Phân tích Cố Hương tác giả Lỗ Tấn văn lớp 9 – HOCMAI – Học Tốt
Trong chương trình Ngữ Văn 9, không thiếu các tác phẩm lấy chất liệu sáng tác là hình ảnh quê hương, đất nước, con người, và Cố hương của Lỗ Tấn cũng là một trong số đó. Trong bài viết này, cùng HOCMAI lập dàn ý Phân tích Cố hương của tác giả Lỗ Tấn để hiểu hơn về những kỷ niệm buồn vui và sâu nặng với quê hương mà nhân vật tôi đã trải qua trong hành trình về thăm quê cũ nhé!
I. Thông tin về tác giả – tác phẩm Cố Hương lớp 9
1. Tác giả: Lỗ Tấn
– Lỗ Tấn (1881 – 1936)
– Quê quán: phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc
– Ông là một trong số những nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc
– Châm ngôn của Lỗ Tấn là coi văn chương như một vũ khí chiến đấu giúp nhân dân thoát khỏi căn bệnh “ngu muội”
Tiểu sử và sự nghiệp văn học:
Lỗ Tấn sinh trưởng trong gia đình quan lại sa sút. Năm 1902, Lỗ Tấn được cử sang Nhật Bản học ngành y nhằm mục đích cứu người. Nhưng về sau, thay vì tiếp tục duy trì nghiệp y để cứu người, ông đã chuyển sang con đường văn học nghệ thuật. Mục đích là dùng ngòi bút lương y của mình để đẩy lùi căn bệnh thời đại.
Ông từng là giáo sư của nhiều trường đại học tại Trung Quốc và là linh hồn của nhiều tổ chức sinh viên yêu nước. Có thể nói, Lỗ Tấn vừa là một nhà văn của nhân dân lao động, vừa là một công dân yêu cách mạng, luôn cống hiến hết sức mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
2. Tác phẩm Cố hương
a. Nguồn gốc xuất xứ truyện ngắn Cố hương
– Truyện ngắn “Cố hương” là một trong những tác phẩm tiêu biểu thuộc tập “Gào thét” của Lỗ Tấn, xuất bản năm 1923.
– Tập “Gào thét” và “Bàng hoàng” là hai tập truyện ngắn nổi tiếng của Lỗ Tấn, ra đời trong thời kỳ đầu ông là một người chiến sĩ dân chủ cách mạng. Nội dung hai tác phẩm phản ánh một giai đoạn lịch sử từ năm 1911 đến cao trào cách mạng diễn ra vào khoảng 1925 -1926.
b. Ý nghĩa nhan đề Cố hương
Nhan đề “Cố hương” mang nghĩa là quê cũ. Tuy nhiên thay vì để nhan đề quê cũ, nhan đề cố hương gợi lên cảm giác cổ xưa hơn, giúp nhấn mạnh vào cái cũ, những cái xa xưa của xã hội nông thôn tại Trung Quốc trước kia. Hơn nữa, nhan đề Cố hương còn mang đậm màu sắc trữ tình, thể hiện tình cảm sâu nặng của “tôi” với quê hương ruột thịt của mình.
c. Bố cục nội dung
Nội dung văn bản được chia thành 3 phần, cụ thể:
– Phần 1: Từ đầu đến “Làm ăn sinh sống”: Cảm xúc nhân vật “tôi” khi trên đường về quê.
– Phần 2: Tiếp đó đến “Sạch trơn như quét”: Tâm trạng nhân vật “tôi” trong những ngày ở quê.
– Phần 3: Đoạn còn lại: Cảm xúc nhân vật “tôi” trên đường rời xa quê.
II. Tóm tắt văn bản Cố hương ngữ văn lớp 9
“Cố hương” là câu chuyện hành hương của nhân vật tôi sau hơn 20 năm làm ăn sinh sống ở xa. Mục đích của chuyến hồi hương lần cuối là để chuyển nhà đến một nơi ở khác.
Trong chuyến về quê cuối cùng này, nhân vật tôi nhận thấy rõ sự tiêu điều, hoang vắng, khác hoàn toàn hình ảnh làng quê trong ký ức. Nhân vật tôi đau xót khi phải đối diện với sự thay đổi theo chiều hướng xấu của khung cảnh quê hương. Cùng với đó là sự thay đổi trong mối quan hệ, tính cách của những người đồng hương cũ. Đặc biệt là người bạn thân Nhuận Thổ của nhân vật tôi. Nhuận Thổ vốn là người bạn niên thiếu của “tôi”, nay đã trở thành hình tượng một người đàn ông tàn tạ, thụ động. Đó là hệ quả của việc phải chịu đựng những bất công của xã hội Trung Quốc đương thời.
