Phân tích nhân vật Từ Hải năm 2021 (dàn ý – 5 mẫu)

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Đề bài: Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”.

A/ Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Giới thiệu nhân vật Từ Hải.

2. Thân bài:

* Bối cảnh cuộc gặp gỡ của Từ Hải – Thúy Kiều: (Tự tìm hiểu)

* Chí khí anh hùng của Từ Hải:

– “Nửa năm hương lửa đương nồng/Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”: Không cam chịu cuộc sống ấm êm, giản dị mà quyết tâm để lại sau lưng tình riêng ra đi làm nghiệp lớn.

– Hành động ra đi mạnh mẽ, quyết liệt của Từ Hải lại được thể hiện rất rõ ở những câu thơ “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” và “Quyết lời dứt áo ra đi”. Tác giả lựa chọn sử dụng một loạt những từ ngữ “thẳng rong” tức là đi liền một mạch, “quyết lời”, “dứt áo” thể hiện hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn. Từ đó thấy được khí phách mạnh mẽ của bậc đại trượng phu.

– “Từ rằng: Tâm phúc tương tri/Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”: Lời trách, nhưng đồng thời cũng là lời động viên Thúy Kiều rằng hãy cố gắng vượt ra khỏi cái suy nghĩ của bậc nữ nhi thường tình để trở thành phu nhân của một bậc anh hùng cái thế, có công danh sự nghiệp hiển hách, thể hiện ý thức của Từ Hải về sự hơn đời, hơn người của bản thân mình.

– “Bao giờ… nghi gia”: Lời động viên ngầm của Từ Hải là lời ước hẹn của Từ Hải với Thúy Kiều.

– “Bằng nay bốn bể không nhà/Theo càng thêm bận biết là đi đâu”: An ủi, lo lắng, giải thích cho Thúy Kiều để nàng an lòng ở lại. Đồng thời ở hai câu thơ này ta còn lờ mờ nhận ra đằng sau nó là sự cô đơn, lạc lõng của Từ Hải trong giây phút bắt đầu gây dựng công danh sự nghiệp.

– Các hình ảnh “bốn phương”, “trời bể mênh mang”, “bốn bể”, “gió mây”, “dặm khơi”, hình ảnh cánh chim “bằng”. Đây đều là những hình ảnh gợi ra bối cảnh không gian khoáng đạt rộng lớn, góp phần nâng tầm vóc của người anh hùng mang hùng tâm tráng chí Từ Hải lên sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Bên cạnh đó còn thể hiện chí lớn của người anh hùng khao khát được vẫy vùng, tùng hoành trong bốn bể.

3. Kết bài:

– Nêu tổng kết nội dung và nghệ thuật.

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Phân tích hình ảnh Từ Hải – mẫu 1

Ngòi bút Nguyễn Du tài tình khi khắc họa những nhân vật trong Truyện Kiều luôn chân thật, sống động, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Nhân vật vừa có nét chung, vừa có nét riêng nổi bật, đặc biệt là về tâm lý, tính cách. Chỉ cần một lời thơ cô đọng, tác giả đã làm lộ ngay thần thái của nhân vật. Đoạn Chí khí anh hùng- Từ Hải ra đi lập sự nghiệp, giã từ Thúy Kiều – đã thể hiện sắc nét nghệ thuật miêu tả nhân vật đó của Nguyễn Du.

Từ Hải đa tình, nhưng trước hết Từ Hải là một tráng sĩ, một người có chí khí mạnh mẽ. Chỉ là mục đích cao để hướng tới, khí là nghị lực để đạt tới mục đích. Ở con người Từ Hải, nỗi khát khao được vẫy vùng giữa trời cao đất rộng như đã trở thành một sức mạnh của thiên nhiên, không gì có thể kiềm chế nổi. Từ Hải đang sống trong cảnh nồng nàn hương lửa, chợt động lòng bốn phương. Thế là toàn bộ tâm trí hướng về trời bể mênh mang và lập tức ở vào tư thế một mình với thanh gươm yên ngựa sẵn sàng lên đường. Động lòng bốn phương là “động bụng nghĩ đến bốn phương” (Tản Đà). Nói cụ thể hơn là thấy trong lòng cái chí tung hoành ở bốn phương đang thúc giục, kêu gọi. Chỉ hai câu đầu, ta thấy Từ Hải không phải là con người tầm thường, mà có tâm chí của bậc hào kiệt Không gian trong câu 3, 4 (trời bể mênh mang, lên đường thẳng rong) thể hiện chí khí anh hùng của Từ Hải: lên đường, một mình một ngựa, một thanh gươm!

