Nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo (6 mẫu) – Văn 10

Phân tích nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi gồm 6 mẫu mà Download.vn giới thiệu dưới đây sẽ là tư liệu cực kì hữu ích với các bạn học sinh lớp 10. Với 6 mẫu phân tích nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo giúp các bạn nắm được các luận điểm, luận cứ rõ ràng, rành mạch. Từ đó biết cách trình bày, sắp xếp các lí lẽ để viết bài văn hay, đủ ý.

Bình Ngô Đại Cáo được lập luận chặt chẽ bằng việc đưa ra các luận điểm, những lí lẽ và bằng chứng là những điển tích, điển cố cụ thể, tiểu biểu và sâu sắc. Để hiểu rõ hơn về nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Dàn ý nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo

Dàn ý số 1

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm đại cáo bình Ngô

– Dẫn dắt vấn đề: Đại cáo bình Ngô có nghệ thuật lập luận vô cùng đặc sắc, khiến tác phẩm mang giá trị văn chương chứ không khô khan, cứng nhắc.

2. Thân bài

* Đối tượng và mục đích sáng tác

– Xét về nội dung: Đối tượng sáng tác hướng tới toàn thể nhân dân để khẳng định độc lập chủ quyền, tuyên bố thắng lợi, tuyên bố hòa bình

– Tuy nhiên, trong một tác phẩm chính luận như đại cáo bình Ngô, đối tượng và mục đích sáng tác có ý nghĩa quan trọng trong lập luận: Đối tượng hướng tới là giặc Minh, mục đích tạo nên cơ sở lí luận và thực tiễn xác đáng, ngăn chặn tận gốc mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, đây là đòn quan trọng trên mặt trận ngoại giao để giặc không còn lí do để quay lại.

* Bố cục, kết cấu.

– Bài cáo được chia làm 3 phần, mỗi phần mang một nội dung và có mối liên hệ mật thiết với nhau:

  • Phần 1 là cơ sở lí luận được tạo nên từ tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về độc lập, tự chủ.
  • Phần 2 là cơ sở thực tiễn tạo nên từ bản cáo trạng về tội ác của giặc và sự thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến từ đó đi đến kết luận quân ta chính nghĩa giành thắng lợi, địch phi nghĩa và thất bại.
  • Phần 3 là kết luận niềm tin về một tương lai đất nước vững bền

– Kết cấu: Chặt chẽ, rõ ràng

Mở đầu là những cơ sở lí luận không thể chối cãi được, từ đó lí luận được soi chiếu vào thực tiễn hơn 20 năm chiến đấu chống giặc Minh, và cuối cùng là lời tuyên bố hòa bình.

* Cách lập luận.

– Khẳng định chân lí về độc lập, chủ quyền, tác giả đã sử dụng thủ pháp liệt kê, so sánh để đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục về văn hiến, cương vực lãnh thổ phong tục tập quán, lịch sử, nhân tài,….. Đó là những chân lí, là cơ sở lí luận không ai có thể chối cãi được

→Lập luận chặt chẽ bằng bằng việc kết hợp giữa những lí lẽ và dẫn chứng.

– Để làm nên bản cáo trạng về tội ác của giặc: Tác giả đã đưa ra một loạt các lí lẽ, dẫn chứng về tội ác xâm lược và tội ác đô hộ của giặc. Các tội ác đi từ khái quát đến cụ thể đó là tội ác khủng bố, sát hại đến bóc lột thuế khóa, vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động,…

→Lập luận thuyết phục với những dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, sâu sắc, từ đó khẳng định sự phi nghĩa của địch

– Từ bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác không thể dung tha của giặc Minh khiến lòng dân căm phẫn, oán hận vì thế cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã nổ ra. Mạch lập luận vô cùng phù hợp.

– Cuộc chiến đấu ban đầu gặp nhiều khó khăn, sau đó nhờ dựa vào sức dân, tinh thần đoàn kết, đồng lòng đã chiến thắng kẻ thù xâm lược

→Cách lập luận cho thấy sự trưởng thành của nghĩa quân, khẳng định sự đồng tâm đồng lòng của quân và dân sẽ đem lại những thành quả tốt đẹp, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa.

* Giọng điệu.

– Nói về tư tưởng nhân nghĩa và độc lập, chủ quyền dân tộc bằng giọng điệu khẳng định chắc nịch, hùng hồn.

– Nói về tội ác dã man của giặc Minh giọng điệu căm phẫn, nhức nhối, đau đớn, uất hận.

– Nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giọng điệu đanh thép, hùng hồn, mạnh mẽ

– Nói về những chiến công của quân ta giọng điệu tự hào, nói về sự thất bại nhục nhã, thảm hại của kẻ thù giọng điệu mỉa mai châm biếm.

– Nói về niềm tin, ý chí về một tương lai vững bền, giọng điệu trang trọng, sâu lắng

→Mỗi giọng điệu cho thấy thái độ, cảm xúc của tác giả khi nói về mỗi vấn đề. Từ đó có thể lan tỏa những cảm xúc tới người đọc một cách dễ dàng

→Sự kết hợp nhiều giọng điệu cho thấy sự đa dạng, linh hoạt trong nghệ thuật lập luận của tác phẩm.

* Ngôn ngữ, hình ảnh

– Sử dụng rất nhiều các điển tích điển cố: Trúc Nam Sơn, nước Đông Hải, nếm mật nằm gai, quên ăn vì giận, cỗ xe cầu hiền,…

→Tạo nên sự trang trọng trong cách nói, cách lập luận.

– Ngôn ngữ cá nhân gần gũi, bình dị: từng nghe, vừa rồi, ta đây, thế mà,…

→Tạo nên sự gần gũi, giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuyết phục người khác

– Các hình ảnh khái quát một cách chân thực hiện thực: Nói về tội ác của giặc (nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ dưới hầm tai họa), nói về sức mạnh của nghĩa quân (đánh một trận sạch không kình ngạc, tan tác chim muông,…),…

→Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh vừa đem lại hiệu quả nghệ thuật vừa khiến người đọc dễ dàng hình dung vấn đề được nói tới.

III. Kết bài

– Khái quát lại các yếu tố làm nên thành công của nghệ thuật lập luận trong đại cáo bình Ngô

– Khẳng định nghệ thuật lập luận chính là yếu tố quan trọng làm nên đặc sắc của đại cáo bình Ngô.

Dàn ý số 2

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo và vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Mục đích sáng tác phân theo đối tượng:

– Đối tượng là nhân dân: Tuyên bố rõ ràng với nhân dân sau bao nhiêu năm buôn ba khốn khó, để lòng dân được an ổn và chung vui niềm vui đại thắng, khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc, tuyên bố chiến thắng vĩ đại của nghĩa quân, đồng thời chính thức lập lại nền hòa bình.

– Đối tượng là quân Minh xâm lược: Trở thành một loại vũ khí chính trị chặt đứt nhuệ khí, con đường, cũng như âm mưu ý đồ quay trở lại xâm lược nước ta của giặc phương Bắc.

b. Bố cục được phân chia và sắp xếp logic chặt chẽ:

* Phần 1: Nêu luận đề chính nghĩa:

– Tư tưởng nhân nghĩa gắn với tấm lòng yêu nước, thương dân, yêu chuộng hòa bình, một lòng vì nhân dân điều đó gói gọn trong câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

– Khẳng định chủ quyền dân tộc từ trước đến nay thông qua năm yếu tố: Văn hiến, ranh giới lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử các triều đại và công cuộc chống giặc ngoại xâm, chủ quyền riêng.

