Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân, báo oán. Các bài văn mẫu được tổng hợp từ các bài viết hay, xuất sắc của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân, báo oán | 900 bài Văn mẫu 9 hay nhất

Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật – Bài mẫu 1

Thúy Kiều – người con gái bạc mệnh, trải qua bao gian nan, tai kiếp, cuối cùng nàng cũng đậu được một bến bờ vững chãi – Từ Hải. Từ Hải là người đã cứu vớt cuộc đời khổ đau của Kiều, đưa Kiều ra khỏi chốn thanh lâu, giúp nàng có một danh phận xứng đáng. Không chỉ vậy, Từ Hải còn là một tri âm tri kỉ, “tâm phúc tương tri” của nhau và chàng cũng giúp nàng trở lại nơi xưa báo ân báo oán với Thúc Sinh, Hoạn Thư. Ở đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán này”, Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại thật độc đáo để khắc họa tính cách nhân vật Thúy Kiều, Hoạn Thư thật thành công.

Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng Kiều cũng có được một danh phận chính thức, nàng trở thành phu nhân của Từ Hải, trở thành người có quyền có thế trong tay. Chính ở địa vị này, nàng mới có thể báo ân báo oán với những người xưa kia của mình. Đoạn trích là lời báo ân của Thúy Kiều đối với Thúc Sinh cũng là lời báo oán của nàng dành cho Hoạn Thư. Ở đây, Nguyễn Du đã tinh tế lồng vào trong từng câu chữ của từng nhân vật nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tâm lý cũng như tính cách của họ.

Nhân vật đầu tiên trong đoạn trích mà chúng ta có thể nhận ra Nguyễn Du đã dùng rất nhiều tâm sức để dựng lên màn đối thoại: đó là Thúy Kiều. Từng lời của nàng thốt ra đối với Thúc Sinh đều là những lời nói mang sức nặng của ân tình để báo đền cho người từng giúp đỡ mình lúc khốn khó. Nàng rằng:

“Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non

Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?

Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng

Tại ai há dám phụ lòng cố nhân

Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân

Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là

Vợ chàng quỷ quái tinh mà

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau

Kiến bò miệng chén chưa lâu

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”

Đúng như tính cách của mình, Thúy Kiều chọn báo ân trước khi báo oán. Nàng muốn trả hết ơn nghĩa với người xưa trước khi báo những oán đền xưa kia. Vậy nên, nàng cho gọi Thúc Sinh vào trước. Thế nhưng, chàng ta vẫn là con người hèn nhát của năm nào, bước vào công đường mà tràn đầy run sợ “mình dường dẽ run”. Thấy vậy, Thúy Kiều cất lời rằng:

“Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non

Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?

Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng

Tại ai há dám phụ lòng cố nhân

Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân

Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”

Nàng lật lại những địa điểm năm xưa gợi nhớ trong lòng chàng, ân cần hỏi han chàng từng chút. Nàng biết ơn nghĩa nàng nợ Thúc Sinh không thể đếm được, nghĩa đó “nặng nghìn non”. Chàng đã cứu nàng ra khỏi lầu xanh, cho nàng nơi ăn chốn ở, tuy chẳng cưu mang được nàng lâu dài, chẳng cho nàng được một danh phận đúng nghĩa nhưng chàng chung quy vẫn giúp nàng vượt qua một phần gian khổ. Vậy nên, nàng gọi nhắc chàng về “Sâm Thương”, về “Lâm Tri” cốt để chàng nhớ lại người cũ năm nào để nàng có thể báo đền cho chàng chút ân tình ngày xưa. Tuy rằng đã bao thời gian trôi qua, nhưng nàng vẫn chưa bao giờ quên ơn nghĩa mà chàng đã trao cho nàng. Từng lời Kiều nói ra ở đây vô cùng thân mật, gần gũi, toàn là những câu hỏi nhẹ nhàng, những lời gợi nhớ. Nàng chẳng hề ra oai, tỏ vẻ dọa nạt gì chàng. Nguyễn Du đã khắc họa bằng ngôn ngữ một hình ảnh nàng Kiều vẫn như trước đây: thùy mị, nết na, lại vô cùng trọng nghĩa trọng tình.

Thế nhưng, trả ân cho chàng xong, nàng cũng không quên quay lại cảnh báo chàng:

“Vợ chàng quỷ quái tinh ma

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau

Kiến bò miệng chén chưa lâu

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”

Chàng là vậy, giúp đỡ nàng, có ơn với nàng nhưng vợ chàng lại khiến cho Kiều phải chịu nhiều ủy khuất, uất hận. Thế nên giờ đây, Kiều liền ra lời cảnh báo cho chàng rằng lần này nàng sẽ không chịu để yên cho người vợ “quỷ quái tinh ma” của chàng nữa. Nàng sẽ quyết báo đền những gì mà nàng ta đã gây ra cho mình. Nhắc đến Hoạn Thư, những vết thương trong sâu thẳm tâm hồn nàng bắt đầu rỉ máu. Hoạn Thư đã không chỉ hành hạ về thể xác mà còn hành hạ về cả tâm hồn của nàng nữa. Ở đây, Nguyễn Du vẫn dẫn dắt người đọc bằng những lời đối thoại của nhân vật mà ở đây là Thúy Kiều. Nếu như ngày xưa, Kiều chỉ dám cúi đầu trước những đau khổ mà Hoạn Thư gây ra cho nàng thì giờ đây, bằng nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại, Nguyễn Du đã cho ta thấy được những chuyển biến trong tâm lý và tính cách của Kiều. Giờ đây, Kiều đã trở thành một Thúy Kiều mạnh mẽ, một người phụ nữ uy quyền, hoàn toàn không còn nhu nhược, yếu đuối nữa. Vậy nên, nàng mới khảng khái nói với Thúc Sinh rằng: “Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau”, rằng giờ đây, nàng cũng sẽ báo đền lại những tổn thương mà Hoạn Thư đã gây ra cho nàng.