Lời Từ Hải nói trong lúc tiễn biệt thể hiện rõ tính cách của nhân vật anh hùng này. Từ Hải là con người của sự nghiệp phi thường, không thể đắm mình mãi chốn khuê phòng. Đang ở trong cảnh hạnh phúc ngọt ngào, Từ Hải thoắt đã động lòng bốn phương, tiếng gọi của sự nghiệp đã thức tỉnh chàng. Giờ đây sự nghiệp đối với chàng là trên hết. Đối với Từ Hải, sự nghiệp chẳng những là ý nghĩa của sự sống, mà còn là điều kiện để thực hiện những ước ao mà người tri kỷ gửi gắm, trông cậy ở chàng. Do vậy nên không chút bịn rịn, không có những lời than vãn lúc chia biệt. Thêm nữa, trong lời trách người tri kỷ chưa thoát khỏi thường tình nhi nữ, còn bao hàm cái ý khuyên Kiều hãy vượt lên tình cảm thông thường để làm vợ của một anh hùng. Cho nên sau này trong nỗi nhớ thương của Kiều (Cánh hồng bay bổng tuyệt vời – Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm) không chỉ có sự mong chờ người yêu xa cách, mà còn mong chờ cả sự nghiệp của Từ Hải.

Con người rất tự chủ và tự tin. Trước đây, ngay trong cảnh trần ai, Từ Hải ngang nhiên xem mình là anh hùng, tất cả sự nghiệp sau này như đã nắm chắc trong tay. Giờ đây xuất phát chỉ với thanh gươm yên ngựa, Từ Hải đã khẳng định, muộn thì cũng không quá một năm, sẽ nhất định trở về với cả một cơ đồ to lớn.

Từ Hải là nhân vật được Nguyễn Du tái tạo theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Trong đoạn trích này, qua từ ngữ, hình ảnh nghệ thuật miêu tả của tác giả, Từ Hải hiện ra với tính cách của con người phi thường.

Trượng phu là người đàn ông có chí khí lớn. Chữ thoắt nói những quyết định dứt khoát của Từ Hải. Bốn chữ động lòng bốn phương nói lên được cái ý Từ Hải “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Chữ dứt áo trong câu Quyết lời dứt áo ra đi thể hiện được phong cách con người phi thường lúc chia biệt: người ở nắm áo, nhưng người đi cứ dứt áo ra đi.

Mặt khác, Từ Hải là con người phi thường, nên lúc ra đi cũng không thể ra đi như mọi người. Hơn nữa, hình ảnh Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi cho thấy chí lớn của một bậc hào kiệt. Từ Hải ra đi chỉ với thanh gươm yên ngựa, nhưng vẫn cả quyết ngày trở về sẽ có mười vạn tinh binh. Làm thế nào mà có được như thế, Từ Hải không nói, nhưng Kiều thì tin và người đọc cũng không thấy phải băn khoăn.

Nguyễn Du đã thành công trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật miêu tả theo khuynh hướng lí tưởng hóa để biến Từ Hải thành một hình tượng lý tưởng, phi thường với những nét thật cụ thể, sinh động.

Phân tích hình ảnh Từ Hải – mẫu 2

Chí khí anh hùng được trích từ phần thứ hai Gia biến và lưu lạc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đây là phần do Nguyễn Du sáng tạo ra không có trong nguyên tác chữ Hán. Đoạn trích đã vẽ lên chân dung người anh hùng Từ Hải vô cùng đẹp đẽ, đồng thời gửi gắm những thông điệp ý nghĩa qua nhân vật này.

Văn bản nói về cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải sau nửa năm chung sống mặn nồng. Từ Hải lên đường thể hiện quyết tâm mưu đồ việc lớn của người anh hùng có hùng tâm tráng trí cao cả, lớn lao. Trước đoạn trích này, ngay từ khi Từ Hải xuất hiện, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy hình ảnh người anh hùng ngay từ vẻ đẹp ngoại hình:

Râu hùm hàm én mày ngài

Vai năm thước rộng thân mười thước cao

Hay vẻ đẹp ở phương diện tài năng:

Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

Để làm bật vẻ đẹp đó, bốn câu thơ đầu đã vẽ lên hình ảnh người anh hùng với khát khao, hoài bão lớn lao, cao đẹp:

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Giữa lúc cuộc sống của Từ Hải và Thúy Kiều đang ở độ đằm thắm, mặn nồng nhất thì Từ Hải quyết định dứt áo lên đường thực hiện nguyện vọng lớn lao. Theo lẽ thường, những người đàn ông sẽ khó có đủ quyết tâm để rời bỏ hạnh phúc riêng tư. Còn Từ Hải lại là một người hoàn toàn khác, mặc dù đang trong giai đoạn hạnh phúc nhất, nhưng sâu thẳm trong trái tim Từ Hải khát khao, hoài bão, nguyện vọng đó vẫn luôn âm ỉ cháy bỏng, chỉ chờ thời cơ thích hợp để thực hiện. Thái độ lên đường của Từ Hải hết sức dứt khoát, hành động “thoắt” cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong con người Từ Hải.

