16 mốc phát triển của trẻ từ 0-1 tuổi mẹ nên nắm rõ
16 mốc phát triển của trẻ từ 0-1 tuổi là cơ sở để bố mẹ theo dõi và phát hiện sớm những bất thường trong sự phát triển về mặt thể chất và nhận thức của bé.
Các mốc phát triển của trẻ về thể chất và nhận thức
Mặc dù sự phát triển của trẻ nhũ nhi trong từng giai đoạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của bé, môi trường sống, sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ,… nhưng về cơ bản, các bé vẫn sẽ đạt các cột mốc phát triển của trẻ trong năm đầu tiên.
Một số trẻ có thể đạt được các mốc phát triển này chậm hơn so với những đứa trẻ cùng độ tuổi khác. Đây có thể là sự phát triển bình thường của bé nhưng cũng có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển và cần được hỗ trợ y tế sớm. (1)
Dưới đây là các cột mốc phát triển của trẻ từ 0-1 tuổi về thể chất và nhận thức giúp mẹ có thể theo dõi sức khỏe và sự phát triển của bé, đồng thời, hiểu rõ hơn và biết cách chăm sóc tốt nhất cho trẻ:
1. Ngẩng đầu
Sau khi được 1 tháng tuổi, trẻ sơ sinh đã dần nâng đầu lên một xíu khi được nằm sấp. Đây được xem là cột mốc quan trọng đầu tiên trong sự phát triển của trẻ.
Đến cuối tháng thứ 2, khả năng nâng đầu của trẻ đã được phát triển tốt hơn, bé có thể ngẩng đầu lên tạo một góc 45° trong tư thế nằm sấp.
Trẻ đã có thể giữ đầu cố định khi đã đủ 4 tháng tuổi. Lúc này, bé đã có thể kiểm soát đầu tốt hơn và ngẩng đầu lên tạo một góc 90° khi nằm sấp.
Trẻ 6 tháng tuổi gần như đã có thể kiểm soát được toàn bộ đầu của mình. Bé có thể xoay đầu qua lại để quan sát các vật dụng xung quanh. Đồng thời, khả năng nâng đầu của bé cũng đã dần thuần thục hơn. Bé đã có thể nâng ngực và bụng lên khỏi mặt phẳng, nệm, bằng cách cho hai tay hơi chụm vào nhau. Hơn nữa, cũng ở tư thế này, bé có thể ngẩng đầu nhìn về phía trước, và cố gắng dùng một tay để nâng người lên.
Đến cuối tháng 7, trẻ đã hoàn toàn kiểm soát được đầu của mình, các cử động xoay đầu qua lại được bé thực hiện một cách nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
2. Phát ra âm thanh
Đây sẽ là mốc phát triển của trẻ khiến căn nhà của mẹ trở nên rộn ràng hơn bởi bé đã bắt đầu phát ra những âm thanh đầu tiên khi trẻ được 2 tháng tuổi.
Khi trẻ được 3 tháng tuổi, những âm thanh của bé dần trở nên rõ hơn. Lúc này, dây thanh quản của bé đã phát triển, bé sẽ bắt đầu với những âm thanh bi bô, ríu rít để làm quen với dây thanh quản của mình.
Đến cuối tháng thứ 4, bé đã có thể phát ra những âm tiết đơn giản như “Ah”, “Eh”, “Oh”,… Và khi bước vào cuối tháng thứ 6, trẻ đã có thể kết hợp các nguyên âm lại với nhau như “Aaoo”, “Eeaa”,… cũng như kết hợp các phụ âm “Mh”, “Dh”, “Bh”,…
Khả năng ngôn ngữ của bé liên tục được phát triển, đến khoảng cuối tháng thứ 8, bé đã có thể gọi tiếng “baba” hoặc “mama” đầu tiên. Tuy nhiên, bé vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của từ này nên bé có thể nói từ này nhiều lần, bất cứ khi nào và với hầu hết tất cả mọi người bé thấy.
Khi trẻ đã được 9 tháng tuổi, bé đã có thể lặp lại một số từ đơn giản khi nghe ba mẹ và người thân nói nhưng bé vẫn chưa thể phát âm rõ ràng. Đến khi bé đã được 1 năm tuổi, bé đã có thể nói được từ “mẹ”, “ba” và một vài từ đơn giản một cách rõ ràng. Đồng thời, bé cũng dần hiểu được ý nghĩa các từ đơn giản này.
