Sơ đồ tư duy bài Nước Đại Việt ta dễ nhớ, ngắn gọn – VietJack.com

Sơ đồ tư duy bài Nước Đại Việt ta dễ nhớ, ngắn gọn

Tải xuống

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 8, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy bài Nước Đại Việt ta dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, …. Hi vọng qua Sơ đồ tư duy bài Nước Đại Việt ta sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài Nước Đại Việt ta.

Bài giảng: Nước Đại Việt ta – Cô Phạm Lan Anh (Giáo viên VietJack)

A. Sơ đồ tư duy bài Nước Đại Việt ta

B. Tìm hiểu bài Nước Đại Việt ta

I. Tác giả

– Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai

– Quê quán: làng Nhị Khê, huyện Thường Phúc nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ)

– Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Ông là một nhà chính trị, nhà thơ dưới thời nhà Hồ và nhà Lê sơ Việt Nam

+ Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lợi, có công lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc thế kỉ XV

+ Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, ông để lại cho đời sau một di sản to lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự nghiệp văn học.

+ Các tác phẩm tiêu biểu: Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập…

– Phong cách sáng tác: Thơ ông mang nhiều tư tưởng yêu nước, thể hiện những triết lí sâu sắc, tinh tế lãng mạn, sáng tạo và thanh khiết.

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

Đầu năm 1428, sau khi quân ta đại thắng, Nguyễn Trãi đã thừa lệnh vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) soạn thảo Bình Ngô đại cáo để thông cáo với toàn dân về sự kiện có ý nghĩa trọng đại này.

2. Xuất xứ

Trích trong “Bình Ngô đại cáo”

3. Thể loại: Cáo

4. Bố cục: 3 phần

+ Phần 1: Hai câu đầu: Tư tưởng nhân nghĩa

+ Phần 2: Tám câu tiếp theo: Chân lí về sự tồn tại độc lập của đất nước

+ Phần 3: Sáu câu cuối: Minh chứng cho sức mạnh nhân nghĩa của dân tộc

5. Giá trị nội dung

Đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử…bất kì hành động xâm lước trái đạo lí nào của kẻ thù đều sẽ phải chịu một kết cục thất bại.

6. Giá trị nghệ thuật

– Áng văn chính luận với lập luận chặt chẽ

– Chứng cứ hùng hồn giàu sức thuyết phục

– Lời thơ đanh thép thể hiện ý chí của dân tộc

– Lời văn biền ngẫu nhịp nhàng

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Tư tưởng nhân nghĩa

– Yên dân và trừ bạo nghĩa là diệt trừ mọi thế lực tàn bạo để dân được hưởng thái bình, hạnh phúc.

– Đặt vào hoàn cảnh ra đời của bài Cáo: yên dân, trừ bạo là diệt trừ giặc Minh bạo ngược để giữ yên cuộc sống cho dân.

⇒ Nhân nghĩa gắn liền với yêu nước, chống xâm lược; lo cho dân, vì dân

⇒ Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi mới mẻ, tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và truyền thống đạo lí của dân tộc. ⇒ Tư tưởng thân dân, tiến bộ.

2. Chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền

– Độc lập chủ quyền dân tộc:

+ Nền văn hiến lâu đời

+ Có cương vực lãnh thổ

+ Phong tục tập quán riêng.

+ Lịch sử riêng

+ Chế độ riêng

– Nghệ thuật:

+ Từ ngữ chỉ sự hiển nhiên: từ trước, vốn, đã lâu, đã chia

+ Biện pháp tu từ so sánh

+ Câu văn biền ngẫu

+ Kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn

+ Giọng văn hùng hồn

⇒ Khẳng định sự độc lập, tự chủ của Đại Việt là tất yếu, nó có từ lâu đời và sánh ngang Trung Quốc về mọi mặt.

⇒ Chứng cứ hùng hồn giàu sức thuyết phục, lời thơ đanh thép thể hiện ý chí của dân tộc, lời văn biền ngẫu nhịp nhàng ⇒ khẳng định Đại Việt là một quốc gia có độc lập chủ quyền, là một nước tự lực tự cường, có thể vượt mọi thử thách để đi đến độc lập.

Đọc thêm:  Dàn ý cảm nhận vẻ đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí

3. Sức mạnh của nhân nghĩa, sức mạnh của độc lập dân tộc

– Liệt kê một loạt những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta cũng như những thất bại thảm hại của những kẻ dám xâm phạm nước ta, sử dụng các động từ mạnh “thất bại”, “tiêu vong”, “bắt sống”, “giết tươi” … Sức mạnh làm cho kẻ thù thất bại thảm hại, sức mạnh ấy đập tan mọi khó khăn mọi thử thách.