=> Việc đưa ra hai luận đề chính nghĩa như vậy đã trở thành đòn bẩy khiến tội ác, cũng như những hành động bất nghĩa của giặc Minh trở nên nổi bật và sâu sắc hơn trong phần hai – cơ sở thực tiễn của tác phẩm.

* Phần 2: Cơ sở thực tiễn:

– Đứng trên lập trường dân tộc để tố cáo những âm mưu cướp nước của giặc Minh “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà…Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn”.

– Đứng trên lập trường nhân nghĩa để tố cáo tội ác của chúng với nhân dân ta trong suốt những năm tháng chúng giày xéo Đại Việt “Nướng dân đen…nghề canh cửi”.

– Đi vào tiến trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Cuộc khởi nghĩa trong tác phẩm được Nguyễn Trãi dựng lại một cách chân thực và vô cùng sâu sắc, từ giai đoạn khó khăn thiếu thốn, đến giai đoạn giành chiến thắng, giai đoạn phản công và cuối cùng là kết thúc cuộc khởi nghĩa với tư tưởng nhân nghĩa cấp thuyền ngựa lương thực cho giặc trở về nước.

=> Việc viết theo trình tự như thế có tác dụng khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa là vì đất nước, vì nhân dân mà nổi lên dẹp loạn, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa với mục đích không chính đáng.

* Phần 3:

– Tuyên bố kết quả thắng lợi, một lần nữa khẳng định lại tư tưởng nhân nghĩa cùng với chủ quyền độc lập dân tộc.

– Rút ra những bài học lịch sử về sự thịnh vượng suy thoái của một quốc gia dân tộc, kết hợp với tư tưởng mệnh trời.

c. Cách thức lập luận:

– Sử dụng nhiều cách thức khác nhau một cách linh hoạt, chặt chẽ và vô cùng thuyết phục phù hợp với từng nội dung trong từng phần.

– Phần nêu lên luận đề chính nghĩa cách thức chủ yếu bao gồm liệt kê, so sánh. Đi kèm với luận điểm là các luận cứ xác thực mang tính thuyết phục cao, giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào.

– Phần hai cơ sở thực tiễn, khi tố cáo tội ác của giặc tác giả đã liệt kê ra hàng loạt các hành động phi nghĩa, vô nhân tính của chúng trên đất Đại Việt.

– Trong phần nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì lại tiếp tục sử dụng giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào, nhắc đến chiến thắng với thái độ trân trọng, ngưỡng mộ, phấn khởi, nói đến thất bại của địch thì là giọng điệu mỉa mai, châm biếm sâu sắc.

– Phần kết của bản cáo thì tác giả lại dùng giọng điệu trầm ngâm, suy nghĩ để rút ra bài học lịch sử cho dân tộc.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

Dàn ý số 3

a. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi và sự nghiệp thơ văn của ông.

– Nêu được nội dung của tác phẩm Bình Ngô đại cáo và phân tích nghệ thuật lập luận.

b. Thân bài:

– Đối tượng và mục đích sáng tác:

  • Xét về nội dung: Đối tượng sáng tác hướng tới toàn thể nhân dân để khẳng định độc lập chủ quyền, tuyên bố thắng lợi, tuyên bố hòa bình.
  • Tuy nhiên, trong một tác phẩm chính luận như đại cáo bình Ngô, đối tượng và mục đích sáng tác có ý nghĩa quan trọng trong lập luận: Đối tượng hướng tới là giặc Minh, mục đích tạo nên cơ sở lí luận và thực tiễn xác đáng, ngăn chặn tận gốc mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, đây là đòn quan trọng trên mặt trận ngoại giao để giặc không còn lí do để quay lại.

– Bố cục, kết cấu:

Bài cáo được chia làm 3 phần, mỗi phần mang một nội dung và có mối liên hệ mật thiết với nhau:

  • Phần 1 là cơ sở lí luận được tạo nên từ tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về độc lập, tự chủ.
  • Phần 2 là cơ sở thực tiễn tạo nên từ bản cáo trạng về tội ác của giặc và sự thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến từ đó đi đến kết luận quân ta chính nghĩa giành thắng lợi, địch phi nghĩa và thất bại.
  • Phần 3 là kết luận niềm tin về một tương lai đất nước vững bền.

Kết cấu: Chặt chẽ, rõ ràng. Mở đầu là những cơ sở lí luận không thể chối cãi được, từ đó lí luận được soi chiếu vào thực tiễn hơn 20 năm chiến đấu chống giặc Minh, và cuối cùng là lời tuyên bố hòa bình.

– Cách lập luận.

  • Khẳng định chân lí về độc lập, chủ quyền, tác giả đã sử dụng thủ pháp liệt kê, so sánh để đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục về văn hiến, cương vực lãnh thổ phong tục tập quán, lịch sử, nhân tài. Đó là những chân lí, là cơ sở lí luận không ai có thể chối cãi được
  • Để làm nên bản cáo trạng về tội ác của giặc: Tác giả đã đưa ra một loạt các lí lẽ, dẫn chứng về tội ác xâm lược và tội ác đô hộ của giặc. Các tội ác đi từ khái quát đến cụ thể đó là tội ác khủng bố, sát hại đến bóc lột thuế khóa, vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động.
  • Từ bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác không thể dung tha của giặc Minh khiến lòng dân căm phẫn, oán hận vì thế cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã nổ ra. Mạch lập luận vô cùng phù hợp.
  • Cuộc chiến đấu ban đầu gặp nhiều khó khăn, sau đó nhờ dựa vào sức dân, tinh thần đoàn kết, đồng lòng đã chiến thắng kẻ thu xâm lược.

– Giọng điệu:

  • Nói về tư tưởng nhân nghĩa và độc lập, chủ quyền dân tộc bằng giọng điệu khẳng định chắc nịch, hùng hồn.
  • Nói về tội ác dã man của giặc Minh giọng điệu căm phẫn, nhức nhối, đau đớn, uất hận.
  • Nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giọng điệu đanh thép, hùng hồn, mạnh mẽ.
  • Nói về những chiến công của quân ta giọng điệu tự hào, nói về sự thất bại nhục nhã, thảm hại của kẻ thù giọng điệu mỉa mai châm biếm.
  • Nói về niềm tin, ý chí về một tương lai vững bền, giọng điệu trang trọng, sâu lắng.

– Ngôn ngữ, hình ảnh:

  • Sử dụng rất nhiều các điển tích điển cố: Trúc Nam Sơn, nước Đông Hải, nếm mật nằm gai, quên ăn vì giận, cỗ xe cầu hiền,…
  • Ngôn ngữ cá nhân gần gũi, bình dị: từng nghe, vừa rồi, ta đây, thế mà,…
  • Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh vừa đem lại hiệu quả nghệ thuật vừa khiến người đọc dễ dàng hình dung vấn đề được nói tới.

c. Kết bài:

– Khái quát lại các yếu tố làm nên thành công của nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo.

– Khẳng định nghệ thuật lập luận chính là yếu tố quan trọng làm nên đặc sắc của Bình Ngô đại cáo.

Đọc thêm:  Kiến thức bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ - Sơn Nam - Đọc Tài Liệu

Nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo – Mẫu 1

Bình ngô đại cáo là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, thể hiện toàn bộ chiều sâu tư tưởng của Nguyễn Trãi. Đối với văn học dân tộc, văn bản được xếp vào hàng danh dự, được coi là áng thiên cổ hùng văn. Để tạo được nên thành công vang dội ấy không thể không kể đến sự đóng góp về phương diện nghệ thuật. Tác phẩm là áng văn chính luận xuất sắc với nghệ thuật lập luận tài tình, điêu luyện.