3. Lật người
Đa số trẻ nhũ nhi có thể tự lật người từ tư thế nằm ngửa sang tư thế nằm sấp và ngược lại khi bé được khoảng 4 tháng tuổi. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, bé có thể tự di chuyển bằng cách thực hiện các vòng lăn liên tục từ chỗ này sang chỗ khác. Điều này cho thấy cơ bụng của bé đã dần hoàn thiện, đủ khoẻ để thực hiện hoạt động này.
4. Ngồi
Vào khoảng tháng thứ 4, trẻ có thể giữ cơ thể của mình ở tư thể ngồi nếu được bố, mẹ, người thân hỗ trợ. Và đến cuối tháng thứ 4, cơ cổ của bé đã phát triển đủ mạnh để có thể tự ngẩng đầu lên.
Tiếp đó, đến tháng thứ 6, trẻ đã có thể tự ngồi mà không cần sự hỗ trợ. Theo thời gian, bé có thể ngồi vững hơn, kéo dài thời gian ngồi hơn. Kết quả là bé đã có thể tự ngồi một mình trong khoảng thời gian dài khi được 9 tháng tuổi.
Với khả năng phát triển nhanh chóng của mình, trẻ 10 tháng tuổi đã có thể tự chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi. Cuối cùng khi đã được 1 tuổi, trẻ sẽ dần có thể chuyển từ tư thế đứng sang tư thế ngồi.
5. Bò, trườn
Khi trẻ sơ sinh đủ 2 tháng tuổi bé bắt đầu có khả năng tự nhấc đầu lên khi nằm sấp. Và khoảng 3 – 4 tháng, bé nằm sấp có thể biết cách nâng ngực lên bằng cánh tay. Đây chính là các kỹ năng nền tảng trẻ cần có để thực hiện động tác trườn và bò.
Trong khoảng thời gian từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9, bé sẽ tập trườn và bò mỗi ngày để dần hoàn thiện các kỹ năng này vào cuối tháng thứ 9. Lúc này mẹ sẽ thấy bé trở nên năng động hơn, bé có thể bò, trườn mọi nơi, đồng thời, các cơ bắp của bé dần khỏe mạnh hơn để có thể tự đứng lên và bước đi trong thời gian 10 đến 12 tháng.
6. Đứng
Vào thời điểm trẻ được 3 tháng tuổi, khi mẹ giữ bé đứng thẳng, bé sẽ có phản xạ co chân lên giống như tạo ra động tác bước. Đến tháng thứ 4, bé mới bắt đầu đẩy chân xuống mặt đất khi mẹ đặt bé trên một mặt phẳng nào đó.
Khi trẻ đã được 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể đứng và nhún nhảy khi được người thân hỗ trợ. Vào khoảng cuối tháng thứ 9, bé đã có thể tự vịn vào các vật dụng cố định trong phòng để đứng dậy tại chỗ. Cho đến tháng thứ 10 đến tháng thứ 11, bé mới dần bước đi khi bám vào đồ vật hay được bố mẹ hỗ trợ.
Khi trẻ tròn 1 tuổi, trẻ đã có thể tự đứng dậy mà không cần vịn vào những đồ vật khác hay cần người thân hỗ trợ. Tuy nhiên, lúc này bé đang cố gắng kéo dài thời gian đứng và cố gắng tập bước đi mà không cần vịn.
7. Đi những bước đầu tiên
Sau khi đã có thể đứng vững, trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu hành trình tập đi của mình. Đến khoảng cuối tháng tháng 11, trẻ đã có thể tự bước đi nếu được hỗ trợ.
Khi trẻ bước qua 1 tuổi, bé sẽ cố gắng tự bước đi từng bước đầu tiên. Đây là mốc phát triển quan trọng và đáng nhớ nhất của trẻ vì lúc này, bé đã có thể chập chững bước những bước đi đầu tiên của mình.
8. Mỉm cười
Trong giai đoạn sơ sinh, thỉnh thoảng mẹ có thể thấy bé dường như mỉm cười khi đang ngủ. Tuy nhiên, nụ cười đầu tiên của bé trong khi giao tiếp với mẹ là khi bé được gần 2 tháng tuổi, nhất là khi mẹ nhìn, cười và nói chuyện với bé. Đến khi bé được khoảng 5-6 tháng tuổi, bé đã có khả năng nhận biết người quen – lạ và mỉm cười khi thấy bố mẹ hay những người thân khác.
