Tả cô lao công (13 mẫu) – Tập làm văn lớp 5 – Download.vn

Tả cô lao công đang làm việc, tả bác lao công tuyển chọn 13 bài văn hay, đặc sắc nhất, kèm theo dàn ý chi tiết. Qua đó, giúp các em học sinh lớp 5 nhanh chóng hoàn thiện bài văn Tả một người lao động đang làm việc thật hay.

Hình ảnh cô lao công say sưa quét rác, dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống cho chúng ta đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người, với 12 bài văn tả cô lao công dưới đây, các em sẽ rèn luyện thật tốt kỹ năng viết văn tả người của mình. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây:

Dàn ý tả cô lao công

1. Mở Bài: Giới thiệu về cô lao công mình định tả.

2. Thân Bài:

a) Ngoại hình.

  • Dáng người cô cân đối.
  • Làn da ngăm đen.
  • Khuôn mặt trái xoan.
  • Mái tóc màu đen, dài đến ngang lưng.

b) Trang phục.

  • Cô mặc bộ quần áo màu xanh của công nhân vệ sinh môi trường, đội nón, đi giày.
  • Cô đeo khẩu trang tránh bụi bẩn, đeo găng tay để bàn tay không bị xước xát.

c) Hoạt động

  • Cô nhanh nhẹn đưa từng đường chổi và hót rác vào xe đẩy để mang chúng đến nơi xử lí.
  • Cô làm việc rất cần mẫn, không quản ngại trời nắng hay mưa.

3. Kết Bài: Bày tỏ tình cảm của bản thân với cô lao công ấy.

Tả cô lao công – Mẫu 1

Ngày nào cũng vậy, mỗi khi mặt trời ngả bóng là phố phường em lại rộn lên tiếng chuông với âm thanh cao vút, và đó là tiếng chuông reo gọi mọi người ra đổ rác của chị Trần Thị Hương, chị lao công chăm chỉ làm việc ở nơi em sinh sống.

Chị Hương khoảng gần 30 tuổi. Trong trang phục màu xanh cũ kỹ của chị là một thân hình dong dỏng cao với mái tóc dài chớm eo, chị thường hay đội trên đầu chiếc nón có cái quai được thiết kế từ một tấm khăn dài và rộng, chiếc nón đó đã khiến cho khuôn mặt chị chỉ còn hiện ra đôi mắt hiền từ màu nâu đen. Giày bata là thứ mà chị lựa chọn để bao bọc cho đôi chân của mình, nó giúp cho nắng, gió hay những vật sắc nhọn dưới lòng đường không chạm vào chân chị được. Chị Hương đi tới đâu là chiếc xe màu xanh giống như hình một chiếc hộp lớn và cây chổi dài đi theo chị. Đó chính là những công cụ giúp chị làm sạch phố phường và giải quyết rác thải cho mọi nhà.

Hàng ngày, từ sáng sớm em đã thấy chị có mặt ở cuối phố, lúc đấy chị đã quét được cả một đoạn phố dài. Em nghe mẹ bảo, chị phải tỉnh giấc từ khi gà còn chưa gáy để làm công việc cao cả này. Việc thức dậy sớm sẽ giúp chị hoàn thành việc của mình từ khi phố phường còn chưa đông đúc, điều đó tránh gây cản trở giao thông và thuận tiện hơn cho quá trình chị làm việc. Chị Hương rất chăm chỉ và luôn mang dáng vẻ của một người hết lòng vì nghề, chị mải miết quét từ góc này sang góc khác mà không một phút nghỉ ngơi. Khi đường phố đã sạch sẽ, chị mới ngừng lại đôi phút để uống ngụm nước. Em thích nhất là những giây phút này, bởi khi ấy em được nhìn thấy nụ cười hiền từ của chị, nó ánh lên một niềm vui sướng khi vừa hoàn thành một công việc đầy ý nghĩa. Làn da trắng ngần bất chấp sự tác động của gió sương, bụi bặm càng khiến chị trông thật xinh đẹp, trái ngược hẳn với những gì mọi người thường nghĩ về một người lao công quanh năm phải gắn liền với rác thải.

Chiều tà, chị lại cùng người bạn của mình là chiếc xe hình hộp màu xanh rong ruổi khắp đầu ngõ cuối phố để thu gom

rác thải. Chị đi tới đâu là phố phường sạch sẽ tới đó. Từng bước chân chậm rãi, những bánh xe lăn đều đều, tiếng chuông lanh lảnh vang xa và một dáng người nho nhỏ, gầy gầy luôn khoác trên mình chiếc áo màu xanh sờn màu… tất cả đều trở nên hết sức thân thuộc đối với em nói riêng và những người dân sống ở khu phố nói chung.

