Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
Mời các bạn tham khảo tài liệu Ngữ văn 7: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê được VnDoc tổng hợp và đăng tải sau đây. Tài liệu bao gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay chọn lọc, cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng xây dựng cho mình bài viết hoàn chỉnh, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra định kì Ngữ văn 7 sắp tới.
Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
Mở bài:
– Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm
– Ấn tượng bước đầu của em về văn bản.
Thân bài:
– Trình bày cảm nghĩ của em về tác giả – một vị quan khi 86 tuổi đã từ dã kinh đô về thăm quê cũ sau cả một đời rời xa quê hương.
– Cảm nghĩ về tâm sự của Hạ Tri Chương trong buổi đầu đặt chân lên mảnh đâT quê hương.
– Tác dụng của pháp đối trong việc kể lại sự việc: đi – về, việc miêu tả giọng nói và mái tóc.
– Tâm trạng xót xa vì đã trở thành người khách bất dắc dĩ trên quê hương cúa mình.
– Thể hiện tấm lòng yêu quê hương tha thiết của tác giả.
Kết bài:
Bài học về tình quê hương mà bài thơ đã mang lại cho em.
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê mẫu 1
Hạ Tri Chương (659 – 744), tự Quý Chân, quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tình Chiết Giang, Trung Quốc). Ông đậu tiến sĩ năm 695, làm quan trên 50 năm ở thủ đô Trường An. Tài và đức của ông khiến cho vua Đường Huyền Tông vị nể. Đến năm 85 tuổi, Hạ Tri Chương mới về quê sống và chưa đầy một năm sau thì qua đời. Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê được sáng tác khi ông vừa đặt chân lên mảnh đất cố hương.
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?
(Phạm Sĩ Vĩ dịch)
Bài thơ phản ánh chân thực tâm trạng xúc động, buồn vui lẫn lộn của một người xa nhà đã lâu trong khoảnh khắc vừa mới trở về quê cũ, qua đó thể hiện tình cảm quê hương tha thiết, sâu nặng của nhà thơ.
Tên chữ Hán của bài thơ là Hồi hương ngẫu thư. Ngẫu thư nghĩa là ngẫu nhiên mà viết ra. Ngẫu nhiên vì tác giả không có chủ định làm thơ. Còn tại sao không chủ định viết mà lại viết thì đọc xong bài thơ ta mới rõ. Tác giả rằng, khi về đến làng, ông không gặp bạn bè hay những người thân trong gia đình ra đón mà gặp đám trẻ con đang chơi đùa. Đó chính là duyên cớ – mà duyên cớ thì bao giờ cũng có tính chất ngẫu nhiên, khiến tác giả cũng ngẫu nhiên nổi lên thi hứng mà viết nên bài thơ này.
Nhưng nếu chỉ vì duyên cớ ngẫu nhiên thì bài thơ không thể hay, không thể rung đọng lòng người mà đằng sau nó là tình cảm quê hương của nhà thơ dồn né bao năm giờ đây cần được thổ lộ. Tình cảm ấy như một sợi dây đàn đã căng hết mức, chỉ cần khẽ chạm vào là rung động, ngân vang, thổn thức.
Phép đối ở hai câu đầu thể hiện tài thơ sắc sảo của tác giả:
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
(Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.)
Trong câu mở đầu, tác giả kể vắn tắt về cuộc đời sống xa quê đi làm quan của mình và bước đầu hé lộ tình cảm đối với cố hương.
Câu thứ hia là câu tác giả miêu tả chính mình: Hương âm vô cải, mấn mao tồi. Nhà thơ lấy một chi tiết đã thay đổi là mái tóc (mấn mao tồi) để làm nổi bật yếu tố không thay đổi là giọng nói quê hương (hương âm vô cải) để nhấn mạnh ý: Dù hình thức bên ngoài có bị thời gian và cuộc sống lâu dài ở kinh thành làm cho thay đổi nhiều nhưng bản chất bên trong vẫn nguyên vẹn là con người của quê hương.
Hai câu cuối:
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vẫn: khách tòng hà xứ lai?
(Trẻ con nhìn lạ không chào,
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?)