– Qua đó khẳng định sức mạnh dân tộc và là lời cảnh cáo, đe dọa đầy sức nặng đến những kẻ tham lam có ý định xâm chiếm nước ta.

⇒ Đó là hậu quả của những kẻ xâm lược phi nghĩa làm trái mệnh trời, những kẻ dám làm tổn hại đến dân tộc ta chắc chắn không có kết quả tốt đẹp.

IV. Bài phân tích

Lòng yêu nước là một đề tài quan trọng xuyên suốt mấy thế kỉ của nền văn học Việt Nam. Trong buổi đầu non trẻ của văn học dân tộc, đề tài này đã được khai thác thể hiện lòng tự hào của mỗi người con dân đất Việt. Ta có thể kể đến các tác phẩm: Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt (?), Phò giá về kinh của Trần Quang Khải, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, … Và không thể không nhắc đến Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi. Trích đoạn Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi được trích trong Đại cáo bình Ngô nổi tiếng chẳng những thể hiện sâu sắc lòng yêu nước của tác giả mà còn gợi nhiều suy nghĩ giàu ý nghĩa về lòng yêu nước.

Nguyễn Trãi là một nhà thơ trữ tình, một nhà văn chính luận, một anh hùng dân tộc và là một danh nhân văn hóa nổi tiếng trên thế giới. Tên tuổi Nguyễn Trãi gắn liền với cuộc chiến đấu vĩ đại trong công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỉ XV. Sau khi kết thúc thắng lợi, thừa lệnh vua Lê Thái Tổ, ông đã viết nên bài Bình Ngô đại cáo (Tuyên bố rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô). Tác phẩm không những là văn kiện lịch sử quí giá, tổng kết quá trình đấu tranh gian khổ của quân dân ta trong cuộc chiến chống quân Minh mà văn bản còn được coi như một bản Tuyên ngôn độc lập, một “áng thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta. Đoạn trích Nước Đại Việt ta trích trong Bình Ngô đại cáo là một trong những đoạn trích nằm ở phần mở đầu của tác phẩm, đã cho thấy sự phát triển vượt bậc về mặt tư tưởng yêu nước của dân tộc ta ở thế kỉ XV.

Tháng 12/1427, giặc Minh thua trận, rút quân về nước. Tháng 1/1428, Nguyễn Trãi thay vua Lê viết bài Bình Ngô đại cáo. Bài thơ được viết theo thể cáo – một thể văn cổ, có tính chất quan phương, hành chính, do vua chúa hoặc thủ lĩnh viết, nhằm trình bày một chủ trương, công bố kết quả một sự nghiệp trọng đại cho toàn dân được biết. Về hình thức, cáo thường được viết theo lối văn biền ngẫu, có tính chất hùng biện nên lời lẽ đánh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, logic, mạch lạc. Bố cục bài cáo gồm bốn phần thì đoạn trích Nước Đại Việt ta nằm ở phần đầu có vai trò: nêu luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến.

Trước hết, với hai câu thơ mở đầu bài thơ đã nêu cao tư tưởng “nhân nghĩa” gắn liền với tư tưởng yêu nước chống giặc ngoại xâm, là tư tưởng chủ đạo cho cả bài: Từng nghe:

    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

“Nhân nghĩa” vốn là khái niệm đạo đức của Nho giáo, nói về cách ứng xử và tình thương giữa con người với nhau. Thế nhưng, Nguyễn Trãi đã kế thừa tư tưởng đó của Nho giáo và phát triển tư tưởng đó theo hướng lấy lợi ích từ việc đề cao nhân dân, dân tộc làm gốc. Dấy quân khởi nghĩa vì thương dân, trừng phạt kẻ có tội (điếu phạt), tiêu diệt bọn giặc tàn bạo, đem lại cuộc sống yên vui cho nhân dân (yên dân), đó là việc làm “nhân nghĩa”. Như vậy, người đọc nhận thấy, đây là một bước phát triển vượt bậc về mặt nhận thức của Nguyễn Trãi về đất nước: đất nước gắn liền với nhân dân. Nếu trước đây, khi nhắc tới đất nước là thường gắn liền với vua chúa, bảo vệ đất nước là bảo vệ sự cai trị của vua chúa (điều này xuất phát từ quan niệm trung quân ái quốc: Nam quốc sơn hà nam đế cư) thì nay, Nguyễn Trãi lại có một quan niệm hoàn toàn khác: nước gắn liền với dân (dân ở đây là những lớp dân đen, con đỏ, thậm chí là những người khốn cùng trong xã hội, điều này sẽ được Nguyễn Trãi nhắc tới ở đoạn sau). Cho nên yêu nước phải gắn liền với việc yêu dân, yên dân, làm cho nhân dân trong nước được yên bình, cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Và để làm được điều đó thì phải lo trừ bạo ngược, phải đánh giặc, cứu dân, cứu nước: “triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước thương dân. Cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng, chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của đất nước, hạnh phúc của nhân dân”. (Phạm Văn Đồng)

