Phân tích đoạn 2 bài thơ Đất Nước | Văn mẫu 12 hay nhất – Toploigiai
Phân tích bài thơ Đất Nước đoạn 2
Nếu như mở đầu Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm khơi nguồn cho tâm hồn người đọc tìm về cội nguồn, để lý giải sự hình thành Đất Nước thì đến đoạn thơ thứ 2, đôi mắt thơ của Nguyễn Khoa Điềm đặt hình ảnh Đất Nước trong chiều rộng của không gian địa lý, trong chiều dài của thời gian lịch sử và trong mối quan hệ gắn bó của mỗi cá nhân.
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục cho thấy cách sử dụng từ, câu linh hoạt sáng tạo của mình khi ở đây, nhà thơ đã chiết tự hai từ Đất Nước để phân tích về linh hồn thẳm sâu bên trong nó. Đất là nơi anh đến trường, nước là nơi em tắm, nghĩa là hình ảnh đất nước hiện lên vô cùng gần gũi, gắn bó khăng khít với cuộc sống của con người. Xưa kia, viết về Đất Nước các nhà thơ thường gọi nó, họa nó bằng những hình ảnh lung linh hùng vĩ, nay Nguyễn Khoa Điềm gợi về đất nước còn là không gian tình tự, nơi gắn kết tình cảm, nơi khơi nguồn và là điểm tựa cho hạnh phúc lứa đôi. Là nơi gửi gắm nỗi nhớ thầm của người con gái, vậy nên vừa lớn lao mà cũng là mảnh kí ức gợi nhớ gợi thương cho tâm hồn bất cứ ai. Hai câu thơ tiếp, Đất Nước lại hiện ra trong những câu ca dao, tục ngữ, để thấy được Đất Nước không chỉ đánh thức ký ức tuổi thơ, mà còn đánh thức cả những miền kí ức văn hóa cộng đồng, nét đẹp dân gian truyền thống của cộng đồng.
“Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
Đất Nước là sự hun đúc, là sự kết thành giữa dòng chảy trôi bất tận của thời gian mênh mông, nhưng thời gian ở đây không phải thời gian vô tri, mà là thời gian của lịch sử của văn hóa. Nhắc lại truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ, nhắc về ký ức lịch sử văn hóa cộng đồng, và đồng thời cũng là một điểm tựa để gợi về nét đẹp văn hóa văn học dân gian của dân tộc. Đất Nước trong thời gian đằng đẵng, Đất Nước còn trường tồn bất tử trong không gian mênh mông, không gian hùng vĩ.
Nhìn Đất Nước trong cả chiều dài thời gian, chiều rộng không gian, Đất Nước còn là sự kết nối những thế hệ đã qua và thế hệ kế tục
“Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”
Để tạo nên bề dày văn hóa, lịch sử của Đất Nước, chắc chắn là sự đắp bồi, tiếp nối của biết bao thế hệ cháu con đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập dân tộc. Đất Nước sáng mãi trong tâm khảm mỗi người bởi sự hi sinh vĩ đại, lớn lao, bởi tinh thần dân tộc như ngọn lửa trao truyền bao thế hệ. Và vì thế, những người con dân tộc luôn nhắc mình đạo lí Uống nước nhớ nguồn truyền thống: Hàng năm, đều nhớ ngày giỗ tổ.
Tiếp tục mạch lập luận, nhà thơ nhìn Đất Nước trong cả mối quan hệ của mỗi cá nhân:
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”.
Trong anh và em, trong mỗi chúng ta, đều thấm nhuần điệu hồn của Đất Nước. Đất nước vì thế là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa mỗi cá nhân với tất cả cộng đồng, giữa cái nhỏ bé và cái to lớn, giữa cái gần gũi mộc mạc và cái xa xôi lớn lao. Để từ đó, bắc cây cầu đến trái tim của người đọc, rằng: Đất nước ở trong ta chứ không phải ở ngoài ta, và vì thế:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Viết về Đất Nước, đó là nguồn cảm hứng bất tận và trong mỗi thời kỳ lịch sử, các nhà thơ, nhà văn lại đằm vào nó điệu hồn của thời đại mình. Ở đây, Nguyễn Khoa Điềm viết Đất Nước với mong muốn thức tỉnh những người chiến sĩ tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc, để soi sáng, dẫn đường cho họ, thế nhưng giọng thơ của ông không hề mang tính giáo điều mà chan chứa, đằm thắm những nghẹn ngào, như một lời gửi gắm chân thành, như một sự chuyển giao thế hệ. Khiến cho người đọc như phần nào thêm đồng cảm, thêm thấm thía về sự hòa quyện, gắn kết của Đất Nước trong tâm hồn mỗi người. Đất Nước là máu xương của mỗi người, vì nó được gây dựng và được giữ gìn bằng sự sống và tình yêu nước thiêng liêng của biết bao thế hệ đã ngã xuống, đã hi sinh. Và còn bởi, Đất Nước cho ta hình hài máu thịt, cho chúng ta cách sống và cách nghĩ, cho chúng ta điểm tựa truyền thống văn hóa, lịch sử – những yếu tố đó đã hun đúc nên vẻ đẹp và nét tâm hồn riêng của con người Việt Nam, trong đó có cả anh và em, có mỗi chúng ta. Nếu bất cứ một cá nhân nào tồn tại đều là sự đơn độc mà không có một cộng đồng để bám víu, để làm điểm tựa cho sự trưởng thành và dưỡng nuôi về văn hóa tinh thần, thì chẳng khác nào ta trở thành kẻ bơ vơ lạc lõng ư? Đó chính là ý nghĩa thẳm sâu nhất mà Đất Nước có sức ảnh hưởng đến mỗi chúng ta. Vì thế mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm hóa thân cho dáng hình xứ sở, đều phải gắn bó hinh sinh, vì đó cũng là sự tạo tác tinh thần của mỗi chúng ta.
Đoạn thơ thứ hai đã thể hiện sự chiêm nghiệm sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về hình ảnh Đất Nước. Do đó, nó không chỉ tạo nên sự đồng cảm trong tâm hồn người đọc mà còn tăng sức nặng bởi những triết lý, tư tưởng. Nhưng cái tài tình của Nguyễn Khoa Điềm là diễn đạt nó bằng cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng.
Các bài viết liên quan:
- Soạn bài: Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm (hay nhất)
- Soạn bài: Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm (ngắn nhất)
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!