Tả con đường từ nhà đến trường (34 mẫu) – Tập làm văn lớp 5

TOP 34 bài văn Tả con đường từ nhà tới trường hay, đặc sắc nhất, kèm theo 3 dàn ý chi tiết, cùng sơ đồ tư duy, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều vốn từ, viết bài văn tả cảnh đạt điểm 9, điểm 10.

Con đường từ nhà tới trường vô cùng quen thuộc, thế nhưng để miêu tả lại thì nhiều học sinh lại không biết bắt đầu từ đâu. Mời các em cùng theo dõi bài viết để biết cách miêu tả dáng vẻ con đường, cảnh vật hai bên, các hoạt động của con người nơi đây.

TOP 34 bài văn Tả con đường từ nhà đến trường

  • Sơ đồ tư duy Tả con đường từ nhà đến trường
  • Dàn ý tả con đường từ nhà em đến trường (3 mẫu)
  • Tả con đường tới trường
  • Tả con đường đến trường
  • Tả con đường từ nhà đến trường ngắn gọn
  • Tả con đường từ nhà em đến trường hay nhất (31 mẫu)

Sơ đồ tư duy Tả con đường từ nhà đến trường

Sơ đồ tư duy Tả con đường từ nhà đến trường

Dàn ý tả con đường từ nhà em đến trường

a) Mở bài: Giới thiệu về con đường từ nhà em đến trường.

Gợi ý:

  • Con đường ấy em đi lại đã quen thuộc hay chưa?
  • Con đường có dài không? Đi qua bao ngã rẽ?
  • Em đi đến trường bằng phương tiện gì? Phương tiện đó có ích như thế nào khi em ngắm cảnh đường đến trường?

b) Thân bài: Miêu tả con đường từ nhà đến trường:

– Miêu tả thời tiết:

  • Thời tiết ngày hôm đó như thế nào? (nắng hay mưa, mát mẻ hay nóng nực, lạnh lẽo hay ẩm ướt…)
  • Bầu trời, mây, nắng như thế nào? (màu sắc, độ cao, ánh sáng…)
  • Không khí lúc em đi đến trường ra sao? (trong lành, thơm mùi cốm mới, thơm mùi đồ ăn sáng từ các cửa hàng…)

– Miêu tả khung cảnh trên đường đến trường:

  • Đoạn đường em đi có đặc điểm như thế nào? (có nhiều nhà dân, có nhiều công ty cửa hàng, có công viên, có hồ nước…)
  • Em đi trên vỉa hè hay đi xe ở dưới lòng đường? Em cảm nhận ra sao về đoạn đường mình đi? (bằng phẳng, gồ ghề, lồi lõm, đông tắc…)
  • Cây cối, hoa cỏ trên đường đến trường là những loại nào? Được trồng lâu chưa? Chúng em đến lợi ích gì cho con đường?

– Miêu tả hoạt động của con người:

  • Những người đi trên đường, trên vỉa hè có cảm xúc như thế nào? Dáng vẻ ra sao?
  • Các hàng quán bán đồ ăn sáng có đông đúc không? Không khí ở đó như thế nào?
  • Khi đi đến trường em vừa đi vừa làm gì? Em có gặp các bạn học quen ở đoạn đường gần trường không? Các em đã làm gì khi thấy nhau?

c) Kết bài:

  • Suy nghĩ, cảm nhận của em về vẻ đẹp của con đường đến trường
  • Tình cảm của em dành cho con đường đến trường

Tả con đường tới trường

Với mỗi người học sinh, con đường từ nhà đến trường là con đường thân thuộc nhất gắn liền với bao kỉ niệm của tuổi học trò.

Sau nhiều năm đi học trên duy nhất một con đường tới trường, từ những ngày đầu lớp 1 được mẹ đưa đi học, đến khi biết tự đi xe đạp tới trường, em cảm nhận được sự thay đổi theo thời gian của con đường. Con đường càng ngày càng đẹp hơn, rộng hơn và đông xe cộ qua lại hơn.Ngày xưa con đường chỉ là đường đất, giờ đây nó đã được trải nhựa láng mịn không một chút gồ ghề, đường rộng hơn 3 mét, xe máy, ô tô qua lại rất thoải mái, hai bên đường nhà mọc lên san sát nhau.

Vỉa hè của đường khá rộng, khoảng 1 mét được trải gạch rất sạch sẽ, trên vỉa hè còn trồng những cây bóng mát như bằng lăng, nhãn, xoài, tạo nên một không gian xanh mát. Vào buổi sáng sớm khi em đi học em bắt gặp những người đi tập thể dục trên vỉa hè, đến trưa khi đi học về trưa nắng lại gặp những cô lao công quét dọn đường phố ngồi nghỉ dưới gốc cây. Đường từ nhà đến trường của em đi qua nhiều khu văn phòng, hành chính vì thế trước giờ hành chính con đường rất đông đúc người đi làm, đi học, dáng vẻ của ai cũng vội vàng, khẩn trương.

Em yêu con đường đến trường của em, dù đã đi lại hàng ngàn lần nhưng lần nào đi trên đường em cũng ngắm nhìn mọi thứ xung quanh con đường, có thể nói con đường chẳng bao giờ là cũ đi, nó luôn thay đổi và mới mẻ hơn.

Tả con đường đến trường

Mỗi ngày đến trường, em đều tự mình đạp xe đi. Vì vậy, em có thể thoải mái vừa đi vừa ngắm cảnh con đường thân thuộc này.

Nhà em nằm ở cuối con ngõ, nên đầu tiên em sẽ phải đi xuyên qua dọc những ngôi nhà ở đây. Những ngôi nhà hai bên đường đã xây cũng khá lâu nên ít nhiều nhuốm màu thời gian. Trước cổng mỗi nhà đều có những cây me, cây sấu cao lớn tỏa bóng xuống lòng đường. Nhờ có cây và những ngôi nhà che đi phần nào, mà nắng sớm hầu như chẳng thể chiếu được xuống ngõ. Tạo nên bầu không khí mát lạnh. Những làn gió mát thổi qua đem theo hương cỏ lá đẫm sương đêm thơm ngọt, khiến em thích thú vô cùng. Lúc đi ngang qua cổng những ngôi nhà, em gặp được các cô chú đi làm sớm và các bạn học sinh cũng đi học như mình. Sau khi lễ phép chào hỏi, thì chúng em cùng nhau đạp xe tới trường.

Ra đến đầu ngõ, rẽ phải, chúng em hòa vào dòng người trên con phố sầm uất. Ở đây, hai bên đường là những tòa nhà cao lớn còn đóng kín cửa. Xen kẽ với đó là những quán ăn sáng đông đúc người ngồi. Những xe bánh mì, bánh bao, gánh xôi cũng có khá đông người đứng đợi. Dưới lòng đường, người đi lại cũng ngày càng đông hơn. Tiếng xe chạy lấn át cả tiếng chim hót trên các tán lá ven đường. Đi qua hai ngã tư đèn giao thông, em nhìn thấy một dãy hàng rào sơn trắng xóa, và tấm biển xanh dương với dòng chữ quen thuộc “Trường tiểu học Quang Trung”. Thế là đã đến trường rồi.