Cuối cùng, nhân vật tôi buồn bã rời quê hương trong tâm trạng buồn bã. Từ hình ảnh tiều tụy của quang cảnh và con người quê hương, tác giả đã thể hiện sự mục ruỗng của xã hội phong kiến phân chia giai cấp ở Trung Hoa lúc bấy giờ. Đồng thời gửi gắm hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn cho nơi đây.
III. Phân tích Cố hương văn 9
1. Diễn biến tâm trạng của nhân vật “tôi”
a. Cảm xúc trên đường về quê
– Hoàn cảnh: vào một ngày trời đông, thời tiết giá lạnh, nhân vật “tôi” vượt hai ngàn dặm để trở về quê hương sau hơn 20 năm xa cách.
– Mục đích của chuyến đi: vừa để thăm quên, vừa để giã từ quê hương lần cuối trước khi cùng gia đình chuyển đến nơi “tôi” đang làm ăn, sinh sống.
⇒ Tấm lòng của nhân vật tôi với quê cha đất tổ hiện lên thật sâu sắc. Cho dù xa xôi nhưng ông vẫn vượt muôn ngàn trùng xa cách về nơi chôn rau cắt rốn để nói lời vĩnh biệt.
– Không gian làng quê: bầu trời u ám, thôn xóm hiện lên một vẻ tiêu điều, hoang vắng.
– Cảm xúc của nhân vật tôi khi nhìn thấy khung cảnh làng quê: ngỡ ngàng, se lại vì quê hương bây giờ đã khác xa với quê hương trong ký ức của ông; cuối cùng là sự thất vọng, hụt hẫng vì lần cuối về quê lại phải chứng kiến cảnh tượng quê hương bị tàn phá bởi chế độ bóc lột
⇒ Qua miêu tả của nhân vật tôi, người đọc có thể hình dung ra một bức tranh làng quê ảm đạm, héo hon. Từ đó làm rõ tình trạng sa sút đến tột cùng của xã hội Trung Quốc vào đầu thế kỉ XX.
b. Tâm trạng những ngày ở quê
Khung cảnh thể hiện một nỗi buồn tẻ nơi quê hương của “tôi”:
– Sáng tinh mơ, nhìn lên mái ngói chỉ thấy phất phơ mấy cọng rơm khô
– Các gia đình đã dọn đi gần hết, chỉ còn những ngôi nhà trống khiến không gian càng trở nên hiu quạnh hơn
Cảnh vật đã buồn mà con người cũng chẳng khá hơn. Xung quanh “tôi”, ai cũng mang trong mình một nỗi u sầu:
– Hình ảnh người mẹ được miêu tả là “mừng rỡ, nét mặt ẩn một nỗi buồn”: thể hiện nỗi buồn của người sắp phải từ giã quê hương, rời xa nơi mình sinh ra và lớn lên. Nơi đó tuy buồn và ảm đạm nhưng vẫn là vùng đất chất chứa những ký ức đẹp nhất của cuộc đời mẹ.
⇒ Tâm trạng lưu luyến, buồn bã, tiếc nuối của một người sắp rời xa quê hương mà chưa hẹn ngày gặp lại
– Nỗi buồn của cháu Hoàng thể hiện qua chi tiết: Hoàng nhìn “tôi” chòng chọc vì chưa từng có cơ hội gặp “tôi”. Hoàng tỏ ra ngại ngùng, bẽn lẽn phần là vì thấy “tôi” khác xa những người ở quê, những người mà hằng ngày nó được gặp và tiếp xúc.
⇒ Thái độ của Hoàng với “tôi” thể hiện sự đổi thay của quê hương, đặc biệt nhấn mạnh sự khác biệt của con người sau một khoảng thời gian dài.
– Nỗi buồn về hình ảnh Thím Hai Dương thể hiện qua chi tiết: 20 năm trước bà vốn là một người phụ nữ duyên dáng, bán đậu phụ và được mọi người trong làng yêu mến. Thế nhưng, sau 20 năm gặp lại, bà hiện lên là hình ảnh một người phụ nữ xấu cả bề ngoài lẫn tính cách.