Đọc thêm:  Lời hứa của Đội viên mới | Tip.edu.vn

Chỉ cần nghĩ đến những khát khao, hoài bão lớn của đời người là chàng đã muốn lên đường ngay lập tức. Tư thế lên đường “trông vời” đó là cái nhìn thẳng về phía trước, thể hiện một thái độ tự tin, mạnh mẽ của con người có bản lĩnh kiên định, vững vàng. Các từ ngữ Nguyễn Du miêu tả quyết tâm của Từ Hải hết sức đắt giá: “trượng phu”, “động lòng bốn phương”, “trời bể mênh mông” cho thấy một không gian hoạt động rộng lớn, đó là không gian thiên nhiên, vũ trụ để Từ Hải thỏa sức vẫy vùng, thể hiện hùng tâm, tráng trí của mình.

Qua bốn câu thơ đầu Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh của một người anh hùng lí tưởng, phi thường, có ước mơ, có hoài bão cao cả, có chí lớn ôm trọn của trời đất. Nguyễn Du đã rất khéo léo khi xây dựng hình ảnh người anh hùng Từ Hải qua không gian rộng lớn, qua tư thế, hành động mạnh mẽ, dứt khoát. Qua cuộc đối thoại với Thúy Kiều vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải càng được thể hiện rõ nét hơn. Trước hết những lời đối thoại của Từ Hải đã cho thấy tình cảm chàng dành cho Thúy Kiều, chàng ý thức được sự lo lắng, băn khoăn, hiểu được ý định xin được đi theo của nàng Kiều nên đã nói chuyện với nàng để giải tỏa nỗi băn khoăn ấy. Chàng còn khẳng định tình cảm tri ân tri kỷ giữa hai người, rồi trách móc nàng Kiều vẫn chưa thoát khỏi chuyện nữ nhi thường tình:

Từ rằng: Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình.

Từ Hải một người có ý chí, quyết tâm, ôm mộng lớn bao trùm thiên hạ bởi vậy vợ chàng, tri âm tri kỷ của chàng cũng phải là người phụ nữ mạnh mẽ, hiểu chuyện, không nên có những thái độ giống như những người phụ nữ bình thường khác. Ngoài ra, để làm Thúy Kiều yên tâm, chàng còn khẳng định, đưa ra lời hứa hẹn:

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp trời

Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Câu thơ là lời khẳng định tình cảm sâu sắc Từ Hải dành cho Thúy Kiều, đó làm tấm lòng trân trọng, luôn lo lắng cho Thúy Kiều của Từ Hải. Đồng thời Từ Hải cũng phân tích để Thúy Kiều hiểu được việc nàng muốn đi theo là không phù hợp: Bằng nay bốn bể không nhà/ Theo càng thêm bận biết là đi đâu. Để rồi một lần nữa Từ hứa hẹn chắc chắn một năm sau sẽ trở về đón nàng trong vinh quang. Đằng sau những lời nói của Từ Hải ta còn thấy được khát vọng lớn lao của người anh hùng: muốn có một đội quân tinh nhuệ, hùng hậu, đủ sức làm rung chuyển thiên hạ. Bày tỏ mục đích ra đi vì sự nghiệp lớn của mình là để khẳng định bản lĩnh nam nhi. Khát vọng lớn lao của người anh hùng Từ Hải thể hiện qua thái độ dứt khoát, kiên quyết dẹp bỏ tình riêng hết lòng vì sự nghiệp lớn.

Khát vọng lớn lao của Từ Hải còn được thể hiện ở lời khẳng định chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi sẽ hoàn thành sự nghiệp lớn để trở về. Đối với một người nam nhi làm sự nghiệp lớn, gây dựng cơ đồ chỉ trong một năm quả là quá ngắn ngủi. Qua lớn khẳng định đó cho thấy sự bản lĩnh, tự tin của Từ Hải vào tài năng của mình. Thông qua lời đối thoại với Thúy Kiều đã khắc họa rõ nét, chân thực những khát vọng lớn lao, cao cả, mạnh mẽ và cả tình yêu tha thiết Từ Hải dành cho Thúy Kiều.

Hai câu thơ cuối thể hiện quyết tâm của Từ Hải: Quyết lời dứt áo ra đi/ Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi. Các từ quyết, dứt, ra đi cho thấy hành động mạnh mẽ, dứt khoát, kiên quyết của Từ Hải. Hình ảnh cánh chim bằng cưỡi gió bay cao, bay xa ngoài biển lớn được Nguyễn Du sử dụng để nói lên lý tưởng, khát vọng, hoài bão cao đẹp của người anh hùng.

Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã khắc họa thành công người anh hùng Từ Hải mang trong mình khát khao lớn lao, được vùng vẫy trong bốn biển. Đồng thời hình ảnh Từ Hải cũng gửi gắm niềm tin về công lý, về sự nghiệp của Nguyễn Du.

Phân tích hình ảnh Từ Hải – mẫu 3

Qua ngòi bút của Nguyễn Du, Từ Hải xuất hiện trong tác phẩm, trước hết là một anh hùng cái thế, đầu đội trời chân đạp đất. Khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, là vì việc nghĩa, là vì trọng Kiều như một tri kỷ. Nhưng khi kết duyên cùng Kiều, Từ thực sự là một người đa tình. Song dẫu đa tình, Từ không quên mình là một tráng sĩ. Trong xã hội phong kiến, đã làm thân nam nhi phải có chí vẫy vùng giữa đất trời cao rộng. Từ Hải là một bậc anh hùng có chí lớn và có nghị lực để đạt được mục đích cao đẹp của bản thân. Chính vì thế, tuy khi đang sống với Kiều những ngày tháng thực sự êm đềm, hạnh phúc nhưng Từ không quên chí hướng của bản thân. Đương nồng nàn hạnh phúc, chợt “động lòng bốn phương”, thế là toàn bộ tâm trí hướng về “trời bể mênh mang”, với “thanh gươm yên ngựa” lên đường đi thẳng.Không gian trong hai câu thứ ba và thứ tư (trời bể mênh mang, con đường thẳng) đã thể hiện rõ chí khí anh hùng của Từ Hải.

Tác giả dựng lên hình ảnh “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” rồi mới để cho Từ Hải và Thuý Kiều nói lời tiễn biệt. Liệu có gì phi logic không ? Không, vì hai chữ “thẳng rong” có người giải thích là “vội lời”, chứ không phải lên đường đi thẳng rồi mới nói thì vô lý. Vậy có thể hình dung, Từ Hải lên yên ngựa rồi mới nói những lời chia biệt với Thuý Kiều. Và, có thể khẳng định cuộc chia biệt này khác hẳn hai lần trước khi Kiều từ biệt Kim Trọng và Thúc Sinh. Kiều tiễn biệt Kim Trọng là tiễn biệt người yêu về quê hộ tang chú, có sự nhớ nhung của một người đang yêu mối tình đầu say đắm mà phải xa cách. Khi chia tay Thúc Sinh để chàng về quê xin phép Hoạn Thư cho Kiều được làm vợ lẽ, hy vọng gặp lại rất mong manh vì cả hai đều biết tính Hoạn Thư, do đó gặp lại được là rất khó khăn. Chia tay Từ Hải là chia tay người anh hùng để chàng thỏa chí vẫy vùng bốn biển. Do vậy, tính chất ba cuộc chia biệt là khác hẳn nhau. Lời Từ Hải nói với Kiều lúc chia tay thể hiện rõ nét tính cách nhân vật. Thứ nhất, Từ Hải là người có chí khí phi thường. Khi chia tay, thấy Kiều nói:

Nàng rằng : “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

Từ Hải đã đáp lại rằng :

Từ rằng : “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”.

Trong lời đáp ấy bao hàm lời dặn dò và niềm tin mà Từ Hải gửi gắm nơi Thuý Kiều. Chàng vừa mong Kiều hiểu mình, đã là tri kỉ thì chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, vừa động viên, tin tưởng Kiều sẽ vượt qua sự bịn rịn của một nữ nhi thường tình để làm vợ một người anh hùng. Chàng muốn lập công, có được sự nghiệp vẻ vang rồi đón Kiều về nhà chồng trong danh dự:

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”.

Quả là lời chia biệt của một người anh hùng có chí lớn, không bịn rịn một cách yếu đuối như Thúc Sinh khi chia tay Kiều. Sự nghiệp anh hùng đối với Từ Hải là ý nghĩa của sự sống. Thêm nữa, chàng nghĩ có làm được như vậy mới xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin, với sự trông cậy của người đẹp. Thứ hai, Từ Hải là người rất tự tin trong cuộc sống:

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Từ ý nghĩ, đến dáng vẻ, hành động và lời nói của Từ Hải trong lúc chia biệt đều thể hiện Từ là người rất tự tin trong cuộc sống. Chàng tin rằng chỉ trong khoảng một năm chàng sẽ lập công trở về với cả một cơ đồ lớn.Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn từ Hán Việt và ngôn ngữ bình dân, dùng nhiều hình ảnh ước lệ và sử dụng điển cố, điển tích. Đặc biệt, nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du tái tạo theo khuynh hướng lí tưởng hoá. Mọi ngôn từ, hình ảnh và cách miêu tả, Nguyễn Du đều sử dụng rất phù hợp với khuynh hướng này.