Ngày ngày trôi đi, chị Hương vẫn miệt mài làm công việc cao cả đó như một người chiến binh đang cố gắng cống hiến sức mình để đem đến điều tốt đẹp cho nhân loại. Em luôn thầm cảm ơn chị cũng như tất cả những người công nhân vệ sinh dọn đường phố trên đất nước này, bởi nhờ có họ mà em và mọi người được sống trong một môi trường xanh – sạch – đẹp đúng nghĩa.

Tả cô lao công – Mẫu 2

Đã bao giờ các bạn chú ý đến những cô lao công chưa? Họ đã không quản ngại mưa nắng để giữ cho môi trường luôn xanh – sạch – đẹp. Cô lao công thường xuyên quét dọn ở khu vực ngõ nhà tôi ở tên là Thu.

Cô Thu năm nay đã gần 40 tuổi. Cô có dáng người cân đối và nước da ngăm đen. Mái tóc cô đen nhánh, dài đến ngang lưng được buộc gọn gàng ở phía sau gáy. Khuôn mặt trái xoan cùng nụ cười tươi tắn trên môi cô luôn tạo cho người khác một cảm giác thân thiện, gần gũi. Cô mặc một bộ quần áo của công nhân vệ sinh môi trường màu xanh lá, trên đầu đội chiếc nón lá và chân đi đôi giày vải mềm. Cô đeo chiếc khẩu trang màu nâu để chống bụi bẩn từ môi trường làm việc. Không chỉ vậy, cô còn đeo đôi găng tay để tránh cho bàn tay mình bị xước xát.

Cô thường làm việc vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nếu buổi sáng cô quét dọn những con đường thì đến buổi chiều, cô thu gom rác thải vào một chiếc xe đẩy và đẩy đến nơi xử lí rác. Trời mới tờ mờ sáng nhưng mọi người đã nghe thấy tiếng chổi đều đều, quen thuộc của cô. Và khi trời sáng hẳn, mọi người đã thấy một đường phố sạch sẽ, những rác rưởi, lá cây cũng đã được thu gọn lại. Đôi bàn tay đã nhiều vết chai sạn của cô nhanh nhẹn đưa những đường chổi, rồi cũng chính đôi bàn tay ấy hót rác vào chiếc xe đẩy. Mọi ngóc ngách đều trở nên sạch sẽ. Cô làm công việc này với tất cả sự hăng say và yêu thích. Dù trời nắng hay trời mưa thì cô Thu vẫn thực hiện công việc một cách đều đặn. Có những đêm trời gió bão và mưa rất to, mọi người cứ ngỡ rằng đường phố sẽ chìm trong lá khô và rác thải nhưng đến hôm sau ai nấy đều bất ngờ vì con đường đã được cô lao công dọn sạch.

Công việc của cô cùng sự hi sinh thầm lặng đã góp phần làm cho môi trường sạch sẽ, trong lành hơn. Thật may mắn cho em khi những buổi sáng chạy thể dục cùng ông nội bắt gặp hình ảnh cô lao công đang làm việc. Điều đó khiến em nhận ra nghề nghiệp chân chính nào cũng đáng quý và đáng được trân trọng. Công việc của cô tuy thầm lặng nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc sống của chúng ta.

Tả cô lao công – Mẫu 3

Hàng ngày trên con đường quen thuộc đến trường, em đã làm quen được với một chị công nhân cần mẫn dọn dẹp rác rưởi trên đường phố. Chị tên Thanh Hằng là người công nhân thuộc công ty môi trường thành phố.

Ngày nào cũng vậy, chị Hằng luôn say sưa với công việc của mình. Chị có một thân hình khá nhỏ đối lập với công việc nặng nhọc của mình. Chị còn trẻ lắm, ước chừng chị khoảng hai mươi, dáng người thon thả, cao cao. Khuôn mặt chị tròn trịa với chiếc mũi dọc dừa và đôi môi đỏ thắm. Mỗi khi cười để lộ hai hàm răng trắng và đều.

Công việc của chị đòi hỏi phải đeo khẩu trang để đảm bảo vệ sinh. Chị chỉ còn chừa lại đôi mắt tròn to, sáng long lanh. Em thích nhất là mái tóc đen mượt búi gọn lên, đầu đội nón bảo hộ lao động của chị. Chiếc áo màu xanh công nhân đã phai màu sương gió, bó gọn thân hình thon thả của chị làm ánh lên vẻ rắn giỏi. Chị mặc quần đen bó ống, chân đi giày ủng, đôi bàn tay xỏ găng tay màu cà phê sữa, trông chị gọn gàng như một người lính ngoài trận địa. Chị cầm chiếc chổi tre cán dài đưa đi đưa lại trên đường nhựa kêu sàn sạt. Động tác của chị nhanh nhẹn nhưng cẩn thận. Chị quét rác thành từng đống nhỏ rồi xúc đổ lên xe.