Nghệ thuật lập luận trong tác phẩm vô cùng tài ba, nó được thể hiện trước hết ở ngay bố cục của văn bản. Tác phẩm chia làm ba phần rõ ràng, mỗi đoạn tương ứng với một nội dung và gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên tính chỉnh thể cho tác phẩm. Đoạn một nêu lên luận đề nhân nghĩa. Đoạn hai nêu lên cơ sở thực tiễn. Đoạn cuối là lời tuyên bố độc lập vô cùng hào sảng.

Để tạo cơ sở chính nghĩa cho toàn bài, mở đầu tác phẩm Nguyễn Trãi nêu lên luận đề nhân nghĩa:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Ông khẳng định lập trường chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng nền tảng, cốt lõi mà nghĩa quân đề cao. Đối với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa trước hết là “yên dân” làm cho dân có được cuộc sống yên ổn, hạnh phúc, no đủ. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, muốn “yên dân” cần phải “trừ bạo”, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Tiếp đó ông nêu lên chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập của chủ quyền Đại Việt: “Như nước Đại Việt ta từ trước/…/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. Tác giả khẳng định sự tồn tại của đất nước là một sự thật hiển nhiên, vốn có, lâu đời. Không những vậy, ông còn xác định những yếu tố căn bản để xác lập nền độc lập dân tộc: cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử và anh hùng hào kiệt. Đoạn mở đầu tác phẩm như một bản tuyên ngôn độc lập khi Nguyễn Trãi nêu lên nguyên lí chính nghĩa và chứng minh bằng thực tiễn lịch sử dân tộc Việt. Bằng việc sử dụng những câu văn biền ngẫu, biện pháp liệt kê, so sánh, sử dụng những từ ngữ mang tính hiển nhiên Nguyễn Trãi đã khẳng định đanh thép nền độc lập dân tộc ta.

Sau khi đã tạo nên cơ sở tiền đề, để làm rõ, để minh chứng cho luận đề đó, phần thứ hai của tác phẩm ông đã nêu lên cơ sở thực tiễn: tố cáo tội ác của giặc; cuộc kháng chiến đầy gian khổ và thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta.

Tố cáo tội ác của giặc của giặc ông đứng trên lập trường nhân nghĩa để vạch trần tội ác của chúng, âm mưu hiểm độc “Phù trần diệt Hồ” chỉ là cái cớ cũng là dã tâm từ lâu của các triều đại Trung Quốc. Nguyễn Trãi đã đưa ra hàng loạt các cáo trạng đanh thép, liệt kê những tội ác mà quân Minh đã gây ra cho nhân dân ta: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ”. Trong suốt hơn hai mươi năm quân Minh đã dùng muôn vàn kế để vơ vét của cải của nhân dân ta, chúng còn tàn sát, hủy hoại thiên nhiên. Cuộc sống của nhân dân khốn cùng, họ lâm vào bước đường cùng. Để khái quát tội ác của chúng Nguyễn Trãi đã tổng kết: “Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Vạch trần tội ác của giặc, đồng thời Nguyễn Trãi cũng hé mở nguyên nhân dẫn đến cuộc kháng chiến: không thể mãi chứng kiến nỗi đau nhân dân phải gánh chịu, nghĩa quân Lam Sơn đã đứng lên chống lại kẻ thù.

Buổi ban đầu nghĩa quân phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thiếu thốn: quân thù đang ở lúc mạnh nhất, ta đang thiếu người hiền ra giúp sức. Những tưởng khó khăn đó không thể vượt qua nhưng tất cả đã bị đầy lùi bởi nghĩa quân luôn bền bỉ, nhẫn nại, tin tưởng vào con đường chính nghĩa đã chọn. Đồng thời họ cũng đã tìm được con đường cứu nước phù hợp: “Thế trận xuất kì, lấy yếu chống mạnh/ Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”. Sau giai đoạn khó khăn, quân ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, liên tiếp giành được những thắng lợi lớn, áp đảo kẻ thù: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Trái ngược với khí thế đi lên của nghĩa quân, kẻ thù bại trận: kẻ cầu xin tha tội, kẻ dẫm đạp lên nhau hòng tìm đường thoát thân, tình cảnh vô cùng thảm bại. Nếu như kẻ thù vào xâm lược nước ta hung hãn, bất nhân bao nhiêu thì khi quân ta lấy lại thế chủ động lại hòa hiếu, nhân nghĩa với chúng bấy nhiêu: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”. Ta mở đường sống cho chúng bằng cách cấp cho phương tiện về nước. Làm như vậy là còn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, để cho nhân dân ta được nghỉ sức sau những năm dài chiến đấu.

Kết thúc tác phẩm là lời tuyên bố độc lập: “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới”, chiến tranh đã hoàn toàn kết thúc, đất nước độc lập, một thời kì mới mở ra cho đất nước ta. Những lời cuối cùng của bài cáo thể hiện một niềm tự hào, tin tưởng, hi vọng vào tương lai đi lên của đất nước.

Tác phẩm có kết cấu, lập luận vô cùng chặt chẽ, các phần có liên hệ mật thiết với nhau. Gồm mở bài nêu lên cơ sở thực diễn, có diễn biến và kết quả. Không chỉ vậy để làm tăng hiệu quả lập luận, Nguyễn Trãi còn kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật: so sánh, liệt kê, …

Đoạn thơ không chỉ sử dụng lí lẽ, những biện pháp nghệ thuật để làm tăng hiệu quả lập luận, mà tình cảm của người viết cũng là một trong những yếu tố không thế thiếu khiến cho bài cáo còn đi sâu vào lòng người đọc. Khi nói về những tội ác của giặc giọng điệu vừa đau đớn, vừa căm thù, xót xa; khi nói về buổi đầu của cuộc khởi nghĩa giọng điệu băn khoăn, lo lắng, hi vọng,…

Bình Ngô đại cáo là tác phẩm mẫu mực về nghệ thuật lập luận. Qua nghệ thuật lập luận tài tình, tác phẩm đã cho thấy tài năng của Nguyễn Trãi, cũng như thấy được cuộc kháng chiến chính nghĩa, hào hùng, thấy được tấm lòng nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo – Mẫu 2

Kì thực trong lịch sử văn học dân tộc, có không nhiều tác phẩm xuất sắc, đạt đến trình độ mẫu mực, đỉnh cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Muốn có được điều đó phải dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó chắc chắn phải dựa vào tài năng trác việt của tác giả. Nguyễn Trãi là nhà văn như vậy và Bình Ngô đại cáo là tác phẩm kiệt xuất của văn học dân tộc. Tài năng, tâm sức và nhiều khát vọng được ông dồn tụ vào áng văn chính luận bất hủ này. Và một trong những điểm sáng lớn nhất của bài cáo chính là ở nghệ thuật lập luận tài tình của nhà văn.