Sau năm mươi năm xa quê đằng đẵng, nay trở về làng cũ, nhà thơ chỉ thấy lũ trẻ con đang tung tăng nô đùa, chạy nhảy. Điều đó chứng tỏ lớp người cùng tuổi với ông chắc chẳng còn mấy. Thời bấy giờ, ái sống được đến bảy mươi là đã được liệt vào hạng “cổ lai hi” (xưa nay hiếm – từ dùng của Đỗ Phủ). Giá như vài người vẫn còn sốn thì liệu có ai nhận ra nhà thơ không?! Điều trớ trêu là sau bao nhiêu năm xa cách, nay trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà nhà thơ lại “bị” xem như khách lạ! Tình huống ấy đã tạo nên cảm xúc bi hài thấp thoáng sau lời kể cố giữ vẻ khách quan, trầm tĩnh của nhà thơ.
Nói về lẽ sống chết, Khuất Nguyên có hai câu thơ nổi tiếng: Hồ tử tất thủ khâu, Quyện điểu quy cựu lâm. (Cáo chết tất quay đầu về phía núi gò, Chim mỏi tất bay về rùng cũ). Muông thú còn thế, huống chi con người! Khuất Nguyên dùng ẩn dụ để khẳng định một quy luật tâm lí muôn đời. Giản dị và dễ hiều hơn, người xưa nói: Lá rụng về cội. Lúc trưởng thành, vì hoàn cảnh khó khăn mà người ta phải xa quê kiêm sống khắp nơi. Khi già yếu, ai cũng mong được sống những ngày còn lại ở quê nhà vì không ở đâu tình người lại ấm áp như ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Dẫu làm tới một chức quan rất lớn ở triều đình thì Hạ Tri Chương cũng không nằm ngoài quy luật tâm lí ấy.
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê mẫu 2
Hạ Tri Chương (659-744) là một trong những thi sĩ lớn đời Đường, ông còn là bạn vong niên của thi tiên Lí Bạch. Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê là một trong số những bài thơ hay nổi tiếng viết về đề tài tình yêu quê hương đất nước. Bài thơ ngắn gọn nhưng đã thể hiện khá rõ tình cảm tha thiết, nỗi lòng của một người con xa quê hương sau mấy chục năm nay mới trở lại.
Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người, điều khiến người ta buồn nhất, khắc khoải nhất là phải sống xa quê. Mà sẽ là buồn hơn nữa nếu lại phải xa quê mấy chục năm trời không được một lần trở lại. Đến cuối đời may mắn được trở về thăm quê hương thì có lẽ sẽ chẳng còn ai nhớ đến, đứng giữa quê mình mà chẳng ai còn nhận ra, người ta cứ ngỡ khách lạ về làng. Và Hạ Tri Chương đã rơi vào tình cảnh ấy. Mở đầu bài thơ tác giả viết:
Thiếu tiểu li gia lão đại hồi (Trẻ đi, già trở lại nhà)
Câu thơ nói về một hoàn cảnh đối lập, đó là ngày Hạ Tri Chương ra đi và ngày trở về của ông. Trong cuộc đời con người sự ra đi hay trở về sẽ chỉ là những chuyến đi bình thường nếu người ta đi vài ngày vài năm, nhưng sẽ là vấn đề nếu thời gian ra đi kéo dài hàng mấy chục năm trời. Ngày ra đi, Hạ Tri Chương vẫn còn rất trẻ và cho đến ngày trở về đã thành một ông lão. Cả một quãng thời gian quá dài đủ khiến một con người tình nghĩa như nhà thơ nhớ quê đến mức độ nào. Có lẽ chúng ta cũng có thổ hiểu được đó là một nỗi nhớ quê da diết, dẫu cho cuộc sống của ông những ngày xa quê đầy đủ và sung túc. Tình cảm gắn bó, tha thiết với quê hương được thể hiện ở câu tiếp theo.
