Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương dễ nhớ, ngắn gọn

Tải xuống

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, …. Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của Chuyện người con gái Nam Xương.

Bài giảng: Chuyện người con gái Nam Xương – Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

A. Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương

B. Tìm hiểu Chuyện người con gái Nam Xương

I. Tác giả

– Nguyễn Dữ – có sách phiên âm là Nguyễn Tự (chưa rõ năm sinh năm mất).

– Quê quán: Ông là người huyện Trường Tân, nay là Thanh Miện – Hải Dương.

– Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, là thời kì triều đình nhà Lê bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh tranh giành quyền lực, gây ra những cuộc nội chiến kéo dài.

– Sự nghiệp sáng tác: Ông học rộng tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi cáo về, sống ẩn dật ở vùng núi Thanh Hóa. Đó là cách phản kháng của nhiều tri thức tâm huyết đương thời.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Truyện truyền kì.

2. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ:

– “Chuyện người con gái Nam Xương” thuộc tác phẩm “Truyền kì mạn lục” (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền), được viết ở thế kỉ XVI.

– Là thiên truyện thứ 16 trong 20 truyện của “Truyền kì mạn lục”.

3. Tóm tắt

Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, là cô gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, lấy Trương Sinh con nhà khá giả nhưng vô học, vũ phu. Cuộc sống vợ chồng chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải đi lính. Mẹ chồng nàng vì nhớ thương con mà bệnh nặng qua đời, một mình Vũ Nương gánh vác mọi thứ, tự sinh con một mình đặt tên là Đản. Để bù đắp cho con sự thiếu thốn tình cha, đêm đến Vũ Nương chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản. Khi Trương Sinh trở về nhất quyết bé Đản không chịu nhận cha và nói cha Đản thường đến vào buổi tối. Lúc này Trương Sinh nghi ngờ vợ bèn mắng nhiết đánh đuổi nàng, Vũ Nương hết lời giải thích minh oan nhưng chàng đều không tin, rồi nàng gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Ít lâu sau bé Đản chỉ bóng Trương Sinh trên tường và bảo đó là cha Đản thì Trương Sinh mới thấu nỗi oan của vợ. Cùng làng Trương Sinh có Phan Lang vì đã cứu thần rùa Linh Phi nên được trả ơn. Trong một bữa tiệc dưới thủy cung, Phan Lang nhận ra Vũ Nương. Nghe Phan Lang kể chuyện nhà, Vũ Nương nhớ chồng con da diết và xin nói với Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng, nàng sẽ trở về. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan thì Vũ Nương có hiện lên nhưng chỉ nói vài câu rồi biến mất.

4. Bố cục: 3 phần

– Phần 1: (Từ đầu đến… cha mẹ đẻ mình): Những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương.

– Phần 2: (Tiếp đến… qua rồi): Nỗi oan khuất của Vũ Nương.

– Phần 3: (Còn lại): Vũ Nương được giải oan.

5. Giá trị nội dung

– Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

– Niềm cảm thương cho số phận bi kịch của họ đồng thời lên án tố cáo các lễ giáo phong kiến vô nhân đạo, các hủ tục hà khắc trong chế độ phong kiến đương thời.

6. Giá trị nghệ thuật

– Tác phẩm là một áng văn hay, thành công về nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình.

III. Dàn ý bài phân tích

1. Vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương

– Tên thật: Vũ Thị Thiết

– Quê: Nam Xương

– Tính tình: thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp.

⇒ Cách giới thiệu vừa cụ thể, vừa khái quát ⇒ Là người phụ nữ đẹp người, đẹp nết.

a. Trong cuộc sống vợ chồng

– Luôn giữ gìn khuôn phép.

– Không lúc nào để vợ chồng thất hòa.

– Khi tiễn chồng đi lính:

“Chàng đi chuyến này… bay bổng”

+ Giọng điệu thiết tha, đằm thắm.

+ Các điển tích

⇒ Nàng không trông mong vinh hiển chỉ cầu cho chồng được bình an trở về. Cảm thông trước nỗi gian nan vất vả mà chồng phải chịu đựng.

– Nỗi khắc khoải nhớ nhung chồng

⇒ Một ước nguyện bình thường và chính đáng ⇒ Coi trọng và khao khát hạnh phúc gia đình.

b. Khi xa chồng

– Đối với chồng

“Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn… không thể nào ngăn được”

+ Hình ảnh ước lệ, mượn cảnh thiên nhiên để diễn đạt sự trôi chảy của thời gian.