Cáo vốn là một thể văn chính luận trung đại, thường dùng cho mục đích hành chính quan phương của vua chúa. Ít ai nghĩ rằng thể loại vốn khô khan, khó có “đất diễn” này có thể trở thành một tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Nhưng Bình Ngô đại cáo lại khác, có nhiều yếu tố để Nguyễn Trãi đã biến nó trở thành một tác phẩm giàu chất văn chương, mà trước hết là ở nghệ thuật lập luận. Một tác phẩm văn chính luận (dù ở hình thức thể loại nào) đạt đến trình độ nghệ thuật đỉnh cao phải xác định được đối tượng, mục đích rõ ràng, có kết cấu chặt chẽ, cách lập luận sắc bén, giọng điệu hùng hồn, đanh thép, ngôn ngữ giàu tính luận chiến, có độ khái quát cao. Nếu xét ở tất cả các phương diện này, Bình Ngô đại cáo là một áng văn chính luận bất hủ, kiệt xuất.

Nói tới đối tượng và mục đích sáng tác văn chương không phải là nói đến yếu tố nghệ thuật mà là nội dung. Nhưng đối với văn chính luận hai điều này lại vô cùng quan trọng chi phối đến kết cấu và cách thức lập luận của tác phẩm. Nếu xét ở bề nổi, đối tượng của Đại cáo bình Ngô chính là nhân dân bá tánh, mà vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi muốn thông báo rộng rãi về nền hòa bình độc lập sau hơn hai mươi năm chịu ách đô hộ và kháng chiến chống giặc Minh. Nhưng tính chiến đấu của văn chính luận luôn ẩn chứa ngay từ đối tượng và mục đích mà văn bản đó được sáng tác. Việc tuyên bố độc lập, hòa bình với nhân dân đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi là điều bình thường, nhưng nó cũng chính là đòn cuối cùng trên mặt trận ngoại giao để kẻ thù không còn có cớ nào quay trở lại xâm lược nữa. Vì vậy, bản đại cáo đã tạo nên những cơ sở lí luận và thực tiễn đầy xác đáng, chân thực như gọng kìm cuối cùng để khóa chặt mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Kết cấu của bản đại cáo rất chặt chẽ, bao gồm bốn phần rõ ràng và được tạo từ hai cơ sở rất quan trọng để đi đến việc có thể tuyên bố hòa bình. Mở đầu Nguyễn Trãi đã tạo một căn cứ pháp lí không gì có thể chối cãi được, đó chính là tư tưởng nhân nghĩa và những yếu tố để xác lập chân lý chủ quyền dân tộc. Trong đó tư tưởng nhân nghĩa đóng vai trò cốt lõi, xuyên suốt của tác phẩm.

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Chưa kể cách Nguyễn Trãi đề xuất đầy mới mẻ, nhân văn trong quan điểm nhân nghĩa này, mà nó còn giữ vai trò chủ đạo để thực thi, phán xét mọi hành động của kẻ thù và quân ta. Nhân nghĩa là yên dân, muốn cho dân được yên thì phải lo trừ bạo ngược, mà trước mắt là diệt trừ họa xâm lăng. Vì vậy bao đời nay, trên tinh thần nhân nghĩa dân ta đã và luôn là một quốc gia độc lập, bất khả xâm phạm tới chủ quyền. Bất cứ kẻ nào đem quân đi xâm lược nước ta là trái với nhân nghĩa, chà đạp lên quyền độc lập tự do của dân tộc mình đều bị trừng trị thích đáng.

Nền móng vững trãi đó đã giúp ông soi chiếu vào lịch sử hơn hai mươi năm giặc Minh đô hộ và xâm lược nước ta. Những dẫn chứng thực tiễn đẫm máu và nước mắt trong những ngày tháng đó được bài cáo đưa ra một cách chân thực. Đó là những nhân chứng, vật chứng đanh thép mà nhà văn – vị “luật sư” thiên tài đệ ra trước “tòa án nhân nghĩa”. Hơn nữa, lãnh tụ Lê Lợi cùng tướng sĩ của mình đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, đồng sức chung lòng để làm nên thắng lợi. Chiến thắng ấy là chiến thắng của tinh thần đại nghĩa – chí nhân. Kết cấu của bài cáo vì thế mà vô cùng chặt chẽ.

Bản Đại cáo bình Ngô còn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật văn chính luận phải kể đến cách lập luận đầy sắc bén của nhà văn Nguyễn Trãi. Ngay ở phần mở đầu khi đưa ra chân lý độc lập, tác giả không đơn thuần khẳng định một cách chung chung mà từ các lí lẽ đến dẫn chứng đều khiến mọi người tỏ ra tâm phục khẩu phục. Ông liệt kê, so sánh rất chính xác qua các yếu tố xác lập chủ quyền độc lập như nền văn hiến, lãnh thổ, phong tục, lịch sử, hào kiệt giữa hai quốc gia Đại Việt và Đại Hán. Vừa là thể hiện niềm tự hào về một quốc gia đã độc lập từ lâu đời, vừa là cách khẳng định vị thế ngang hàng với một đất nước lớn như Trung Quốc. Đó cũng chính là lời răn đe đối với mục đích, âm mưu xâm lược nước ta của kẻ thù. Chưa bao giờ trong lịch sử, tính tới thời điểm đó, vấn đề độc lập chủ quyền của nước ta lại được khẳng định một cách chắc chắn và vững trãi như vậy. Không những thế để chặt chẽ hơn ông còn đưa ra những dẫn chứng mà năm xưa quân xâm lược phương bắc đã làm và phải chịu thất bại như thế nào. Bởi vậy, mở đầu bài cáo một cơ sở pháp lí không còn gì thuyết phục hơn được đặt ra.

Trong khi đó, đến cơ sở thực tiễn ông cũng luận tội kẻ thù bằng những dẫn chứng đanh thép. Cách luận tội vừa xác thực vừa chứa đựng nhiều cảm xúc đã phơi bày tất cả những gì đau thương nhất mà nhân dân phải trải qua:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Cách sử dụng hình ảnh tuy có tính chất ước lệ, khái quát nhưng vẫn lột tả được hết thảy tội ác man rợ của quân cuồng Minh. Điều đó càng chứng thực cho những gì thuộc về nhân nghĩa bọn chúng đều vi phạm hết. Bởi vậy lập luận tăng phần thuyết phục, cuộc phản công lại của quân khởi nghĩa Lam Sơn vì thế mà ở trong thế chính nghĩa. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa lí luận và thực tiễn đã tạo sức nặng rất lớn trong cách lập luận của Đại cáo bình Ngô.

Song bên cạnh đó bút pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng cũng là một trong những yếu tố làm nên giá trị đỉnh cao của tác phẩm này. Ở bài cáo có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa các yếu tố hiện thực và trữ tình, tả thực và ước lệ tượng trưng. Trong đó, bút pháp tương phản, đối lập được vận dụng một cách tài tình và linh hoạt nhất. Ngay ở đoạn văn luận tội kẻ thù, Nguyễn Trãi đã phơi bày một bức tranh đen tối của dân tộc dưới ách đô hộ của bè lũ cướp nước. Nhân dân ta phải chịu cảnh đàn áp dã man, còn kẻ thù hiện lên chân dung của những kẻ khát máu, man rợ. Hay khi tái hiện lại quá trình phản công đầy gian khổ và tất thắng của quân dân ta cũng đầy sự trái ngược. Sự lớn mạnh và liên tiếp thắng lợi của tướng sĩ Lam Sơn lại hoàn toàn đối lập với chân dung biếm họa của bọn quân tướng giặc Minh khi thua cuộc. Có thể nhận thấy, tác giả không sử dụng một bút pháp nào độc tôn, mà linh hoạt, mới mẻ trong từng đoạn, từng phần. Bởi vậy đọc bài cáo người đọc mới không thấy sự nhàm chán, khô khan như một văn bản hành chính thông thường. Hơn thế bút pháp trong bài cáo còn được thăng hoa nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa yếu tố tâm lý và chất anh hùng ca. Bài cáo vì thế như một lời tự sự từ tận trái tim nhưng là hơi thở của cả một thời đại hào hùng.