Hương âm vô cải mấn mao tồi
(Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu)
Xa quê đã mấy chục năm nhưng tình cảm với quê hương ông vẫn giữ. Điều đó được thể hiện ở giọng quê ông vẫn giữ được, giữ được giọng quê đối với người xa quê mấy chục năm trời là một điều vô cùng quý giá. Thực ra trong cuộc sống có rất nhiều người xa quê thì dường như họ sẽ thay đổi tất cả từ giọng nói cho đến phong cách cử chỉ nhưng với Hạ Tri Chương thì điều đó không hề xảy ra. Chứng tỏ ông không hề quên nơi đã sinh ra mình, cho mình một cuộc sống, nơi có biết bao kỉ niệm, có người mẹ đã nuôi ông lớn lên bằng dòng sữa ngọt ngào, ru ông bằng những câu hát ân tình, tha thiết…Như vậy thời gian chỉ có thể làm thay đổi được mái tóc, được vẻ bên ngoài của con người chứ không thể thay đổi được những nét bên trong, nét quê ẩn chứa trong ông. Ta thấy tình cảm của ông đối với quê hương thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao nhiêu. Bởi ta biết rằng ông từng làm quan to trong triều đình, được bao người trọng vọng, ở một môi trường như thế con người rất dễ thay đổi, thực tế không ít người quay lưng lại với quê hương mình bằng cách thay đổi giọng nói cho phù hợp với nơi đô thị. Hạ Tri Chương quả có một tâm hồn thủy chung, nghĩa tình với quê hương của mình.
Một con người yêu quê hương tha thiết như ông sẽ càng buồn hơn khi xa quê, nhớ quê mà chẳng được về thăm quê, để đến mấy chục năm sau mới được trở về, với biết bao bồi hồi và xúc động. Tuy nhiên, về đến làng, ông phải đối diện với một nghịch lý: Trước nơi đã sinh ra mình, ông chỉ là một người lạ:
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai
(Gặp nhau mà chẳng biết nhau
Trẻ cười, hỏi: “Khách từ đâu đến làng”
Có điều gì đó hóm hỉnh trong câu thơ này khiến ta phải bật cười nhưng dường như đó là một cái cười chẳng trọn vẹn bởi một người con được sinh ra chính từ mảnh đất ấy nay lại được xem như một người khách lạ. Cảnh cũ còn đây nhưng bạn cũ người xưa ai còn ai mất tác giả chẳng biết và dường như chẳng còn ai nhận ra mình nữa, dường như chẳng còn ai nhận ra tác giả là chàng Hạ Tri Chương năm xưa đã sinh ra từ ngôi làng này. Họ ngỡ đâu khách lạ về thăm làng. Có cái gì đó thật nghịch lí, người của làng mà lại trở thành khách lạ. Trẻ con hồn nhiên chào hỏi: có phải là khách lạ tờ phương xa đến. Đọc những câu thơ này, ta có thể tưởng tượng một người đàn ông đứng lạc lõng giữa làng, khuôn mặt vừa vui mừng, sung sướng vì được đứng trên mảnh đất thân yêu nhưng lại vừa thoáng nét buồn vì những người qua lại chẳng ai để tâm đến, một cảm giác thất vọng, hẫng hụt của tác giả khi đứng giữa quê mình. Bao năm xa quê mong ngày trở lại thăm quê vậy mà khi đứng trên mảnh đất thân yêu của mình thì dường như tất cả không còn là của mình nữa. Song thực ra điều đó cũng là tất nhiên bởi thời gian mà Hạ Tri Chương xa quê đâu phải vài ngày, vài năm mà đã hơn nửa thế kỉ, vì vậy người trẻ không biết là lẽ thường tình. Dẫu vậy bài thơ cũng giúp ta thấy được tình cảm chân thành, thủy chung của tác giả, một người đã từng có danh vọng cao sang nhưng vẫn không quên được tình cảm với cố hương. Đó là một con người đáng trân trọng. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng có câu thơ nói về tình cảm của người xa quê.
Ngày đi, tóc hãy còn xanh
Mai về, dù bạc tóc anh cũng về.
Tình cảm quê hương là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người và tác phẩm “Hồi hương cố tri” của Hạ Tri Chương là một bài thơ rất hay, tất cả tấm lòng nhà thơ được gói gọn trong bốn câu thơ đầy ý nghĩa. Tác giả đã rất thành công khi sử dụng thủ pháp nghệ thuật như tiểu đối hay tính hàm xúc nói ít gợi nhiều. Bài thơ đã giúp người đọc thấu hiểu hơn tâm trạng của người khách li hương.
Bài thơ khép lại nhưng vẫn để lại dư âm khó quên trong lòng người đọc.
Cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê mẫu 3
Hạ Tri Chương (659-744) tự Quý Chân, hiệu Tứ Minh cuồng khách quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu. Ông đỗ tiến sĩ năm 965 sinh sống học tập làm quan trên năm mươi năm ở kinh đô Trường An rất được Đường Huyền Tông vị nể. Lúc xin từ quan về quê làm đạo sĩ, vua có tặng thơ và các thái tử các quan đều đưa tiễn. Ông là bạn vong niên của thi hào Lí Bạch, từng gọi Lí bạch là trích niên. Thích uống rượu, tính tình hào phóng, ông còn để lại hai mươi bài thơ, trong đó hai bài là hồi hương ngẫu thư là bài nổi tiếng nhất.