Đọc thêm:  Đề cương học kì 1 Văn 9 bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn

Và cũng xuất phát từ tấm lòng thương dân tha thiết, Nguyễn Trãi có một lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Xưa, trong “Nam quốc sơn hà”, tác giả bài thơ đã khẳng định nền độc lập của đất nước trên phương diện lãnh thổ, đất, đai và bộ máy quyển lực. Nay, Nguyễn Trãi đã bổ sung để hoàn chỉnh những yếu tố góp phần khẳng định quyền tự chủ độc lập đáng tự hào của dân tộc:

    Như nước Đại Việt ta từ trước

    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

    Núi sông bờ cõi đã chia

    Phong tục Bắc Nam cũng khác

    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

    Cùng Hán, Dường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

    Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

    Song hào kiệt đời nào cũng có

“Nước Đại Việt ta từ trước” đã vốn có nền văn hiến từ lâu. Văn hiến là những giá trị tinh thần mà con người đã sáng tạo ra, đó là tín ngưỡng, là tư tưởng, là đạo đức… Phải là một dân tộc có bề dày lịch sử, có trí tuệ, có chiều dài phát triển lâu bền mới xây dựng được cho mình một nền văn hiến riêng biệt. Nói cách khác, văn hiến là dấu hiệu của sự văn minh. Không chỉ có sự riêng biệt về nền văn hiến của dân cư, xét về cương vị lãnh thổ nước ta cũng có biên giới riêng biệt: “Núi sông bờ cõi đã chia”. Câu văn này gợi đến cái hồn của câu thơ “thần” năm 1076 “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận ở sách trời”. Núi sông bờ cõi và cương vực lãnh thổ của đất nước đã được phân chia rạch ròi trong lịch sử, trong tiềm thức của mỗi người dân hai quốc gia. Và chính điều tâm niệm thiêng liêng ấy đã tạo nên ý thức xây dựng, bảo tồn, phân biệt về phong tục tập quán của nhân dân hai đất nước: “Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Phong tục tập quán là những thói quen trong đời sống, sinh hoạt đã ăn sâu vào cách sống, cách nghĩ của con người. Có thể nói, cùng với nền văn hiến lâu đời, phong tục tập quán đã cùng góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Nền độc lập tự chủ của đất nước không chỉ được tạo nên từ những nét riêng biệt trong quần chúng nhân dân và lãnh thổ đất nước mà còn được đánh dấu bằng sự độc lập về bộ máy chính quyền – triều đại trị vì và những cá nhân kiệt xuất:

    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

    Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

    Song hào kiệt đời nào cũng có.

Hai câu văn điểm tên các triều đại hai đất nước đối nhau rất chỉnh, điều đó khẳng định vị thế ngang hàng nhau của các bậc vương tử hai nhà nước. Chữ “đế” trong câu thứ hai “mỗi bên xưng đế một phương” được dùng rất “đắc địa”. Xưa nay, vua chúa Trung Hoa tự coi mình là “thiên tử” (con trời), họ tự xưng “đế” và gọi vua các nước khác là “vương”. Trong bài cáo này, Nguyễn Trãi đầy tự hào khi khẳng định các nhà vua của ta cũng là “đế” sánh ngang hàng với vua chúa Trung Hoa: “mỗi bên xưng đế một phương”, vậy nên không hề có quan hệ nước lớn – nước nhỏ như các triều đại phong kiến phương Bắc từng quan niệm. Không chỉ vậy, khi nêu tên các triều đại hai đất nước, Nguyễn Trãi đã đặt nước ta lên trước. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi song hàm ý ẩn chứa trong đó rất sâu sắc: nó khẳng định lòng tự tôn dân tộc của tác giả nói riêng và mỗi người Việt Nam nói chung.

Bên cạnh những ông vua hiền và các triều đại phong kiến tiêu biểu, nước ta cũng có những anh tài hào kiệt. Dù rất tự hào về dân tộc nhưng Nguyễn Trãi cũng không phóng đại những ưu điểm và không giấu giếm những giai đoạn suy thoái, ông viết “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau”. Để từ đó, lời khẳng định của ông đầy sức thuyết phục: “Song hào kiệt đời nào cũng có”.