Về từ ngữ, tác giả dùng từ trượng phu, đây là lần duy nhất tác giả dùng từ này và chỉ dùng cho nhân vật Từ Hải. Trượng phu nghĩa là người đàn ông có chí khí lớn. Thứ hai là từ thoắt trong cặp câu:

Đọc thêm:  Kiến thức cơ bản và những dạng đề thi về bài Việt Bắc - Tố Hữu

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Nếu là người không có chí khí, không có bản lĩnh thì trong lúc hạnh phúc vợ chồng đang nồng ấm, người ta dễ quên những việc khác. Nhưng Từ Hải thì khác, ngay khi đang hạnh phúc, chàng “thoắt” nhớ đến mục đích, chí hướng của đời mình. Tất nhiên chí khí đó phù hợp bản chất của Từ, thêm nữa, Từ nghĩ thực hiện được chí lớn thì xứng đáng với niềm tin yêu và trân trọng mà Thuý Kiều dành cho mình. Cụm từ động lòng bốn phương theo Tản Đà là “động bụng nghĩ đến bốn phương” cho thấy Từ Hải “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Hai chữ dứt áo trong Quyết lời dứt áo ra đi thể hiện được phong cách mạnh mẽ, phi thường của đấng trượng phu trong lúc chia biệt.

Về hình ảnh, “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” là một hình ảnh so sánh thật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Tác giả muốn ví Từ Hải như chim bằng cưỡi gió bay cao, bay xa ngoài biển lớn. Không chỉ thế, trong câu thơ còn diễn tả được tâm trạng của con người khi được thỏa chí tung hoành “diễn tả một cách khoái trá giây lát con người phi thường rời khỏi nơi tiễn biệt”. Nói thế không có nghĩa là Từ Hải không buồn khi xa Thuý Kiều mà chỉ khẳng định rõ hơn chí khí của nhân vật. Hình ảnh : “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” cho thấy chàng lên ngựa rồi mới nói lời tiễn biệt, điều đó diễn tả được cái cốt cách phi thường của chàng, của một đấng trượng phu trong xã hội phong kiến.

Về lời miêu tả và ngôn ngữ đối thoại cũng có những nét đặc biệt. Kiều biết Từ Hải ra đi trong tình cảnh “bốn bể không nhà” nhưng vẫn nguyện đi theo. Chữ “tòng” không chỉ giản đơn như trong sách vở của Nho giáo rằng phận nữ nhi phải “xuất giá tòng phu” mà còn bao hàm ý thức sẻ chia nhiệm vụ, đồng lòng tiếp sức cho Từ khi Từ gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ Hải nói rằng sao Kiều chưa thoát khỏi thói nữ nhi thường tình không có ý chê Kiều nặng nề mà chỉ là mong mỏi Kiều cứng rắn hơn để làm vợ một người anh hùng. Từ nói ngày về sẽ có 10 vạn tinh binh, Kiều tin tưởng Từ Hải. Điều đó càng chứng tỏ hai người quả là tâm đầu ý hợp, tri kỷ, tri âm.

Đoạn trích ngợi ca chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải, một lý trí phi thường của bậc trượng phu và khẳng định lại một lần nữa tình cảm của Thuý Kiều và Từ Hải là tình tri kỷ, tri âm chứ không chỉ đơn thuần là tình nghĩa vợ chồng.

Phân tích hình ảnh Từ Hải – mẫu 4

Người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du về phương diện cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả. Qua đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ Truyện Kiều, có thể nhận thấy nhiều nét mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như ý nghĩa của hình tượng nhân vật này.

Chí khí anh hùng là đoạn do Nguyễn Du sáng tạo ra trong văn bản Truyện Kiều, không có trong Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân). Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải được tả rất trần trụi, có nét tướng cướp, lại từng thi hỏng, đi buôn… Những chi tiết này đều được Nguyễn Du lược bỏ, thay vào đó, nhà thơ xây dựng một hình tượng anh hùng tuyệt đẹp.

Người anh hùng là nhân vật lí tưởng truyền thống của văn học trung đại. Nhưng đó không phải là hình tượng thường xuyên xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ xây dựng duy nhất một hình tượng anh hùng, đó là Từ Hải. Từ Hải là nhân vật yêu thích của Nguyễn Du. Nguyễn Du xây dựng hình tượng người anh hùng theo quan niệm của mình và bằng quan niệm của mình. Từ Hải là sự hợp nhất của hai hình tượng: hình tượng có tính ước lệ và hình tượng con người vũ trụ. Đó là nét mới mẻ trong cách xây dựng hình tượng người anh hùng của Nguyễn Du so với các nghệ sĩ trước đó.