Cũng giống như Lí Bạch, Hạ Tri Chương xa quê lập nghiệp từ bé nên trong lòng ông canh cánh nỗi nhớ quê nhà, bài thơ “ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là tiếng lòng nghẹn ngào của ông sau bao nhiêu năm được đặt chân lên mảnh đất quê nhà lúc tuổi đã xế chiều. Những tiếng thơ nhẹ nhàng nhưng da diết cứa sâu vào lòng người đọc nỗi niềm xót xa.
Đọc câu thơ đầu tiên ta có thể cảm nhận được thời gian đằng đằng mà tác giả rời xa quê hương. Vì con đường công danh mà ông phải bôn ba bên ngoài sống cuộc sống ở nơi đất khách quê người cũng chỉ vì muốn tìm được một chỗ đứng trong thiên hạ. Những năm tháng đó cho dù có xa quê nhưng trái tim ông vẫn luôn hướng về quê nhà, nơi đã nuôi dưỡng và làm nên ông như bây giờ:
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
(Khi đi trẻ lúc về già)
Đọc câu thơ trên ta phần nào thấu hiểu được Hạ Tri Chương rời quê để lập nghiệp từ rất sớm. Một câu thơ sử dụng phép tiểu đối đầy chua xót và nuối tiếc. Lúc còn trẻ tác giả đã phải rời xa quê hương, khi đã có công danh sự nghiệp đã có được một cuộc sống riêng tươi đẹp thì tuổi trẻ cũng không còn nữa, lúc đó ông mới không còn mối lo nào nên đã trở về quê hương nơi từng thuộc là mình. Sự tài tình của tác giả chính là sử dụng triệt để tính năng của phép tiểu đối để nhấn mạnh quãng thời gian xa quê, cũng đồng thời nhấn mạnh trái tim ông luôn hướng về cội nguồn.
Câu thơ thứ hai:
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
(giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)
Đây là một lời khẳng định chắc nịch của ông về tấm lòng son sắt thủy chung dành cho quê hương của mình. Dù là xa quê, đi bao lâu đi chăng nữa, dù là mái tóc giờ đã không còn như trước, đầu đã hai thứ tóc gió sương cuộc đời đã làm bạc phai thì “giọng quê” vẫn thế, vẫn là giọng nơi đây và nó thuộc về nơi đây. Trong thời gian dài làm quan tiếp xúc và va chạm nhiều nhưng giọng nói vẫn không hề thay đổi. Giọng nói chính là điều tạo nên đặc trưng của một vùng quê, nó là thiêng liêng và cần trân trọng. Hạ Tri chương vẫn giữ được nét riêng đó thực sự là điều đáng quý biết bao.
Đến hai câu cuối dường như có một sự xót xa và đau lòng đến lão nề khi ông đặt chân về quê hương của mình nhưng trẻ con không ai nhận ra đầy xót xa và ngậm ngùi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?
(Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở trốn nào lại chơi?)
Đây cũng có lẽ mà tình huống mà tác giả cũng đoán được trước bởi ông xa quê từ nhỏ không có cơ hội hay tiếp xúc với bọn trẻ nên chúng không biết là lẽ đương nhiên. Bao nhiêu năm xa quê, bấy nhiêu năm có sự thay đổi ở chính con người ông à mảnh đất nơi đây, những con người cùng trang lứa ngày trước những ai đã khuất, những ai vẫn còn chắc đầu cũng đã hai thứ tóc giống như ông, đã già rồi. Đời người thật ngắn ngủi thời gian dài đằng đẵng những lớp trẻ cứ sinh ra và lớn lên, câu hỏi của bọn trẻ làm cho ông cảm thấy xót xa đồng thời cũng cảm thấy bâng khuâng, da diết. Câu hỏi đó, kết thúc bài thơ như một lời tự vấn dành cho mình nhưng vì sao đi nữa ông vẫn cảm thấy ấm áp vì cuối cùng sau bao nhiêu năm xa quê hương ông cũng được trở về mảnh đất nơi ông sinh ra và được đặt chân lên mảnh đất quen thuộc một lần nữa. Đó chính là tâm nguyện lớn nhất của nhiều người không chỉ riêng Hạ Tri Chương.