Đường đến trường em đã đi lại suốt năm năm nay đã quen thuộc lắm rồi. Những hình ảnh ven đường cũng chẳng có gì thay đổi. Nhưng em vẫn luôn hào hứng và thích thú khi ngắm nghía con đường đi học của mình mỗi ngày.

Tả con đường từ nhà đến trường ngắn gọn

Ngày nào em cũng được đi trên con đường thân quen ấy. Con đường đã để lại trong em biết bao nhiêu kỉ niệm êm đẹp của tuổi thơ. Đó là con đường từ nhà đến trường của em.

Trường học thân yêu của em nằm cùng phía với nhà em vì vậy mà em không cần phải đi qua đường. Mỗi sáng, em thường tự mình đi bộ đến trường vì quãng đường cũng không xa lắm. Chỉ chừng 1km thôi. Mỗi khi em bước ra khỏi nhà, chào đón em chính là hai hàng cây xanh ven đường. Chúng nối dài với nhau thẳng tắp theo con đường mà em vẫn đi. Những ngôi nhà cũng mọc san sát nhau, chúng nằm cách đường đi khoảng chừng 1m. Để lộ ra phần vỉa hè để cho em có thể đi bộ đến trường.

Con đường đến trường của em không rộng lắm thế nhưng những người qua lại không quá đông. Vì vậy mà không bao giờ có cảnh tắc đường diễn ra giống như ở thành phố lớn. Năm vừa rồi, đường đã được trải một lớp nhựa mới. Vì vậy mà chúng trở nên mịn hơn, nhẵn bóng hơn và không còn ổ gà nữa. Ở giữa đường, người ta kẻ vào những vạch vôi màu trắng để phân tách hai làn đường với nhau.

Mỗi sáng trên đường đi học em lại gặp biết bao nhiêu cảnh tượng lý thú. Nhưng em nhớ nhất vẫn là bác bán hàng xôi xéo ngồi bên đường. Sáng nào bác cũng ngồi đó dù trời mưa hay trời nắng. Cũng nhờ có hàng xôi của bác mà sáng nào em cũng được no bụng.

Em yêu ngôi trường của mình, yêu mảnh đất nơi em sinh ra và yêu con đường quen thuộc từ nhà đến trường của em.

Tả con đường từ nhà em đến trường hay nhất

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 1

Một trong những nơi gắn bó với tuổi thơ của em nhất đó là con đường Trần Nguyên Hãn, bởi đây là con đường thân thương đưa bước chân em cũng như bao bạn khác đến trường học. Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều kỉ niệm đẹp của tuổi thơ mà em đã trải qua, đó là những kỉ niệm quý giá mà dù em có khôn lớn cũng sẽ không bao giờ lãng quên.

Con đường Trần Nguyên Hãn không mang một vẻ đẹp lộng lẫy, huy hoàng mà tiềm ẩn vẻ đơn sơ, mộc mạc gắn với cuộc sống yên bình của người dân phố em. Con đường từ nhà đến trường chạy thẳng băng chứ không uốn lượn, quanh co như bao con đường khác. Mặt đường được trải nhựa phẳng phiu. Ngày nào cũng vậy, em đi học trên con đường thân thuộc này. Từng gốc cây, từng số nhà, từng ngõ ngách đã in đậm trong tâm trí tôi từ lúc nào chẳng hay.

Mỗi buổi sáng, con đường đưa em tới trường rộn rã, nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng còi xe kêu inh ỏi, ai ai trông cũng vội vã, hối hả để kịp giờ đi làm, đi học. Các hàng quán ăn sáng hoạt động sôi nổi, đông đúc khách hàng, nào là học sinh, công nhân, cả những ông bà đi tập thể dục về. Đâu đó ở vài ngôi nhà còn nghe thấy tiếng cha mẹ í ới gọi con. Từng tốp học sinh rảo bước trên vỉa hè cùng nhau đi học, tiếng cười nói trò chuyện ríu rít làm không gian càng thêm sôi động. Mỗi buổi sáng đi trên con đường này, em còn được tận hưởng mùi hương ngọt ngào của cây cỏ cùng với làn gió mát rượi phảng phất khiến tâm hồn vô cùng khoan khoái.

Trưa về, người đi lại thưa thớt hơn, con đường như chìm vào trong giấc ngủ. Những chiếc lá khẽ đu đưa trong gió như quạt mát cho con đường. Chiều về con đường như thức giấc trở lại. Lại ồn ào náo nhiệt khi người người đi làm, đi học về. Tiếng nói, tiếng cười gọi nhau í ới, tiếng xe cộ cứ ồn ào suốt cả con đường. Với em con đường này đã quen thân từ khi cắp sách tới trường. Thế nhưng, con đường không chỉ là bạn của riêng em. Nó còn là bạn của những bác lao công. Đêm đêm, trên con đường này, dù là mùa hè hay mùa đông lạnh giá, tiếng chổi tre luôn sột soạt dưới vệ đường. Các bác đang quét rác để giữ vệ sinh cho đường phố. Nhờ những bàn tay lao động cần cù ấy mà con đường luôn sạch sẽ.

Kỉ niệm tuổi thơ tôi đã trôi qua êm đềm trên con đường thân thương ấy. Con đường tới trường cũng là nơi mà mỗi bước chân là một bậc thang bước tới nguồn tri thức bao la mà thầy cô truyền đạt. Sau này, dù có may mắn được bước trên những ngả đường lớn ở mọi phương trời thì ký ức về con đường Trần Nguyên Hãn sẽ vẫn mãi khắc sâu trong ý nghĩ và trái tim em.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 2

Sau ba tháng hè nghỉ ngơi, vui chơi, em trở lại với trường học với tâm trạng háo hức. Có lẽ bởi tâm trạng ấy mà đi dọc trên con đường làng quen thuộc em đã đi rất nhiều lần, hôm nay em lại thấy nó mang một vẻ đẹp khác lạ.

Đọc thêm:  Hoàng tử bé của Bhutan, dịch giả vĩ đại Phật giáo Tây Tạng Tứ

Con đường đất nhỏ mới được làm lại, đổ nhựa phẳng lì. Con đường ôm ấp lấy thôn làng như dải lụa mềm mại vắt nhẹ qua làng quê. Hai ven đường những hàng liễu rũ lá xuống, nhẹ nhàng đung đưa trong làn gió sớm, tiếng lá rì rào hòa cùng tiếng chim họa mi líu lo tạo nên khúc nhạc vui tươi chào mừng ngày mới đến. Dưới gốc cây, những thảm cỏ xanh mướt còn đọng sương sớm lonh lanh dưới ánh mặt trời như những viên pha lê lấp lánh. Nắng đã lên cao, con đường cũng tấp nập người qua lại. Những tốp học sinh tung tăng trong bộ quần áo mới, cặp sách mới đến trường. Những anh chị cấp ba thướt tha trong tà áo dài trắng đang chậm rãi đạp xe đến trường. Mấy bác nông dân đi ra đồng, quần còn ống thấp ống cao. Các bà các mẹ gánh đôi quang gánh toàn rau với hoa quả đi cho kịp phiên chợ sớm.