– Nỗi buồn của nhân vật Nhuận Thổ thể hiện qua: Nhuận Thổ mà nhân vật tôi biết đến vốn là một cậu bé khỏe mạnh, lanh lợi tháo vát, có hiểu biết về thế giới xung quanh. Trái lại, hình ảnh của Nhuận Thổ bây giờ chỉ là một người nông dân già nua, nghèo khổ, đần độn và mụ mẫm
⇒ Sự thay đổi của Nhuận Thổ là hình ảnh điển hình cho cách sống lạc hậu của người nông dân trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Mặt khác, sự thay đổi của Nhuận Thổ là kết quả của việc chịu đựng, chấp nhận trải qua hiện thực của một xã hội đen tối, không lối thoát.
– Nỗi buồn qua nhân vật Thủy Sinh: Thủy Sinh có nét nhút nhát giống hệt bố, khi gặp người lạ chỉ dám núp sau lưng bố. Tuy nhiên so với Nhuận Thổ 20 năm về trước, Thủy Sinh “gầy còm, vàng vọt cổ không đeo vòng bạc”
⇒ Sự khác biệt giữa Nhuận Thổ còn bé và Thủy Sinh đã phản ánh sự nghèo khổ, lam lũ mà những đứa trẻ lúc bấy giờ phải chịu đựng. Chúng không có một tuổi thơ đẹp đẽ như tuổi thơ Nhuận Thổ xưa. Từ đó, tác giả cũng ngầm thể hiện nỗi lo lắng về tương lai thế hệ sau, thế hệ của những đứa trẻ như Thủy Sinh. Thật đáng buồn nếu chúng sẽ phải trở thành một người như Nhuận Thổ bây giờ.
⇒ Nhìn nhận nỗi buồn trong từng nhân vật, tác giả đang nhìn thẳng vào hiện thực khi con người bị xã hội tha hóa đến cùng cực. Đồng thời dùng văn chương để phơi bày sự tồi tệ mà con người đang đối diện để thức tỉnh con người. Từ đó tìm ra giải pháp cho căn bệnh tinh thần của dân tộc.
c. Tâm trạng, suy nghĩ của “tôi” trên đường rời xa quê
– Hoàn cảnh ra đi: một buổi chiều hoàng hôn, với khung cảnh hoàng hôn gợi nhiều nỗi buồn và suy tư.
⇒ Sử dụng bố cục đầu cuối tương ứng, mặt khác, thời gian hoàng hôn còn
– Tâm trạng của “tôi” khi rời đi: đắm chìm trong suy tư buồn bã, lòng không chút lưu luyến nhưng có cảm giác vô cùng lẻ loi, ngột ngạt (“Thuyền chúng tôi thẳng tiến. Trong hoàng hôn, những dãy núi xanh hai bên bờ sông đen sẫm lại, nối tiếp nhau chạy lùi về phía sau lái”)
Tuy ra đi nhưng trong lòng tác giả vẫn mơ về một cuộc sống khác nơi quê hương. Một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc hơn lúc này:
– Mong cho bọn trẻ không giống “tôi” và Nhuận Thổ, không bao giờ phải áp bức nhau…
– Hy vọng vào bọn trẻ sẽ được sống một cuộc đời mới, sống giữa làng quê tươi đẹp, với những con người tử tế thân thiện.
⇒ Mong ước quê hương có một cuộc sống tốt đẹp đã thể hiện tình cảm mà “tôi” dành cho nơi quê cha đất mẹ của mình. Tuy ra đi trong sự buồn bã và không lưu luyến, nhưng đững trước sự tàn tạ của con người và cảnh vật nơi đây, “tôi” vẫn mong, trông chờ vào sự thay tôi tích cực trong tương lai.
2. Phân tích nhân vật Nhuận Thổ
a. Hình ảnh Nhuận Thổ khi còn bé
Hình ảnh Nhuận Thổ hồi còn nhỏ vẫn còn in rõ trong tâm trí nhân vật “tôi”:
– Nhắc đến những kí ức liên quan tới Nhuận Thổ, tác giả nhớ đến: Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Đó là những kỉ niệm đẹp mà tác giả đã cùng trải qua với cậu bé Nhuận Thổ – ký ức không thể nào phai nhòa theo năm tháng
– Nhân vật tôi nhớ như in hình ảnh Nhuận Thổ cách đây hai chục năm: Nhuận Thổ ngày nhỏ là một cậu bé xinh xắn với những vòng bạc trên cổ, đội mũ lông chiên bé tí tẹo, khuôn mặt khỏe mạnh tròn trĩnh, nước da bánh mật,…
⇒ Dáng vẻ và trang phục cho thấy Nhuận Thổ có xuất thân là một cậu bé con nhà nông dân có cuộc sống khá no đủ, không bị thiếu thốn thứ gì, từ trang phục tới miếng ăn hàng ngày.