Bài thơ thể hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương thắm thiết của một cuộc sống xa quê lâu ngày trong khoảnh khắc vừa đặt chân trở về quê cũ. “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” của hạ Tri Chương thực sự là một tiếng lòng da diết của ông dành cho quê hương, cho những gì thân thuộc nhất. Với tứ thơ độc đáo, từ ngũ sắc bén, ông đã khiến cho người đọc thật sự rung động.
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê mẫu 4
Hạ Tri Chương là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc vào đời Đường. Ông là bạn vong niên với Lý Bạch. Hầu hết các sáng tác của ông đều thể hiện tình cảm yêu thương sâu nặng với quê hương. Một trong những bài thơ mang cảm hứng chủ đạo về nỗi niềm nhớ quê hương của tác giả là Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư):
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?
Ngay nhan đề bài thơ đã thể hiện niềm xúc động dâng trào khi tác giả trở về với mảnh đất đã sinh ra mình mà gần hết cuộc đời nay mới trở lại. Tình cảm nhớ quê luôn thường trực trong lòng tác giả, nhưng phải đến khi đứng trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, tình cảm ấy không thể nén được và trào dâng
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
(Khi đi trẻ, lúc về già)
Quê hương chính là cội nguồn của mỗi cá nhân, gia đình, thậm chí cả dòng họ. Được sinh ra nhưng tuổi ấu thơ đã phải rời gia đình, quê hương sống nơi đất khách quê người. Vậy là tác giả ngay từ nhỏ đã phải làm quen với phong tục tập quán và kể cả lũ bạn hoàn toàn mới lạ. Sự hoà đồng có lẽ cũng nhanh, nhưng nó vẫn không phải là quê nhà, là sinh khí âm dương hội tụ của mẹ cha để sinh ra mình. Điều đó có ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của nhà thơ. Nỗi niềm nhớ quê đã trở thành thường trực đau đáu trong lòng. Quê hương trong bài thơ là cố hương. Tác giả xa cách không phải là 3 năm, 15 năm mà là hơn nửa thế kỷ, gần một đời người. Đành rằng cuộc sống chốn Tràng An náo nhiệt, ồn ào, sung túc. Công danh có thành đạt đến mức nào, cái chất quê, cái máu, cái hồn trong ông vẫn không hề thay đổi. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau “li gia”. Tuy vậy, ta thấy rằng với tác giả, vui sướng vô cùng là cuối đời còn được hồi hương.
Cuộc đời đầy sóng gió và cát bụi, mái tóc còn xanh mướt ngày nào khi xa quê thì nay, chính trên mảnh đất này mái tóc ấy đã bạc phơ. Dẫu cho tóc bạc, da mồi, địa vị công danh thay đổi. Nhưng cái cốt cách, cái linh hồn của đất mẹ quê cha vẫn nguvên đó.
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)
Lời nói, giọng quê vẫn không thay đổi, ấy chẳng phải là sự gắn bó với quê hương đó sao. Thật vậy truyền thống văn hoá của gia đình, dân tộc quê hương không dễ gì thay đổi được. Nó được ăn sâu trong máu, trong tâm hồn tác giả. Lý Bạch trên bước đường chống kiếm lãng du xa quê từ nhỏ nhưng ánh trăng nơi quán trọ đã gợi trong ông những kỷ niệm thân thương nhất về quê hương, ánh trăng làm sống dậy một thời gắn bó từ thuở nằm nôi. Hạ Tri Chương cũng vậy, ông sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương hết mực của cha mẹ, của quê hương, chỉ có những kẻ bạc tình mới nỡ nhắm mắt quên đi nguồn cội.
Càng cảm động nhường nào khi trên đỉnh danh vọng cao sang mà hình ảnh quê hương không hề phai nhạt. Ta hiểu rằng về với quê có lẽ là ước nguyện lớn nhất của đời ông. Ước nguyện ấy đã biến thành hiện thực, bao năm ly biệt nay trở về với quê hương, trong lòng sao tránh khỏi cảm xúc dâng trào. Có lẽ ngay từ đầu ngõ tác giả đã thốt lên con đã về đây hỡi người mẹ hiền quê hương, ông như muốn ôm trọn cả quê hương vào lòng với những dòng nước mắt sung sướng.