Một chị khác cùng làm việc với chị, cặm cụi kéo chiếc xe rác to kềnh đi theo. Chị lom khom hốt sạch từng đống rác. Sau một lúc, mặt đường đã được dọn sạch, không gian như trong sạch hơn, thoáng đãng hơn. Chị thật vất vả vì nắng đã lên cao, mồ hôi trán nhễ nhại lưng chị ướt đẫm nhưng chị vẫn miệt mài với công việc của mình.

Em vô cùng thán phục sự chăm chỉ của chị. Chính vì vậy mà em luôn chấp hành quy định vứt rác đúng nơi quy định để đường phố luôn sạch đẹp như điều chị lao công đang cố gắng thực hiện.

Tả cô lao công – Mẫu 4

Trong xã hội có rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, mỗi công việc lại đóng góp một phần cho sự phát triển của đất nước.Có một công việc tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng hàng ngày đang giúp cho môi trường được xanh – sạch – đẹp hơn, đó là các cô lao công dọn dẹp đường phố.Cô mặc một bộ quần áo màu xanh tím, đi đôi giày thấp, cô búi tóc cao, đội một chiếc mũ bảo hộ và chiếc khẩu trang chống bụi. Trang phục của cô gọn gàng, phù hợp với công việc lao động vất vả. Nghề của cô không được mặc những bộ quần áo đẹp đẽ, sang trọng nhưng công việc cô đang làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm sạch đẹp thành phố của chúng ta.

Hàng ngày, công việc của cô bắt đầu lúc khoảng 4 giờ chiều, cô lao công đẩy chiếc xe rác tới từng ngõ phố. Tiếng chuông reo của cô nhắc nhở mọi gia đình đem rác thải ra xe thu gom. Mọi người nhanh chóng thu gọn rác sạch sẽ và đổ rác đúng giờ quy định. Những giọt mồ hôi trên khuôn mặt cô hay ướt đẫm lưng áo trong nắng chiều oi ả, khiến em cảm thấy thương cô nhiều cô, Mỗi chiều ra đổ rác, em đều lễ phép chào cô và cô khẽ gật đầu, đôi mắt cô như ánh lên niềm vui với công việc của mình.

Đọc thêm:  Hạnh phúc của một tang gia (trích: Số đỏ) - Vũ Trọng Phụng

Khi đêm đã khuya và màn sương dần che phủ khắp các nẻo đường, mọi người chuẩn bị chìm vào trong giấc ngủ sau một ngày lao động và học tập mệt mỏi, công việc của cô lao công lại tiếp tục. Cô dùng một chiếc chổi dài để quét được nhanh hơn, chiếc chổi tre xào xạc vang lên dù đêm đông giá lạnh hay đêm hè oi bức. Những chiếc lá khô rơi rụng, chiếc vỏ bánh ai vô tâm vứt lại trên đường nhanh chóng được cô thu gom và dùng hót rác bỏ vào thùng. Quét đến đâu, cô đẩy chiếc xe rác tới đó. Khi chiếc xe rác đã đầy, cô sẽ đẩy đến nơi tập kết rác để chiếc xe môi trường chở rác về bãi thải của thành phố. Công việc của cô kết thúc cũng là khi ông mặt trời thức giấc, thả những tia nắng nhỏ xinh xuống con phố sạch sẽ tinh tươm.

Những ngày lễ tết, mọi người đều háo hức với những chuyến đi chơi xa hay bên gia đình sum vầy vui vẻ, em vẫn thấy cô lao công lặng lẽ với công việc quét rác và thu gom rác của mình. Bởi vắng cô một ngày, những con đường ngõ phố sẽ tràn ngập rác thải, bầu không khí sẽ không còn trong lành và sạch sẽ. Vì vậy, em mong mỗi người sẽ cùng có ý thức vứt rác đúng nơi quy định để các cô lao công bớt vất vả và mệt nhọc hơn.

Mỗi ngày trôi qua, các cô lao công vẫn miệt mài làm công việc của mình trên từng con phố. Em luôn thầm cảm ơn các cô đã không quản ngại vất vả gian khó để mang đến cho mọi người môi trường sống sạch đẹp và trong lành hơn.

Tả cô lao công – Mẫu 5

Trường tiểu học của tôi rộng lắm với rất nhiều phòng học nhưng lúc nào chúng cũng sạch sẽ, mát mẻ. Đó là nhờ bàn tay chăm chỉ của bác lao công trường tôi.

“Những đêm hèkhi ve ve đã nghỉtôi lắng nghetrên đường trần phútiếng chổi trexao xác hàng me…”

Khi đọc bài thơ “tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu, tôi nhắm mắt lại tưởng tượng bác lao công cần mẫn, vất vả nhưng khi nhìn thấy bác lao công trường tôi làm việc, hình ảnh ấy rõ nét hơn,cụ thể và sinh động hơn.

