình, mặc dù rất gắn bó với nhau nhưng vẫn khác nhau về tính nết, tính cách. Đầu tiên là nhân vật Phương Định – chính là người kể truyện, Định vốn là cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư giữa gia đình và thành phố của mình. Là con gái Hà Nội vào chiến trường, kỉ niệm thanh bình trước chiến tranh ở Hà Nội luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường, nó vừa là niềm khao khát, vừa là dòng nước mát làm dịu tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường. Phương Định thích hát “Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát…”, cô yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị mình, dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ cô đã gặp trên con đường vào mặt trận.

Đặc biệt, trong lần phá bom ở cuối bài, tác giả đã dành phần lớn để diễn tả tâm lí của Phương Định, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ, hiện lên một thế giới nội tâm phong phú nhưng trong sáng, không phức tạp. Thứ hai là nhân vật chị Thao, là người chị lớn tuổi hơn trong số ba cô gái, chị Thao ít nhiều cũng đã có sự từng trải, vậy nên trong con người chị không dễ dàng hồn nhiên, mơ mộng, chị khác nhiều so với cái tuổi trẻ bồng bột ban đầu mà đã trưởng thành hơn cả về suy nghĩ và dự định tương lai, tuy nhiên vẫn không mất đi những rung động và khao khát, hoài bão của tuổi trẻ. Chị gan dạ và dũng cảm lắm nhưng có lẽ vì lý do tâm lí nào đó mà chị rất sợ nhìn thấy máu, có lẽ đó cũng là điểm yếu duy nhất của chị. Cuối cùng là nhân vật Nho – như là cô em út trong gia đình ba chị em gái, Nho bé người, mảnh khảnh, không khéo tay nhưng lại thích thêu thùa, cô thường hay nhớ về quê nhà nhất là khi nhận được lá thư của một người bạn. Nho là cô gái giàu tình cảm, luôn lo lắng và suy nghĩ cho người khác, khi thấy hai người kia lên cao điểm mãi chưa về cô sốt ruột bồn chồn. Trong con người vóc dáng nhỏ bé, mỏng manh ấy lại có tinh thần chiến đấu luôn sẵn sàng, trên người có vô số vết thương to nhỏ nhưng quyết không nằm trong quân y, muốn chạy trên cao điểm phá bom cùng đồng đội. Trong lần phá bom ở cuối truyện, ta thấy Nho bị thương, quả bom phát nó làm hầm của cô sập xuống, cô bị vùi trong đất, mệt lả “Máu túa ra từ cánh tay Nho, túa ra, ngấm vào đất… Da xanh đi, mắt nhắm nghiền,quần áo đầy bụi” nhưng vẫn đùa vui coi như bị xúi quẩy, coi cái chết nhẹ tựa như không.

Đọc thêm:  Điểm chuẩn, Học phí, Chỉ tiêu Đại học Công Nghệ (HUTECH) TP

Bằng cách sử dụng hệ thống ngôn ngữ, cả lời trần thuật và đối thoại, linh hoạt, tự nhiên và đậm chất trẻ trung, tác giả Lê Minh Khuê đã tạo nên một sức hấp dẫn ở truyện ngắn ở chính ba cô gái thanh niên xung phong. Cuộc sống chiến đấu cùng tâm lí, tình cảm và suy nghĩ của ba cô gái đại diện cho thế hệ trẻ trên tuyến đường Trường Sơn, tuy có không ít những mất mát, éo le nhưng lại thể hiện được chủ nghĩa anh hùng, vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh yêu nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập tự do của dân tộc.

Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 3

Trong bài thơ “Khoảng trời hố bom” có đoạn:Truyện kể về em người con gái anh hùngĐể cứu con đường đêm ấy khỏi bi thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trậnEm đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửaĐánh lạc hướng thì em hứng lấy luồng bom”.

Câu thơ vang lên như một lời kể chuyện, kể về những cô gái thanh niên xung phong trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Những người con gái đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc ấy đã cũng đã từng xuất hiện trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” với nhiều vẻ đẹp chung đáng quý, đáng trân trọng.

Hơn nữa, trong màn sương khói của bom đạn, ta còn thấy ở những cô gái ấy tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn. Công việc hàng ngày biết bao hiểm nguy, tử thần. Bởi thế, khi trực điện thoại trong hang, Phương Định đã vô cùng lo lắng cho đồng đội của mình “Có gì lý thú đâu nếu đồng đội tôi không quay trở về” – Cô nghĩ. Và ngay khi Nho bị thương, chị Thao phát hiện ra: “Mắt mờ trắng đi” bộc lộ rõ sự lo sợ, bàng hoàng. Về tới hang, chị Thao nhắc Phương Định pha đặc đường vào sữa cho Nho, đứng ngồi không yên. Trong giây phút ấy, những cử chỉ chăm sóc, lo lắng cho Thao, Phương Định dành cho Nho đã làm ấm lòng người đọc. Tình đồng chí không chỉ thể hiện qua ba cô gái mà còn thể hiện qua mối quan hệ gắn kết giữa Thao, Phương Định, Nho với các anh cao xạ. Tình đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh ấy là động lực to lớn cho họ làm nên kỳ tích.