Đọc thêm:  Mẫu Giấy Khen Đẹp Nhất Hiện Nay (Tải Phôi Giấy Khen Thưởng

Chưa dừng lại ở đó, việc sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ đến âm hưởng, giọng điệu cũng tạo nên giá trị nghệ thuật lớn lao cho bài cáo này. Chắc chắn ai đọc Đại cáo bình Ngô không thể quên được những hình ảnh vừa khái quát vừa chân thực như nướng dân đen, vùi con đỏ, đứa há miệng, thằng nhe răng, hay khí thế hừng hực của đội quân chính nghĩa:

Đánh một trận sạch không kình ngạcĐánh hai trận tan tác chim muông

Ngôn ngữ giàu tính sáng tạo giữa việc sử dụng những điển cố văn chương với cách vận dụng ngôn ngữ cá nhân rất gần gũi, thân thuộc, khiến người đọc khó mà phân biệt được đâu là những ngôn từ sách vở, đâu là ngôn ngữ của chính nhà văn.

Nhưng chất chính luận rất riêng của tác phẩm này còn phải kể đến âm hưởng, giọng điệu. Là một văn kiện lịch sử tuyên bố sự nghiệp quan trọng của nước nhà chắc chắn giọng điệu hào hùng, âm hưởng mạnh mẽ, khí thế là điều tất yếu. Nhưng Đại cáo bình Ngô còn mang đến nhiều cảm xúc hơn thế. Có sự đanh thép, cứng rắn trong việc luận bàn việc nhân nghĩa; có sự đau đớn, xót xa, uất nghẹn khi luận tội kẻ thù; có sự suy tư, cảm thông trong lời kể về chủ tướng Lê Lợi và những ngày đầu còn khốn khó của cuộc khởi nghĩa; nhưng đến khi hồi tưởng lại cuộc phản công oanh liệt của ta lại rất hùng hồn, quyết liệt. Và hồi kết thúc bài cáo, giọng điệu thư thái, nhẹ nhàng mà hảo sảng, sướng vui vang lên để tuyên bố độc lập. Cả bài cáo là sự hòa quyện của muôn vàn giọng điệu, chỉ có thể được tạo ra bởi một trí tuệ tài năng, một trái tim say mê, một thực tế đã từng trải. Vì thế nghệ thuật lập luận của bài cáo đạt đến mức độ đỉnh cao là điều dễ hiểu.

Nguyễn Trãi, không ai có thể phủ nhận nhân cách, đức độ và tài năng của ông. Cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước là điều mà ai cũng thấy được ở bậc vĩ nhân này. Thế nhưng trong sáng tác văn chương Nguyễn Trãi cũng thể hiện sự đa tài hiếm có. Ở thể loại nào ông cũng thành công. Và một trong số những đặc điểm dễ nhận thấy là ông luôn có những tìm tòi, sáng tạo, phá vỡ tính quy phạm vốn có trong văn chương trung đại. Chưa kể đến những yếu tố về thời đại, về hoàn cảnh lịch sử chống quân Minh, về những bức thư đầy tính luận chiến trong Quân trung từ mệnh tập và ngay cả sự bạo ngược của giặc Minh, Nguyễn Trãi đã đem đến một bài cáo rất đặc biệt trong cách lập luận mà trước nay chưa từng có.Vì thế ông xứng đáng là nhà văn chính luận kiệt xuất, Bình Ngô đại cáo trở thành áng văn chính luận mẫu mực, có giá trị cổ điển đưa Nguyễn Trãi trở thành cây bút bậc thầy ở thể loại này.

Nghệ thuật lập luận trong Đại cáo Bình Ngô – Mẫu 3

Trên phương diện văn chương, Nguyễn Trãi được coi là một trong không nhiều các nhà văn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam thời kì trung đại. Ông sáng tác trên nhiều thể loại, thể loại nào cũng có những sáng tác xuất sắc. Không chỉ là nhà thơ trữ tình sâu sắc, Nguyễn Trãi còn là nhà văn chính luận kiệt xuất. Ông để lại khối lượng khá lớn văn chính luận (Quân trung từ mệnh tập, chiếu biểu viết dưới triều Lê…) nhưng chỉ cần Bình Ngô đại cáo cũng đủ để chứng minh chứng cho nghệ thuật chính luận tài tình của ông.

Có thể nói, Bình Ngô đại cáo đạt tới trình độ mẫu mực từ việc xác định đối tượng, mục đích để sử dụng bút pháp thích hợp đến kết cấu chặt chẽ và lập luận sắc bén.

Đối tượng của văn bản chính luận này không chỉ là giặc Minh với những tội ác tày trời chúng ta đã gieo cho nhân dân, đất nước ta mà còn là nghĩa quân Lam Sơn, nhân dân đất nước Đại Việt. Bình Ngô đại cáo là áng văn yêu nước lớn của thời đại, là bản tuyên ngôn về chủ quyền độc lập dân tộc, bản cáo trạng tội ác kẻ thù, bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đó cũng chính là mục đích mà Nguyễn Trãi hướng tới.

Nghệ thuật chính luận của bài cáo được thể hiện trước hết ở nghệ thuật kết cấu Nguyễn Trãi đã kết cấu văn bản này một cách sáng tạo theo kết cấu chung của thể cáo. Bình Ngô đại cáo có kết cấu bốn đoạn rất chặt chẽ. Đoạn thứ nhất, Nguyễn Trãi nêu nguyên lí chính nghĩa làm căn cứ xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung Bình Ngô đại cáo:

Trong nguyên lí chính nghĩa, Nguyễn Trãi trình bày hai nội dung chính là tư tưởng nhân nghĩa:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dânQuân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Và chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt:

Như nước Đại Việt ta từ trướcVốn xưng nền văn hiến đã lâu…

Sang đến đoạn thứ hai, bằng mười hai cặp tứ lục, tác giả đã hoàn thiện bản cáo trạng đanh thép về tội ác của giặc Minh. Bản cáo trạng được trình bày theo một trình tự logic. Ban đầu, tác giả vạch trần âm mưu xâm lược:

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,Để trong nước lòng dân oán hậnQuân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,Bọn gian tà bán nước cầu vinh.

Tiếp đó tác giả lên án chủ trương cai trị thâm độc, tố cáo mạnh mẽ các hành động tội ác:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tànVùi con đỏ nướng dưới hầm tai vạ…

Đoạn văn thứ ba là đoạn văn dài nhất của bài cáo, có ý nghĩa như bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tương ứng với hai giai đoạn của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trãi đã khắc họa hình tượng chủ tướng Lê Lợi và bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa.

Và cuối cùng, ở đoạn văn thứ tư, nhà văn đã kết thúc bài cáo bằng lời tuyên bố nền độc lập của dân tộc đã được lập lại và rút ra bài học lịch sử:

Xã tắc từ đây vững bền,Giang sơn từ đây đổi mới…

Sự điêu luyện của nghệ thuật chính luận Nguyễn Trãi không chỉ được thể hiện trong kết cấu chặt chẽ mà còn được thể hiện ở cách lập luận tài tình của nhà văn. Tư tưởng nhân nghĩa và độc lập dân tộc là cơ sở chân lí làm cơ sở để lập luận. Trước hết, tác giả nêu tiền đề có tính chất chân lí làm cơ sở để lập luận. Tiền đề đó được khai sáng vào thực tiễn, giúp tác giả chỉ đâu là phi nghĩa để tố cáo, lên án, đâu là chính nghĩa để khẳng định, ngợi ca cơ sở tiền đề và thực tiễn, kết luận được rút ra.