Kết lại những lời báo ân dành cho Thúc Sinh, Thúy Kiều đã lên tiếng cảnh báo về sự trả thù, báo oán của mình dành cho Hoạn Thư – kẻ đã gây ra đau khổ cho nàng trước kia. Nguyễn Du, bằng tài năng của mình, thông qua màn đối thoại của Thúy Kiều – Thúc Sinh, ông đã dựng lên được tính cách của nàng Kiều. Nàng vẫn là người con gái thông minh, xinh đẹp, giàu lòng nhân hậu, thế nhưng nàng đã không còn yếu đuối, chịu đựng như trước nữa. Thế nên, khi đối diện với Hoạn Thư, không chờ để nàng ta cất lời, nàng đã cất lời trước:

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây

Đàn bà dễ có mấy tay

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan

Dễ dàng là thói hồng nhan

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”

Lời vừa mở là một loạt những câu châm biếm, mỉa mai của Kiều dành cho Hoạn Thư. Thúy Kiều mỉa mai rằng chắc hẳn Hoạn Thư chưa từng nghĩ sẽ có ngày hai người đổi vai cho nhau, kẻ chủ thành tớ mà kẻ tớ thì thành chủ như hôm nay. Nàng cũng cảnh báo nàng ta rằng thói hồng nhan của Hoạn Thư sẽ khiến cho nàng ta chuốc thêm nhiều uất ức, đau khổ nữa mà thôi. Qua những lời nói ấy, chúng ta thấy rằng, tính cách của Kiều đã hiện thật rõ đằng sau mỗi câu chữ. Nàng đã chẳng còn là một cô tiểu thư mỏng manh nữa, nàng đã trở lên mạnh mẽ, một người phụ nữ với tính cách thật sắc sảo, khiến cho ai nấy cũng phải nể phục. Mỗi lần nàng cất giọng lên, thì đến Hoạn Thư kia cũng phải cúi đầu nhận tội. Nguyễn Du ở đây đã dùng những ngôn từ đối thoại thật sắc bén để làm hiện rõ lên tính cách của Kiều cũng như sự sắc sảo trong từng câu nói mà nàng đối thoại.

Kết lại đoạn trích, người ta lại một lần nữa được chứng kiến tâm lý, tính cách của Kiều được vẽ lên bằng những câu đối thoại. Nàng đã quyết định tha cho Hoạn Thư. Những câu nói cuối cùng, người ta vẫn nhận ngay rằng Kiều bởi lòng nhân hậu, tính cách dịu dàng, cũng như sự yếu mềm của một người phụ nữ. Bởi nàng hiểu, nàng cũng là phụ nữ, cũng hiểu được chút lòng dạ đàn bà.

Cũng trong đoạn trích này, bằng ngôn từ đối thoại, Nguyễn Du không chỉ dựng lên tính cách của nàng Kiều vừa nhân hậu, vừa sắc sảo mà còn dựng lên tính cách của một Hoạn Thư thông minh, khôn khéo cùng một chút xảo quyệt nữa.

Dưới trướng của Kiều, Hoạn Thư được Kiều vời đến để báo đền những oán hận mà nàng ta đã gây ra cho Kiều khi Kiều còn phải chịu kiếp làm tôi tớ ở phủ họ Hoạn. Thế nhưng, dù giật mình khiếp đảm trước sự uy nghiêm ấy, Hoạn Thư vẫn bình tĩnh đối đáp với Kiều:

“Rằng: tôi chút phận đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

Nghĩ cho khi gác viết kinhVới khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo

Lòng riêng riêng những kính yêu

Chồng chung cho dễ ai chiều cho ai

Trót lòng gây việc chông gai

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.

Khi Thúy Kiều lên tiếng buộc tội Hoạn Thư, đồng thời cũng cảnh báo nàng ta phải trả lại những gì đã gây ra cho Kiều thì tính cách nàng ta mới bộc lộ thật rõ. Quả không hổ là con của một viên quan lớn, những lời nói Hoạn Thư thốt ra đều vô cùng thấu tình đạt lý. Nó đã chạm tới trái tim yếu mềm của Kiều khiến Kiều phải suy nghĩ. Hoạn Thư nói rằng nàng ta có ghen tuông đấy, thế nhưng đó là thói thường của đàn bà, mấy ai chồng có nhân tình lại không ghen tuông. Đồng thời, nàng ta cũng nhắc tới những ân nghĩa mà nàng ta đã làm cho Kiều khi Kiều ở nhà họ Hoạn rằng nàng ta đã cho Kiều ra ở gác viết kinh và khi Kiều trốn chạy, nàng ta cũng bỏ qua, chẳng truy đuổi thêm nữa. Lời nói ấy thốt ra vừa thấu tình lại đạt lý khiến cho Thúy Kiều phải ngẫm nghĩ hồi lâu. Thế mới nói, Nguyễn Du đã thật tài hoa khi khắc họa tính cách của Hoạn Thư: một con người vừa khôn khéo, vừa thông minh, bình tĩnh, dù trong tình thế ngàn cân nguy hiểm tới tính mạng cũng không hề nao núng. Phải nói, nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại của Nguyễn Du để khắc họa tính cách nhân vật đã đạt tới đỉnh cao mà khó ai có thể sánh bằng.