Đọc thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca

Bằng một đoạn văn ngắn ngủi, Nguyễn Trãi đã thuyết phục người đọc, người nghe về những yếu tố góp phần khẳng định nền độc lập dân tộc. Chính bởi nền độc lập thiêng liêng ấy mà mỗi người dân Đại Việt đều sẵn sàng xả thân vì đất nước và dẫu kẻ thù có mạnh đến đâu cũng bị khuất phục bởi sức mạnh được khơi nguồn từ nền văn hiến lâu đời, từ chủ quyền lãnh thổ linh thiêng…

Từ đó, tác giả đi đến những dẫn chứng cụ thể, đầy thuyết phục về sức mạnh của dân tộc ta đã trải qua nhiều thử thách và lịch sử đã từng ghi lại bao chiến công lừng lẫy của cha ông ta:

    Bởi vậy:

    Lưu Cung tham công nên thất bại

    Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

    Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

    Việc xưa xem xét

    Chứng cớ còn ghi”

Những dẫn chứng cụ thể của đoạn trích về những thất bại của giặc đanh thép như một bản cáo trạng. Hàng loạt tên của giặc được liệt kê: Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã liền theo đó là những địa danh lẫy lừng gắn với thất bại thê thảm của giặc và cũng là chiến thắng vang dội của ta: cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng. Điều đặc biệt là đoạn văn này có nhịp câu thay đổi đột ngột, trở nên ngắn và đanh hơn; các câu lại đối nhau rất chặt Lưu Cung – Triệu Tiết, tham công – thích lớn, nên thất bại – phải tiêu vong, Cửa Hàm Tử – Sông Bạch Đằng, bắt sống Toa Đô – giết tươi Ô Mã,… Những yếu tố đó khiến đoạn thơ giống như lời cảnh cáo đối với những âm mưu xâm lược của kẻ thù đồng thời nêu cao niềm tự hào về truyền thống đánh giặc của cha ông.

Đoạn trích có ý nghĩa như một bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ bởi nội dung của bài cáo mà còn bởi sức thuyết phục của nghệ thuật lập luận chặt chẽ, mạch lạc, logic; chứng cứ hùng hồn, lí lẽ sắc bén. Hào khí chiến thắng, niềm tự hào dân tộc như căng tràn trong từng câu chữ, những nhịp điệu tiết tấu của văn biền ngẫu tạo thành một sự cộng hưởng ngân vang, dồn dập, có sức lay động mạnh mẽ tới tình cảm người đọc… Tất cả đã làm nên sức thành công của đoạn trích và toàn bộ tác phẩm, xứng đáng với danh hiệu: áng thiên cổ hùng văn, tràn đầy tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc.

Có thể nói, đoạn trích Nước Đại Việt ta đã thể hiện một cách hùng hồn lòng yêu nước thông qua việc nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa yêu nước thương dân đồng thời bày tỏ niềm tự hào về quyền độc lập tự chủ của đất nước và truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên. Lòng yêu nước là những điều thật giản dị, tình cảm ấy nằm ngay trong những suy nghĩ, cảm xúc của mỗi chúng ta về nơi mình sinh ra, lớn lên. Năm tháng qua đi nhưng ý nghĩa của bản tuyên ngôn vẫn còn sáng mãi đến muôn đời. V. Một số lời bình về tác phẩm

1.Bài cáo được xem như một tuyên ngôn độc lập bởi nó là một văn kiện chính và có ý nghĩa lịch sử trọng đại, gắn liền với một chặng đường vẻ vang trong sự nghiệp giữ nước, mở ra một thời kì dựng nước đạt tới đỉnh cao của chế độ phong kiến Việt Nam. Nhưng về mặt văn chương, thì đây là một kiệt tác, một thiên cổ hùng văn.

(Lê Bảo, Nguyễn Trãi, NXB Giáo dục, 1999)

Tải xuống

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 8 hay, chi tiết khác:

  • Sơ đồ tư duy bài Bàn luận về phép học
  • Sơ đồ tư duy bài Thuế máu
  • Sơ đồ tư duy bài Đi bộ ngao du
  • Sơ đồ tư duy bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

  • Mục lục Văn phân tích, phát biểu cảm nghĩ, cảm nhận
  • Mục lục Văn biểu cảm
  • Mục lục Văn thuyết minh
  • Mục lục Văn nghị luận

Săn SALE shopee tháng 6-6:

  • Unilever mua 1 tặng 1
  • L’Oreal mua 1 tặng 3
  • La Roche-Posay mua là có quà:
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button