Tiếng nói chuyện rộn rã, tiếng cười đùa vui vẻ hòa cùng tiếng còi xe máy xin đường của các bác công nhân đi làm, tiếng phanh xe đạp, … tất cả tạo lên một không khí nhộn nhịp, vui tươi cho con đường quê quen thuộc. Con đường từ nhà đến trường như người bạn đồng hành nâng bước chân em đi, tiếp sức cho ước mơ em bay cao. Em sẽ mãi yêu quý con đường này.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 3

Quê hương em có rất nhiều cảnh đẹp nhưng cảnh đẹp gắn bó với em nhất vẫn là con đường quen thuộc đã in dấu chân em mỗi buổi đến trường.

Ra khỏi ngõ nhà em là gặp ngay con đường làng thân thuộc. Con đường xuyên qua làng được lát gạch phẳng lì, bao năm nay đã quen bước chân em tới trường. Ngay cạnh con đường ở đầu làng một cây gạo đã khá già, sừng sững đứng bên vệ đường. Cứ mỗi mùa xuân đến, cây gạo lại trổ hoa đỏ rực cả góc trời. Mỗi ngày em từ trường trở về nhà, cây gạo già như cây tiêu chỉ đường cho em.

Sáng sáng, khi ông mặt trời từ từ nhô lên khỏi rặng tre, con đường làng lại sáng bừng lên và nhộn nhịp bước chân. Hình như tất cả lũ học trò trong xóm em đều đổ ra đường. Chúng em đi thành từng nhóm, tiếng nói cười vui vẻ làm con đường càng thêm nhộn nhịp.

Hai bên đường, những hàng cây nối đuôi nhau san sát, toả bóng mát rợp cả con đường. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, lấp ló sau những hàng cây xanh tốt. Đi hết con đường làng là đến con đường liên thôn của xã. Con đường này được rải đá dăm, chạy xuyên qua cánh đồng lúa quê em. Mỗi buổi sáng đi trên con đường này, em lại được tận hưởng mùi hương lúa ngọt ngào cùng với làn gió mát rượi từ cánh đồng đưa lên.

Xa xa phía cuối con đường, em đã trông thấy ngôi trường lợp mái ngói đỏ tươi, lấp ló sau tán lá xanh của những cây xà cừ. Tiếng trống trường đã vang lên. Em vội vã rảo bước nhanh cho kịp giờ học, trong lòng cảm thấy vui vui.

Đã từ lâu, con đường trở nên thân thiết với em. Em rất yêu quý con đường và coi nó như người bạn thân. Sau này lớn lên dù đi đâu xa, em vẫn luôn nhớ tới hình ảnh con đường thân quen đã gắn bó với em suốt quãng đời học sinh.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 4

Quê hương em có rất nhiều cảnh đẹp. Đó là con sông hiền hoà, cánh đồng thẳng cánh cò bay… Nhưng thân thuộc với em nhất có lẽ là con đường quen thuộc từ nhà đến trường.

Con đường tới trường là một con đường nhỏ được rải đá. Hai bên đường là hai hàng cây xanh mát. Buổi sáng con đường rộn rã hẳn lên. Hình như tất cả lũ trẻ trong xóm em đều có mặt trên đường. Chúng chia thành những nhóm nhỏ tung tăng đến trường. Tiếng nói chuyện ríu rít xen lẫn tiếng cười vui vẻ làm con đường thêm rộn rã, tươi vui.

Buổi trưa, đường lạnh lùng ít được hỏi han. Lúc ấy, con đường yên lặng như chìm trong giấc ngủ. Hai hàng cây đứng quạt cho con đường càng thêm yên giấc. Trên cành, mấy chú chim sâu đang chuyền cành để bắt những gã sâu phá hoại cây, làm cho hàng cây thêm tốt tươi. Những tia nắng li ti rải xuống mặt đường trông như dát bạc. Những mái nhà nằm thấp thoáng dưới bóng cây thưa. Từ mái nhà nào vọng ra tiếng ru em trầm bổng. Tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa buổi trưa hè làm cho con đường làng càng thêm vẻ yên tĩnh lạ lùng. Những đoạn đường bằng phẳng hay mấp mô, gập ghềnh em đều thuộc như lòng bàn tay. Chẳng có ngày nào lũ trẻ chúng em không đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên con đường thân thuộc ấy. Bởi vậy mà con đường trở thành một người bạn thân thiết với em.

Con đường tới trường đã khắc sâu vào trong tâm trí em. Mỗi buổi đến trường, con đường đã để lại trong em bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Mai ngày lớn lên em cũng không thể quên hình ảnh con đường thân yêu.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 5

Ngày nào đến trường em cũng đi về trên con đường quen thuộc ấy. Đến nỗi, nếu nhắm mắt lại là em có thể hình dung rõ mồn một ngay từng cảnh sắc.

Đó là một cột con đường làng rải đá đỏ đơn sơ cũng như bao con đường làng không tên khác. Tuy không rộng lắm, lại gồ ghề, lồi lõm nhưng con đường này cũng đủ thênh thang cho những bước chân nhún nhảy như chim sẻ của chúng em từng ngày lớn lên. Sáng ra, từ đầu ngõ, em bước vào con đường là đã gặp ngay một cây bàng già đứng giương mình dù che nắng, bốn mùa lích chích tiếng chim. Từ đó, hai bên đường, hai hàng khuynh diệp chạy dài thẳng tắp một màu xanh ngút ngát.

Thấp thoáng sau hai hàng cây là hàng rào của hai dãy nhà ven lộ, có hàng rào dâm bụt được cắt xén phẳng phiu. Cũng có hàng rào tre hoặc hàng rào tường xây dây kẽm gai kiên cố. Tuy vậy, đi trên đường vẫn nhìn thấy rõ những ngôi nhà xinh xắn giữa một màu xanh vườn tược mượt mà. Ngay từ khi mặt trời vừa nhô lên nhóm lửa ở đằng đông, những ngọn cau, ngọn dừa trong các khu vườn bên cạnh đường đã lấp lánh hồng lên. Con đường làng cũng bừng dậy.

Người đi trên đường càng lúc càng đông. Trẻ em đến trường. Người lớn ra đồng. Kẻ buôn bán về huyện, lên tỉnh. Xe đạp, xe gắn máy, máy cày chen chúc ngược xuôi. Tiếng cười nói, hỏi thăm, trò chuyện, tiếng máy, tiếng xe hòa lẫn nhau tạo thành một dàn đồng ca vui vẻ. Đến gần xóm nhà, con đường làng rẽ phải. Đến đây chúng em đã nhìn thấy ngôi trường quen thuộc của mình hiện ra với hình ảnh cây phượng già tán lá xanh um che rợp cổng.