Đọc thêm:  Lập dàn ý Kể lại truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên lớp 6 - VnDoc.com

Không chỉ thế, Hoạn Thư còn so sánh Kiều với “lượng bể” to lớn, đặt Kiều vào tình thế khó khăn. Nếu như Kiều chẳng tha cho nàng ta thì chẳng hóa ra nàng là một người nhỏ nhen hay sao. Thế mới biết, Hoạn Thư là một kẻ thật khôn khéo biết chừng nào! Và Nguyễn Du – ông cũng thật xuất sắc khi chỉ với vài ba câu thơ ngắn ngủi nhưng lại dựng lên được tính cách của một con người vừa khôn ngoan, vừa xảo quyệt lại thông minh, bình tĩnh vô cùng – Hoạn Thư.

Bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh đồng thời bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du chỉ với vài màn đối thoại ngắn ngủi giữa các nhân vật đã dựng lên được tính cách của từng nhân vật ấy trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán. Thứ nhất, đó là đoạn đối thoại giữa Kiều – Thúc Sinh, Kiều hiện lên với tính cách vừa hiền dịu, lại nhẹ nhàng, ân cần, vừa thấu tình đạt lý, lại trọng tình trọng nghĩa. Còn khi đối thoại Kiều – Hoạn Thư, Thúy Kiều lại hiện lên là một con người sắc sảo, uy quyền. Còn với Hoạn Thư, chỉ bằng tám câu thơ ngắn, Nguyễn Du đã dựng lên một con người với tâm tư khôn ngoan, sắc bén, xảo quyệt nhưng thông minh, bình tĩnh trước nguy hiểm vô cùng. Có thể nói, Nguyễn Du đã vô cùng thành công trong nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật ở trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán này.

Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật – Bài mẫu 2

Trải qua “hết hạn nọ đến hạn kia”, Kiều đã nếm đủ hết mọi điều cay đắng, tưởng rằng nàng sẽ buông xuôi trước số phận “biết thân chạy chẳng khỏi trời – cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”. Chính lúc kiều đang vô vọng thì Từ Hải xuất hiện. Kiều găph Từ Hải- một bước ngoặt quan trọng đã mở ra trên hành trình số phận của người con gái họ Vương. Người anh hùng “đội trời, đạp đất” chẳng những cứu Kiều thoát khỏi cuộc sống ở lầu xanh mà còn đưa nàng từ thân phận “con ong, cái kiến” bước lên địa vị một quan toà cầm cán cân công lý “ơn đền, oán trả”. Đoạn trích “Thuý Kiều báo ân, báo oán” miêu tả cảnh thuý Kiều đền ơn những người đã cưu mang, giúp đỡ nàng đồng thời trừng trị những kẻ bất nhân, tàn ác.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du có khi được thể hiện qua bút pháp ước lệ miêu tả ngoại hình (đoạn trích “chị em Thuý Kiều”) , có khi được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại, qua bút pháp tả cảnh ngụ tình để miêu tả tâm trạng (đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”). Trong đoạn trích “Thuý Kiều báo ân, báo oán”, nghệ thuật miêu tả nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ đối thoại để làm nổi rõ tính cách nhân vật Thuý Kiều, Hoạn Thư.

Trước hết, nhà thơ miêu tả cảnh Thuý Kiều trả ơn Thúc Sinh trong mười hai câu thơ đầu “cho gươm mời đến Thúc lang …. mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”.

Thúc Sinh được mời tới trong cảnh oai nghiêm của nơi Kiều xử án:

“Cho gươm mời đến Thúc lang

Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run”.

Trước những “gươm lớn, giáo dài”, chàng thúc hoảng sợ đến mức “mặt như chàm đổ”, người run lên như đi không vững. Hình ảnh tội nghiệp này hoàn toàn phù hợp với tính cách có phần nhu nhược của Thúc Sinh. Hình ảnh tội nghiệp của Thúc Sinh làm cho nàng Kiều động lòng trắc ẩn và họ tạo nên sự bất ngờ trong việc trả ơn, báo oán tiếp theo. Qua lời nói của Kiều “nghĩa nặng nghìn non”, “sâm thương chẳng vẹn chữ tòng, tại ai há dám phụ lòng cố nhân” … , có thể nói rằng nàng rất trọng tấm lòng và giúp đỡ mà Thúc Sinh dành cho nàng trong cơn hoạn nạn.