Trước Nguyễn Du, văn học Lý Trần đã xây dựng khá nhiều hình tượng người anh hùng. Đó là những ai? Là hai vị Thánh quân trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, là nhân vật trữ tình trong Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, là hình tượng nhân vật trữ tình trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão… Thời Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng đã xây dựng hình tượng người anh hùng Lê Lợi. Hầu hết các hình tượng anh hùng này đều có sự đan xen giữa hình tượng chân thực và hình tượng con người vũ trụ. Họ hiện lên vừa có nét chân thực:

Đoạt sóc Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

(Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù)

Vừa có nét phi thường:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Múa giáo non sông trải mấy thâu).

Xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng, Nguyễn Du kết hợp miêu tả vừa ước lệ, vừa tạo ấn tượng về tầm vóc vũ trụ. Hai phương diện ước lệ và cảm hứng vũ trụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau:

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Lòng bốn phương là khái niệm có nội hàm diễn tả con người vũ trụ. Bốn phương ở đây chỉ nam, bắc, đông, tây, có nghĩa là thiên hạ, thế giới. Nhưng theo Kinh Lễ, xưa sinh con trai, người ta làm cái cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng, bắn tên ra bốn phương, tượng trưng cho mong muốn sau này người con trai làm nên sự nghiệp lớn. Như vậy, lòng bốn phương không chỉ có nội hàm diễn tả con người vũ trụ mà còn là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho chí nguyện lạp công danh, sự nghiệp.

Các hình tượng trông vời trời bể mênh mang, bốn bể, chim bằng, gió mây cũng tương tự như vậy. Chúng vừa là ước lệ, lại vừa tạo nên ấn tượng về tầm vóc vũ trụ của Từ Hải. Sự đan kết hai nội hàm ý nghĩa trước- hết khắc hoạ hình tượng nhân vật lớn lao, kì vĩ, phi thường. Chính sự kết hợp đó khiến hình tượng người anh hùng trong sáng tác của Nguyễn Du trở thành lý tưởng. Và vì lý tưởng nên không thể sử dụng bút pháp tả thực để miêu tả được. Cũng vì lý tưởng nên hình tượng nhân vật người anh hùng Tả Hải mãi mãi chỉ là mơ ước của nhà thơ. Nguyễn Du mơ ước có được một người anh hùng như thế, để thực thi khát vọng công lí cho những thân phận bất hạnh như Thúy Kiều.

Nét mới mẻ thứ hai trong xây dựng hình tượng người anh hùng Từ Hải trong Chí khí anh hùng là nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Nguyễn Du để hai nhân vật đối thoại với nhau và người mở lời là Thuý Kiều:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Mặc dù rất yêu và trân trọng nàng nhưng Từ Hải đã đáp lại bằng những lời lẽ dứt khoát mà hợp tình hợp lý:

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?…

Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn tình yêu mà quên lí tưởng cao cả. Trong lời nói của Từ, hình ảnh mười vạn tinh binh và bóng cờ, tiếng chiêng gợi nên ‘khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng xưa. Chàng còn khẳng định quyết tâm và sự tất yếu thành công qua cách ước lượng thời gian: Chầy chăng là một năm sau vội gì! Nguyễn Du không cần miêu tả dài dòng, chỉ bằng mấy câu nói, nhân vật của ông đã hiện lên trọn vẹn với khí phách anh hùng.

Đọc Chí khí anh hùng, có thể thấy khi miêu tả những suy nghĩ, hành động của nhân vật, tác giả luôn lựa chọn những động từ gợi tả sự nhanh gọn, dứt khoát, kiên quyết: thoắt, thẳng rong, dứt áo ra đi. Những từ ngữ này đã góp phần khắc họa tính cách anh hùng của nhân vật Từ Hải.

Như vậy, có thể thấy, trong Chí khí anh hùng, khi xây dựng nhân vật người anh hùng của mình, Nguyễn Du đã có nhiều sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật miêu tả. Nhờ đó, hình tượng nhân vật Từ Hải đã đi vào lòng mỗi người đọc với những ấn tượng đặc biệt, không thể lẫn với các hình tượng người anh hùng khác. Chính lòng yêu mến và tài năng nghệ thuật đã giúp Nguyễn Du có được thành công lớn khi xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong đoạn trích này.