Những năm sắp tới, có thể em sẽ đi tiếp con đường này lên huyện, lên tỉnh để nối tiếp việc học hành. Nhưng dù đi đâu, đặt chân lên con đường xinh đẹp mới mẻ nào nhưng cũng không dễ gì quên con đường tuổi thơ đơn sơ này được.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 6

Tuổi thơ của em đã gắn liền với ngôi nhà, mái trường, dòng sông, đường phố… Và có lẽ con đường em đi học mỗi ngày đã gắn bó thân thiết với em.

Con đường đã nâng cấp thành đại lộ. Mặt đường được trải nhựa phẳng phiu. Lòng đường rộng ước chừng hơn ba mươi mét. Đường dài khoảng hai ki-lô-mét. Vỉa hè dành cho người đi bộ cũng rất rộng. Trên đấy được lát gạch nung rất chắc và đẹp. Từ xa nhìn lại, vỉa hè như một tấm thảm màu đỏ sẫm. Hàng cây sấu trên vỉa hè được trồng trong những cái ô vuông vức. Hàng cây trông chóng lớn, mới ngày nào cây còn bé tí mà nay đã xoè như những chiếc ô tiếp nối trên vỉa hè, tỏa bóng mát xuống lề đường. Hàng cây xanh tươi đã làm cho con đường thêm đẹp.

Buổi sáng, con đường trông thật tráng lệ, đầy sức sống. Xe đạp, xe máy chạy tấp nập trên đường. Tiếng còi rộn rã kêu vang, tiếng động cơ nổ giòn giã, tiếng trò chuyện của từng tốp học sinh hối hả trên đường… Tất cả đã làm cho con đường thêm náo nhiệt. Trên cây sấu già ven đường, những chú chim nhảy nhót chuyền cành. Tiếng chim lảnh lót vọng ra, vang cả trên bầu trời xanh trong và cao vút.

Mặt trời lên cao, bụi hồng ánh sáng tràn lan khắp không gian, bao phủ lên con đường quen thuộc. Đường thưa người hơn nhưng không kém phần tươi vui. Những ngôi nhà cao tầng ở hai bên đường nguy nga, tráng lệ. Các cửa hàng, cửa hiệu mở cửa chuẩn bị đón khách. Các bà, các cô đi chợ với những quang gánh kĩu kịt trên vai. Nào hoa, quả, rau tươi tiếp nối trên đường phố. Nhìn con đường lúc ấy thật trù phú, tươi vui.

Nắng lên, con đường bóng loáng như dải lụa óng ánh dưới nắng trời. Hàng cây xanh bên vệ đường đã uống hết sương đêm, chúng vươn lên đón nắng trời để giữ lấy màu xanh. Thỉnh thoảng, những chiếc lá vàng lìa cành rơi lác đác, rơi trên vai áo người qua đường như lưu luyến. Hoa rủ xuống lề đường, hoa lắc lư trong làn gió nhẹ. Hoa như muốn nói rằng: Con đường này đẹp lắm! Những buổi chiều đi học về, em thấy dâng tràn một niềm vui, niềm hạnh phúc vì con đường thân quen của em mỗi ngày một đẹp hơn. Em nhớ từng nụ hoa, từng viên gạch hồng trên vỉa hè, nhớ từng gốc sấu già thân thiết. Nơi ấy, chúng em đã từng có những giây phút ấm nồng.

Con đường không chỉ là bạn của riêng em. Nó còn là bạn của những bác lao công. Đêm đêm, trên con đường này, dù là mùa hè hay mùa đông lạnh giá, tiếng chổi tre luôn sột soạt dưới vệ đường. Các bác đang quét rác để giữ vệ sinh cho đường phố. Nhờ những bàn tay lao động cần cù ấy mà con đường luôn sạch sẽ.

Em rất yêu con đường phố thân quen. Con đường không những đẹp mà còn là nơi đã gắn bó với em trong những ngày cắp sách đến trường. Em thầm biết ơn các bác công nhân vệ sinh đã ngày đêm quét rác cho con đường luôn sạch đẹp.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 7

“Con đường đến trường” – cái tên nghe sao quen quá. Chẳng phải ngày nào chúng ta cùng dạo bước trên nó để đến trường hay sao? Vậy mà trong chúng ta, mấy ai đã quan tâm đến nó? Phải chăng vì nó đã quá quen. Bạn hãy thử, hãy thử một lần say ngắm. Chắc chắn bạn sẽ khẳng định rằng: nó có nhiều điểm thú vị vô cùng.

Con đường đi học của tôi dài, phẳng và uốn lượn quanh cao qua những khu phố, những cánh đồng. Đó là con đường mà mùa hè thì rợp mát bởi những bóng cây còn mùa đông thì ngạt ngào hoa sữa. Những bông hoa sữa nhỏ li ti đúng như những giọt sữa ai đó vô tình để rớt trên lá, trên cành.

Vào cuối mùa thu, con đường còn rực rỡ một màu hoa điệp vàng óng ả. Những bông hoa xinh xắn ấy đã trở thành những kỷ niệm gắn bó suốt mấy năm học tiểu học của tôi. Tôi nhớ lại mấy năm về trước khi con đường còn chưa được trải bê tông. Những hôm trời mưa, chúng tôi lội ì ọp qua những vũng nước màu đỏ gạch của con đường rải sỏi. Dù cẩn thận nhưng đến lớp đứa nào đứa nấy ít nhiều cũng bị vương vài vết bẩn trên áo đỏ như son. Lâu ngày bị vương nhiều, áo giặt không sạch được thế là chúng tôi đành phải mặc những bộ đồng phục ố vàng. Nhưng bây giờ thì khác lắm rồi. Con đường đoạn thì được trải nhựa, những đoạn đi qua làng được trải bê tông. Cứ gọi là đi đến cửa lớp, chúng tôi vẫn không bẩn đến gót chân. Đường sạch bong. Những hôm vào mùa gặt đi trên rơm rạ, chỉ cần ngửi mùi rơm tôi đã thấy quê hương sao gần gũi và thân thuộc vô cùng.

Đi trên con đường vào mùa lúa trổ, chúng tôi vừa bước tung tăng chân sáo, vừa cảm nhận hương lúa thơm thoang thoảng bay từ hai phía cánh đồng. Tôi nhớ lần ấy thằng Hưng nói với tôi:

Đọc thêm:  Hảo Hán là gì? Ý nghĩa bất ngờ trend hảo hán trên Facebook

– Ước gì chúng mình chẳng bao giờ lớn lên thì hay nhỉ. Cứ thỏa thích vui đùa rồi đi học chẳng phải lo nghĩ điều gì.

Hồi ấy tôi cho ý nghĩa của thằng Hưng thật nực cười nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy nó nói cũng hay hay.