Thúc Sinh đưa Kiều ra khỏi lầu xanh, cứu nàng thoát khỏi cảnh đời ô nhục. Cùng với chàng thúc, Kiều có những tháng ngày êm ấm trong cuộc sống gia đình. Nàng gọi đó là “nghĩa nặng nghìn non”. Trong hình thức của cách nói văn chương, sách vở là tấm lòng biết ơn chân thật của Kiều. “Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?”. Hai chữ “người cũ”, tiếng việt mang sắc thái thân mật, gần gũi. Vì gắn bó với Thúc Sinh mà đời kiều thêm một lần khổ với thân phận làm lẽ đau đớn hơn một kẻ tôi đòi. Tuy nhiên Kiều hiểu nỗi đau khổ của nàng không phải do Thúc Sinh gây ra mà thủ phạm là Hoạn Thư. Thuý Kiều hiểu hoàn cảnh của Thúc Sinh: “tại ai há dám phụ lòng cố nhân?”. Với Kiều thì dù có “gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” cũng chưa xứng với ân nghĩa của Thúc Sinh. Tấm lòng ”nghĩa nặng nghìn non” thì gấm vóc, bạc vàng nào có thể cân cho được?

Khi nói với Thúc Sinh, Kiều dùng những từ Hán – Việt “nghĩa tòng”, “cố nhân”, … tiễn cố “sâm thương”. Cách nói trang trọng này phù hợp với chàng thư sinh họ Thúc, đồng thời diễn tả được tấm lòng biết ơn trân trọng của nàng Kiều. Trong khi nói với Thúc Sinh, Kiều đã nói về Hoạn Thư, điều đó chứng tỏ vết thương lòng mà Hoạn Thư gây ra cho Kiều đang còn qua xót xa. Lúc nói về Hoạn Thư thì ngôn ngữ của Kiều lại hết sức nôm na, bình dị. Nàng dùng những thành ngư quen thuộc “ kẻ cắp, bà già gặp nhau”, “kiến bò miệng chén” với những từ tiếng Việt đễ hiểu. Hành động trừng phạt cái ác theo quan điểm của nhân dân phải được diễn đạt bằng lời ăn, tiếng nói của nhân dân.

Đoạn thơ sau, còn lại trong đoạn trích là cuộc đối đáp giữa Kiều và Hoạn Thư trong cảnh báo oán “thoắt trông nàng đã chào thưa … truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”. Hành động và lời nói của Kiều biểu thị thái độ mỉa mai đối với Hoạn Thư. Nàng vẫn dùng cách xưng hô như hồi còn làm hoa nô cho nhà họ Hoạn, vẫn một điều “chào thưa”, hai điều “tiểu thư”. Cách xưng hô này trong hoàn cảnh giữa Kiều và Hoạn Thư đã có sự thay bậc, đổi ngôi là một đòn mỉa mai quất mạnh vào danh gia họ Hoạn. Trong lời nói của Kiều có cả giọng đay nghiến, câu thơ như dằn ra từng tiếng; từ ngữ được lặp lại, nhấn mạnh: (dễ có, dễ dàng, mấy tay, mấy mặt, mấy gan, đời xưa, đời nay, càng cay nghiệt, càng oan trái, … ) cách nói này hoàn toàn phù hợp với dối tượng Hoạn Thư, phù hợp với con người “bề ngoài thơn thớt nói cười – bề trong nham hiểm giết người không dao”. Giọng điệu mỉa mai, đay nghiến của Kiều cho thấy nàng quyết trừng trị Hoạn Thư theo đúng quan niệm “mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”.

Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân, báo oán | 900 bài Văn mẫu 9 hay nhất (ảnh 2)

Trong lời nói, thái độ của Kiều, phút giây đầu Hoạn Thư có “hồn lạc phách xiêu” nhưng ngay trong hoàn cảnh ấy, Hoạn Thư vẫn kịp “liệu điều kêu ca”. đây quả là con người khôn ngoan, giảo hoạt. Lời “kêu ca” của Hoạn Thư thực chất là cách lí giải để gỡ tội cho mình. Trước hết, Hoạn Thư dựa vào tâm lí thường tình của người phụ nữ để gỡ tội “rằng tôi chút phận đàn bà – ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Lí lẽ này đã xoá đi sự đối lập giữa Kiều và Hoàn Thư, đưa Kiều từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung “chút phận đàn bà”. Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ. “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Từ tội nhân, Hoạn Thư đã biện bạch để mình trở thành nạn nhân của chế độ đa thê. Tiếp đến, Hoạn Thư kể lại “công” đã cho Kiều ra viết kinh ở gác Quan Âm và không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư:

“Nghĩ cho khi gác viết kinh

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”.

Cuối cùng, Hoạn Thư nhận tất cả tội lỗi về mình, chỉ còn biết trông cậy vào tấm lòng khoan dung, độ lượng rộng lớn như trời biển của Kiều “còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.

Trước những lời kêu ca của Hoạn Thư, Kiều đã phải thừa nhận đây là con người “khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”. Hoạn Thư đã đưa Kiều tới chỗ khó xử “tha ra thì cũng may đời – làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”. Nàng có răn đe Hoạn Thư nhưng rồi lại khoan dung độ lượng “đã lòng tri quá thì nên”. Hoạn Thư đã biết lỗi, đã xin tha thì Kiều cũng cư xử theo quan điểm triết lý dân gian “đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”!