Phân tích hình ảnh Từ Hải – mẫu 5

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng lại phải chịu kiếp bạc mệnh, suốt quãng đường 15 năm sóng gió của mình nàng đã phải trải qua rất nhiều cuộc chia tay cả về tình thân lẫn tình yêu. Thế nhưng khác với các cuộc chia tay đầy đớn đau, ly biệt như cuộc chia tay Kim Trọng đầy xót xa, day dứt khi mối tình đầu vừa chớm nở, hay cuộc chia tay Thúc Sinh, tiễn chàng về nhà thăm vợ cả sau một năm chung sống hạnh phúc với đầy những dự cảm không lành. Thì cuộc chia tay với Từ Hải, lại là cuộc chia tay tiễn người anh hùng đi gây dựng sự nghiệp lớn lao, để người thỏa chí làm trai trong xã hội phong kiến. Sở dĩ người biên soạn đặt tên đoạn trích là Chí khí anh hùng là để khắc họa dáng vẻ cái thế, uy phong của người anh hùng Từ Hải thông qua cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và nhân vật này.

Đọc thêm:  Tả một cụ già mà em biết - Văn mẫu - Thủ thuật

Sau khi trốn thoát khỏi nhà Hoạn Thư, Thúy Kiều gặp và được sư Giác Duyên giúp đỡ, cho nương nhờ tại nhà Bạc Bà, ở đây Bạc Bà vì thấy Thúy Kiều có nhan sắc nên đã khuyên nàng gả cho cháu mình là Bạc Hạnh. Rồi Bạc Hạnh lại bán Kiều vào lầu xanh, từ đây nàng lại tiếp tục với thân phận người kỹ nữ, sống những ngày tháng tủi nhục buôn phấn bán hương. Rồi Từ Hải xuất hiện, trai anh hùng gái thuyền quyên hai người nhanh chóng phải lòng nhau, Từ Hải đã chuộc nàng mang về lầu riêng chung sống, tại đây Thúy Kiều đã có những ngày tháng vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng mới chỉ được nửa năm thì Từ Hải đã “động lòng bốn phương”, không cam chịu cuộc sống an nhàn bên cạnh nàng Kiều tài sắc mà muốn từ biệt Thúy Kiều để lên đường đi chinh chiến, gây dựng sự nghiệp lớn lao, thỏa chí nam nhi. Chí khí anh hùng nằm từ câu 2213-2230 của Truyện Kiều, là đoạn trích tái hiện lại cảnh chia tay của Từ Hải – Thúy Kiều từ đó làm nổi bật lên chí khí, vẻ đẹp tâm hồn với lý tưởng về món nợ công danh của người anh hùng Từ Hải.

Chí khí anh hùng của Từ Hải được thể hiện trước hết là ở thời điểm Từ Hải quyết tâm dứt áo ra đi để lập nên sự nghiệp “Nửa năm hương lửa đương nồng”. Đây là giai đoạn mà cuộc sống hôn nhân đang độ ngọt ngào, thắm thiết nhất, đặc biệt là đối với đôi trai tài gái sắc, sớm đã phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên thì đó lại càng là khoảng thời gian gắn bó và tươi đẹp vô cùng. Một cuộc sống như vậy nếu đối với những người bình thường ắt hẳn họ sẽ cảm thấy bằng lòng, thế nhưng Từ Hải lại khác, “côn quyền hơn sức”, “lược thao gồm tài” thế nên chàng không thể bằng lòng với hạnh phúc giản đơn, tầm thường. Cho nên chàng đã quyết tâm dứt áo ra đi, gạt bỏ tình riêng để, lập nên chí lớn của người làm trai. Thứ hai nữa chí khí của Từ Hải còn thể hiện ở hành động ra đi rất dứt khoát và mạnh mẽ “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”.

“Lòng bốn phương” có thể được hiểu là chí lớn lập công danh sự nghiệp của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến. Hai từ “động lòng” thể hiện rằng vốn dĩ cái chí lập nghiệp đã ấp ủ trong lòng Từ Hải từ rất lâu rồi, cho đến hôm nay sau hơn nửa năm chung sống êm đềm, hưởng thụ hạnh phúc với Thúy Kiều thì cái chí lớn ấy đã được đánh thức, được khơi dậy mạnh mẽ, khiến người gạt bỏ tình riêng để thực hiện hoài bão. Bên cạnh đó từ “thoắt” còn diễn tả sự nhanh chóng khi quyết tâm ra đi tìm lập công danh, sự nghiệp còn dang dở, đồng thời còn thể hiện sự thay đổi một cách mau chóng vị thế của Từ Hải từ chỗ là người chồng trong gia đình, thành người anh hùng mang tráng chí bốn phương.

Hai từ “trượng phu” cho thấy sự trân trọng hết mực của Nguyễn Du đối với Từ Hải, đồng thời cũng thể hiện mơ ước của tác giả về một nhân vật hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp phi thường, có thể đứng lên thực hiện công lý trong xã hội, giành lại công bằng cho những con người khốn khổ, ví như Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Nếu như hai câu thơ đầu tiên thể hiện quyết lên ra đi thực hiện tráng chí bốn phương thì hành động ra đi mạnh mẽ, quyết liệt của Từ Hải lại được thể hiện rất rõ ở những câu thơ “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” và “Quyết lời dứt áo ra đi”. Tác giả lựa chọn sử dụng một loạt những từ ngữ “thẳng rong” tức là đi liền một mạch, “quyết lời”, “dứt áo” thể hiện hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn. Từ đó thấy được khí phách mạnh mẽ của bậc đại trượng phu.