Nhưng về tới quê hương một nghịch lý đã xảy ra:
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?
(Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?)
Thời gian xa quê dài dằng dặc, bạn bè cùng trang lứa ngày xưa ai còn ai mất. Quê hương đã có thay đổi gì chưa. Đời sống của bà con như thế nào? Bao nhiêu câu hỏi cứ dội về hiện hữu. Sau tiếng cười nói ồn ào của lũ trẻ, lòng tác giả không khỏi man mác. Trong con mắt lũ trẻ thì mình là khách lạ, đó là một thực tế bởi khi ông từ giã quê hương thì làm gì đã có chúng. Sau nụ cười tinh nghịch của trẻ thơ là những giọt nước mắt chua cay và sung sướng. Ta là khách lạ! xa quê gần một đời người nay mới trở lại, ta dù lạ với lũ trẻ thơ như quá đỗi thân thuộc với mảnh đất quê hương. Sung sướng hơn bao giờ hết nhà thơ đang đứng trên mảnh đất quê hương, ông đã thực hiện được tâm nguyện của mình “sống chết với quê hương”. Tình cảm ấy đẹp quá, thiêng liêng quá!.
Cảm ơn nhà thơ Hạ Tri Chương, chính ông đã đánh thức trong lòng độc giả những tình cảm gắn bó với quê hương. Nó làm thức tỉnh bao kẻ đang muốn từ bỏ quê hương. Đồng thời củng cố, khắc sâu hơn niềm tin yêu quê hương gia đình của mỗi con người. Và dĩ nhiên không có tình cảm gắn bó với quê hương sẽ không lớn nổi thành người.
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” mẫu 5
Không khỏi xúc động cho hai con người, họ có những cảnh ngộ khác nhau nhưng tình yêu quê hương thì hoàn toàn đồng điệu. Trong lòng hai nhà thơ nỗi nhớ quê hương luôn ăn sâu vào tiềm thức, nó luôn thường trực trong trái tim của mỗi người. Thế mới biết quê hương là nguồn cảm hứng mãnh liệt và được thể hiện ở những cung bậc khác nhau, mức độ khác nhau qua những kỷ niệm khác nhau.
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Quê hương trong mỗi chúng ta là những gì gần gũi, bình dị nhưng rất đỗi thiêng liêng. Với Đỗ Trung Quân quê hương là chùm khế ngọt, là cánh diều biếc, con đường đi học, là tuổi thơ tắm nắng trưa hè. Còn với Lý Bạch và Hạ Tri Chương thì quê hương chính là gia đình, làng xóm và những kỷ niệm ấu thơ. Dẫu kỷ niệm khác nhau nhưng ở họ đều có chung một tình yêu thương cháy bỏng.
Đời hiệp khách chống kiếm lãng du xa quê từ thuở nhỏ. Đêm nay dừng chân nơi quán trọ, Lý Bạch lại bắt gặp ánh trăng thân thuộc ngày nào, ánh trăng đêm nay sáng quá, ánh trăng sáng tận đầu giường nơi lữ khách ngơi chân. Ánh trăng đêm nay lạ quá, trăng tràn khắp nẻo, lan ra bao phủ khắp không gian. Đêm vắng, trên mặt đất những giọt sương như những hạt ngọc lung linh. Trăng đêm nay đẹp khiến không ai có thể hững hờ trước sự choáng ngợp của ánh sáng. Lòng lữ khách bồi hồi xao xuyến say sưa trước cảnh đêm trăng. Thi nhân tìm thấy trong không gian tĩnh lặng ấy hơi ấm của quê hương đang lan toả khắp căn phòng:
Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Rất tự nhiên ngẩng đầu ngắm trăng sáng. Ánh trăng đêm nay gợi nhớ về những kỷ niệm ngày nào trên núi Nga Mi. Nỗi niềm nhớ về quê hương đang trĩu nặng trong lòng, tác giả chạnh lòng nhớ về quá khứ, xót xa thay khi nhận ra đang ở quê người. Và cũng rất tự nhiên hành động:
Cúi đầu nhớ cố hương
Nó như một sự phản xạ không điều kiện như nằm ngoái ý thức. Dưới ánh trăng khuya một lữ khách đang ngóng mắt về quê hương nơi ấy có mẹ già tần tảo sớm hôm, có bà con láng giềng thân thuộc, có đám bạn chăn trâu thổi sáo, những đêm trăng ríu rít nô đùa, họ bây giờ ra sao? Quê hương vẫn thế hay có gì thay đổi. Hỏi mà như để khẳng định với chính mình! và dĩ nhiên khi đôi chân lãng du đã mệt mỏi thì ai cũng trở lại quê hương. Về với quê hương là về với mẹ, người mẹ ấy vẫn từng ngày từng giờ dang rộng cánh tay chào đón những đứa con.