Qua cách lí lẽ để gỡ tội, có thể thấy Hoạn Thư “sâu sắc nước đời” đến “quỷ quái tinh ma”. Tuy nhiên, việc Hoạn Thư được tha bổng không hoàn toàn phụ thuộc vào sự “tự bào chữa” mà chủ yếu là do tấm lòng độ lượng của Kiều. Đoạn “Thuý Kiều báo ân, báo oán” một lần nữa đã làm ngời lên tấm lòng vị tha, nhân hậu của người con gái họ Vương. Từ thân phận con người bị áp bức, đau khổ, Thuý kiều đã trở thành vị quan toà cầm cán cân công lý. Đoạn trích này là sự phản ánh khát vọng, ước mơ công lý chính nghĩa của thời đại Nguyễn Du. Đó cũng chính là ước mơ công lý chính nghĩa theo quan điểm của quần chúng nhân dân: những con người bị áp bức, đau khổ vùng lên đòi sự công bằng cho chính họ – “ở hiến gặp lành, ở ác gặp ác”.

Đọc thêm:  Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội - VnDoc.com

Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật – Bài mẫu 3

Xanh Bơ-vo đã nói, đại ý: nếu chọn nhà văn tiêu biểu cho từng nước, nước Anh sẽ không ngần ngại chọn Secxpia, nước Pháp – Molie và nước Đức – Gớt. Còn tôi, nếu có quyền được chọn, tôi sẽ không đắn đo nêu tên Nguyễn Du cùng kiệt tác Đoạn trường tân thanh. Đó là một trong những đỉnh cao chói ngời của nền văn học Việt Nam, nền văn học thế giới, làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm này có nhiều nguyên nhân song một điều không ai có thể phủ nhận là tài nghệ niêu tả và khắc họa tính cách nhân vật sắc sảo đến mức các nhà viết tiểu thuyết hiện đại cũng khó lòng theo kịp Nguyễn Du.

Trước hết nói về nghệ thuật miêu tả của cụ Tiên Điền vì ngoại hình một con người bao giờ cũng là cái đập vào mắt, đến với nhận thức chúng ta đầu tiên. Một điều rất dễ nhận thấy là sự khác biệt trong cách miêu tả nhân vật chính điện và nhân vật phản diện của Nguyễn Du. Trong quan niệm của Tố Như, một con người cũng như bao nho sĩ đương thời chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc, các nhân vật mang trong mình đỉnh cao của chân, thiện, mỹ đều được khắc họa bằng hàng loạt điển cố với bút pháp ước lệ. Với chị em Kiều là “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, Kim Trọng phải là :

Tuyết in sắc ngựa câu giòn

Cỏ phai màu áo nhuộm non da trời

Còn Từ Hải, người anh hùng cái thế ? Ta lại bắt gặp “Râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, những tiêu chuẩn, những kích thước điển hình của một trang hảo hán. Ngược lại, ở những nhân vật phản diện, bút pháp của Nguyễn Du lại rất thực tế, sinh động đến mức trần trụi. Mã Giám Sinh là con buôn và cũng là gã trai lơ, hẳn cần vẻ ngoài chải chuốt, diêm dúa ư ? Thì đây “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Còn Sở Khanh, kẻ “bạc tình nổi tiếng lầu xanh”, Nguyễn Du khoác cho nó cái “hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng” để đi quyến rũ những “cành phù dung”. Tuy khác nhau đó nhưng Nguyễn Du vẫn khắc họa rất điển hình, chọn lọc chi tiết đến mức gắt gao để làm nổi bật lên dáng vẻ của từng hạng người, Tú Bà, mụ “gái làng chơi đã về già hết duyên”, để lại, không sao xóa nổi nước da “nhờn nhợt” xanh bủng beo của mụ. Và Tú Bà, chủ nhà chứa, quen “ăn gì” nếu không phải là những đồng tiền nhầy nhụa, ăn chèn của chị em những đêm tiếp khách, ních chặt căng đến “đẫy đã làm sao”. Hoạn Bà là một tể tướng phu nhân được Nguyễn Du thắp sáp cho mụ, biến mụ thành một pho tượng bệ vệ, quăng bịch xuống cái “giường thất bảo”giữa cái nhà “ban ngày sáp thắp” kia.

Đặc biệt, làm cho bạn đọc bao thế hệ không ngớt khâm phục là cái tài tả người mà dường như dự báo cho cả cuộc đời nhân vật ở Nguyễn Du. Khi tả Thúy Vân :

Khuôn trang đầy đặn, nét ngài nở nang

…..

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da

Và khi tả Thúy Kiều đẹp đến mức “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, Nguyễn Du đều có dụng ý cả. Trên thì “thua” “nhường”, sắc trung chỉ hiền, dưới lại “ghen”, “hờn” sắc trung chỉ thánh, tả sắc mà đến bậc thánh hiền thỉ quả là Nguyễn Du đã khổ tâm hun đúc, chọn chữ để tả ra cho rành. Ai dã nhận xét như vậy, quả là chí lý. Chẳng trách sau này, khi cảnh nhà nguy biến, trong khi Kiều “Dầu trong trăng đĩa lệ tràn thắm khăn” bởi “nỗi mình”, “nỗi nhà” thì Vân vẫn ngon lành giấc xuân, trong khi Kiều lênh đênh trong bể đoạn trường thì Vân vãn đề huề sống cùng Kim Trọng. Tả người mà đến mức đó hỏi ai hơn được Nguyễn Du ?

“Văn” đông càng lắc càng đầy ! Đi sang góc độ khắc họa tính cách nhân vật mới thấy hết “tay tiên” của Nguyễn Du “gió táp mưa sa” đến mức nào. Đi vào tính cách, vào nội tâm con người đâu phải chuyện đơn giản nhưng Nguyễn Du đã vượt qua thử thách đó tưởng chứng rất nhẹ nhàng, đơn giản.