Nghệ thuật chính luận còn được thể hiện qua sự gắn bó chặt chẽ giữa lí lẽ với thực tiễn. Như khi luận giải về chân lí khách quan sự tồn tại độc lập có chủ quyền của nước Đại Việt, tác giả đã đưa ra những cơ sở chắc chắn từ thực tiễn lịch sử trên mọi phương diện cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, văn hiến, lịch sử riêng, chế độ riêng:

Như nước Đại Việt ta…… cũng có

Sự gắn bó giữa chính luận và thực tiễn cũng được thể hiện rất đậm nét ở các đoạn văn sau này.

Một phương diện khác làm nên sự tài tình trong nghệ thuật chính luận của Nguyễn Trãi là bút pháp. Bình Ngô đại cáo có sự kết hợp giữa bút pháp tự sự, trữ tình và bút pháp anh hùng ca. Nhà văn không độc tôn một bút pháp nào mà luôn hài hòa chúng trong lời văn của mình. Ở đoạn thứ ba, khi phản ánh giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, khắc họa hình tượng Lê Lợi chủ yếu trên phương diện tâm lí, Nguyễn Trãi đã kết hợp bút pháp trữ tình với bút pháp tự sự:

Trông người người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi,Tự ta ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối…

Khi dựng lại bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ hình tượng đến ngôn ngữ, từ màu sắc đến âm thanh nhịp điệu, tất cả đều đậm chất anh hùng ca

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,Voi uống nước, nước sông phải cạn.Đánh một trận, sạch không kình ngạc,Đánh hai trận, tan tác chim muông.Nổi gió to trút sạch lá khô,Thông tổ kiến phá toang đê vỡ…

Như vậy từ kết cấu đến cách lập luận, đến bút pháp nghệ thuật, tất cả đều thể hiện Bình Ngô đại cáo là một áng văn chính luận xuất sắc. Với Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi xứng đáng là cây bút chính luận lỗi lạc của văn học trung đại Việt Nam.

Nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo – Mẫu 4

Bình Ngô Đại Cáo là bài cáo được Nguyễn Trãi viết vào năm 1428 theo lệnh của Lê Lợi, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, để tuyên bố chiến thắng, đồng thời khẳng định nền độc lập vững bền của dân tộc Đại Việt đứng trên cương vị bình đẳng với nhà Minh ở phương Bắc. Đồng thời khẳng định vai trò của nhân dân trong quá trình đấu tranh, cũng như cách thức mà nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi vẻ vang, đánh tan quân thù. Tác phẩm được coi là áng thiên cổ hùng văn bất hủ, đồng thời là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Đại Việt sau Nam Quốc Sơn Hà. Sự thành công của Đại Cáo Bình Ngô không chỉ đến từ phần nội dung sâu sắc phản ánh cuộc đấu tranh anh hùng của quân dân ta trong kháng chiến chống quân xâm lược, tư tưởng nhân nghĩa, đề cao nhân dân mà nó còn nằm ở nghệ thuật lập luận chặt chẽ, đặc sắc, linh hoạt làm cho bản cáo trở nên hấp dẫn, dễ dàng đi vào lòng người đọc bởi tính lô-gic và giá trị văn chương cao.

Đầu tiên xét mục đích sáng tác, Bình Ngô Đại Cáo là tác phẩm được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi soạn thảo sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh giành thắng lợi vào mùa xuân năm 1428. Trước một thắng lợi to lớn và có ý nghĩa nghĩa lịch sử vô cùng cùng trọng đại như vậy, cốt yếu rằng cần phải có một lời tuyên bố rõ ràng với nhân dân sau bao nhiêu năm buôn ba khốn khó, để lòng dân được an ổn và chung vui niềm vui đại thắng. Như vậy đối tượng đầu tiên mà bài cáo hướng tới đó chính là nhân dân, nhằm khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc, tuyên bố chiến thắng vĩ đại của nghĩa quân, đồng thời chính thức lập lại nền hòa bình mới sau mấy chục năm khói lửa thương đau. Đối tượng hướng đến tiếp theo của bài cáo, cũng là đối tượng quan trọng nhất ấy là nhà Minh ở phương Bắc, chúng ta có thể nhận rõ rằng ở bài cáo ngoài việc khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, so sánh trên phương diện ngang bằng và bình đẳng giữa hai quốc gia dân tộc, thì nó còn có những lý luận vô cùng chặt chẽ và xác đáng, khẳng định những chân lý đúng đắn về chủ quyền của nước ta, đồng thời vạch rõ những sai trái của giặc Minh khi sang xâm chiếm nước ta, cũng như cái thất bại thảm hại mà chúng phải gánh chịu, cùng với những hành động nhân nghĩa mà chúng ta dành cho chúng khi bại trận. Từ đó bài cáo trở thành một loại vũ khí chính trị chặt đứt nhuệ khí, con đường, cũng như âm mưu ý đồ quay trở lại xâm lược nước ta của giặc phương Bắc.

Nghệ thuật lập luận thứ hai của Bình Ngô đại cáo nằm ở cách tác giả phân chia và thiết lập bố cục của tác phẩm một cách vô cùng chặt chẽ và logic. Trong phần đầu tiên từ “Từng nghe…chứng cứ còn ghi”, Nguyễn Trãi đã khéo léo đưa ra luận đề chính nghĩa với hai nội dung chính là tư tưởng nhân nghĩa gắn với tấm lòng yêu nước, thương dân, yêu chuộng hòa bình, một lòng vì nhân dân điều đó gói gọn trong câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nội dung thứ hai cũng nằm trong luận đề chính nghĩa đó chính là việc tác giả khẳng định chủ quyền dân tộc từ trước đến nay thông qua năm yếu tố: Văn hiến, ranh giới lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử các triều đại và công cuộc chống giặc ngoại xâm, chủ quyền riêng. Và trong việc khẳng định chủ quyền ấy Nguyễn Trãi luôn đặt nước ta trong vị thế ngang bằng với cường quốc ở phương Bắc, càng khẳng định nước ta là một nước độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ một quốc gia nào khác. Việc đưa ra hai luận đề chính nghĩa như vậy đã trở thành đòn bẩy khiến tội ác, cũng như những hành động bất nghĩa của giặc Minh trở nên nổi bật và sâu sắc hơn trong phần hai – cơ sở thực tiễn của tác phẩm. Trong phần cơ sở thực tiễn thứ nhất tác giả đã đứng trên lập trường dân tộc để tố cáo những âm mưu cướp nước của giặc Minh “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà…Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn”. Sau đó tác giả đứng trên lập trường nhân nghĩa để tố cáo tội ác của chúng với nhân dân ta trong suốt những năm tháng chúng giày xéo Đại Việt “Nướng dân đen…nghề canh cửi”. Sau khi tố cáo tội ác của giặc Minh, tác giả bắt đầu đi vào tiến trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, việc viết theo trình tự như thế có tác dụng khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa là vì đất nước, vì nhân dân mà nổi lên dẹp loạn, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa với mục đích không chính đáng. Cuộc khởi nghĩa trong tác phẩm được Nguyễn Trãi dựng lại một cách chân thực và vô cùng sâu sắc, từ giai đoạn khó khăn thiếu thốn, đến giai đoạn giành chiến thắng, giai đoạn phản công và cuối cùng là kết thúc cuộc khởi nghĩa với tư tưởng nhân nghĩa cấp thuyền ngựa lương thực cho giặc trở về nước. Tất cả đều được nhắc đến trong bài cáo một cách vô cùng rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ liên kết với nhau khiến quân Minh không còn lý do nào để quay lại nước ta lần nữa, bởi nếu quay lại chính là phạm vào tội bất nghĩa, trời đất không thể dung thứ. Trong phần cuối của tác phẩm, để kết lại bài cáo Nguyễn Trãi đã lần lượt tuyên bố kết quả thắng lợi, một lần nữa khẳng định lại tư tưởng nhân nghĩa cùng với chủ quyền độc lập dân tộc. Đồng thời rút ra những bài học lịch sử về sự thịnh vượng suy thoái của một quốc gia dân tộc, kết hợp với tư tưởng mệnh trời, ý dân vô cùng sâu sắc và thuyết phục.