Tiếp theo, chí khí anh hùng của Từ Hải không chỉ thể hiện ở quyết tâm, ở hành động ra đi dứt khoát mà còn thể hiện rất rõ qua đoạn đối thoại với Thúy Kiều. Kiều vốn là một người phụ nữ thông minh, là tri kỷ nên rất thấu hiểu Từ Hải, vì vậy khi thấy trượng phu của mình nhanh chóng quyết định lên đường làm nghiệp lớn, bản thân nàng không hề có ý ngăn cản, mà chỉ muốn được làm tròn bổn phận của một người vợ “phận gái chữ tòng”, muốn xin đi theo Từ Hải cho tiện bề chăm sóc. Thế nhưng Từ Hải đã đáp lại lời nàng rằng:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng rợp đất bóng tinh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia

Bằng nay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận biết là đi đâu

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Ở hai câu thơ đầu “Từ rằng: Tâm phúc tương tri/Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình” vốn là lời trách, nhưng đồng thời cũng là lời động viên Thúy Kiều rằng hãy cố gắng vượt ra khỏi cái suy nghĩ của bậc nữ nhi thường tình để trở thành phu nhân của một bậc anh hùng cái thế, có công danh sự nghiệp hiển hách, để xứng đáng là “tâm phúc tương tri của Từ Hải”. Từ đó thể hiện ý thức của Từ Hải về sự hơn đời, hơn người của bản thân mình. Sau lời trách, lời động viên ngầm của Từ Hải là lời ước hẹn của Từ Hải với Thúy Kiều. Cách dùng số từ số nhiều “mười vạn”, động từ “dậy đất”, “rợp đường” để vẽ ra một viễn cảnh rất huy hoàng, cùng với khoảng thời gian “chầy chăng là một năm sau”, thể hiện sự thành công nhanh chóng, lẫy lừng của Từ Hải, trống dong cờ mở trở về rước Thúy Kiều nghi gia, nghi thất , sum họp vợ chồng trong vinh hiển.

Lời ước hẹn này vừa thể hiện sự động viên của Từ Hải dành cho Từ Hải về việc chắc chắn sẽ có một thành quả tốt đẹp ở phía trước, đồng thời cũng cho thấy sự tự tin của Từ Hải và ý thức về tài năng xuất chúng, hơn người của bản thân mình. Bên cạnh đó Từ Hải cũng có những lời an ủi, lo lắng, giải thích cho Thúy Kiều “Bằng nay bốn bể không nhà/Theo càng thêm bận biết là đi đâu” để Thúy Kiều an lòng ở lại. Đồng thời ở hai câu thơ này ta còn lờ mờ nhận ra đằng sau nó là sự cô đơn, lạc lõng của Từ Hải trong giây phút bắt đầu gây dựng công danh sự nghiệp, khi có biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ trước mắt đang chờ, mà theo như Lỗ Tấn nói là “Người anh hùng múa kích trên sa mạc”.

Cuối cùng chí khí anh hùng của Từ Hải còn được thể hiện ở không gian lớn rộng được thể hiện trong các hình ảnh “bốn phương”, “trời bể mênh mang”, “bốn bể”, “gió mây” , “dặm khơi”, hình ảnh cánh chim “bằng”. Đây đều là những hình ảnh gợi ra bối cảnh không gian khoáng đạt rộng lớn, góp phần nâng tầm vóc của người anh hùng mang hùng tâm tráng chí Từ Hải lên sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Bên cạnh đó còn thể hiện chí lớn của người anh hùng khao khát được vẫy vùng, tùng hoành trong bốn bể. Câu thơ “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” tập trung, tổng hợp khái quát lại hình ảnh của người anh hùng Từ Hải trong giây phút lên đường để thực hiện chí lớn.

Đoạn trích Chí khí anh hùng tập trung khắc họa hình tượng nhân vật Từ Hải, với hai điểm chính là phẩm chất, chí khí phi thường và khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của nhân vật, đồng thời gửi gắm ước mơ về tự do và công lý trong bối cảnh từ túng của xã hội cũ. Về nghệ thuật, tác giả đã xây dựng Từ Hải thành một hình tượng có tính ước lệ qua việc sử dụng các từ ngữ hình ảnh, qua các hành động cử chỉ vốn đã trở thành kinh điển khi nói về hình tượng người anh hùng. Không chỉ vậy, Từ Hải còn mang hình tượng con người của vũ trụ gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button