Tả tính cách mà giới thiệu thẳng như khi tả Hoạn Thư:

Ở ăn thì nết cũng hay

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

Không nói làm gì, và nếu chỉ có thế thì Truyện Kiều cũng không còn sống được với chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy cùng khám phá cội nguồn làm cho văn Kiều còn dào dạt tuôn chảy đến muôn đời.

Trước hết mượn ngay bút pháp miêu tả Nguyễn Du đã khắc họa rất thành công tính cách nhân vật. Nhà phê bình Xuân Diệu đã từng rất tâm đắc với chữ “thốt” trong bức chân dung nàng Vân

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Quả nếu thay “thốt” bằng “nói” thì thành ra Vân cười cười nói nói suốt ngày, còn đâu vẻ “đoan trang” nữa. Còn “thốt” là thỉnh thoảng mới nói, đúng lúc đó. Có thế mới thấy cái dụng công tột bực của cụ Tiên Điền. Còn Sở Khanh, đàn ông mà “hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”. Mã giám Sinh, đấng mày râu gì mà “mày râu nhẵn nhụi”. Theo cái nhẵn nhụi ấy, theo cái chải chuốt của lụa là mà cũng tuột luôn đi mất cái tính cách của “đấng trượng phu”, chỉ còn lại một gã lái buôn, một kẻ bạc tình.

Cũng chỉ cần vài hành động điển hình thôi, Nguyễn Du cũng đã giúp người đọc đi guốc vào tim gan nhân vật. Với hành động đầy mờ ám : “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”, có khó gì không đoán được tâm địa phản trắc đầy âm mưu đen tối của Sở Khanh. Còn Kiều, nếu có đi theo hắn cũng chỉ là “cũng liều nhắm mắt đưa chân” trong cơn tuyệt vọng cùng cực của cô tiểu thư lá ngọc cành vàng thoắt bị xã hội vứt xuống bùn đen mà thôi. Rõ nhất là ở Từ Hải. Dường như sự xuất hiện của con người này luôn luôn đột ngột, bất ngờ :

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi

Sau này, trong lời kể của viện lại họ Đô về Từ Hải cho chàng Kim, ông cũng dùng từ “bỗng”. Từ Hải là thế đó ! Chàng đến, chàng đi đột ngột như cơn gió lốc, quét hết mọi dơ bẩn, đưa lại hạnh phúc cho con người. Chàng như ánh sao băng vụt lóe sáng, xé rách màn đêm đột ngột, đầy ngỡ ngàng, ấm áp, hân hoan. “Bỗng đâu”văn Truyện Kiều bừng sáng sau bao nhiêu “cung gió thảm mưa sầu”.

Ngôn ngữ cũng được Nguyễn Du tận dụng tối đa để làm bật lên tính cách nhân vật. Chỉ đọc những dòng “ghi âm” lời Hoạn Thư :

Làm cho cho mệt cho mê

Làm cho đau đớn ê chề cho coi.

Cũng phải sởn gai ốc vì cái giọng đay nghiến như muốn gí đầu người ta xuống , róc thịt người ta ra của mụ. Và giọng lưỡi Tú Bà :

Màu hồ đã mất đi rồi

Thôi thôi vốn liêng đi đời nhà ma.

Những bài học vỡ lòng trong làng chơi được mụ truyền cho Kiều đã khiến Xuân Diệu cảm thấy mụ chỉ nói trong mấy phút mà bọt mép của mụ văng đến nghìn năm”. Có lẽ, đối với những con “sư tử Hà Đông” đó thì ngôn ngữ lại là cây bút rất tốt để vẽ lên tâm địa của chúng. Và Nguyễn Du đã rất thành công.

Một phương pháp điển hình trong nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật, một bút pháp quen thuộc của các nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, đặt nhân vật vào hoàn cảnh điển hình. Kiều là nhân vật được khắc họa đạt nhất bằng bút pháp đó. Nàng là con gái, là phụ nữ. Không gì điển hình hơn khi đặt Kiều trong thế đối lập với lễ giáo phong kiến trước tình yêu chớm nở với Kim Trọng. Lễ giáo phong kiến nghiêm khắc và nghiệt ngã, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Nhưng Kiều vẫn chủ động đến với Kim Trọng: ‘Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, đêm về vẫn mơ tưởng:

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không

Cách xử thế ấy đã làm bao nhà nho xưa chau mày, bặm môi, và ngay cả đến bây giờ cũng chưa hết khiến chúng ta bang hoàng. Cũng phải đặt con người “hiếu trọng tình thâm” ấy giữa một bên là cha và em đang chịu cảnh “giường cao rút ngược dây oan” với một bên là mối tình đầu chớm nở mới thấy hết giá trị, sức nặng của câu nói đầy nước mặt: “Dễ cho để thiếp bán mình chuộc cha” của Kiều, mới thấy hết hiếu nghĩa ở người con. Đây cũng là con người sống có trước có sau. Làm sao quên được hình ảnh “Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi”? Khi có quyền hành trong tay, Kiều bỏ ra bao bạc vàng, lụa là đền ơn và kiên quyết tuyên án gia hình “những phường bạc án tinh ma” đã đẩy nàng xuống bùn đen. Chưa bao giờ Kiều hiện lên sắt đá, quyết định đến thế. Thật là con người tình, hiếu, nghĩa vẹn toàn. Đặc biệt tuy là một người anh hung những là con người biết rung động trước cái đẹp của người phụ nữ yếu ớt. Không gì hơn khi đặt chàng trong cuộc gặp gỡ với Kiều nơi lầu xanh chứ không phải trong cuộc chiến đấu, nơi trận tiền để khắc họa tấm lòng cao quý của người anh hùng ấy. Đó là cái độc đáo, và cũng là sáng tạo rất thành công của Nguyễn Du.