Bác lao công năm nay đã ngoài 45 tuổi tuy vậy bác vẫn là người phụ nữ khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc. Lúc nào tôi cũng thấy bóng bác đi qua đi lại.có khi bác ở khu sân trường nhưng có khi lại thấy bác ở vườn cây nhanh nhẹn lạ lùng. Một hôm về học muộn, tôi thấy bác đang đang dọn dẹp các phòng học. Nhìn từ xa trông bác như một “vệ sĩ “của môi trường. Bác bịt kín mặt chỉ nhìn thấy đôi mắt. Tay cầm cây chổi, tay đẩy thùng rác bác đến từng lớp một sau giờ học. Lớp nào cũng như 1 chiến trường. Bác cúi xuống nhặt từng mẩu giấy vụn và những giấy rác trong ngăn bàn bỏ vào thùng rác rồi bác lại cặm cụi quét hết lớp này đến lớp khác. Chổi bác đưa đến đâu dường như bao nhiêu bụi bẩn bị quét sạch đến đấy. chúng sợ chạy loạn như một đàn kiến vỡ tổ. Sàn nhà đã sạch bóng bác lại vội vàng kê lại những dãy bàn cho chúng tôi. cối buổi thấy anh bảng đen mặt lem luốc bác liền lau cho anh, nhìn anh thật kiêu hãnh. khắp cả gian phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ. Bác đưa cặp mắt liếc qua liếc lại như đang ngắm nhìn lại những thành quả của mình.bàn ghế, bảng đen, cũng nhìn bác lao công như thầm cảm ơn. Cứ thế, hết phòng này đến phòng khác. Bóng bác cứ âm thầm lặng lẽ một mình trên những phòng học dài. Bác như một anh hùng lăn xả vào các chiến trường mà mỗi lúc bước vào là chiến trận hỗn độn mà khi bước ra là cả một thế giới bình yên.

Không có công việc nào là thấp kém, mọi việc dù nhỏ đến đâu thì những đóng góp của nó cũng mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Như bác lao công trường tôi, chăm chỉ cần mẫn với công việc của mình dù không ai biết đến nhưng nó đã mang đến cho chúng tôi cả một không gian thoáng mát.

Tả cô lao công – Mẫu 6

Bố mẹ em là giáo viên dạy thể dục nên từ nhỏ em đã được bố mẹ rèn luyện cho việc dậy sớm, đi tập thể dục ở công viên. Ngày nào cũng vậy 5h45 sáng đi tập thể dục em đều thấy bác Việt là lao công ở đó chăm chỉ, cần mẫn quét rác.

Em rất ấn tượng với bác lao công ấy. Bác đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn rất khỏe để làm việc. Người bác nhỏ nhỏ, hơi gầy, lưng bác bị gù xuống nhưng không phải chống gậy như bà em. Bộ quần áo lao động của bác màu xanh da trời thêm đôi ủng ngắn màu đen vừa vặn với thân hình. Bác hay đội cái mũ vải để khi mặt trời lên đỡ bị nắng. Mái tóc xoăn, ngắn nhưng vẫn rất đen chắc là bác đã nhuộm để những sợi bạc biến mất. Bác có làn da hơi đen mẹ em gọi là nước da bánh mật, để lộ lên đôi mắt sáng không cần đeo kính lão. Chân bác vẫn thoăn thoắt đi lại không có dấu hiệu bệnh người già, đôi tay vẫn nhanh nhẹn đưa cái chổi qua qua lại lại quét lá cây và rác đổ vào xe. Nếu có chai nhựa hay lon bia bác thường nhặt riêng vào một cái túi khác treo trên xe rác để bán đồng nát. Ngoài dụng cụ là cái chổi, hót rác và xe đẩy bác còn chuẩn bị cho mình một cái xẻng nhỏ phòng lúc cần đến lại không có. Dù là khi trời nắng hay mưa bác cũng luôn hoàn thành tốt công việc của mình.

Em thích nhất ở bác là nụ cười tươi, thân thiện với tất cả mọi người. Bác hay trò chuyện với các cô, các bác đi thể dục. Em cũng hay chào và nói chuyện với bác thường xuyên. Em rất quý bác lao công, mong bác luôn mạnh khỏe để giữ cho môi trường trong công viên luôn xanh, sạch, đẹp.

Tả cô lao công – Mẫu 7

Những chiến sĩ ở tiền tuyến chiến đấu đối mặt với quân thù để bảo vệ Tổ quốc. Những chiến sĩ ở mặt trận văn hoá hăng hái dạy và học để đào tạo nhân tài cho đất nước. Cũng vậy, những chiến sĩ thầm lặng của công cuộc xây dựng nước nhà, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp để môi trường thêm đẹp, thêm xinh. Các chiến sĩ trên mặt trận này là các cô, các chú công nhân vệ sinh của công ty Môi trường Đô thị.

