Bài văn Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn

Đề bài: Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn trích Người lái đò sông Đà

phan tich hinh anh thien nhien va con nguoi trong doan trich nguoi lai do song da

Dàn ý, văn mẫu phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn trích Người lái đò sông Đà

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn trích Người lái đò sông Đà

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.- Giới thiệu vấn đề cần phân tích.

>> Xem thêm 5 cách viết mở bài tùy bút người lái đò sông Đà tại đây

2. Thân bài

a. Hình tượng con sông Đà:

* Sự hùng vĩ, dữ dội:– Hình ảnh rất ấn tượng ở khúc thượng nguồn “cảnh đá bờ sông dựng vách thành”, “đúng ngọ mới có mặt trời”, “chẹt lòng sông như yết hầu”, “con nai con hổ đã có lần vọt qua bờ bên kia”, …- Âm thanh ghê gớm:+ Quãng mặt ghềnh Hát Loóng “cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”.+ Quãng Tà Mường Vát dưới Sơn La nước “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”, chỗ lại “nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”.

– Những cái hút nước:+ “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”.+ Mang trong mình những vẻ đẹp độc đáo mỹ lệ và trong trẻo, tuy nhiên với sự chuyển động mạnh mẽ và cái cá tính của con sông thì đây lại là những cạm bẫy kinh hoàng.- Nham hiểm, xảo quyệt, đã thông thạo nhiều món dàn trận, xếp bẫy, và chỉ đợi những con mồi xấu số, ngu muội lao vào.+ Lũ đá mang diện mạo “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó”, đứng nằm ngồi trải khắp cả mặt sông.+ Dùng binh pháp của “thần sông thần đá” bày ra cái “trùng vi thạch trận” với tận ba ải ngõ đầy hung hiểm, ải sau so với ải trước cửa từ nhiều hơn cửa sinh, đường sống ngặt nghèo, chín luồng chết, một luồng sống, thách thức tất cả những người lái đò trên sông này.

* Vẻ đẹp thật thơ mộng, trữ tình:– Trên trời cao nhìn xuống nó ngoằn ngoèo uốn lượn như một sợi dây thừng dài dằng dặc nối liền cả dải đất Tây Bắc.- Nhìn gần hơn, sông Đà lại mang điệu bộ, dáng vẻ của một mỹ nhân có tiếng quyến rũ, hấp dẫn với dòng chảy.- Vẻ đẹp phong phú, rực rỡ sắc màu theo từng mùa trong năm.

b. Hình tượng con người:

* Diện mạo, tính cách:– Đó là một ông lão đã ở cái tầm tuổi thất thập cổ lai hy, không tên, không tuổi, hàng ngày phải vất vả lao động mưu sinh để kiếm sống trên dòng sông dữ dội, nham hiểm.- Vẻ ngoài mang đậm hơi thở của con người gắn bó với miền rừng sông nước, đầy khắc khổ .- Đối với ông lão việc chèo đò dọc sông Đà không phải đơn thuần chỉ là vì miếng cơm manh áo mà dường như nó đã trở thành đam mê, là ham muốn chinh phục mãnh liệt.- Ông lão đã nhiều lần dọc ngang trên sông Đà đến cả hàng trăm lần, trong đó phải có đến tận 60 lần cầm lái chính.- Sông Đà đã để lại trên người ông nhiều vết “củ nâu” mà Nguyễn Tuân đã dí dỏm ví đó là “những huân chương lao động siêu hạng” ghi dấu những lần chinh chiến dũng cảm của ông lão trên chiến trường sông nước.