Khi còn bé, tính cách của Nhuận Thổ hết sức dạn dĩ, tinh nghịch, không hề quan tâm tới những khác biệt giữa mình và nhân vật “tôi”:
– Nhuận Thổ cùng nhân vật tôi có thân phận khác nhau: mối quan hệ giữa nhân vật tôi và Nhuận Thổ vốn là mối quan hệ giữa “cậu chủ” và “người ở”. Tuy đến từ tầng lớp và giai cấp khác biệt nhưng giữa họ vẫn xây dựng nên một tình bạn chân thành và thắm thiết
– Nhuận Thổ xuất thân là một cậu bé làng biển, em có những kinh nghiệm cuộc đời và thú vui chơi hoạt bát, một điều nhân vật tôi hồi bé không hề biết tới.
– Dù chỉ là một đứa bé nhỏ tuổi nhưng Nhuận Thổ đã kinh qua biết bao nhiêu thú vui chơi, mà đối với nhân vật tôi, đó là “nhiều chuyện lạ lùng kể không xiết” như: đi bẫy chim, đi biển, bắt tra ở ruộng dưa hấu,…
– Tình cảm của hai đứa bé đã phát triển hết sức hồn nhiên, ngây thơ thông qua những câu chuyện kì dị, lạ lùng mà Nhuận Thổ đã trải qua.
– Trong mắt của nhân vật tôi hồi nhỏ, Nhuận Thổ được coi là tiểu anh hùng, là người trải đời đáng ngưỡng mộ. Bởi Nhuận Thổ biết quá nhiều những chuyện kì lạ mà trước nay những bạn bè chơi cùng “tôi” không hề biết đến. Hơn nữa, khi Nhuận Thổ sống bên bờ biển, bạn bè của “tôi” cũng chỉ biết tới “mảnh trời vuông trên bốn bức tường cao bọc lấy sân” mà thôi. Tuy có sự khác biệt về xuất thân giữa hai đứa trẻ. Nhưng điều đó không làm tình bạn của hai người bị chia tách.
⇒ Nhuận Thổ là một cậu bé được sống trong môi trường thiên nhiên đầy rộng rãi, phong phú, cuộc sống lao động trù phú ở nông thôn. Vì vậy, cho dù là con của người ở nuôi trong nhà với thân phận giai cấp khác biệt, tình bạn giữa Nhuận Thổ và nhân vật “tôi” vẫn đâm chồi nảy nở. Nhuận Thổ hồi bé đầy hoạt bát, luôn vui vẻ nói cười, trong bụng có cả ngàn câu chuyện kể cho nhân vật “tôi” về những cuộc phiêu lưu kỳ thú mình đã trải qua.
Tình cảm thời thơ ấu của nhân vật “tôi” cùng Nhuận Thổ là một tình cảm đằm thắm, quất quýt:
– Nhân vật tôi còn nhớ mãi về lần Nhuận Thổ kể về ngôi làng đầy cát của em. Đó là một ngôi làng nhỏ ven biển, có rất nhiều loại chim. Loại nào cũng có, từ chim sẻ đồng, chào mào, sẻ xanh lưng, đến cả “bột cô” cũng không thiếu. Mùa tuyết đến, chỉ với nong lúa trong tay, em cũng có thể bắt được dễ dàng.
– Tình cảm thắm thiết của hai anh em còn thể hiện qua việc Nhuận Thổ rủ “cậu chủ” đi chơi biển. Nhuận Thổ kể với nhân vật tôi về rất nhiều thứ hay ho như là: các loại vỏ sò, với nhiều màu khác nhau, đỏ có, xanh có, đủ màu cả. Qua lời kể của em, người đọc có thể tưởng tượng trải trước mặt nhân vật tôi là hàng hà sa số những sò đủ màu sắc, cùng biển xanh và cồn cát trắng, cả Nhuận Thổ bên cạnh.