Thường xuyên quét dọn đường ở khu phố của em là một cô công nhân tuổi chừng ba mươi lăm, ba mươi sáu. Cô có mái tóc đen và dài, kẹp gọn gàng một búi tròn sau gáy. Làn da ngăm ngăm không làm xấu cô một chút nào, nó tôn lên đôi mắt to, sâu, có cặp lông mi cong vút. Có lẽ do cặp mắt và làn da, khuôn mặt cô trông giống một phụ nữ Ấn Độ nhan sắc mặn mà. Dáng cô hơi gầy, người nhỏ nhắn. Cô mang khẩu trang dày màu xanh và mặc bộ đồ công nhân xanh, áo khoác ngắn tay màu cam có in dòng chữ “Công ty Vệ sinh Môi trường Đô thị”. Cô đi đôi găng tay to bè may bằng vải dày. Nhờ đôi găng tay bảo vệ, bàn tay cô không bị trầy xước. Với mái tóc cột gọn trong vành mũ bảo hộ, cô công nhân vệ sinh trông giống như một anh thợ mỏ đang chuẩn bị vào ca.

Từ mờ sáng, cả khu phố đã nghe tiếng chổi của cô quét xoèn xoẹt trên đường. Khi mọi người thức dậy, tíu tít lo công việc buổi sáng thì đường phố đã sạch bóng. Lá cây và rác được quét dọn thành năm, bảy đống. Cũng vào lúc ấy, một chú công nhân vệ sinh đẩy xe rác đi tới, cô dùng ki, hốt rác cho vào thùng xe rồi cùng chú công nhân đẩy xe đến đoạn đường khác. Cô công nhân cần mẫn quét đường giúp phố xá sạch đẹp, giữ gìn môi trường được trong lành, bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Công việc của cô thầm lặng nhưng hiệu quả của nó thật lớn.

Góp phần giữ gìn nhà ở, đường phố, nơi công cộng sạch đẹp là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân. Em nhiệt liệt ủng hộ phong trào giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời kêu gọi các bạn nhỏ đừng xả rác bừa bãi. Chúng ta hãy cùng với các cô chú công nhân giữ gìn đường phố sạch, thực hiện nếp sống văn minh. Đó là việc làm thiết thực tỏ lòng biết ơn các cô chú công nhân vệ sinh.

Tả cô lao công – Mẫu 8

Trong xã hội, mỗi người làm một nghề, công việc khác nhau. Có những nghề mà ai cũng biết đến và kính trọng như bác sĩ, giáo viên, công an nhưng bên cạnh đó có những người làm công việc mà không mấy ai để ý đến đó là các bác bảo vệ, các cô lao công,… Thực sự thì những người đó, họ rất đáng được coi trọng và được xã hội đề cao.

Trong một buổi chiều đi dạo với mẹ ở công viên thủ lệ, em đã đặc biệt chú ý đến chị công nhân đang dọn vệ sinh ở ven đường. Bởi chị ấy có điểm gì đó rất khác lạ. Trông chị khoảng ngoài 30 tuổi, dáng người đầy đặn phúc hậu. Chị mặc chiếc áo màu xanh công nhân, và chiếc quần bó ống cùng màu. Mặc dù bộ quần áo chị đang mặc đã bạc màu nhưng trông vẫn rất gọn gàng. Mái tóc của chị dài và đen óng giống như các thiếu nữ ngày xưa mà em đã từng xem trên phim ảnh. Chị buộc tóc cao lên đỉnh đầu thật gọn gàng. Trên đầu đội mũ bảo hộ lao động màu vàng tươi tắn. Mặc dù chị đeo khẩu trang nhưng em vẫn nhìn thấy làn da chị ngăm ngăm đen.

Ngày nào chị cũng dọn vệ sinh ngoài đường thì chắc chắn da chị không thể trắng như những người làm việc ở văn phòng. Nhưng da của chị ấy nhìn rất khỏe và đầy sức sống. Khi chị bỏ khẩu trang ra, em được nhìn tận mắt những nét đẹp trên khuôn mặt của chị. Mắt chị to, sáng lấp lánh, cặp lông mày đen và được tỉa gọn gàng. Đôi môi chị lúc nào cũng cười rạng ngời, qua nụ cười ấy em cảm nhận được chị rất thoải mái và vui vẻ với công việc mình đang làm. Bàn tay chị thoăn thoắt cầm chiếc chổi tre đưa đi đưa lại trên mặt đường, chị thu rác gọn vào một góc rồi sau đó hót rác vào thùng. Cứ đi được một đoạn, chị lại kéo cái xe đựng rác đi theo. Từng hành động được chị thực hiện rất nhanh và gọn. Chỉ một lát sau, mặt đường đã sạch sẽ và thoáng mát, không còn vương một chút lá khô hay thứ rác thải nào. Dù trời nắng hay mưa, ngày nào chị cũng cặm cụi, miệt mài với công việc.