Kỷ niệm tuổi thơ tôi đã trôi qua êm đềm trên con đường đến trường thân thương ấy. Đi mãi thành quen, giờ đây tôi nhớ nó đến từng chỗ nhấp nhô, từng cây cột mốc thậm chí còn nhớ con đường được ghép bởi bao nhiêu tấm bê tông. Thế là hình như giờ đây tôi với con đường đã thành hai người bạn. Chỉ tiếc rằng đường chỉ âm thầm tận tụy, đường chẳng bao giờ tâm sự với tôi.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 8

Ngày nào cũng vậy, tôi đi học trên con đường thân thiết này. Từng gốc cây, từng số nhà, từng ngõ ngách đã in đậm trong tâm trí tôi lúc nào mà tôi chẳng hay biết. Con đường phố tôi nhỏ và không đẹp, tuy nhiên nó trở nên gợi cảm hơn trong những ngày đầu đông này.

Hà Nội trong những ngày đầu đông se se lạnh tuy không rét căm căm, lạnh thấu tận xương nhưng cũng làm mọi người phải áo khoác, mũ len. Khu phố tôi thì không như vậy. Mặc cho gió bão, mưa dông, quanh năm ngày tháng, những ngôi nhà trên phố chỉ mặc một màu áo mà thôi. Con đường, nhìn từ xa như một dải lụa mềm mại uốn lượn dọc dãy phố. Nhà hai bên đường chẳng cái nào giống cái nào, cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái rộng, cái hẹp thật vui mắt.

Vì đất chật người đông nên phố tôi chẳng có cái cây nào gọi là to vì mưa bão dễ đổ, dễ vướng vào dây điện. Cho nên, mỗi năm, tôi cứ lớn hẳn lên mà các cây trong phố tôi vẫn nhỏ bé, xinh xắn thế thôi. Trên cao có cả một khoảng trời rộng mở như cái ô nhiều màu sắc. Những ngày mưa gió bão bùng thì khoảng trời trên phố tôi đen kịt mây, sấm chớp ì ùng, sét rạch ngang trời. Khi ấy, những vũng bùn xuất hiện mà tôi thì chẳng thích đi lên bùn một chút nào cả.

Phố tôi lúc nào cũng tấp nập tàu xe. Mới sáng sớm đã bắt đầu ngày mới bằng tiếng bin bin của ô tô, tin tin của xe máy và tu tu của tàu hỏa vọng lại từ đầu phố. Lại cả tiếng gọi í ới, cười đùa, mời mọc ầm ĩ cả một góc phố của học sinh trường Văn Chương trong cái ngõ đối diện nhà tôi. Bởi vậy, cứ khoảng bảy giờ sáng là tôi bị đánh thức bởi những tiếng ồn ã bên ngoài, mặc dù đã cố tình đóng hết các ô cửa sổ. Đôi khi, lúc học sinh đã vào lớp, tiếng ồn ào giảm bớt, tôi cố nằm lì chưa được bao lâu thì lại bị phá bởi tiếng chạy thình thịch của các “chàng” và “nường” đi học muộn.

Những ngày đầu mới về ở đây, tôi tức muốn xịt khói lỗ tai. Lâu dần rồi cũng thành quen, tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu và thân thuộc với con đường này. Vỉa hè phố tôi bị các nhà dân lấn chiếm nên rất hẹp. Vỉa hè chỗ thụt vào, chỗ nhô ra trông chẳng đẹp chút nào! Mặt đường nhựa thì sứt sẹo, lồi lên, lõm xuống, nhấp nha nhấp nhô. Ai mà vừa đi vừa mải nhìn trời, nhìn mây thì thế nào cũng bị ngã vì các chỗ lồi lõm khó ưa ấy. Tôi cũng vì nó mà mấy lần bị ngã xuống cạnh đường, mấy vết sẹo đó cũng như là vết kỉ niệm của tôi. Mỗi lần đi qua chỗ này, tôi cũng lại quay nhìn xem nó ở đâu để mà tránh.

Mặt đường nhiều màu sắc đậm nhạt khác nhau, sau vài lần được sửa, đường trông như chiếc áo vá chằng vá đụp. Phố tôi bao nhiêu là ổ gà. Vừa qua được một ổ gà, đi một quãng lại ổ gà khác! Và nó chính là đặc trưng của phố Khâm Thiên giai đoạn này. Nhà hai bên đường cũng rất đa dạng, có cái cao ba bốn tầng sơn nửa xanh nửa trắng rồi cái vàng, cái xanh, cái trắng… Hàng quán bên đường là chỗ tụ họp ăn uống của lũ học trò nhất quỷ nhì ma. Mỗi sáng dậy nào là mùi phở thơm ngào ngạt, thoang thoảng trong gió mùi trứng vịt lộn, bún riêu cua, mùi xôi và các thức ăn khác.

Các cửa hàng văn phòng phẩm, quần áo… cũng chẳng chịu lép vế. Thế là bao nhiêu áo quần, tất, khăn… được tung ra bày ngoài cửa. Phố tôi còn giữ được một số ngôi nhà có kiến trúc từ thời nào chẳng rõ. Trên mái và cửa của những ngôi nhà ấy có khác những con rồng màu sắc sặc sỡ nhưng vì cổ quá rồi nên sơn vôi đã bạc và phai màu. Vì bị lao vào vòng xoáy của công việc nên người dân phố tôi rất ít khi nói chuyện với nhau. Những ngôi nhà cổ mang lại vẻ đẹp cổ kính cho phố tôi, trông nhà nghiêm thế nhưng tiếng cười đùa vẫn vọng ra.

Phố tôi có một di tích lịch sử. Đó là đài tưởng niệm Khâm Thiên được xây dựng sau khi cả phố bị Mỹ ném bom B52 tiêu hủy. Bao nhiêu ngôi nhà bị sập, bao nhiêu người dân phải bỏ mạng trong đợt B52 ấy. Đài tưởng niệm được xây dựng với mục đích tưởng nhớ những con người đã ra đi trong đợt Mỹ thả bom ấy. Hình tượng người đàn bà bế đứa con bé bỏng đã chết là biểu tượng cho nỗi đau khổ và căm hờn.

Con đường từ lâu đã là người bạn thân thiết, gần gũi, chia sẻ với tôi mọi nỗi vui buồn. Những ngày tôi bị điểm kém, con đường dỗ dành tôi. Nhiều lần, vì tức tối, tôi co cẳng đá bay hòn sỏi trên đường. Lúc ấy, nó vẫn không nói gì, chỉ an ủi bàn chân tôi. Những ngày tôi được điểm cao, là học sinh giỏi, nó cũng chúc mừng tôi.