– Với giọng điệu hào hứng, Nhuận Thổ kể cho nhân vật tôi về con tra kì lạ như trong chuyện cổ tích: tra là những con thú rừng chuyên phá hoại ruộng dưa, con người chỉ sợ tra ăn mất ruộng dưa chứ không sợ những người khát nước đi qua đường hái dưa ngoài ruộng ăn. Câu chuyện bắt tra này ấn tượng tới mức hai mươi năm sau, người con xa xứ quay lại cố hương như nhân vật tôi khi nghe mẹ nhắc về Nhuận Thổ vẫn nhớ tới hình ảnh “caauj bé bắt tra giữa ruộng dưa”
– Khi tháng giêng kết thúc, Nhuận Thổ phải về quê. Hai đứa bé vốn là bạn bè thắm thiết giờ phải chia xa. Lòng nhân vật tôi xốn xang, tới độ khóc to lên. Còn Nhuận Thổ thì lẩn trong bếp, cũng khóc mà không chịu về. Nhưng rồi bố hắn cũng lôi hắn đi.
– Dù hai đứa trẻ đã bị chia tách, nhưng Nhuận Thổ sau đó vẫn nhờ bố gửi lên tặng nhân vật tôi một bọc vỏ sò cùng lông chim rất đẹp. Nhân vật tôi cũng gửi lại cho Nhuận Thổ ít quà. Kể từ đó hai người không còn gặp nhau nữa.
⇒ Tình cảm của hai đứa trẻ phát triển đằm thắm, tự nhiên. Nhuận Thổ chiếm một phần kí ức đẹp của nhân vật tôi khi nghĩ về cố hương, về nơi đã từng sinh sống thuở thiếu thời. Do vậy, Lỗ Tấn rất mong được gặp Nhuận Thổ trong lần trở về cuối cùng này.
b. Hình ảnh Nhuận Thổ khi trưởng thành
Sự thay đổi về dung mạo của Nhuận Thổ khi trưởng thành khác xa với tưởng tượng của tác giả:
– Sau hai mươi năm, nhân vật tôi mới có cơ hội gặp lại Nhuận Thổ. Nhưng Nhuận Thổ đấy không phải là người trong kí ức của tác giả. Ông vẫn nhận ra ngay là Nhuận Thổ đấy, nhưng Nhuận Thổ có gì đó khác.
– Nhuận Thổ trưởng thành đã cao gấp hai trước, không còn khuôn mặt tròn trĩnh cùng nước da bánh mật như trước kia, mà thay thành khuôn mặt khắc khổ sạm đen, cùng những nếp nhăn sâu hoắm. Thời gian và những khó khăn trong cuộc sống làm khuôn mặt Nhuận Thổ trở nên tiều tụy, đổi khác.
– Cặp mắt anh giờ giống với bố anh ngày xưa, với mi mắt sưng húp, viền đỏ cả lên. Đây là hậu quả của cuộc sống sinh hoạt vùng biển, một nơi thốc gió và cát. Ai cũng thế cả.
– Anh đội cái mũ lông chiên rách tươm, chỉ mặc chiếc áo bông mỏng dính. Đang độ giữa đông lạnh giá mà Nhuận Thổ chẳng có gì ngoài một chiếc áo bông mỏng, lạnh tới độ cả người “co ro cúm rúm”.
– Tay anh xách thêm một bọc giấy cùng tẩu thuốc lá dài. Bàn tay này chẳng còn giống trong kí ức: hồng hào, mập mạp và linh hoạt. Trước gánh nặng cuộc sống, Nhuận Thổ phải làm nhiều công việc cực nhọc, khiến đôi bàn tay trở nên thô kệch, nứt nẻ tới độ được Lỗ Tấn ví với vỏ cây thông.
⇒ Khi trưởng thành, Nhuận Thổ phải đương đầu với cuộc sống đầy khắc nghiệt. Cố hương của nhân vật tôi không còn là vùng đất trù phú, thịnh vượng như xưa. Giống những người khác, Nhuận Thổ cũng thay đổi, đầu hàng trước sức ép cuộc đời.
Tính cách và mối quan hệ giữa Nhuận Thổ và nhân vật tôi sau hai mươi năm cũng có điều đổi khác:
– Nhuận Thổ là người luôn nhắc tới nhân vật tôi, mong chờ được gặp bạn cũ, nhưng khi được gặp “cậu chủ” xưa bằng xương bằng thịt, anh lại chần chừ. Chần chừ vì ý thức được khoảng cách giữa hai người, khoảng cách giữa giai cấp và cũng là thời gian chia tách. Lỗ Tấn tả thực cảnh hai người gặp mặt, với gương mặt hớn hở mà thê lương, môi mấp máy không thành lời của Nhuận Thổ nhằm làm nổi bật sự chần chừ của anh khi đối diện người bạn cũ thuở ấu thơ.