* Vẻ đẹp trong lao động của ông lão trong quá trình chinh phục sông nước:– Ông lão hiện lên là một nhân vật nghệ sĩ, rất nghiêm túc và tỉ mẩn với công việc của mình bằng tất cả mọi đam mê, bằng cả cuộc đời.- Là một vị tướng, một chiến thần giỏi binh pháp, biết người biết ta trăm trận trăm thắng.+ Ông lão tự tin đã nắm chắc, thuộc làu những binh pháp của “thần sông thần đá” “thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải này”.+ Đau đớn “mặt méo bệch đi” thế nhưng ông vẫn “cố nén vết thương, hai chân kẹp chặt lấy cuống lái”, “lên tiếng chỉ huy ngắn gọn” cho những người lái phụ nhanh chóng vượt qua ải thứ nhất, thẳng tiến vào ải thứ hai.+ Càng về những ải sau tình thế càng trở nên ngặt nghèo, cửa sinh nhiều hơn cửa tử thế nhưng ông lão vốn là một tay lão luyện, lại can trường. Thành thử ông luôn chọn chính xác chỗ nào là cửa sinh rồi cứ thế ghì tay lái thật chắc vọt vào, vượt qua tất cả những sự mai phục và cuồng nộ của con sông rồi trôi xuống vùng hạ lưu hiền hòa.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung. Các em có thể tham khảo Kết bài người lái đò sông đà nếu như bí ý tưởng, chưa biết nên viết kết bài thế nào nhé.

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn trích Người lái đò sông Đà

Mẹo Phương pháp phân tích đoạn văn, đoạn thơ hay, sáng tạo

Nguyễn Tuân (1910-1987), là một trong những cây bút xuất sắc và nổi bật nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại với số lượng tác phẩm lớn và có giá trị, in sâu vào lòng người bởi phong cách uyên bác, độc đáo và tài hoa. Nguyễn Tuân là người đi theo “chủ nghĩa xê dịch” sau cách mạng tháng tám trước những biến chuyển tích cực của đất nước, Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn đi tiên phong về các vùng trời khác nhau của Tổ quốc, thoát ra khỏi Hà Nội chật hẹp để tìm cho mình những cảm hứng sáng tác riêng, cảm nhận được hết vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước và con người. Một trong những tác phẩm nổi bật và thành công nhất sau những chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân ấy là Tùy bút Sông Đà. Mà chỉ trong một đoạn trích ngắn của tác phẩm mang tên Người lái đò sông Đà ta đã thấy được cái ngòi bút trác tuyệt của tác giả, khi hình ảnh thiên nhiên và con người được ông cảm nhận một cách tinh tế, những hình ảnh giàu chất tạo hình, sống động nhiều màu sắc, có sự kết hợp độc đáo giữa chất điêu khắc, hội họa và điện ảnh trong cùng một chủ thể.

Đọc thêm:  4 Bài văn Tả cây quất tuyển chọn, hay, đặc sắc - Thủ thuật

Trong đoạn trích hình ảnh sông Đà hiện lên rất ấn tượng, đầu tiên là ở lời đề từ thi vị “Chúng thủy giai đông tẩu, đà giang độc bắc lưu. Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”. Gợi ra những hình dung chung nhất về một dòng sông ở miền rừng phía Bắc, thứ nhất là dòng chảy khác lạ, trong khi tất cả những dòng sông trên đất Việt đều đổ về hướng đông, thì riêng mình sông Đà lại chọn chảy về hướng Tây, độc lai độc vãng. Sự khác biệt ấy của dòng sông có lẽ đã đem đến trong lòng tác giả nhiều xúc cảm, bởi Nguyễn Tuân cũng là một tác giả với ngòi bút độc lạ, không hề giống với bất kỳ một ai khác trên văn đàn Việt Nam. Chính vì vậy khi cảm nhận và quan sát dòng sông Nguyễn Tuân đã nhìn ra được nhiều điều mới mẻ, dòng sông Đà không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội đậm tính hoang sơ của miền rừng Tây Bắc mà nó còn mang trong mình những vẻ đẹp thơ mộng trữ tình hiếm có, thế nên mượn câu thơ “đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” của một tác giả nước ngoài để bộc lộ điều này là hoàn toàn hợp lý.