⇒ Khẳng định một nỗi nhớ chồng triền miên, tha thiết.

+ Người vợ thủy chung

– Chăm sóc mẹ chồng

+ Mẹ ốm: hết lòng thuốc thang, khuyên lơn.

+ Mẹ mất: hết lời thương xót, lo ma chay tế lễ chu đáo.

⇒ Người mẹ đã ghi nhận đánh giá cao công lao, tấm lòng của Vũ Nương với gia đình nhà chồng ⇒ Người con dâu có tấm lòng hiếu thảo.

– Nghệ thuật: các hình ảnh ước lệ; các điển tích, câu văn biền ngẫu.

⇒ Vũ Nương là người vợ thuỷ chung, người mẹ hiền, người con dâu đảm đang hiếu thảo ⇒ Những vẻ đẹp điển hình, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Đọc thêm:  Top 20 trường đại học ở TPHCM nổi tiếng, tốt nhất - JobsGO Blog

2. Nỗi oan của Vũ Nương

* Bé Đản nói về chiếc bóng chứa những yếu tố đáng ngờ ⇒ đánh vào đầu óc đa nghi của Trương Sinh.

*Trương Sinh: đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, la um lên, mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương.

⇒ Trương Sinh nông cạn, ghen tuông mù quáng, vũ phu, chuyên quyền độc đoán

* Vũ Nương:

– “Cách biệt…nghi oan cho thiếp”

+ Giọng điệu thiết tha.

+ Sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ.

⇒ Vũ Nương giãi bày, khẳng định tấm lòng thuỷ chung và mong được cởi bỏ nỗi oan ⇒ Nàng cố gắng để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

– “Nay trâm gãy bình rơi… vọng phu”

+ Giọng điệu thảm thiết, não nề

+ Dùng điển tích, điển cố, câu văn biền ngẫu, các lời thoại liên tiếp nhau.

+ Hình ảnh ẩn dụ

⇒ Đau đớn, thất vọng vì hạnh phúc gia đình tan vỡ.

– Vũ Nương tắm gội sạch chay, ra bên sông Hoàng Giang; ngửa mặt, than

⇒ Lời than như một lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng ⇒ Xót xa, tuyệt vọng

– Gieo mình xuống sông

⇒ Đó là hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, chứng tỏ phẩm giá trong sạch. Một cái chết oan uổng và thương tâm.

* Nguyên nhân cái chết của Vũ Nương

– Cuộc hôn nhân có phần không bình đẳng (Trương Sinh con nhà giàu có – Vũ Nương con nhà nghèo khó).

– Chiến tranh phong kiến gây ra sự xa cách giữa Trương Sinh và Vũ Nương.

– Lời nói ngây thơ của bé Đản.

– Trương Sinh giàu có, đa nghi hay ghen lại không có học.

* Ý nghĩa cái chết của Vũ Nương thể hiện:

– Tấm lòng trong sạch cao đẹp của nàng.

– Vũ Nương là người trọng danh dự: bằng cái chết, nàng bảo vệ 1 cách quyết liệt danh dự của mình.

– Số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

* Chi tiết chiếc bóng

– Là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Tạo nên bước ngoặt cho câu chuyện: tạo kịch tính, đẩy kịch tính mỗi lúc một tăng, giúp câu chuyện được triển khai một cách hợp lí.

+ Thắt nút câu chuyện, mở nút câu chuyện.

3. Vũ Nương được giải oan

– Các chi tiết hoang đường, kì ảo; các yếu tố kì ảo đan xen các yếu tố thực, vừa hấp dẫn, li kì lại gần gũi với cuộc đời thực, tăng tính chân thực.

– Hoàn chỉnh thêm vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương, dù ở thế giới bên kia vẫn nặng lòng với gia đình, vẫn khát khao phục hồi danh dự.

– Tạo nên một kết thúc có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân về lẽ công bằng: người hiền gặp lành.

IV. Bài phân tích

Nguyễn Dữ là một gương mặt tiêu biểu điển hình cho nền văn học trung đại Việt Nam ở thế kỉ thứ XVI. Mặc dù, sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Dữ chỉ vẻn vẹn có tập truyện “Truyền kì mạn lục” nhưng tập truyện lại có một vị trí đặc biệt, được đánh giá là “thiên cổ kì bút” (bút lạ nghìn đời), “là áng văn hay của bậc đại gia”. Đây là tập truyện viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử Việt Nam. “Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên thứ 16, trong tổng số 20 truyện của “Truyền kì mạn lục”. Thông qua bi kịch Vũ Nương, truyện thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.