Đọc thêm:  Cảm nhận của em về khổ thơ sau: "Dân chài lưới... dần trong thớ vỏ

Chị công nhân mà em vô tình gặp đã để lại trong em rất nhiều ấn tượng. Công việc chị làm rất có ý nghĩa cho xã hội và chị xứng đáng được mọi người tôn trọng. Em sẽ luôn cố gắng học tập để có thể làm được nhiều việc có ích cho xã hội giống như chị.

Tả cô lao công – Mẫu 9

Mỗi một ngành nghề lại có một nhiệm vụ và phục vụ ở những mặt khác nhau cho xã hội. Nếu những người thầy, thầy cô ươm mầm tri thức, nâng cao học vấn cho tuổi trẻ, bác sĩ chữa bệnh giúp mọi người, các kĩ sư xây nhà xây dựng những công trình phục vị đất nước, những nghệ sĩ làm tâm hồn con người đẹp đẽ và phong phú hơn,…thì những người lao công lại làm sạch cho cuộc sống này.

Nhiều người thường chê thậm chí khinh bỉ, miệt thị những người lao công vì công việc của họ nhưng tôi cho rằng chúng ta không nên có thái độ như vậy vì mỗi một ngành nghề có những cống hiến riêng, chỉ có điều cách cống hiến của họ là khác nhau.

Ở chỗ tôi ở, tối nào cũng có một cô lao công đi quét rác. Năm nay cô đã ngoài bốn mươi tuổi rồi. Dáng người cô dong dỏng cao và có phần hơi gầy. Nước da của cô đen sạm đi vì nắng, vì gió. Mái tóc cô đã có những sợi điểm bạc- bạc vì tuổi, bạc vì những vất vả, sương gió trong cuộc đời. Nhưng mắt cô lại rất đẹp và sáng, ánh mắt luôn ngập tràn những điều hi vọng và những ước mơ. Đặc biệt là khi cô cười, nụ cười của cô rất rạng rỡ và rất duyên, để lộ hàm răng trắng và đều tăm tắp như những hạt bắp.

Cô lao công ấy không chỉ duyên mà cô còn rất chăm chỉ làm việc. Bao giờ cũng vậy, buổi tối nào cô cũng quét rất đúng giờ và quét rất sạch. Tiếng chổi loẹt quẹt của cô vang lên trong con đường buổi tối yên tĩnh. Lúc cô làm việc, cô rất chú tâm và bao giờ cũng hoàn thành tốt công việc của mình. Cô lao động ấy không chỉ chăm chỉ mà còn rất tốt bụng. Có lần khi cô quét rác, nhặt được tiền của ai đó làm rơi, cô liền mang số tiền đó đến phường công an để trả lại cho người đánh mất. Có lần, tôi trò chuyện với cô, tôi hỏi cô rằng vì sao cô lại chọn nghề lao công thì cô đã không ngần ngại mà chia sẻ với tôi rằng: cô thấy mỗi nghề đều có lợi ích, đều cống hiến cho xã hội theo những cách riêng và mặc dù nhiều người không thích công việc này, cô vẫn rất vui vẻ và tự hào vì nhờ có cô và những người giống như cô mà mọi người mới có đường phố xanh- sạch- đẹp. Lời chia sẻ của cô khiến tôi càng trân trọng và yêu mến cô cùng bao người lao công khác hơn.

Những người lao công mãi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Hãy cảm ơn họ vì nhớ có họ, chúng ta mới được sống trong môi trường trong lành.

Tả cô lao công – Mẫu 10

Với em, người tốt là những người không ngại công việc vất vả vẫn cố gắng đóng góp cho mọi người. Cô lao công của trường em là người như vậy. Thời gian em gắn bó với ngôi trường cũng là ngần ấy thời gian em được nhìn thấy cô làm việc. Hình ảnh ấy luôn hiện hữu trong đầu em thật gần gũi dù em đã lên cấp hai và rời xa ngôi trường ngày ấy.