Trước hết đến với vẻ hoang sơ, dữ dội, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân sông Đà giống như là một sinh thể có sức sống và có những nét cá tính mạnh mẽ. Đem đến cho người đọc những hình ảnh rất ấn tượng ở khúc thượng nguồn “cảnh đá bờ sông dựng vách thành”, “đúng ngọ mới có mặt trời”, “chẹt lòng sông như yết hầu”, “con nai con hổ đã có lần vọt qua bờ bên kia”, dẫu “đang mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh”. Sông Đà đoạn này mang một dáng vẻ bí hiểm, thâm sâu khó lường, có cảm giác dường như nó đang dùng ánh mắt lạnh lùng quan sát và ấp ủ một âm mưu ghê gớm nào đó, tạo ra những áp lực vô hình với những người và thuyền bè ghé ngang. Bên cạnh những hình ảnh hoang sơ, kỳ vĩ sông Đà còn hiện lên thông qua những thứ âm thanh ghê gớm, mà mỗi một quãng sông nó lại thay đổi âm sắc, khiến người ta không khỏi kiêng dè và sợ hãi. Ví như quãng mặt ghềnh Hát Loóng là cảnh dòng sông “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Tiếng “gùn ghè” khủng khiếp ấy giống như dáng bộ nhe nanh múa vuốt đe dọa của một loài thủy quái đang ở thế hầm hè, sẵn sàng lao vào xé xác con mồi bất cứ lúc nào. Rồi ở quãng Tà Mường Vát dưới Sơn La thì lại có những cái hút nước sâu hoắm, nước rót vào đấy “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”, hung hiểm vạn phần. Hoặc có khúc nghe đầy quái dị, ớn lạnh với thanh âm “nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”, khiến những kẻ chèo thuyền qua đây thêm phần sợ hãi, cảnh giác hơn gấp bội phần. Cuối cùng đến chỗ dòng sông đổ thác, người ta tưởng tưởng nó giống như một loài quái thú đang cố phá xiềng xích và quằn quại trong những cơn cuồng nộ và đau đớn hay chưng, nước chỗ ấy có những tiếng “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa như nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…”. Tuy là tiếng nước chảy ghê gớm, thế nhưng Nguyễn Tuân lại dùng sự ghê gớm bùng nổ của lửa để hình dung, có cái gì đó tuy ngược ngạo, thế nhưng nó lại diễn tả rất đúng với cái dáng vẻ giận dữ, hung bạo và nóng nảy của con sông, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc. Từ những âm thanh mà Nguyễn Tuân đã vắt óc dùng hết những vốn từ tài hoa, độc đáo nhất, ta thấy dòng sông hiện lên với dáng vẻ của một con thủy quái khổng lồ, dường như nó đã bị phong ấn ở vùng rừng Tây Bắc này tới hàng ngàn năm nay, thành thử ra nó trở nên lồng lộn và ngứa mắt tất cả những kẻ nào có vẻ tự do thích bơi thuyền ngược ngạo qua trước mặt nó. Có lẽ rằng nó cảm thấy đó là một sự trêu ngươi, hoặc nó đói mồi nên muốn bắt tất cả những thuyền bè qua đây cho thỏa mãn cơn đói khát chẳng hạn.

Bên cạnh những hình ảnh và những âm thanh dữ dội ghê gớm, thì sông Đà còn có một đặc sản thú vị và cũng là nỗi sợ của hầu hết những người lái đò trên sông ấy chính là những cái hút nước huyền thoại. Bằng đôi mắt của một họa sĩ tài năng và một nhà quay phim điện ảnh, những cái hút nước trong tùy bút của Nguyễn Tuân hiện lên với những liên tưởng độc đáo và phong phú. Nó “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, nhưng đó là một cái giếng đặc biệt “mặt giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh”, ở giữa dòng sông nó tựa như một “Cốc pha lê nước khổng lồ”, mà “Từ đáy hút nước nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải”,… Rõ ràng rằng những cái hút nước vào trong văn của Nguyễn Tuân trước tiên là mang trong mình những vẻ đẹp độc đáo mỹ lệ và trong trẻo, tuy nhiên với sự chuyển động mạnh mẽ và cái cá tính của con sông thì đây lại là những cạm bẫy kinh hoàng. Mà đối với những kẻ non tay không khéo sẽ tan xác ở chỗ này mất thôi. Còn bản thân Nguyễn Tuân vốn đã sống một đời ngược ngạo, lại thêm cái máu nghệ sĩ trong người, thành thử ra ông còn tưởng tượng ra cả cái viễn cảnh hung hiểm khi có một anh nhếp ảnh nào đó ngồi thuyền thúng rồi cho cả mình cả thuyền, cả máy ảnh rơi vào cái xoáy nước và bắt trọn được những thước phim vô giá về cái khoảnh khắc xoay tít như cái gậy đánh phèn. Đọc đến nó mới cảm thấy thật nể phục cái tài năng tưởng tượng, vận dụng ngôn từ linh hoạt và tính táo bạo bất ngờ của Nguyễn Tuân.