Khi trẻ lớn hơn, bé đã dần kiểm soát nụ cười của mình tốt hơn như cười khi thấy những người thân quen, thấy những món đồ chơi mình thích, bình sữa hay khi thấy người thân đang làm những hành động chọc ngộ nghĩnh để chọc cho bé cười.
9. Phát triển về thính giác
Song song với sự phát triển của thể chất và các kỹ năng khác như nói, cười,… thính giác của trẻ sơ sinh cũng đang được bé hoàn thiện. Trẻ sơ sinh có thể nghe thấy và làm quen với giọng nói của bố mẹ. Hơn nữa, bé sẽ cảm thấy bình tĩnh và an toàn hơn khi nghe được tiếng nói của bố mẹ.
Khi được gần 2 tháng tuổi, bé có thể quay đầu về phía phát ra âm thanh nhưng không thường xuyên. Cử động này sẽ dần trở nên chính xác hơn, bé có thể xác định và quay đầu về phía tiếng nói của mẹ vào cuối tháng thứ 3. Vào tháng thứ 6, trẻ không chỉ đã có xác định được nơi âm thanh phát ra mà còn bắt đầu có những phản ứng với những âm thanh đó. Đây là mốc phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng nghe và nói của trẻ sơ sinh.
Bước sang tháng thứ 9, hệ thống não bộ của trẻ đã có thể xử lý âm thanh một cách chuẩn xác hơn. Lúc này, bé sẽ có xu hướng bắt chước và lặp lại những âm thanh nghe được. Cho đến tháng thứ 12, thính giác của bé dường như đã hoàn thiện, bé có thể phân biệt được đặc điểm của một số âm thanh và nhận ra tiếng nói của bố mẹ.
10. Phát triển về thị giác
Trong những tháng đầu tiên, các tế bào thần kinh mắt và não bộ của bé chưa được phát triển hoàn toàn nên thị giác của bé vẫn chưa được phát triển hoàn thiện. Tầm nhìn của bé còn hạn chế chỉ khoảng 20 – 30 cm trước mắt, và bé cũng chưa thể nhìn rõ. Bé có thể chú ý nhìn vào vật có độ tương phản cao. Vì bé chỉ có thể nhìn thấy trong khoảng cách gần nên mẹ đừng ngại khi áp sát vào quá gần bé khi nói chuyện và diễn các nét mặt khác nhau khi đùa giỡn với bé, từ đó, giúp bé cảm thấy thích thú và có thể nhìn rõ mặt của mẹ hơn.
Lúc này, phối hợp giữa 2 mắt của bé vẫn chưa được đồng bộ nên trông có vẻ như bé bị lé. Tình trạng này sẽ dần cải thiện và hầu hết sẽ bình thường vào cuối tháng thứ 6.
Đến cuối tháng thứ 3, khả năng phối hợp giữa tay và mắt của bé đã bắt đầu được phát triển. Bé có thể bắt đầu nhìn theo và với tay lấy đồ vật.
Về màu sắc, ở những ngày mới sinh, bé chỉ có thể nhìn thấy những vật dụng xung quanh trong hai gam màu trắng và đen. Khả năng nhìn thấy màu sắc của bé sẽ tiếp tục phát triển, do đó, trong những tháng đầu, bé sẽ có xu hướng thích nhìn những màu sắc có độ tương phản và hình dáng rõ ràng. Hầu hết, trẻ sơ sinh phát triển thị giác màu sắc khi bé được 5 tháng tuổi. Lúc này, bé có thể nhìn được xa hơn và bắt đầu có thể nhận biết xa gần. Vì vậy, trong không gian phòng của bé, bố mẹ nên chọn gam màu chủ đạo là các gam màu cơ bản như trắng, đen, đỏ, cam, vàng hay xanh dương. Điều này sẽ góp phần kích thích thị giác và khả năng tư duy, sáng tạo của bé.
Cho đến tháng thứ 5, tầm nhìn của bé đã tốt hơn, bé có thể nhận diện được khuôn mặt của những người thân quen và thấy được những người xung quanh, mỉm cười khi nhìn thấy họ hay những món đồ chơi mà mình thích.
Vào tháng thứ 6, bé bắt đầu tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, khả năng phối hợp tay và mắt được bé thực hiện ngày càng tốt hơn, linh hoạt hơn. Lúc 9 tháng tuổi, bé đã có thể xác định được khoảng cách tốt hơn, bé đã biết bò và khả năng phối hợp tay, mắt đã dần được hoàn thiện. Do đó, có thể các trò chơi ú òa sẽ khiến trẻ cảm thấy thích thú và vui vẻ hơn.