Cô lao công tên Vui, cái tên nói lên tính cách của cô nhưng cuộc đời cô thì không được vui vẻ, hạnh phúc như vậy. Năm nay có lẽ cô chừng 50 tuổi, mái tóc cô đã điểm hoa râm. Mặc dù cô thường đội chiếc nón rộng vành che kín cả nửa khuôn mặt và mái tóc nhưng mỗi lần cô nghiêng mình quét sân em vẫn thấy được mớ tóc trắng đen xen lẫn nhau như một áng mây trắng bồng bềnh giữa trời bị một vầng mây đen phủ lấy. Lúc trời mát mẻ, cô bỏ chiếc nón xuống và bới mớ tóc lên cao gọn gàng. Gương mặt cô không có gì đặc biệt, nếu không để tâm bạn có thể nhầm lẫn với gương mặt của các chị, các dì bán bánh, bán rau ở chợ. Một gương mặt sạm màu sương gió và những nếp nhăn của thời gian. Mặt cô tròn tròn, vầng trán nhô cao lúc nào cũng phất phơ những sợi tóc may bết lại bởi mồ hôi lấm tấm. Đôi mắt cô bé tí được che kín bởi hàng lông mi khá dài. Mỗi lần cười với chúng em, đôi mắt híp lại chỉ còn thấy hai vệt ngắn chạy trên gương mặt. Vậy mà em lại thích ngắm nhìn mắt cô bởi nó chứa đựng điều gì bí ẩn, vừa vui lại vừa buồn. Đôi lông mày khá dày và dài uốn cong như một chiếc cầu nhỏ bắc trong vườn, chỉ có điều chiếc cầu này đã qua bao nhiêu năm không được tô điểm nên nó đã già đi rất nhiều. Cô Vui có một khuôn miệng rộng và nụ cười rất tươi. Ở cái tuổi xế chiều nhưng cô vẫn thích đùa giỡn cùng lũ trẻ chúng em. Mỗi lần nhìn chúng em tập hát trong lớp, cô lại hát theo giai điệu, nhìn miệng cô ngân nga em nghĩ cô còn rất trẻ, trẻ như cô giáo dạy nhạc của chúng em.

Có thể vì lớn tuổi nên dáng cô cũng mập mạp như dáng của các bác ở gần nhà em. Mặc dù vậy cô vẫn nhanh nhẹn với những bước chân chắc chắn. Đôi chân chẳng ngại sân trường nóng bức vào những trưa nắng hay lúc sân trường ngập nước mưa thì cô vẫn thoăn thoắt lau chùi, quét dọn. Cô hay mặc bộ quần áo công nhân quét dọn, thỉnh thoảng lại thay bằng bộ quần bà ba đã sờn cũ. Mỗi lần nhìn cô Vui mặc bà ba màu cà, em lại nhớ đến bà em ở quê, bà vẫn thích nhất mặc bà ba màu tím. Bàn tay cô to bè, các ngón tay dài và chai sạn vì lúc nào cũng lao động. Em nghe các cô giáo bảo ban đêm về nhà cô còn phụ rửa chén cho một quán cơm gần nhà. Cô phải làm việc vất vả để nuôi một người mẹ già bệnh tật và đứa cháu mồ côi đang tuổi đi học. Cô không có chồng, không có con nên cô thường nói nhìn chúng em vui chơi, học bài cô cảm thấy vui như đang ngắm con cháu mình chăm chỉ vậy. Em nhớ mấy lần trời mưa lớn lắm, ngập cả sân trường, bọn học trò ướt lướt thướt đang đứng đợi mẹ đến đón. Lúc ấy em chỉ là cô học trò lớp Một còn xa trường lại lớp nên rất lo sợ. Em đứng khóc vì không thể ra ngoài đón mẹ. Cô Vui lại gần em và nói “Lại đây con gái, mẹ đang đợi ở cổng, lại đây, lên lưng cô cho quá dang”. Cô mỉm cười vẫy em lại. Cô khom người xuống và giúp em trèo lên lưng cô, cô cõng em lội qua sân ngập quá gối, mưa vẫn rơi sao lòng em thấy ấm. Cũng vì lần ấy em cảm thấy cô thật gần gũi, hiền lành như bà như dì em vậy.

Đã lâu rồi em không có dịp về trường thăm mái trường, thăm thầy cô và thăm lại cô Vui. Chắc cô vẫn còn ở đấy, ngày ngày tiếng chổi tre xào xạc qua cửa lớp, vẫn nở nụ cười động viên những đứa học sinh nhút nhát và cũng sẽ dang đôi tay dắt chúng em đến với mẹ. Em mong sao cho cô luôn khỏe mạnh để vui cùng mỗi thế hệ học sinh.

Tả bác lao công

Tụi học sinh chúng tôi hầu như chẳng ai quan tâm đến bác lao công. Nhưng không phải vì ghét bác mà là vì hầu như chúng tôi chẳng gặp bác bao giờ. Mỗi buổi sáng khi chúng tôi đến lớp, lớp đã sạch như lau cứ như chuyện cô Tấm trong quả thị vậy. Nhưng riêng đối với tôi, ấn tượng về bác lao công thật là đặc biệt. Tất cả bắt đầu từ cái ngày chúng tôi được phân công đi lao động.

Sáng hôm ấy, sau buổi học, cô chủ nhiệm dặn chúng tôi buổi chiều đi lao động để chuẩn bị cho ngày 26/3. Buổi chiều cô có việc bận nên các em phải tự lao động theo sự phân công. Ăn trưa xong thế là tụi tôi lại vội vã đạp xe rủ nhau mang dụng cụ đến trường. Dù đến sớm nhưng vốn ham chơi, tụi con gái chúng tôi chẳng ai bảo ai quây ngồi thành một vòng tròn đủ chuyện trên trời dưới biển. Còn tụi con trai, trước khi đi đã thủ sẵn quả bóng da. Thế là đến trường các bạn đua nhau lao vào quả bóng. Sân trường buổi chiều vắng lặng chẳng có ai nên tụi tôi tha hồ đùa nghịch, la hò ầm ĩ mà chẳng ai nghĩ đến công việc phải làm. Tụi con trai còn đá bóng làm gãy cả một cành cây cảnh.