Đọc thêm:  Tập làm văn lớp 5: Kể lại một buổi sinh hoạt lớp em - Download.vn

Nhưng sông Đà không chỉ mang dáng vẻ của một kẻ dũng sĩ vô mưu, chỉ có sức mạnh cơ bắp, tính khí nóng nảy, giận lẫy hay khoe những cái hút nước để phô trương thanh thế. Mà nó còn hiện lên với dáng vẻ của một kẻ nham hiểm, xảo quyệt, đã thông thạo nhiều món dàn trận, xếp bẫy, và chỉ đợi những con mồi xấu số, ngu muội lao vào. Một con sông già đời lọc lõi, đã chu du mãi ở những miền đất lạ cả ngàn năm nay, rồi đến chỗ Mường Tè, Lai Châu xin nhập tịch, thì không thể là một kẻ non tơ hiền hòa cho được. Mà có lẽ nó đã học ở nền văn hóa nước bạn bao nhiêu là binh pháp Tôn Tử, rồi mang về lãnh thổ Việt Nam trình diễn. Quân lính, tay sai của sông Đà chính là lũ đá mang diện mạo “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó”, đứng nằm ngồi trải khắp cả mặt sông. Chúng đã dàn bày trận địa như thế đến cả ngàn năm nay, mai phục với đủ kiểu dáng vẻ, đứa thì đòi đánh giáp lá cà, đứa thì tỏ vẻ thờ ơ, đứa lại chỉ dàn hàng ngang nhìn có vẻ đơn giản nhưng bất kể thuyền bè nào đi qua đây mà sơ hở thì biết tay chúng nó ngay. Thậm chí ghê gớm hơn sông Đà còn dùng binh pháp của “thần sông thần đá” bày ra cái “trùng vi thạch trận” với tận ba ải ngõ đầy hung hiểm, ải sau so với ải trước cửa từ nhiều hơn cửa sinh, đường sống ngặt nghèo, chín luồng chết, một luồng sống, thách thức tất cả những người lái đò trên sông này. Chẳng hiểu sông Đà đương giận dữ vì mối thù truyền kiếp nào với con người nơi đây hay chỉ đơn giản vì nó đã hung bạo từ thuở sơ khai mà lại có dáng vẻ nham hiểm, xảo trá đến vậy nữa.

Tuy nhiên sông Đà nóng tính, cuồng nộ cũng trở nên hiền hòa khi đã về đến vùng hạ lưu sông. Ở đây dòng sông bỗng phô ra những vẻ đẹp thật thơ mộng, trữ tình làm rung động những trái tim của nhiều nghệ sĩ trong đó có Nguyễn Tuân. Trên trời cao nhìn xuống nó ngoằn ngoèo uốn lượn như một sợi dây thừng dài dằng dặc nối liền cả dải đất Tây Bắc. Nhìn gần hơn, sông Đà lại mang điệu bộ, dáng vẻ của một mỹ nhân có tiếng quyến rũ, hấp dẫn với dòng chảy “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa Ban, hoa Gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Ấy rồi lại cũng hiện lên với những vẻ đẹp phong phú, rực rỡ sắc màu theo từng mùa trong năm “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô”, còn “Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Nguyễn Tuân có sự đồng cảm sâu sắc với dòng sông thế nên ông còn có cảm giác như gặp lại cố nhân, một người bạn cũ không biết từ thuở nào với cảm tưởng về một “màu nắng tháng ba Đường thi”, trong câu thơ nổi tiếng “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” của Lý Bạch. Rồi đôi lúc lại âu yếm nhớ thương như “một người tình không quen biết” với những bãi biển nương dâu, ruộng ngô, đàn hươu,… nhiều xúc cảm.