Cuối cùng, ba cô gái đẹp ở vẻ hồn nhiên, lạc quan, yêu đời giàu nữ tính. Cả ba đều thích làm đẹp. Họ thích hát “tiếng hát át tiếng bom”. Họ cũng biết chăm chút cho vẻ bề ngoài. những cô gái ấy còn có thời gian cho những việc tắm suối, chép bài hát khi im tiếng súng. Có thể nói Lê Minh Khuê đã thành công với việc khắc họa hình ảnh cô gái thanh niên xung phong với nghệ thuật đặc sắc. Hình ảnh ấy còn mãi trong lòng người đọc.

Gấp lại trang truyện “Những ngôi sao xa xôi” Hình ảnh ba cô gái còn để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng đẹp. Từ đó, thế hệ thanh niên Việt Nam kế thừa và phát huy. Qua quá trình miêu tả ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” ta thấy được nghệ thuật miêu tả nhân vật bậc thầy của Lê Minh Khuê.

Cảm nhận vẻ đẹp 3 cô gái thanh niên xung phong

Đầu tiên ta cảm nhận về vẻ đẹp trong tầm hồn của ba nhân vật nữ thanh niên xung phong, Họ gồm có ba người, hai cô gái rất trẻ là Phương Định và Nho, còn tổ trưởng lớn tuổi hơn một chút là chị Thao. Có lẽ ở ba con người này có rất nhiều điểm chung, trước hết là họ ở cùng một chỗ “một hang dưới chân cao điểm”. Đây là một nơi rất nguy hiểm vì ở một cao điểm, lại giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn ra trận, ở đó có rất nhiều khó khăn và các cuộc chiến đấu ác liệt nhất. Thậm chí nơi ở của họ cũng ác liệt. Đường bị đánh lở loét màu đất đỏ, trắng lẫn lộn vào nhau, đó là chưa kể cây không thể sống được, “hai bên đường không có lá xanh và những rễ cây nằm lăn lóc”. Cuộc sống ở đây thật ác liệt, mọi thứ đều bị tàn phá. Vậy mà công việc của ba cô gái lại diễn ra ở đây. Họ làm công việc được gọi chung là tổ trinh sát mặt đường, còn cụ thể ra là hàng ngày “khi có bom nổ thì chạy đến, đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Công việc cũng chẳng đơn giản chút nào luôn phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, luôn phải đối diện với tử thần khi máy bay địch đến hay khi phá những quả bom nổ chậm ở nơi kẻ địch hay ném bom đánh phá. Nhưng với ba cô gái công việc này rất bình thường, nhiều khi bị bom vùi luôn cũng nhiều khi chỉ thấy hai con mắt lấp lánh trên khuôn mặt lem luốc. Với chúng ta họ là những cô gái dũng cảm, bình tĩnh khi “thần kinh căng như chão, chân chạy mà biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ”.

Đọc thêm:  Ngành giáo dục đạt mục tiêu kép trong năm học 2020-2021, vừa

Giữa muôn vàn hiểm nguy của công việc, họ vẫn luôn tìm được niềm vui, một cái thú dù đầy nguy hiểm từ cái thú này. Cả ba cô gái đều là con gái Hà Nội, quen sống trong hạnh phúc của gia đình bạn bè. Giờ đây họ quen với cuộc sống chiến trường, có tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ dù quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô nhưng họ không sợ mà sẽ đường hoàng bước tới, dù sự hi sinh luôn rình rập họ nhưng với lòng dũng cảm, họ đã vượt qua. Dù phá bom nổ chậm là công việc cực kì nguy hiểm nhưng họ “Quen rồi! Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít ba lần. Họ đã luôn dũng cảm vượt qua sự đe doạ của tử thần đề cống hiến cho Tổ quốc. Đặc biệt ở họ có tinh thần gắn bó giữa đồng đội. Họ luôn quan tâm, lo lắng đến nhau, nhất là khi Nho bị thương do “quả bom tung lên và nổ trên không. Hầm nước bị sập”. Định bông bâng lại cho Nho còn chị Thao vì sợ máu nên chỉ dám đứng ở cửa hang nhưng cứ đi đi lại lại. Và nhìn chung, họ đều rất trẻ và rất dễ xúc động, họ còn nhiều mơ mộng, mơ ước. Là phụ nữ nên họ đều rất thích làm đẹp cho cuộc sống của mình. Với Nho, cô rất thích thêu thùa. Chị Thao “giọng thì chua, chị không hát trôi chảy được bài nào” nhưng chị lại có ba quyển sổ dày chép bài hát.