Truyện kể về một người phụ nữ tên là Vũ Thị Thiết ở huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nam. Vốn là một người vợ đoan chính, đảm đang. Nàng giữ lòng chung thuỷ, hầu hạ mẹ chồng, chăm sóc con thơ trong suốt thời gian chồng đi lính ở phương xa. Khi trở về vì nghe lời ngây thơ của con trẻ, người chồng nghi ngờ nàng thất tiết nên đánh mắng đuổi đi. Không thể phân giải được oan tình, nàng trẫm mình ở sông Hoàng Giang. Cảm động vì lòng trung thực của nàng, Linh Phi cứu vớt nàng và cho ở lại Long Cung. Người chồng biết vợ bị oan nên rất hối hận, lập đàn giải oan cho nàng. Vũ Nương hiện lên, ẩn hiện trong chốc lát rồi trở lại Long Cung.

“Chuyện người con gái Nam Xương” đã khắc họa thành công vẻ đẹp truyền thống và số phận oan nghiệt của người phụ nữ đương thời. Điều này được thể hiện qua nghệ thuật dựng truyện và xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến: “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Trương Sinh vì cảm mến cái dung hạnh ấy nên đã xin mẹ trăm lạng vàng để cưới về làm vợ. Sau đó, nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai tên là Đản, từ đó góp phần bộc lộ trọn vẹn tính cách, phẩm hạnh của nàng.

Đầu tiên là Vũ Nương trong mối quan hệ với người chồng – Trương Sinh. Nàng hiện lên là một người vợ nhất mực thủy chung, yêu thương chồng tha thiết. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường, khi mới lấy nhau, nàng hiểu tính chồng có thói đa nghi, thường đề phòng vợ quá mức nên Vũ Nương đã cư xử khéo léo, đúng mực, nhường nhịn và giữ đúng khuôn phép, không bao giờ để xảy ra nỗi bất hòa trong gia đình. Vì thế, chúng ta có thể thấy, nàng là người phụ nữ hiểu chồng, biết mình và rất đức hạnh. Khi người chồng chuẩn bị đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và dặn dò Trương Sinh bằng những lời nói đầy nghĩa tình, thắm thiết. Nàng không mong vinh hiển, chỉ cần chồng mang về hai chữ “bình yên”. Ở nhà, Vũ Nương nhớ thương chồng da diết. Mỗi lần thấy “bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” nàng lại cảm thấy “thổn thức tâm tình”, nhớ thương chồng nơi biên ải xa xôi. Tiết hạnh của nàng còn được khẳng định khi nàng bị chồng nghi oan: “cách biệt ba năm, giữ trọn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót…”. Khi Trương Sinh đi lính trở về, một mực khăng khăng cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra sức phân trần để cho chồng hiểu, nói lên thân phận của mình, nhắc tới tình nghĩa phu thê và khẳng định một lòng nhất mực thủy chung, son sắt với chồng. Thậm chí, nàng còn cầu xin chồng “đừng nghi oan cho thiếp”. Có nghĩa là Vũ Nương đang ra sức giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Điều đó cho thấy nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật niềm khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của Vũ Nương.

Đọc thêm:  Nghị luận về tình yêu quê hương đất nước (24 mẫu) - Văn 9

Tiếp đến, Vũ Nương trong mối quan hệ với mẹ chồng và bé Đản. Nàng hiện lên là một người con hiếu thảo, một người mẹ rất mực tâm lí, yêu thương con cái. Chồng đi lính, ở nhà, nàng một mình sinh con, nuôi dạy con, vừa đóng vai trò là một người mẹ, lại vừa đóng vai trò là một người cha. Nàng sợ con mình thiếu thốn tình cảm của người cha nên đêm đêm thường mượn bóng mình, chỉ vào tường mà bảo là cha Đản. Nàng thay chồng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người con hiền, dâu thảo: chăm sóc, thuốc thang, lễ bái thần Phật, hết lòng khuyên lơn mẹ chồng. Đến khi mẹ chồng mất, nàng tổ chức ma chay tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình vậy. Vì thế, bà mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu thảo của cô con dâu: “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Điều đó đã cho thấy nhân cách tuyệt vời và công lao to lớn của Vũ Nương đối với gia đình nhà chồng này.