Con đường đã gắn bó với tôi từ những ngày tôi còn nhỏ. Bây giờ, tôi đã lớn khôn, nhà tôi sắp chuyển đi nơi khác. Tuy sẽ không còn ở nơi đây nữa nhưng tôi vẫn mãi mãi nhớ con đường này – con đường ngày nào cũng bị tắc đường mà tôi đã quen.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 9

Có lẽ sau này khi đã lớn, tôi sẽ đi rất nhiều nơi, qua rất nhiều con đường khác có thể to, có thể nhỏ, có thể giàu nhưng trong một góc ở trong tim mình, mọi đường nét của con đường từ nhà đến trường sẽ không bao giờ có thể phai nhòa.

Mỗi sớm mai thức dậy, khi bình minh lên trên thành phố, tôi sải từng bước trên con đường đến trường trong niềm vui hân hoan đón đợi. Nhà tôi ở trong một con ngõ nhỏ hướng ra mặt phố, đi từ ngõ ra là đường lớn và khoảng cách trường vẻn vẹn năm trăm mét đường thẳng. Trên con đường xi măng phẳng lì còn lấp lánh khi ánh mai tỏa rạng ngời, không bao giờ vắng những lượt xe đi ngang.

Dù mỗi sáng, khi tôi đi học còn khá sớm nhưng trên đường vẫn rộn ràng tiếng người, tiếng xe làm cho lòng tôi chợt thấy nhuốm màu mùi vị của cuộc sống tươi vui, nhiệt thành. Hai bên đường là nhà cửa cao tầng mọc san sát nhau với những mảng sơn lúc nào cũng tươi mới, càng rực rỡ hơn trong nắng và gió. Trên hè phố, luôn có thể nhìn thấy những tốp người đi bộ buổi sáng, những tốp học sinh đi học… hòa mình trong không khí tươi vui nói cười của dòng người trên hè phố trong làn gió nhẹ khiến cho tôi yêu quý cuộc sống này biết bao.

Dọc con đường còn có những hàng ăn sáng rất khang trang và phong phú như hàng phở, bánh mì, bánh cuốn… Tôi vẫn thường hay tạt vào các quán trên con đường này để mua đồ ăn sáng, có lẽ đã quen nên tôi luôn thấy đồ ăn trên con đường này là ngon nhất. Trên con đường ấy, cách trường khoảng năm mươi mét, sau khi qua một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, hai bên đường lúc này chỉ còn là hai hàng cây xanh ngắt tỏa bóng mát khắp con đường, rải màu xanh dẫn đến ngôi trường thân yêu.

Khi đã bước vào cung đường này, nếu là mùa hè thì cái nóng bức ngoài kia không còn đáng lo ngại nữa mà thay vào đó là những luồng gió mát rượi và những tiếng chim hót líu lo trong vòng cây kẽ lá khiến cho ai cũng phải yêu đời hơn.Trong tôi, con đường đi học lúc nào cũng đẹp, cũng thân thương, là con đường vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi. Đây là con đường đưa tôi đến với ước mơ, với niềm vui mỗi ngày, là con đường cả đời tôi không bao giờ có thể quên.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 10

Nhà thơ Đỗ Trung Quân có viết:

“Quê hương là đường đi họcCon về rợp bướm vàng bay…”

Đối với em cũng thế! Con đường đi học gần gũi, thân thiết với em như bầu bạn. Nó là một hình ảnh của quê hương đang đắm sâu và ngân vọng trong em.

Con đường phố mang tên đường Nguyễn Du. Lòng đường tuy hẹp nhưng đẹp lắm. Hai bên đường có hàng me xanh che mát. Buổi sáng, những cành me thả lá úa xuống mặt đường. Con đường nhựa láng bóng, đen sẫm, ở giữa có vạch sơn trắng chia hai phần đường cho xe chạy ngược chiều nhau. Xe máy, xe đạp tấp nập trên đường. Tiếng còi píp píp liên hồi. Các cô bán hàng rong kĩu kịt những quang gánh đầy ắp rau quả. Chúng em tung tăng cắp sách đến trường. Ai cũng hối hả trên đường phố.

Trên cây sấu già ven đường, những chú chim nhảy nhót, chuyền cành. Tiếng chim không ngớt vọng ra, vang cả trên bầu trời xanh thẳm. Mặt Trời trên cao, đường thưa người hơn. Những ngôi nhà cao tầng nhìn ra đường với vẻ nguy nga, tráng lệ. Các cửa hàng, cửa hiệu mở cửa đón khách. Ánh nắng óng ả rải xuống mặt đường. Con đường ánh lên, bóng loáng như dải lụa. Một làn gió nhẹ thổi qua, những lá me lìa cành rơi lả tả, rơi trên vai áo người qua đường như lưu luyến.

Hoa sữa trên cả vỉa hè ngan ngát hương đưa. Hoa đậu từng chùm tím biếc, rủ xuống lề đường như muốn nói một điều: con đường này đẹp lắm! Những buổi chiều hay những đêm tối mùa hè ngồi ở đây thì thật là thú vị. Em nhớ từng nụ hoa, từng viên gạch trên lề đường, từng gốc me già thân thiết. Con đường này không chỉ là bạn của riêng em, nó còn là bạn thân của những chị lao công.

Đêm đêm, trên con đường này, dù là mùa hè hay mùa đông giá rét, tiếng chổi tre luôn xao xác dưới hàng me. Nhà nhà đã ngủ say. nhưng vẫn có tiếng chổi tre sột soạt trên đường. Những lúc ấy, con đường mới vắng vẻ và đẹp làm sao! Con đường quá thân quen với em. Từ lâu, đường và em như đôi bạn. Đường đã nâng bước em đi, giúp em thực hiện ước mơ hoài bão của riêng mình

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 11

Quê em thuộc một vùng đồng bằng ven biển miền Trung nơi có lắm nắng, nhiều mưa, lụt lội liên miên. Vậy mà con người ở đây vẫn bám lấy mảnh đất nghèo này, vẫn yêu thương nó đến da diết. Bởi nó là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng “Quê hương là gì hở mẹ?”. Có phải “Quê hương là chùm khế ngọt… Quê hương là đường đi học” như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói?

Đối với tụi nhỏ, hàng ngày cắp sách đến trường như chúng em, không có gì thân thuộc hơn, gắn bó hơn là con đường đi học. Dường như không có ngày nào bước chân nhỏ của chúng tôi lại không đặt lên trên mình nó vô vàn những dấu chân tí xíu trên đường đi và về, trước và sau những buổi học. Đó là con đường đá đỏ khá rộng, cao ráo và thẳng tắp. Được biết vừa rồi bác Chủ tịch tỉnh khi về thăm Trường Tiểu học của chúng em có nói: “Nay mai con đường này sẽ dải nhựa và mở rộng thêm”. Người ta vừa mới phát hiện một mỏ đá quý gần quê em. Tương lai, đây sẽ là một trong những khu công nghiệp sầm uất của tỉnh nhà, có cả những công ty nước ngoài đến đây đầu tư khai thác. Nghe nói vậy mà chúng em đứa nào cũng mừng thầm trong bụng. Cứ mơ tưởng đến một ngày mai, làng quê em sẽ được đổi thay như một khu phố ở thị thành.