Còn Phương Định tự đánh giá khiêm tốn mình khá vì vậy cô thích ngắm mình trong gương và bó gối mơ mộng hay ngồi hát một mình. Bên cạnh những nét chung ta thấy mỗi người có cá tính riêng, Mỗi người một tính càng làm phong phú đời sống của họ và từ đó càng làm rõ ý chí chiến đấu, tinh thần đoàn kết của họ. Dù họ mỗi người một cá tính riêng nhưng khi chiến đấu họ vẫn luôn sát cánh cùng nhau, hiểu nhau. Chị Thao nhiều tuổi hơn một chút nên có vẻ từng trải hơn, chị không dễ dàng hồn nhiên như Nho và Định. Chị ước mơ về tương lai thiết thực hơn. Nhưng chị vốn có những tình cảm riêng và chị thích chép sổ hát dù vẫn biết mình hát dở, giọng thì chưa hay “chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm”. Chị có những khát khao của tuổi trẻ, trong công việc chị rất “cương quyết, táo bạo” mặc dù vậy “thấy máu thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét”. Chị Thao tuy rất anh dũng trong công việc nhưng lại sợ những điều bình thường trong cuộc sống.

Đặc biệt, vẻ đẹp phẩm chất của ba cô gái được thể hiện lớn nhất qua Phương Định. Cô là một cô gái Hà Nội, vì yêu Tổ quốc nên đã vào chiến trường. Trong những ngày chiến tranh ác liệt này cô luôn nhớ lại và chỉ mong được trở lại và sống trong hoà bình, yên ả, nó luôn tạo một khoảng yên ả, trầm tư trong lòng Định giữa những cơn căng thẳng, quyết liệt của chiến tranh. Cô đã vào chiến trường ba năm, đã quen với những thử thách nơi đây, quen với những nguy hiểm mà ngày ngày cô phải đối mặt, những khốc liệt của chiến trường nhưng cô vẫn giữ những ước mơ hồn nhiên về tương lai, những ước mơ hồn nhiên trong sáng. Phương Định là người hay mơ mộng “Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát”, mê hát và vô tư, đôi khi bò ra mà cười một mình”. Cũng như chị Thao, cô rất yêu mến những người đồng đội, đặc biệt cô dành tình yêu vì lòng cảm phục cho những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ. Thú vị hơn cách cô tư đánh giá về mình: “Nói một cách khiêm tốn tôi là một cô gái khá”. Tâm trạng của Định được miêu tả cụ thể, sinh động.

Bên cạnh đó nghệ thuật trong truyện cũng thành công. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, tác giả đã để nhân vật xưng “tôi” nói về mình, về những đồng đội, câu chuyện xung quanh công việc của mình. Đầu tiên tác giả đã để Phương Định xưng “tôi” kể câu chuyện “Chúng tôi có ba người. Ba cô gái”, Việc lựa chọn ngôi kể càng làm cho việc kể thuận lợi, vừa miêu tả, vừa bộc lộ cảm xúc suy nghĩ của nhân vật. Khi nhân vật tôi là Phương Đinh tự nói chuyện, kể chuyện của mình cho chúng ta thấy rõ công việc của họ là thế nào “quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do địch gây ra, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom”. Việc miêu tả cho thấy mức độ nguy hiểm của công việc này nhưng bên cạnh đó cái mà các ngôi kể khác không đạt được là nội tâm, là tâm trạng của các cô khi làm một công việc. “Việc nào cũng có cái thú của nó”. Họ không lùi bước mà luôn tiến lên, luôn sát cánh vì Tổ quốc. Đặc biệt, truyện ngắn này có ngôn ngữ giọng điệu phù hợp với tình hình chiến đấu đang diễn ra ác liệt “Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác, Đất nóng”. Các câu này rất phù hợp với các nhân vật sống hồn nhiên, thoải mái, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và phù hợp với tính cách của người kể chuyện có tính cách lạc quan, vui vẻ. “Định ở nhà. Lần này nó bỏ ít, hai đứa đi cũng đủ”. Nhờ vậy truyện cho người đọc thấy được sự tự nhiên thoải mái, trẻ trung nhưng cũng đầy chất nữ tính.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đã thể hiện về những cô gái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tinh thần lạc quan, yêu đời. Truyện viết về đề tài chiến tranh, tuy có những chi tiết viết về bom đạn, chiến đấu., nhưng chủ yếu hướng nhiều vào nội tâm, hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam qua nghệ thuật của truyện. Qua đó cho ta thấy được vẻ đẹp xưa của các nữ thanh niên xung phong nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, những người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.”

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button