– Anh lấy dáng vẻ khúm núm, cung kính, cất lời chào “Bẩm ông!” rành mạch. Trước mặt anh là người bề trên, xa lạ và khác biệt, không còn là “tôi” khi còn bé. Sự thay đổi này khiến “tôi” đau xót tới điếng người bởi nhận ra, giữa hai người đã có ngăn cách, không thể vượt qua.
– Tuy vậy, Nhuận Thổ vẫn không thay đổi. Không thay đổi ở đây là tình cảm vẹn nguyên, đầy quý trọng của anh dành cho nhân vật “tôi”. Dù thời điểm gặp mặt là đang độ giữa đông, thời tiết khắc nghiệt không trồng nổi gì, nhà còn rất nghèo, Nhuận Thổ vẫn đem tặng “tôi” một gói đậu xanh phơi khô.
⇒ Bởi có hai mươi năm xa cách cùng sự trưởng thành, Nhuận Thổ đã nghĩ rằng người bạn thuở thiếu thời không đơn giản là bạn nữa. Cách biệt về thân phận và giai cấp khiến hai người có ngăn cách, nhưng mặc những thay đổi do cuộc sống khắc nghiệt, Nhuận Thổ vẫn giữ tình bạn đầy trong sáng với “tôi” như ngày đầu.
⇒ Nhuận Thổ là một trong số những người dân phải chịu ảnh hưởng do sự suy tàn của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, với bản chất hồn hậu ban đầu, Nhuận Thổ vẫn giữ lại tình cảm với người bạn ấu thơ.
c. Nguyên nhân và ý nghĩa của sự thay đổi con người Nhuận Thổ
Nguyên nhân sự thay đổi con người Nhuận Thổ
– Đầu thế kỉ XX, xã hội phong kiến Trung Quốc dần đi vào suy bại. Không thoát khỏi ảnh hưởng xã hội, gia đình Nhuận Thổ sa sút và bị nghèo dần đi.
– Gia đình đông con dẫn tới thiếu cái ăn, cái mặc
– Lỗ Tấn đã phân tích nguyên nhân và lên án những thế lực hủ bại đã đẩy xã hội vào thực trạng đáng buồn: nạn đi lính tráng, trộm cướp hoành hành, quan lại tham lam vơ vét. Những thế lực này nằm trong xã hội phong kiến, gây ra sự bất công, thối nát; từ đó bóp méo đi bản chất và giá trị vốn có của con người.
– Những quan niệm lỗi thời, cũ kỹ về phân biệt giai cấp, mê tín dị đoan đã làm người nông dân chân chất như Nhuận Thổ khổ lại càng khổ, như chuột chui sừng trâu, càng chui càng hẹp, không lối thoát. Điều này thể hiện qua việc Nhuận Thổ xin đồ thờ của gia đình chủ cũ, cũng như tiếng “Bẩm ông!” rành mạch của anh.
⇒ Nguyên nhân hầu hết đến từ cuộc sống hủ bại thời phong kiến. Sự chèn ép của các thế lực tồn tại trong thời kỳ này khiến người dân ngu muội đi, tầm thường hóa bản thân. Nhuận Thổ chỉ là một trong số những người nông dân sống trong chế độ phong kiến Trung Hoa đương thời, đại diện cho tầng lớp cùng khổ này.
Ý nghĩa sự thay đổi con người Nhuận Thổ
– Tác giả đã miêu tả về nhân vật Nhuận Thổ đủ để thấy sự thay đổi mạnh mẽ của một xã hội phong kiến Trung Quốc đang trên đà suy vong.
– Sự thay đổi của Nhuận Thổ còn đại diện cho một tầng lớp giai cấp trong xã hội phong kiến cũ mất đi những giá trị gốc của mình, khi đã bị cuốn vào vòng xoáy của sự đau khổ, suy bại trong xã hội.
– Hình ảnh Nhuận Thổ thay đổi còn được Lỗ Tấn suy rộng ra về sự tha hóa của con người đương thời, về xã hội ở một lăng kính rộng lớn hơn.