Đọc thêm:  Web 3.0 là gì? Tìm hiểu chi tiết về Web 3.0 - Kỷ nguyên mới của

Ngày ngày, chúng em đến trường sẽ đi trên con đường nhựa bóng loáng, đón những ngọn gió nam mát rượi thổi từ ngoài biển Đông vào và nhìn những chiếc xe cơ giới nối đuôi nhau phóng nhanh trên đường… Vừa đi, em vừa nghĩ miên man. Trước mắt em vẫn là con đường đá đỏ thẳng tắp và rất bằng phẳng. Hai năm trước đây, người ta đã cải tạo con đường này. Họ đổ đất cao lên, cho xe lu lăn đi lăn lại nhiều lần, làm cho mặt đường phẳng lì. Hai bên đường những hàng cây bạch đàn, xà cừ, dương liễu và có cả cây me, cây phượng nữa. Đó là công trình “Rừng cây xanh đến trường” do Liên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của trường em phát động. Hàng cây bây giờ tuy chưa cao, chưa có bóng mát phủ xuống mặt đường nhưng sức sống của nó đang bật dậy. Màu xanh đậm của những tán lá hai bên đường đang trải dài ra khoe sắc với trời xanh. Vài ba năm nữa thôi, hàng cây hai bên đường sẽ trùm bóng mát xuống lòng đường. Lúc ấy, chúng em đi học, đâu cần phải đội nón đội mũ, đã có bóng mắt của hàng cây che do chính bàn tay của chúng em trồng nên. Vẻ đẹp của con đường cũng là vẻ đẹp của quê hương. Phải chăng, chúng em cũng đã góp phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương ngày thêm đẹp hơn lên rồi đó chăng? Hàng cây xanh trên đường đến trường sẽ ghi lại tình cảm của chúng em, công sức của chúng em đã góp thêm một vẻ đẹp cho con đường, cho quê hương yêu dấu của mình.

Trống trường đã điểm, chúng em bước vội vào cổng trong tiếng trống ngân vang trầm ấm quen thuộc. Rồi khi tan chúng em lại đi về trên con đường quen thuộc, mát rượi bóng cây.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 12

Từ nhà đến trường em có thể đi qua nhiều ngả khác nhau nhưng em thích nhất vẫn là đi qua đoạn đường Nguyễn Du.

Đoạn đường này ngắn và hẹp. Lòng đường được hàng me xanh rờn hai bên đường che mát. Buổi sớm em đi học các vòm me đan vào nhau tưởng như chúng chụm đầu trò chuyện. Những cành me thả lá xuống mặt đường tráng nhựa xám. Một lằn sơn vàng giữa lòng đường chia hai phần cho xe chạy ngược chiều nhau. Xe máy, xe đạp tấp nập trên mặt đường trơn bóng. Đến khúc có những ổ gà lồi lõm thì xe chạy chậm lại, bóp còi inh ỏi… Em và các bạn đi rất thoải mái trên lề đường tráng xi măng. Nhiều nhà cao tầng đẹp đẽ chen vai nhau đứng sừng sững. Đó là các cơ quan, cửa hàng. Đặc biệt, đoạn đường em đi qua có Bưu điện Thành phố lúc nào cũng có đông người ra vào nhận đồ, gửi hàng.

Có lần, mẹ em đã đến đây nhận hàng, quà. Buổi sáng, con đường vui hẳn lên vì các cô bác, các chú đến công sở làm việc, học sinh lũ lượt đi học. Mọi người đều vội vã. Chúng em cũng bước mau chân đến trường. Buổi trưa tan học, em bước chậm hơn. Hai hàng me lại che mát cho em và các bạn. Thỉnh thoảng buổi chiều mẹ dắt em đi dạo. Lá me trút như mưa lên tóc, lên vai làm em rất thích. Vì đã đi lại nhiều lần nên đoạn đường này thật quen thuộc đối với em. Em nhớ từng viên gạch, từng gốc me thân thiết.

Em yêu quý con đường đi đến trường. Sáng nào đi học, em cũng thấy đường sạch, đó là nhờ các cô chú làm vệ sinh. Em và các bạn bảo nhau không xả rác bừa bãi để con đường luôn sạch đẹp.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 13

Mùa khô năm ngoái, nhân dân địa phương em đã góp tiền, góp sức làm lại con đường nối xã Tân Long với các xã lân cận. Trường em nằm bên cạnh đường đi, cách nhà khoảng gần cây số. Sáng sáng, em cùng các bạn tung tăng cắp sách đến trường trên con đường giống như dải lụa hồng mềm mại uốn quanh thôn xóm.

Đường trải đất đỏ, được san ủi kĩ nên rất phẳng phiu, đủ rộng để hai ô tô có thể tránh nhau. Mặt đường cao ở giữa và thoải dần sang hai bên cho dễ thoát nước. Hàng cây bạch đàn trồng ven đường dạo nào giờ đã vươn cao, thân thẳng tắp, cành lá sum suê tỏa bóng mát. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, lá cây lao xao, cành cây đung đưa như những cánh tay chào đón. Lúc chúng em đi học cũng là lúc con đường nhộn nhịp, đông vui nhất. Dân trong vùng họp chợ cạnh đường, tíu tít bên những gánh rau tươi, những đống trái cây hay những bu gà vịt. Các cửa hàng ăn uống mở cửa, phục vụ mọi người.

Trên đường, tiếng xe lam, xe ba gác máy làm náo động không gian của một vùng quê yên tĩnh. Các loại xe tấp nập chở hàng hóa lên chợ huyện. Ra khỏi ngã tư với cảnh họp chợ tấp nập, con đường chạy giữa cánh đồng lúa và rau màu xanh tốt. Gần Tết, khí trời buổi sáng se se lạnh. Nắng sớm vàng rực trải trên màu xanh mỡ màng, non tươi của những liếp rau cải, cà chua, xà lách… Dăm ba cánh bướm trắng chập chờn trên những bông cải đơm hoa vàng tươi. Gần hết cánh đồng, con đường cao dần rồi nối với một cây cầu gỗ bắc ngang dòng kinh trong mát, cung cấp nước ngọt quanh năm cho đồng ruộng.

Từ đầu cầu bên kia, con đường đổ dốc một đoạn chừng hơn trăm mét là tới trường em. Ngôi trường nằm cách mặt đường khoảng vài chục thước, giữa một vườn cây um tùm suốt ngày ríu rít tiếng chim… Băng ngang qua cổng trường, con đường tiếp tục chạy dài qua hai xã nữa rồi thông ra quốc lộ.