Trẻ 1 tuổi đã có thể nhìn thấy thế giới xung quanh một cách rõ nét, tràn đầy màu sắc và xác định được khoảng cách giữa các vật thể giống những đứa trẻ lớn hơn. Bên cạnh đó, bé có thể dõi theo một đối tượng đang di chuyển như nhìn theo bố mẹ.
11. Giấc ngủ của bé
Thời gian đầu, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ dành hầu hết thời gian trong ngày để ngủ. Bằng cách này, cơ thể của bé sẽ dần phát triển và làm quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ.
Thông thường, ở 2 tháng đầu tiên, số thời gian ngủ của bé vào ban ngày và ban đêm sẽ bằng nhau. Sau đó, thời gian ngủ vào ban ngày và ban đêm sẽ dần được điều chỉnh, bé sẽ chỉ ngủ khoảng 4 – 5 giờ vào ban ngày và khoảng 8-10 giờ vào ban đêm ở tháng thứ 6.
Đến khi trẻ được 1 tuổi, bé ngủ khoảng 3 – 4 giờ vào ban ngày và thời gian ngủ vào ban đêm khoảng 8 – 10 giờ.
12. Bắt đầu cầm nắm
Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ nắm chặt bàn tay lại khi bị mẹ chạm ngón tay mình vào lòng bàn tay của bé. Phản xạ nắm bàn tay này là bước đầu để phát triển khả năng cầm nắm của bé. Phản xạ này cũng sẽ xuất hiện ở ngón chân, lòng bàn chân của bé. Chúng thường sẽ biến mất khi trẻ sơ sinh được 6 tháng tuổi.
Từ 3 tháng đến 6 tháng, bé bắt đầu sử dụng bàn tay chủ động hơn, bé có thể nắm một vật từ một bề mặt bằng phẳng bằng tất cả ngón tay.
Khi trẻ 7 – 9 tháng tuổi, khả năng cầm, nắm của trẻ được phát triển tinh vi hơn, trẻ có thể dùng đầu ngón cái và ngón trỏ để nắm các vật nhỏ gọn một cách nhẹ nhàng.
Khi trẻ được 12 tháng tuổi, bé có thể sử dụng các ngón tay một cách linh hoạt, phối hợp giữa các ngón tay với nhau, mẹ có thể tập cho bé cầm thìa múc đồ ăn vào giai đoạn này.
13. Tập ăn thức ăn cứng, đặc
Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường chỉ có thể tiêu hóa những thức ăn ở dạng lỏng bởi hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, chưa được phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, sau khi trẻ được 6 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm với những loại thức ăn đặc hơn như bột ăn dặm hay các món súp được nghiền nhuyễn.
Mới đầu, bé sẽ có phản xạ buồn nôn, nôn khi các thức ăn nhỏ chạm vào phần sau của lưỡi, họng, gây cảm giác cộm khó chịu. Khi bé quen dần, các phản xạ này sẽ biến mất. Hơn nữa ở tháng thứ 7, bé đã bắt đầu di chuyển cơ hàm, biết khép miệng khi mẹ cho bé ăn bằng muỗng, điều khiển lưỡi và nhai thức ăn khi cho vào miệng. Qua tháng thứ 8, bé đã có thể ăn được những thức ăn cứng hơn một chút. Đến tháng thứ 9, do bé đã có thể cầm nắm các vật nhỏ nên mẹ có thể tập cho bé ăn bốc. Sau 12 tháng, bé có thể tự bốc thức ăn bằng ngón tay một cách đơn giản và có thể bắt đầu làm quen với việc dùng thìa.
14. Mọc răng
Trong khoảng tháng thứ 7 đến tháng thứ 8, những chiếc răng đầu tiên của bé sẽ dần được ngoi lên, thường là hai chiếc răng cửa ở hàm dưới. Sau đó 1 – 2 tháng, những chiếc răng cửa ở hàm trên cũng sẽ mọc lên. Tiếp nối là các răng cửa bên của hàm dưới và hàm trên sẽ lần lượt mọc lên.
Khi được 1 tuổi, trẻ có thể có đến 8 chiếc răng bao gồm 4 chiếc răng cửa và 4 chiếc răng cửa bên. Tuy nhiên, một số trẻ có thể mọc răng muộn hơn thậm chí có trẻ đến 12 tháng mới có chiếc răng đầu tiên. Và khi con bạn chưa mọc răng vào lúc 15 – 18 tháng tuổi, bạn cần cho bé kiểm tra tại chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nhi khoa.