Đọc thêm:  Ý nghĩa chi tiết bát cháo hành của Thị Nở | Văn mẫu 11 - Đọc Tài Liệu

Điều làm ta ngỡ ngàng nhất là “bút pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn”, theo cách gọi của Phan Ngọc, ơ Nguyễn Du. Nhân vật của ông hiện lên theo cách rất người. Trong Truyện Kiều, còn ai được ông yêu thương hơn Thúy Kiều và Từ Hải. Thế nhưng Nguyễn Du vẫn làm chủ được ngòi bút của mình. Cái gì phải đến nó sẽ đến. Con người bao giờ cũng là con người với tất cả cái mạnh, yếu của mình. Đến một lúc nào đó, nàng Kiều sau bao nhiêu “gió dập sóng va” sẽ phải mệt mỏi, hãi hùng, phải “xiêu” trước “lễ nhiều nói ngọt”, trước bả vinh hoa mà Hồ Tôn Hiến đưa ra để khuyên Từ Hải hàng. Và Từ Hải, con người hùng ấy, trước kia đã từng xiêu trước “tấm lòng nhi nữ”, giờ nghe vợ tỉ tê tha thiết đến thế cũng phải lơi lỏng việc quân và cuối cùng ra hàng là điều dễ hiểu. Chúng ta chẳng trách họ, con người chứ có phải gỗ đá đâu. Và ta càng thêm phục Nguyễn Du.

Có người khi nhận xé bức tranh vẽ ngựa nói: “Từ khi có con ngựa ấy trên đời không còn gì đáng gọi là ngựa nữa”. Cũng có thể nói, từ khi các nhân vật Truyện Kiều ra đời, nó mang tính điển hình đến nỗi hễ nói đến chàng bạc tình là nói “Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào” và “Máu ghen Hoạn Thư” cũng trở thành thành ngữ cố định. Thế mới biết tài Nguyễn Du.

Mặt khen nét bút càng nhìn càng tươi

Nét bút Nguyễn Du, nghệ thuật miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật của Nguyễn Du sẽ làm cho Truyện Kiều sống mãi.

Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân, báo oán | 900 bài Văn mẫu 9 hay nhất (ảnh 3)

Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật – Bài mẫu 4

Nếu như ai đã từng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có lẽ đều tâm phục nghệ thuật dẫn truyện tài tình, cách sử dụng ngôn ngữ bác học và bình dân một cách linh hoạt, điêu luyện và đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật thật độc đáo và gần với đời sống. Nói về nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có ý kiến cho rằng: “Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã rất tài tình trong việc khắc hoạ nhân vật. Nhưng tác giả không chỉ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài, với ông, tả ngoại hình là để giúp cho người đọc hình dung rõ hơn bản chất, tính cách bên trong của nhân vật”.

Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật của mình tập trung ở hai dạng chính theo quan điểm truyền thống là : nhân vật phản diện và nhân vật chính diện. Nếu ở nhân vật chính diện, tác giả thường sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, xây dựng nhân theo lối lí tưởng hoá thì ở nhân vật phản diện, tác giả thường sử dụng bút pháp tả thực để khắc hoạ. Dù miêu tả nhân vật ở khía cạnh nào, thì ngòi bút của ông cũng đạt đến trình độ bậc thầy về ngôn ngữ, bởi nhân vật hiện lên rất sống động và chân thực.

Về nhân vật chính diện, khi miêu tả Thuý Vân, Thuý Kiều tác giả đã sử dụng bút pháp ước lệ, hình ảnh ảnh dụ tượng trưng, thủ pháp tiểu đối để gợi tả vẻ đẹp chung của hai nàng. Hai nàng có dáng vẻ mảnh mai thanh tao như cây mai “Mai cốt cách”, tâm hồn trong trắng, ngây thơ như tuyết “Tuyết tinh thần”. Vẻ đẹp của hai nàng đã đạt đến độ tròn trịa, hoàn mĩ “mười phân vẹn mười”. Nhưng mỗi người lại mang một nét đẹp riêng không giống nhau là “mỗi người một vẻ”. Chân dung Thuý Vân được nhà văn Nguyễn Du miêu tả là một người con gái có vẻ đẹp hài hòa, cân đối :

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”

Hai chữ “trang trọng” nói nên vẻ đẹp cao sang, quý phái khác thường của nàng. Vẻ đẹp trong sáng, quý phái ấy được Nguyễn Du so sánh với những hình tượng đẹp nhất của thiên nhiên như trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết. Nàng có khuôn mặt dày đặn, tròn trịa như mặt trăng, đôi lông mày sắc nét, miệng cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc, làn da trắng mịn hơn tuyết, mái tóc óng ả hơn mây. Nàng mang một vẻ đẹp trong sáng, phúc hậu, hài hòa khiến thiên nhiên phải “nhường”, “thua”. Qua đó, nhà thơ Nguyễn Du đã khắc hoạ bức chân dung của Thuý Vân gợi lên một tương lai tươi sáng, bình yên, hạnh phúc.