Đọc thêm:  Phân phối chương trình Ngữ văn 8 năm học 2023 - 2024 - VnDoc.com

Về cách thức lập luận, Nguyễn Trãi đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau một cách linh hoạt, chặt chẽ và vô cùng thuyết phục phù hợp với từng nội dung trong từng phần. Ví như trong phần đầu tiên nêu lên luận đề chính nghĩa cách thức chủ yếu bao gồm liệt kê, so sánh khi khẳng định chủ quyền đất nước của ta so với cường quốc phương Bắc về cách phương diện văn hiến, lịch sử triều đại, kháng chiến, phong tục tập quán, chủ quyền riêng. Đi kèm với luận điểm là các luận cứ xác thực mang tính thuyết phục cao, giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào. Tiếp theo trong phần hai cơ sở thực tiễn, khi tố cáo tội ác của giặc tác giả đã liệt kê ra hàng loạt các hành động phi nghĩa, vô nhân tính của chúng trên đất Đại Việt không chỉ tàn hại nhân dân mà còn phá hoại môi trường. Kết hợp với bản cáo trạng ấy là giọng điệu thê lương, đau đớn, phẫn uất, căm hận đến tột cùng, làm tăng giá trị biểu cảm cũng như sự thuyết phục về cuộc chiến tranh phi nghĩa của giặc Minh. Trong phần nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì lại tiếp tục sử dụng giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào, nhắc đến chiến thắng với thái độ trân trọng, ngưỡng mộ, phấn khởi, nói đến thất bại của địch thì là giọng điệu mỉa mai, châm biếm sâu sắc. Cách lập luận ở đoạn này mang hơi hướng tự sự, kể lại quá trình hình thành, phát triển và chiến thắng của nghĩa quân, cho thấy tinh thần đoàn kết một lòng, sự trưởng thành của nghĩa quân theo thời gian, từ đó càng khẳng định chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà dù trong điều kiện khó khăn gian khổ như thế nào. Trong phần kết của bản cáo thì tác giả lại dùng giọng điệu trầm ngâm, suy nghĩ để rút ra bài học lịch sử cho dân tộc, sử dụng những kiến thức về âm dương ngũ hành, kinh dịch, tư tưởng mệnh trời để làm cho chiến thắng của quân dân ta càng trở nên thiêng liêng cao cả, hợp lòng người, làm tăng độ tin cậy và sức thuyết phục.

Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh ngôn ngữ, tác giả dùng nhiều điển tích điển cố (trúc Nam Sơn, nước Đông Hải, Tấm lòng cứu nước vẫn chăm chăm muốn tiến về đông/Cỗ xe cầu hiền vẫn chăm chăm còn dành phía tả), làm tăng tính trang trọng, uy nghiêm cho bài cáo. Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, tính biểu cảm khi nói về tội ác của giặc và khi nói về trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn. Bên cạnh đó còn có nghệ thuật sử dụng câu văn ngắn, dài linh hoạt, chiến thắng của ta thì sử dụng những câu văn ngắn gọn thể hiện sự dứt khoát, mạnh mẽ oai hùng, thất bại của giặc dùng những câu văn dài để diễn tả sự khôn cùng, kéo dài, thê thảm.

Như vậy Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn chương mẫu mực trong thể loại cáo, là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc với phần nội dung sâu sắc, khẳng định chủ quyền tuyệt đối của dân tộc, nêu bật được tư tưởng nhân nghĩa vì nhân dân, khẳng định nền hòa bình mới giành lại của đất nước. Nghệ thuật lập luận độc đáo, chặt chẽ và linh hoạt, phối hợp nhiều phương thức biểu đạt, cách sắp xếp bố cục nội dung, cách lập luận, giọng điệu, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh đã làm cho bài cáo trở nên vô cùng thuyết phục, sâu sắc đi vào lòng người bởi sự uyển chuyển của văn chương.

Nghệ thuật lập luận trong Đại cáo Bình Ngô – Mẫu 5

Trong số những tác phẩm nổi tiếng của tác gia Nguyễn Trãi viết về đề tài chính luận thì thì “Đại cáo bình Ngô” là một áng văn yêu nước của thời đại. Đây là một bản tuyên ngôn độc lập, bản cáo trạng tội ác kẻ thù, là bản anh hùng ca bất hủ về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bài đại cáo này mang đặc trưng cơ bản của thể cáo nói chung, đồng thời có những sáng tạo riêng của Nguyễn Trãi. Đại cáo bình Ngô xứng đáng là một bản tuyên ngôn độc lập, một áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta.

Bố cục của bài cáo gồm bốn phần. Phần một nêu lên luận đề chính nghĩa. Ngay từ đầu, tác giả nêu lên những chân lý “nhân nghĩa” và “yên dân – trừ bạo”:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dânQuân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Những chân lý chiếm một vị trí quan trọng, làm chỗ dựa cho việc triển khai ý của toàn bài.

Với Đại cáo bình Ngô, ý thức dân tộc đã có bước phát triển mới. Nếu như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt chỉ nêu lên vấn đề lãnh thổ và chủ quyền thì Đại cáo bình Ngô lại có thêm các yếu tố về nền văn hiến, phong tục, tập quán, lịch sử dựng nước, giữ nước và những nhân tài của nước ta.

Bằng những dẫn chứng cụ thể, liệt kê, phép đối và phương pháp so sánh đối lập, Nguyễn Trãi đã làm nổi bật ý thức dân tộc. Tác giả đã cụ thể hóa, khẳng định chân lý “chính nghĩa luôn luôn thắng phi nghĩa”. Bọn Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã kẻ thì bị thất bại, tên thì bị tiêu vong, kẻ bị bắt, bị giết. Đó là điều tất yếu.

Sau luận đề chính nghĩa là phần hai vạch rõ tội ác của giặc Minh. Thứ nhất là vạch trần âm mưu xâm lược nước ta: “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà”. Thứ hai là tố cáo chính sách cai trị tàn ác, dã man của giặc. Chúng làm mọi thứ mà chúng muốn, mặc cho đan đen đau khổ, khốn cùng. Nào là”dối trời lừa dân”, “gây binh kết oán”, “nặng thuế khóa”.Nào là “ép người xuống biển dòng lưng mò ngọc”, “bắt người vào núi đãi cát tìm vàng”, ngán thay nơi rừng sâu nước độc rồi có cá mập, thuồng luồng. Không dừng lại ở đó, chúng còn “vét sản vật”, “nhiễu nhân dân”, kể cả loài vật, cỏ cây chúng còn không tha “tàn hại côn trùng, cây cỏ”. Độc ác nhất có lẽ là:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tànVùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Bọn chúng quả thật là mất hết tính người, xem những người dân vô tội như súc vật để chúng mặc tình “nướng”, “vùi” trên những “ngọn lửa hung tàn” hay “dưới hầm tai vạ”. Tình cảnh người dân thật thê lương, tội nghiệp.