Cùng với hình ảnh thiên nhiên hung bạo, hùng vĩ thì hình ảnh người lái đò trên sông lại càng trở nên nổi bật và hấp dẫn. Có lẽ rằng người ta sẽ dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh của một người thanh niên trai tráng, cơ bắp cuồn cuộn, sức vóc dồi dào tay nắm chặt mái chèo giống như một hiệp sĩ anh hùng giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Thế nhưng con người trong tùy bút của Nguyễn Tuân không có những vẻ đẹp nổi bật kiểu hào nhoáng như thế, tác giả tập trung vào một ông lái đò người được xem là “chất vàng mười của Tây Bắc”. Đó là một ông lão đã ở cái tầm tuổi thất thập cổ lai hy, không tên, không tuổi, hàng ngày phải vất vả lao động mưu sinh để kiếm sống trên dòng sông dữ dội, nham hiểm. Ông có một cái vẻ ngoài mang đậm hơi thở của con người gắn bó với miền rừng sông nước, đầy khắc khổ với đôi “tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,…”. Thế nhưng từ cái dáng điệu bình thường lam lũ ấy, Nguyễn Tuân đã tinh tế khai thác được nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người ông, đó là sự tài hoa nghệ thuật trong lao động và vẻ đẹp của một người anh hùng trong công cuộc chiến đấu, chinh phục thiên nhiên để giành giật miếng cơm manh áo. Đối với ông lão việc chèo đò dọc sông Đà không phải đơn thuần chỉ là vì miếng cơm manh áo mà dường như nó đã trở thành đam mê, là ham muốn chinh phục mãnh liệt để thỏa mãn cái lòng hiếu chiến, đam mê đối với thứ nghề nghiệp lắm mạo hiểm này của mình. Ông lão là một con người liều lĩnh, dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dường như những sự khó khăn, hung hiểm của con sông lại càng kích thích tinh thần chiến đấu trong ông.Người ta cố tránh đi những cái hung hiểm trong cuộc đời thế nhưng với ông lão thì ngược lại, ông thành thực tỏ bày rằng: “Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ”, ông ưa thích cảm giác mạo hiểm, gay cấn trên sông nước hơn cả. Chính vì vậy trong suốt cả cuộc đời mình ông lão đã nhiều lần dọc ngang trên sông Đà đến cả hàng trăm lần, trong đó phải có đến tận 60 lần cầm lái chính. Và dĩ nhiên rằng mỗi chuyến đi luôn là những trải nghiệm đáng giá mà đôi khi ông lão phải đánh đổi bằng mồ hôi và sức khỏe. Sông Đà đã để lại trên người ông nhiều vết “củ nâu” mà Nguyễn Tuân đã dí dỏm ví đó là “những huân chương lao động siêu hạng” ghi dấu những lần chinh chiến dũng cảm của ông lão trên chiến trường sông nước. Để đến ngày hôm nay nhờ sự xông xáo nhiều lần, ông lão ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn mạnh mẽ can trường như một vị chiến thần nhiều công trạng, đồng thời cũng đạt đến cái bậc thượng thừa của một nghệ sĩ trong công cuộc chiến đấu và lao động của mình.