– Sự thay đổi của cả cảnh vật lẫn con người giải thích cho lý do tại sao lại tác phẩm mang tên là Cố hương, thay vì quê cũ.
⇒ Sự thay đổi của Nhuận Thổ lẫn thái độ cam chịu của ông chính là hình ảnh phán chiếu cho số phận của những người nông dân Trung Quốc trong xã hội phong kiến thối nát. Đó cũng là điều nguy hiểm mà nhân vật tôi trăn trở và đau xót nhất trong hành trình về thăm quê. Qua nhân vật, tác giả như nhận thức được tình cảnh bị bần cùng hoá của những người nông dân. Đồng thời chấp nhận sự thật rằng vùng nông thôn Trung Quốc đương thời đang phải đối mặt với sự sa sút, nghèo khổ cùng cực
3. Ý nghĩa hình ảnh con đường
Hình ảnh con đường trong Cố hương của Lỗ Tấn mang nhiều ý nghĩa tượng trưng:
– Con đường theo nghĩa tả thực: là con đường sông, đường thủy, đường đất mà gia đình “tôi” đang đi, đi mãi cũng thành đường thôi.
– Con đường theo nghĩa ẩn dụ: là con đường mà nhân vật “tôi” mong ước cho cả dân tộc Trung Hoa. Mong muốn về sự đổi mới, sự thay đổi theo hướng lạc quan, tích cực hơn. Hay chính là niềm hy vọng của chính tác giả về một tương lai tươi sáng.
– Vấn đề đặt ra từ hình ảnh con đường: Làm thế nào để xây dựng những cuộc đời mới, con đường mới tốt đẹp hơn trong tương lai? Liệu thế hệ trẻ có thể tạo ra sự thay đổi cho quê hương, đem đến tự do hạnh phúc cho con người hay không?
⇒ Hình ảnh con đường gợi ra một suy nghĩ mới, cách sống mới trong tiềm thức của tác giả. Qua đó thể hiện quan niệm sâu sắc về cuộc đời rằng: Có nhiều con đường khác nhau trong cuộc đời. Có những con đường xa, con đường gần, những con đường khổ đau, con đường trắc trở nhưng điều quan trọng cần làm là hãy dũng cảm bước đi. Sau cùng thì mọi con đường đều sẽ dẫn tới cái đích tốt đẹp và hạnh phúc mà thôi.
III. Tổng kết chung phân tích tác phẩm Cố hương
1. Giá trị nội dung
Qua truyện ngắn Cố hương, tác giả đã vẽ lên một bức tranh xơ xác, tiêu điều về làng quê xã Trung Quốc trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Theo cuộc hành trình trở về quê cũ lần cuối của nhân vật “tôi”, tác giả đã thể hiện những rung cảm sâu sắc trước sự thay đổi của quê hương, đặc biệt là của người bạn thơ ấu Nhuận Thổ.
Mượn hình ảnh Nhuận Thổ, tác giả đã phần nào phản ánh được thực trạng đáng báo động của xã hội phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ. Cùng với đó, tác giả cũng đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm về cuộc đời và vận mệnh dân tộc. Tác phẩm không đơn giản chỉ là nơi Lỗ Tấn giãi bày nỗi lòng mà còn nói lên những hy vọng, niềm tin tưởng mà ông đặt cả vào đất nước, vào thế hệ trẻ về sau
2. Giá trị nghệ thuật
– Bố cục chặt chẽ, đan xen linh hoạt giữa thực tại, hồi ức, so sánh, cấu trúc đầu cuối tương ứng, giúp tạo ra sự liên mạch cho cốt truyện
– Sử dụng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật đã góp phần làm rõ tính cách của từng nhân vật và làm nổi bật chủ đề tác phẩm.
Trên đây là dàn ý phân tích Cố hương của tác giả Lỗ Tấn. Đây là một trong số những tác phẩm cảm động và mang lại nhiều giá trị nội dung sâu sắc, lấy cảm hứng từ quê hương, đất nước. Ngoài Cố hương, các bạn học sinh có thể trau dồi thêm kiến thức về các văn bản khác trong tài liệu Soạn văn 9, được HOCMAI tổng hợp. Hy vọng bài viết trên có thể giúp các bạn trong quá trình học trên lớp cũng như ôn thi thuận lợi hơn.
Tham khảo thêm:
Phân tích Mã Giám Sinh mua Kiều
Phân tích Kiều báo ân báo oán
Phân tích khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!