Kết thúc bản cáo trạng tội ác giặc Minh là hai câu văn đầy hình tượng:

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tộiDơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch thù

Nguyễn Trãi đã “lấy cái vô hạn để nói cái vô hạn, lấy cái vô cùng để nói cái vô cùng”. Tất cả làm cho chúng ta càng căm phẫn những tội ác mà bọn giặc hung tàn đã gieo rắc cho nhân dân ta. Cuối đoạn hai là một câu hỏi tu từ được đặt ra: “Ai bảo thần nhân chịu được?”. Tác giả đứng trên lập trường của nhân dân, của dân tộc thể hiện thái độ căm phẫn và không đội trời chung với giặc.

Sự nghiệp chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được khẳng định, ca ngợi ở phần ba của bài đại cáo. Đó là một cuộc chiến đầy khó khăn gian khổ và chiến thắng vẻ vang gắn liền với hình tượng người anh hùng Lê Lợi.

Trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, ta gặp rất nhiều khó khăn. Xét về lực lượng thì giặc mạnh ta yếu, lại thiếu người tài: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm – Nhân tài như gió mùa thu”, phần lại thiếu thốn vật chất, quân sĩ.

Vậy mà trong cái khó ló cái khôn: “Ta gắng chí khắc phục gian nan”, “nhân dân bốn cõi một nhà”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”. Tất cả những điều đó đã giúp quân ta chiến thắng. Và đằng sau đó là những nguồn sức mạnh: yếu tố “thiên thời, địa lợi”, là ý chí, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng. Những sức mạnh ấy là chưa đủ nếu thiếu đi người anh hùng áo vải Lê Lợi với những kế sách, chiến lược tài tình của ông. Ở đây ta thấy được sự thống nhất giữ một người bình thường và một vị lãnh tụ nghĩa quân.

Sau khi giành chiến thắng bước đầu, quân ta tiếp tục phản công và dành nhiều chiến thắng vang dội ở các trận Đông Đô, Ninh Kiều, Chi Lăng, Mã Yên, Lạng Giang, Lê Hoa… Với giọng văn, nhịp điệu thay đổi nhanh, mạnh, gấp gáp, bài cáo đã thể hiện được sự hào hứng, sôi nổi ở các trận đánh và khí thế chiến thắng của ta, cũng như những thất bại thảm hại của giặc. Nguyễn Trãi đã sử dụng nhiều hình tượng phong phú để miêu tả khí thế, sức mạnh chiến đấu của ta – so với sự rộng lớn, kì vĩ của tự nhiên: “đá núi phải mòn”, “nước sông phải cạn”, “sạch không kình ngạc”, “tan tác chim muông”, “trút sạch lá khô”, “phá toang đê vỡ”. Những thất bại của giặc Minh lại được diễn tả bằng những hình tượng: “thây chất đầy đường”, “thây chất thành núi”, “máu trôi nước đỏ”, “đầm đìa máu đen”… Cũng bằng những hình tượng tự nhiên, tác giả đã gợi nên khung cảnh chiến trường: “sắc phong vân phải đổi”, “ánh nhật nguyệt phải mờ”. Những hình tượng nghệ thuật đã làm câu văn thêm sức mạnh truyền cảm, tác động vào nhận thức và tình cảm của người đọc.

Đem đại nghĩa để thắng hung tànLấy chí nhân để thay cường bào.

Giặc đã đại bại, ta lại mở đức hiếu sinh, cấp thuyền, ngựa cho chúng về nước. Một lần nữa, tư tưởng nhân nghĩa lại được khẳng định.

Phần bốn cũng là phần cuối của bài Đại cáo bình Ngô. Đó là lời tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa, nền độc lập dân tộc. Nó mở ra một chân trời mới tươi sáng rạng rỡ. Đó là một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ấm no.

Kiền khôn bĩ rồi lại tháiNhật nguyệt hối rồi lại minh.

Tác giả nêu lên quy luật thịnh suy: bĩ – thái, hối – minh để khẳng định niềm tin và quyết tâm xây dựng đất nước (một triết lý phương Đông sâu sắc). Ở đây, ta bắt gặp một yếu tố tâm linh: “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy” – khẳng định công lao to lớn của biết bao thế hệ cha ông. Ở phần bốn, ta thấy giọng văn nhẹ nhàng mà khí thế, sâu lắng mà thấm đẫm hồn dân tộc.

Đại cáo bình Ngô là một áng văn chính luận kiệt xuất. Chính là chính kiến của Nguyễn Trãi luôn sống, phấn đấu vì nhân dân, vì chính nghĩa, mang đậm tư tưởng nhân nghĩa; luận là bàn luận, nghị luận bàn về chính sự, việc quan trọng của đất nước. Giống như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hay Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, Đại cáo bình Ngô mang đậm chất của thể cáo, là thể văn hùng biện, lời lẽ đanh thép, lý luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. Toàn bài cáo là sự thống nhất giữa yếu tố nghệ thuật đặc sắc, được tác giả sử dụng hết sức điêu luyện, kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm trong những dòng văn biền ngẫu. “Đại cáo bình Ngô” đã làm đọng lại trong lòng mỗi người dân Việt sự tự hào dân tộc. Đây sẽ mãi là áng văn chính luận của nghìn đời và cảm ứng anh hùng ca sẽ không bao giờ tắt.

Nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô đại cáo – Mẫu 6

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được lập luận chặt chẽ bằng việc đưa ra các luận điểm, những lí lẽ và bằng chứng là những điển tích, điển cố cụ thể, tiểu biểu và sâu sắc. Nghệ thuật chính luận của bài cáo được thể hiện trước hết ở nghệ thuật kết cấu Nguyễn Trãi đã kết cấu văn bản này một cách sáng tạo theo kết cấu chung của thể cáo. Bình Ngô đại cáo có kết cấu bốn đoạn rất chặt chẽ. Sự điêu luyện của nghệ thuật chính luận Nguyễn Trãi không chỉ được thể hiện trong kết cấu chặt chẽ mà còn được thể hiện ở cách lập luận tài tình của nhà văn. Tư tưởng nhân nghĩa và độc lập dân tộc là cơ sở chân lí làm cơ sở để lập luận. Trước hết, tác giả nêu tiền đề có tính chất chân lí làm cơ sở để lập luận. Tiền ề đó được khai sáng vào thực tiễn, giúp tác giả chỉ đâu là phi nghĩa để tố cáo, lên án, đâu là chính nghĩa để khẳng định, ngợi ca cơ sở tiền đề và thực tiễn, kết luận được rút ra. Bình Ngô đại cáo có sự kết hợp giữa bút pháp tự sự, trữ tình và bút pháp anh hùng ca. Nhà văn không độc tôn một bút pháp nào mà luôn hài hòa chúng trong lời văn của mình. Nghệ thuật chính luận còn được thể hiện qua sự gắn bó chặt chẽ giữa lí lẽ với thực tiễn. Như khi luận giải về chân lí khách quan sự tồn tại độc lập có chủ quyền của nước Đại Việt, tác giả đã đưa ra những cơ sở chắc chắn từ thực tiễn lịch sử trên mọi phương diện cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, văn hiến, lichj sử riêng, chế độ riêng.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button