15. Nhận thức
Trẻ sơ sinh đến 2 tháng tuổi có thể quan sát xung quanh nhưng chỉ có thể nhìn ở khoảng cách gần. Đây cũng chính là một trong những cột mốc phát triển quan trọng về khả năng nhận thức của trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Bé sẽ thường xuyên quan sát các phản ứng, cử chỉ khác nhau của những người xung quanh để biết kết quả của các hành động này.
Vào tháng thứ 6, bé bắt đầu tò mò về mọi thứ và bắt đầu khám phá chúng bằng cách cầm các đồ vật lên, chăm chú quan sát và đưa vào miệng để tìm hiểu. Đây cũng chính là giai đoạn bé làm quen và ghi nhớ hình dáng, tên gọi của đồ vật.
Đến cuối tháng thứ 7, bé bắt đầu có thể nhận biết được sự tồn tại của đồ vật dù chúng được che dấu hoặc cất đi bên dưới các vật khác. Do đó, bé sẽ bắt đầu cảm thấy thích thú với việc cất giấu, tìm và khám phá các đồ vật.
Từ tháng thứ 8, trẻ có thể tập trung chơi một món đồ chơi tối đa khoảng 2 – 3 phút và sau đó, bé nhanh chóng chán và cảm thấy tò mò về những thứ khác mà bé nhìn thấy xung quanh.
Bước qua tháng thứ 9, bé có thể bắt đầu bắt chước các cử chỉ của những người thân. Lúc này bé có thể tham gia vào các trò chơi tương tác với ba mẹ như trò ú oà, vỗ tay. Bắt chước là khởi đầu quan trọng trong quá trình phát triển nhận thức và tương tác xã hội.
Khi trẻ đã được 1 tuổi, bé đã nhớ được đúng tên gọi và đặc điểm của một số vật dụng thân thuộc như nói alo khi kê điện thoại vào tai, dùng lược chải tóc. Hơn nữa, bé sẽ bắt đầu học thêm những kỹ năng mới thông qua việc quan sát các hành động, cử chỉ của bố mẹ và những người chăm sóc.
16. Phát triển về mặt tình cảm
Trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được tình cảm bố mẹ dành cho mình và cảm thấy an toàn hơn khi ở cạnh những người thân thuộc như bố, mẹ. Do đó, khi trẻ đang khóc, nếu được bố mẹ ôm ấp, vỗ về bé sẽ nhanh chóng bình tĩnh lại và ngừng khóc.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể nhận thấy sự phát triển về mặt tình cảm của trẻ sơ sinh khi bé được 2 tháng tuổi. Lúc này, bé đã có thể mỉm cười nhưng dường như, bé dễ mỉm cười với những người quen thuộc, thường xuyên chăm sóc mình như ông bà, bố mẹ, anh, chị,…
Khi trẻ được 4 tháng tuổi, bé có thể chủ động tạo sự chú ý của ba mẹ bằng cách nhìn, cử động và phát âm. Đồng thời, bé sẽ mỉm cười mỗi khi được chơi đùa với mọi người. Đến 6 tháng tuổi, trẻ đã có khả năng nhận biết khuôn mặt quen lạ của những người xung quanh. Bé thường sẽ thân thiện, vui vẻ với người thân và trở nên nhút nhát, cáu kỉnh và òa khóc khi thấy người lạ.
Đến khi trẻ được 8 tháng tuổi, bé đã hiểu được bố mẹ là những người có thể mang đến cảm giác ấm áp và an toàn nhất, luôn quan tâm, chăm sóc mình nên bé sẽ thường xuyên quấy khóc nếu không được ở cùng bố mẹ, không được nhìn thấy bố mẹ. Đây chính là mốc phát triển quan trọng về mặt tình cảm của trẻ sơ sinh.
Dựa vào 16 mốc phát triển của trẻ, bố mẹ có thể quan sát và nhận biết sớm những điểm bất thường của trẻ. Tuy nhiên, mỗi bé là một cá thể độc lập nên bé có thể phát triển nhanh hơn và chậm hơn so với những bé cùng tuổi khác. Điều quan trọng là bố mẹ cần phải kiên nhẫn và chăm sóc bé sơ sinh cẩn thận. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng, sơ sinh và phát triển trẻ em để hiểu rõ hơn về sự phát triển và nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn.
Giản Đơn
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!