Vẫn với bút pháp ước lệ, tượng trưng tả vẻ đẹp của Thuý Kiều tác giả lại chỉ miêu tả một cách khái quát mà không đi vào chi, khi miêu tiết như Thuý Vân. Nhà thơ chủ yếu đặc tả đôi mắt của nàng. Bởi đôi mắt vốn dĩ được coi là cửa sổ của tâm hồn, qua đôi mắt, những vẻ đẹp về tâm hồn, trí tuệ của Thuý Kiểu được thể hiện một cách đặc biệt.

“Làn thu thuỷ nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

Thuý Kiều được miêu tả có đôi mắt long lanh, trong sáng, linh hoạt như nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân khiến vẻ đẹp của nàng khiến thế gian phải “nghiêng nước nghiêng thành”. Vẻ đẹp của nàng khiến thiên phải đố kị, hờn ghen. Với cách tả ấy, Nguyễn Du đã vẽ lên bức chân dung của nàng Kiều đẹp như tranh hoạ, vẻ đẹp sắc sảo, rạng rỡ, đài các, kiêu sa nhưng qua đó cũng dự báo về một kiếp hồng nhan truân chuyên, đầy trắc trở, chông gai.

Khi miêu tả chàng Kim Trọng, tác giả lại dùng những đài từ uyên bác để diễn tả xuất thân quyền quý, sự hào hoa phong nhã của nhân vật :

Nguyên người quanh quất đâu xa

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh

Nền phú hậu bậc tài danh

Văn chương nết đất thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong nho nhã ra vào hào hoa

Còn đối với Từ Hải, bậc anh hùng trượng nghĩa, tác giả đã mượn những hình ảnh “Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, để lột tả những đường nét cường tráng, thần thái uy dũng của một trang hảo hán.

Ngược lại đối với những nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, tác giả lại dùng những ngôn từ rất bình dân những đã lột tả bản chất thủ đoạn, ranh ma của nhân vật. Với Mã Giám Sinh đôi dòng giới thiệu :

“Hỏi tên rằng: “Mã Giám Sinh”

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần.

Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”

Tác giả đã lột tả bản chất đều giả, một con người có cách cư xử vô học. Mặc dù đã “trạc ngoại tứ tuần” nhưng dung mạo lại “nhẵn nhụi, bảnh bao” cho thấy tính cách trải chuốt, ăn diện quá mức của y. Bản chất của một con buôn cũng được thể hiện rõ qua cách “Cò kè bớt một thêm hai” cho thấy y là một kẻ rất thủ đoạn, xảo trá và kệch cỡm. Với nhân vật Sở Khanh, một kẻ “bạc tình nổi tiếng lầu xanh”, tác giả dựng lên hình ảnh của một kẻ “Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng” để đi quyến rũ những “cành phù dung”. Khi miêu tả nhân vật Tú Bà, cái hình dáng quá khổ “đẫy đà” qua màu da “nhờn nhợt” đã tố cáo cái nghề buôn bán, kinh doanh trên thân xác của người phụ nữ, khiến người ta mới đọc và hình dung qua một chút thôi cũng đã đủ thấy để ghê tởm. Không những thế mụ còn độc ác, nanh nọc, đanh đá, khi đay nghiến “Phải làm cho biết phép tao” và sấn sổ và đánh Kiều khiến cho người ta phải kinh hãi. Có thể thấy, đối với những nhân vật phản diện, cách sử dụng ngôn từ bình dân tác giả đã khiến nhân vật phải bộc lộ rõ bản chất của mình.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều không chỉ được tác giả khắc hoạ qua việc miêu tả chân dung bên ngoài, mà thành công hơn cả chính là việc miêu tả thế giới nội tâm nhân vật vô cùng phong phú, tinh tế, làm cho nhân vật có đời sống riêng, có sức sống riêng. Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” qua việc miêu tả cảnh ngộ cô đơn buồn tủi đáng thương, nỗi nhớ người thân da diết, tác giả đã khắc hoạ sâu sắc tấm lòng chung thuỷ, hiếu thảo và vị tha của nàng. Qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, nỗi lòng đau đáu về lương duyên với chàng Kim chẳng khi nào nguôi ngoai :

“Chân trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

Hay khi miêu tả tính cách của Hoạn Thư, tác giả chẳng ngại ngần mà thể hiện rõ thái độ của mình :

Ở ăn thi nết cũng hay

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

Bước từ trang thơ qua đến đời thực, hệ thống nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du còn rất nhiều, nhưng có lẽ chỉ qua vài nét phác hoạ về nhân vật chính diện và nhân vật phản diện bằng ngôn từ điêu luyện, tài năng của Nguyễn Du đã được nhân loại khẳng định là bậc “đại thi hào”. Nhà phê bình Hoài Thanh đã phải rất tâm đắc khi viết nên những lời nhận xét sau “Nguyễn Du đã tái tạo lại một cuộc sống đương thời và sáng tạo ra một thế giới có thật. Trong thế giới ấy có những con người rất sống, rất thật khiến nhiều khi người ta không còn nhớ đó là những con người trong tiểu thuyết”.

-/-

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân, báo oán do Top lời giải sưu tầm được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button