Với Lý Bạch ánh trăng gợi nhớ về quê hương. Còn Hạ Tri Chương cũng xa quê từ ngày thơ ấu, lứa tuổi đáng ra phải được sống trọn với quê hương nhưng buồn thay:
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Sống ở kinh đô Tràng An sầm uất đua chen, lòng tác giả thổn thức chờ ngày về với mẹ. Niềm khắc khoải mong chờ ấy đau đáu bên lòng. Khi đi mái tóc vẫn còn xanh và khi trở lại thì tóc đà khác bao. Tóc đã nhuộm màu thời gian, nhưng giọng quê, hồn quê thì không hề thay đổi. Chất quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, nó trở thành giọt máu nuôi sống bản thân. Cảm động xiết bao, thời gian xa cách, tấm lòng với quê son sắt thuỷ chung. Trong cái giọng quê vẫn thế ấy là sự thuỷ chung được trải nghiệm bằng thời gian. Trở lại quê hương sau gần hết cuộc đời xa cách lòng sao lại không man mác bùi ngùi. Nếu như Lý Bạch có ánh trăng gợi nhớ về quê hương thì Hạ Tri Chương là lũ trẻ nơi đầu xóm. Nghịch lý là lũ trẻ kia không biết ông là ai:
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi
Trở lại quê hương, mái đầu tóc đã pha sương. Bao năm xa cách nay mới được trở về đất mẹ. Tuy xa cách quê hương trong khoảng thời gian đằng đẵng nhưng giọng quê – giọng của quê hương đất mẹ vẫn không thay đổi. Điều đó chứng tỏ rằng với Hạ Tri Chương quê hương là những gì thiêng liêng nhất. Và như vậy thì dù thời gian và con người có thay đổi nhưng tình cảm với quê hương thì không bao giờ thay đổi.
Không khỏi xúc động cho hai con người, họ có những cảnh ngộ khác nhau nhưng tình yêu quê hương thì hoàn toàn đồng điệu. Trong lòng hai nhà thơ nỗi nhớ quê hương luôn ăn sâu vào tiềm thức, nó luôn thường trực trong trái tim của mỗi người. Thế mới biết quê hương là nguồn cảm hứng mãnh liệt và được thể hiện ở những cung bậc khác nhau, mức độ khác nhau qua những kỷ niệm khác nhau.
Đúng vậy quê hương trong thơ Đỗ Trung Quân cũng thật bình dị mà sâu sắc: chùm khế ngọt, con diều biếc, con đường đi học… còn với Tế Hanh thì quê hương hiện lên là làng chài ven biển, con thuyền lướt sóng… Hai tiếng quê hương sao nghe xúc động đến thế.
Cùng một chủ đề là tình ỵêu quê hương mà mỗi tác giả lại có cách biểu lộ khác nhau. Để rồi khi bài thơ khép lại những ai chưa từng nhớ quê nhà cũng nao lòng tìm đọc những dòng thơ. Hai bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh cua Lý Bạch và Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê của Hạ Tri Chương đã để lại trong lòng chúng ta bao tình cảm thiêng liêng, trân trọng với gia đình và quê hương yêu dấu.
………………………………
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Dàn ý và 5 bài văn mẫu lớp 7: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê. Để có thể làm tốt đề văn này, các em cần nắm được dàn ý của bài để có thể biết được các ý chính cần triển khai, sau đó có thể tham khảo các bài viết mà VnDoc cung cấp ở trên để có thêm những dẫn dắt và lí lẽ đưa vào bài để mang tính thuyết phục cho bài viết của mình. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng viết văn và học tốt Ngữ văn 7 hơn.
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh được cập nhật liên tục trên VnDoc để có kiến thức tổng hợp đầy đủ các môn nhé.
Tài liệu liên quan:
- Soạn Văn 7: Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
- Dàn ý cảm nghĩ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”
- Phân tích bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê của Hạ Tri Chương
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!