Con đường đã trở nên thân thuộc với tất cả mọi người. Ngày hai lần đi về trên con đường này, chúng em đã khắc sâu hình ảnh của nó trong lòng.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 14

Mỗi ngày mới đến là một niềm háo hức lạ kỳ của riêng em, háo hức gặp thầy cô, gặp bạn bè, gặp mái trường thân yêu và háo hức đi trên con đường quen thuộc…

Nhà khá gần trường nên bố mua em một chiếc xe đạp để tự đi học. Trên chiếc xe đạp ấy, em đã băng qua bao dãy phố, bao cảnh vật, bao dòng người đông đúc và tấp nập. Con đường khá rộng, được rải nhựa láng mịn, đen đúa. Dòng xe đi lại nhiều càng khiến mặt đường láng bóng hơn. Đường uốn lượn theo bờ hồ bởi đây là con phố Nguyễn Đình Thi ven hồ Tây rộng lớn. Nhìn từ xa, con đường chẳng khác nào dải lụa đen mềm mại đang khẽ bay trên làn nước. Ven đường, một bên là dãy nhà cao tầng, một bên là hàng cây xanh. Những dãy nhà mọc san sát nhau, nhà cao, nhà thấp chen chúc. Mỗi ngôi nhà khoác một màu áo riêng tạo thành khung cảnh đầy sắc màu tựa bức tranh sơn dầu về hè phố. Đối diện với dãy nhà là hàng cây quanh năm ngả nghiêng theo gió. Hàng hoa sữa sừng sững như những vệ sĩ canh gác đường phố và lòng hồ. Hàng liễu thướt tha buông tấm mành mỏng manh xuống ven hồ. Mặt hồ buổi sớm lăn tăn những đợt sóng nhẹ.

Xa xa, ông mặt trời thức giấc sau đám mây trắng bạc, tỏa những tia nắng sớm xuống khắp con phố. Vườn hoa ven đường lúc một đông người, mấy cụ già tập dưỡng sinh, mấy anh thanh niên chạy bộ, một vài em bé cười ngô nghê nằm trong chiếc xe đẩy của bà… Từng vòng xe của em cứ lăn đều lăn đều. Thấp thoáng ngọn đa cổ thụ trường em đã xuất hiện. Em rẽ phải, hòa vào con phố Thụy Khuê tấp nập xe cộ. Người đi làm, người đi học.

Bao năm tháng qua, con đường vẫn miệt mài chịu nắng chịu mưa, âm thầm đồng hành với cuộc sống người dân nơi đây. Và có lẽ, con đường cũng âm thầm đồng hành với những tháng ngày đến trường, đến lớp của em.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 15

Nhà em cách trường không xa mấy, chỉ vượt qua một đoạn của con đường Điện Biên Phủ, Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu là tới. Đoạn đường này đối với em thật là quen thuộc. Nhưng thân thiết nhất vẫn là đoạn đường Cao Thắng.

Lòng đường khá rộng, trải nhựa phẳng phiu, thật thích mắt. Xe chạy ngược xuôi tấp nập, nhưng không bao giờ có cảnh kẹt xe, vì ở mỗi ngã tư đều có hệ thống đèn báo hiệu hướng dẫn xe cộ lưu thông. Chúng em đi học rất thoải mái trên lề đường tráng xi măng. Dọc theo lề đường có những hàng cây sao cao vút, tỏa bóng râm mát cho đường phố ngay cả vào những trưa nắng gắt. Mỗi khi cơn gió thổi qua, lá cây xào xạc nghe như tiếng hát ru, thật vui tai.

Nhà cửa bên đường hầu hết là cửa hiệu buôn bán, thi thoảng lạc lõng chen vào một ngôi nhà biệt thự. Cửa hiệu thì đủ loại: cổ tiệm may, có cửa hàng bán vật liệu xây dựng, có tiệm ăn, khách sạn. Lại có củ phòng khám bệnh, phòng chữa răng… Ngoài ra còn có cả một ngôi chùa và một rạp hát. Mỗi buổi đến trường, em thường ghé rạp hát. Chẳng phải để coi hát, xem phim mà chỉ để nghiêng ngó, ngắm nghía các biểu ngữ, các hình quảng cáo phim mới thật vui mắt. Tạt qua rạp hát, em còn được hòa mình vào cái náo nhiệt của các bài ca, điệu nhạc từ các loa phóng thanh đưa ra. Và đôi khi, còn để mua quà bánh từ những hàng bán nhan nhản quanh rạp hát.

Trên đoạn đường Cao Thắng, xe cộ qua lại tấp nập như mắc cửi, nhất là giờ đi làm, đi học vào buổi sáng, hoặc giờ tan sở, tan trường vào buổi chiều. Các xe hai bánh, bốn bánh nối đuôi nhau, chen chúc nhau chạy. Tiếng còi xin đường inh ỏi. Các kạn học sinh mặc đồng phục tung tăng đi từng nhóm trên hè đường. Các bạn dừng lại trước nhà bãi điện Bàn Cờ xem các bưu thiếp bày trong tủ kính.

Ngày tháng trôi qua, con đường đến trường đã trở nên thân thuộc với em ở từng góc nhỏ, từng ngôi nhà cho đến từng chỗ mấp mô dưới lòng đường và trên lề đường. Con đường đã gắn liền với ngôi trường Lương Định Của thân yêu của em. Em yêu trường, và em cũng yêu con đường đã dẫn em đến với ngôi trường của em.

Tả con đường từ nhà em đến trường – Mẫu 16

Đối với em, mỗi ngày đến trường là một ngày đều tràn ngập niềm vui. Nhưng vui nhất có lẽ là được đi đến trường trên con đường quen thuộc cùng bạn bè.

Con đường đến trường của em dài khoảng ba ki-lô-mét, tương đối rộng rãi. Hai bên đường đều có vỉa hè được lát gạch trông rất đẹp. Vì mới được xây dựng cách đây không lâu nên trông đường còn rất mới. Mặt đường được trải bê tông nên phẳng lì, không một ổ gà. Trên vỉa hè, những bồn cây nối tiếp nhau thẳng hàng. Các cây đều to lớn với tán lá xum xuê khiến cho con phố tràn ngập một màu xanh. Có rất nhiều loài cây như: phượng vĩ, bằng lăng, hoa sữa… Trên đường, xe cộ đi lại nhộn nhịp. Các phương tiện đều đi đúng theo làn đường được quy định. Con đường hiếm khi có giấy rác vì đều được các bác lao công quét dọn sạch sẽ vào buổi tối hôm trước.

Vào mỗi buổi sáng sớm, ánh nắng ấm áp bao trùm khắp con đường. Chúng em lại cùng nhau đạp xe đến trường. Không khí trong lành và mát mẻ khiến em cảm thấy vô cùng thoải mái. Em thường cùng các bạn đi học khá sớm nên con đường khi ấy còn khá vắng vẻ, yên tĩnh. Vào giờ cao điểm, con đường này thường tấp nập xe cộ qua lại và khá ồn ào. Người đi làm, người đi chợ, học sinh đi học. Những học sinh mặc đồng phục đạp xe nối tiếp nhau trên con đường tạo ra một khung cảnh thật đẹp.

Đối với em, con đường này đã để lại rất nhiều kỉ niệm. Em rất yêu quý con đường đã gắn bó với những năm tháng tuổi thơ của mình.

….

>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button