Năm tháng trôi qua, giặc tan, Trương Sinh trở về, con thơ vừa học nói. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi chuyện “cái bóng” từ miệng đứa con thơ đã làm cho Trương Sinh ngờ vực, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có ý gỡ ra được. Vốn tính hay ghen, lại gia trưởng, vũ phu, ít được học hành, Trương Sinh đã đối xử với vợ hết sức tàn nhẫn. Giấu biệt lời con nói. Trương Sinh đã “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Vợ phân trần, không tin; hàng xóm khuyên can cũng chẳng ăn thua gì cả! Chính vì chồng và con – những người thân yêu nhất của Vũ Nương đã xô đẩy nàng đến bên bờ vực thẳm. Thời chiến tranh loạn lạc, nàng đã trải qua những năm tháng cô đơn, giờ đây đứng trước nỗi oan, nàng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng…Vũ Nương chỉ có một con đường để bảo toàn danh tiết: nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử để làm sáng ngời “ngọc Mị Nương”, tỏa hương cỏ Ngu Mĩ.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới cái chết oan nghiệt của Vũ Nương. Đó trước hết là do chi tiết cái bóng và những lời nói ngây thơ của bé Đản. Nhưng nguyên nhân sâu sa đằng sau đó là từ người chồng đa nghi, thô bạo. Ngay từ đầu truyện, nhà văn đã giới thiệu Trương Sinh là “con nhà hào phú nhưng không có học”, lại có tính đa nghi, đối với vợ thì hay phòng ngừa quá mức, thiếu cả lòng tin và tình thương với người tay ấp má kề với mình. Đó chính là mầm mống của bi kịch để rồi trong hoàn cảnh đi lính ba năm xa nhà, xa vợ, thói ghen tuông, ích kỉ của bản thân chàng nổi lên và giết chết người vợ của mình. Đồng thời, chế độ phong kiến hà khắc, nam quyền độc đoán đã dung túng cho thói gia trưởng của người đàn ông, cho phép người đàn ông có thể đối xử tệ bạc với người phụ nữ của mình. Và người phụ nữ không có quyền được lên tiếng, không có quyền tự bảo vệ ngay cả khi có họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho… Tất cả đã đẩy Vũ Nương – người phụ nữ đẹp đương thời vào con đường bi kịch, phá tan đi những hạnh phúc gia đình của người phụ nữ, dồn đẩy họ vào con đường cùng không lối thoát.

Cũng cần nói thêm, sự thành công của “Chuyện người con gái Nam Xương” còn được thể hiện ở chỗ, Nguyễn Dữ đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện trên cơ sở cốt truyện có sẵn, ông đã sắp xếp lại, tô đậm, thêm bớt làm cho câu chuyện trở nên sinh động, mang tính kịch và tăng cường tính bi kịch. Có thể nói, dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã có sự thành công vượt bậc so với bản kể dân gian “Vợ chàng Trường”. Điều này được thể hiện qua chi tiết chiếc bóng và lời nói của bé Đản. Từ đó, tạo nên sự thắt nút và mở nút của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, tình tiết lôi cuốn, chặt chẽ. Đầu tiên là “thắt nút” câu chuyện: chỉ một câu nói ngây thơ của một đứa trẻ lên ba nói với cha mà như một cơn bão dây chuyền, đã tạo nên biết bao nhiêu là giông lốc cuộc đời, lật nhào hết tất cả mọi sự bình yên thuở trước. Để rồi, trong một chốc nóng giận, thói nghi kị trong lòng người đàn ông độc đoán, chuyên quyền đã phá tan đi hạnh phúc yên ấm mà mình đang có; đẩy cuộc đời của người phụ nữ đẹp người, đẹp nết vào cái chết thương tâm, thấm đẫm nước mắt. Và cũng thật bất ngờ thay, câu chuyện lại được “gỡ nút” bằng một câu nói trẻ thơ non dại. Khi thấy cái bóng của Trương Sinh in trên vách, bé Đản liền nói: “Cha Đản lại đến kia kìa!” thì bao nhiêu oan khuất lại được lật nhào sáng tỏ. Vũ Nương vô tội!

Đọc thêm:  Dàn ý cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa ... - Đọc Tài Liệu

Cuối truyện, Vũ Nương hiện về thấp thoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Đây là những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ về mặt kết cấu truyện bằng việc sử dụng yếu tố kì ảo, hoang đường, góp phần tăng thêm giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn của tác phẩm, làm nên đặc trưng của thể loại truyền kì. Nếu như trong truyện kể dân gian, sau khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình thì cũng là lúc truyện cổ tích khép lại, điều đó đã để lại niềm xót xa đau đớn cho người đọc về thân phận bất hạnh oan khiên của người phụ nữ tiết hạnh, thì trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, ông đã sáng tạo thêm phần đuôi của truyện, góp phần làm lên những giá trị thẩm mĩ và tư tưởng mới của truyện. Đó là làm hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách, phẩm chất của nhân vật và chứng tỏ được Vũ Nương trong sạch. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Vì thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.