Đọc thêm:  Dàn ý phân tích vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu - Thủ thuật

Vẻ đẹp trong lao động của ông lão, chất vàng mười Tây Bắc càng được thể hiện rõ khi Nguyễn Tuân đi vào miêu tả lại quá trình chinh phục sông nước của ông lão lái đò. Tác giả ví “cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa của một kẻ thù số một”. Trước những khó khăn và vất vả như vậy, ông lão hiện lên là một nhân vật nghệ sĩ, rất nghiêm túc và tỉ mẩn với công việc của mình bằng tất cả mọi đam mê, bằng cả cuộc đời. Con sông Đà trong lòng ông lão giống như một bản trường ca rừng già vĩ đại mà người nghệ sĩ đã dùng phần lớn cuộc đời để tập luyện, ghi nhớ, cốt sao cho thật nhuần nhuyễn, thông thạo đến độ làu làu “từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng”, khắc sâu vào tâm khảm như “đóng đanh vào lòng” từng chỗ ngắt, chỗ nghỉ, từng đoạn lên cao, xuống thấp, không có một ngóc ngách nào mà ông lão không thuộc. Cái sự thông thạo, giỏi giang ấy không đến từ lý thuyết suông rỗng và được tích lũy dần dà thông qua những lần chinh chiến thực tiễn, thành thử ra nó trở nên ấn tượng sâu sắc, khó mà có thể quên được. Bên cạnh vai trò là một nghệ sĩ đầy đam mê, nhiệt huyết thì ông lão còn là một vị tướng, một chiến thần giỏi binh pháp, biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Ông lão tự tin đã nắm chắc, thuộc làu những binh pháp của “thần sông thần đá” “thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải này”. Thế nên trước những “trùng vi thạch trận” hung hiểm ông lão chẳng ngần ngại mà chèo đò tiến vào. Đó là một trận chiến đầy cam go và khó khăn, con sông Đà này là một tay lão luyện, từng kinh qua biết bao nhiêu trận mạc, thành thử đối với ông lão cũng là một đối thủ ngang tài ngang sức. Nó liên tục tung ra những thế đòn hiểm, khiến ông lão lái đò nhiều lần trúng chiêu, tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm chinh chiến, ông lão không hề nao núng, dù đau đớn “mặt méo bệch đi” thế nhưng ông vẫn “cố nén vết thương, hai chân kẹp chặt lấy cuống lái”, “lên tiếng chỉ huy ngắn gọn” cho những người lái phụ nhanh chóng vượt qua ải thứ nhất, thẳng tiến vào ải thứ hai. Càng về những ải sau tình thế càng trở nên ngặt nghèo, cửa sinh nhiều hơn cửa tử thế nhưng ông lão vốn là một tay lão luyện, lại can trường. Thành thử ông luôn chọn chính xác chỗ nào là cửa sinh rồi cứ thế ghì tay lái thật chắc vọt vào, vượt qua tất cả những sự mai phục và cuồng nộ của con sông rồi trôi xuống vùng hạ lưu hiền hòa. Công cuộc chinh phục thiên nhiên của ông lão lại một lần nữa đại thắng, tất cả đã bộc lộ ra những phẩm chất nghệ sĩ điêu luyện, sự đam mê nghề nghiệp đặc biệt là tinh thần dũng cảm hiếm có đại diện cho những con người ở miền Tây Bắc xa xôi.

Đoạn trích Người lái đò sông Đà là một đoạn trích đặc sắc và hấp dẫn bộc lộ được những nét đẹp vừa hùng vĩ, hung bạo lại vừa thơ mộng, thi vị độc đáo của con sông Đà. Trên cái nền nổi bật ấy của thiên nhiên dáng vẻ con người đã hiện lên một cách ấn tượng, nổi bật với nhiều phẩm chất đẹp đẽ được xem là “chất vàng mười của Tây Bắc” bao gồm chất nghệ sĩ điêu luyện trong lao động, sự anh hùng trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, sự nỗ lực trong công cuộc mưu sinh.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-anh-thien-nhien-va-con-nguoi-trong-doan-trich-nguoi-lai-do-song-da-57874n.aspx Bài viết trên đã phân tích một cách chi tiết về hai hình tượng chủ yếu của đoạn trích Người lái đò sông Đà bao gồm vẻ đẹp của con sông Đà và vẻ đẹp Hình tượng người lái đò sông đà trong tác phẩm. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về đoạn trích các em có thể tham khảo thêm các bài viết Phân tích tùy bút Người lái đò sông Đà, Vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua tác phẩm Người lái đò sông đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò Sông Đà, Cảm nhận về tùy bút Người lái đò sông Đà.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button