“Thắt nút” truyện bằng yếu tố bất ngờ. Một câu nói ngây thơ nghe như thật của trẻ thơ mà gây bão tố dây chuyền trong cuộc đời. Bão tố nghi kị trong một đầu óc nam quyền độc đoán, thiếu trí tuệ; bão tố bất hoà dữ dội phá tan hạnh phúc của một gia đình êm ấm. Bão tố oan khiến phá nát cuộc đời của một người con gái trong trắng, phải kết thúc bi thảm trên một dòng sông. “Gỡ nút” cũng bất ngờ bằng một câu nói trẻ thơ non dại (khi chỉ cái bóng của chàng Trương trên vách: “cha Đản lại đến kia kìa”) thì bao nhiêu oan gây thảm kịch trong phút chốc bỗng được sáng tỏ.

Tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, chi tiết mang tính thắt nút, đẩy câu chuyện lên cao trào, đình điểm: cái bóng là mấu chốt của câu chuyện, là chi tiết thắt nút cũng như cởi nút cho diễn biến tác phẩm. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc: dẫn dắt tình huống hợp lí. Kết hợp hài hòa giữa hiện thực và kì ảo. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn, nhân vật được miêu tả nội tâm khá phong phú. Những yếu tố đó góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

“Chuyện người con gái Nam Xương” thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo. Tác phẩm là tiếng nói cảm thương cho số phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời cũng lên án tố cáo xã hội nam quyền và chiến tranh phi nghĩa đã tước đoạt hạnh phúc và đẩy con người đến bước đường cùng.

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Có thể nói “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã vượt khỏi những công thức thông thường về hình tượng người phụ nữ trong thể truyền kì. Vũ Nương không phải hình tượng một trang liệt nữ, nàng chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao người vợ, người mẹ khác trong đời thực. Phản ánh số phận bi thương của nàng, Nguyễn Dữ đã đề cập đến cái bi kịch của muôn thuở con người.

(Nguyễn Đăng Na, Bình giảng văn học 9)

2. Hãy quan tâm đến thân phận người phụ nữ, đến số phận con người. Hãy tôn vinh hạnh phúc và đừng làm bất cứ điều gì có thể làm hủy hoại hạnh phúc đôi lứa và gia đình. Và điều quan trọng hơn hết để có được hạnh phúc là phải thực sự hiểu được nhau, tôn trọng lẫn nhau và tránh xa những ngộ nhận đáng tiếc. Có được hạnh phúc đã là một điều khó khăn, nhưng giữ được hạnh phúc lâu bền lại càng là một điều khó khăn hơn. Đó là ý nghĩa mà chúng ta có thể cảm nhận được từ câu chuyện.

(Theo Đồng Thị Sáo, trong Tiếng nói tri âm, NXB Trẻ, TP HCM, 1994)

3.

Hoàng Giang điếu Vũ Nương

Ngàn lau san sát cỏ xanh xanh,

Sảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh

Cách trở bấy lâu hằng giữ phận,

Hiềm nghi một phút bỗng vô tình.

Hay lòng phó mặc vầng cao thẳm,

Lẻ bóng tìm nơi chốn vẳng thanh.

Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy,

Thương nàng hòa lại trách Trương Sinh

(Lê Thánh Tông)

Tải xuống

Bài giảng: Chuyện người con gái Nam Xương – Cô Nguyễn Dung (Giáo viên VietJack)

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 9 hay, chi tiết khác:

  • Sơ đồ tư duy Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
  • Sơ đồ tư duy Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
  • Sơ đồ tư duy Hoàng Lê nhất thống chí
  • Sơ đồ tư duy Chị em Thúy Kiều
  • Sơ đồ tư duy Cảnh ngày xuân

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

  • Mục lục Văn thuyết minh
  • Mục lục Văn tự sự
  • Mục lục Văn nghị luận xã hội
  • Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
  • Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2

Săn SALE shopee tháng 7:

  • Sữa dưỡng thể Vaseline chỉ hơn 40k/chai
  • Tsubaki 199k/3 chai
  • L’Oreal mua 1 tặng 3
  • La Roche-Posay mua là có quà:
  • Hơn 20.000 câu trắc nghiệm Toán,Văn, Anh lớp 9 có đáp án
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button