Thoáng cái đã hết quá nửa buổi chiều, lúc ấy bạn lớp trưởng mới chợt nghĩ đến nhiệm vụ được giao. Thế là chúng tôi mới cuống quýt ai làm việc nấy. Nhưng lạ thay! Khi xách nước đến những ô cửa kính để lau những vết bụi và vết bẩn lâu ngày thì chúng tôi bị phát hiện ra, các ô cửa kính đều đã được lau rất sạch. Quay sang khu hiệu bộ, chúng tôi lại thấy toàn bộ khu làm việc cũng đã được quét sạch bong. Chưa kịp hiểu ra ai đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc thì từ xa, tôi đã thấy bác lao công đi tới. Đáp lại lời chào của chúng tôi, bác hiền hậu mở lời:

‐ Chào các cháu! Các cháu đi lao động phải không?

Bạn lớp trưởng chưa kịp trả lời, bác lao công lại tiếp:

‐ Thấy các cháu đang chơi vui vẻ, tiện tay bác đã giúp các cháu lo xong công việc ngày mai. Bác sợ các cháu làm không xong sẽ ảnh hưởng đến ngày kỷ niệm.

Lúc ấy, bạn lớp trưởng mới thưa:

‐ Chúng cháu cảm ơn bác rất nhiều! Chúng cháu ham chơi quá!

‐ Tuổi của các cháu là tuổi chơi, tuổi học nhưng các cháu cần nhớ khi đã được giao công việc phải chú ý để hoàn thành. Tiện đây bác cũng nhắc nhở các bạn nam, từ lần sau không được đá bóng ở sân trường vì sẽ làm hỏng cây xanh.

Chúng tôi ngoan ngoãn gật đầu rồi ra về trong lòng thầm cảm ơn bác lao công. Bác đã dạy chúng tôi bài học đầu tiên về lao động. Từ ngày ấy, các bạn lớp tôi quý trọng bác lao công lắm. Mỗi lần đi lao động hay có dịp được gặp mặt bác lao công, tụi tôi lại xúm quanh bác hỏi chuyện như những đứa con lâu ngày mới gặp lại cha mình.

Đọc thêm:  Nghị luận Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt (6 Mẫu) - Văn 12

Tả bác lao công đang làm việc

Bác Sơn làm công việc quét dọn trường đã mấy chục năm nay. Bao năm qua bác đều làm việc rất chăm chỉ và cẩn thận. Chưa bao giờ bác để sân trường lớp học bụi bẩn cả.

Vào mỗi buổi sáng, khi ông mặt trời còn chưa chịu mở mắt, bác đã thức dậy bắt đầu công việc của mình. Tay cầm chiếc chổi tre cán dài, bác quét sân nhanh thoăn thoắt. Đường chổi bác vung đến đâu là lá khô và rác rưởi bay hết đến đấy. Chỉ một loáng sau bác đã vun hết rác vào một góc sân. Rồi bác dùng hót rác xúc đổ vào xe rác đặt ở cuối sân trường. Sân trường sạch sẽ rồi, bác đi kiểm tra lại một lượt các phòng đã sạch chưa, ngó xem bình nước uống còn hay hết. Nếu hết bác nhanh chân xuống bếp đổi cho bình khác.

Cuối cùng, khi trời đã sáng rõ, bác trở vào bếp đun nước, rửa và tráng ấm chén rồi pha chè. Khi các cô giáo đến bao giờ cũng, có một ấm chè nóng đang chờ sẵn.

Công việc của bác tuy nhiều nhưng bác làm rất nhanh và khoa học. Chẳng bao giờ bác để ai chê trách gì mình. Bất kể mùa đông rét mướt, mùa hè oi bức, bất kể ngày nắng hay ngày mưa bác đều hoàn thành công việc trước khi tiết học đầu tiên bắt đầu.

Công việc bác làm tuy thầm lặng nhưng rất cao cả và có ý nghĩa. Em và các bạn luôn thầm cảm ơn bác lao công đã giúp chúng em có được không gian học tập trong sạch và thoáng mát.

Tả bác lao công ở trường em

Một buổi sáng hơn một năm về trước, tôi đến trường sớm hơn mọi hôm, chắc không có gì đặc biệt nếu tôi không bắt gặp cảnh tượng ấy. Một cảnh tượng có thể đối với mọi người rất quen nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp.

Một người đàn ông chắc đã gần 60 tuổi, mái tóc điểm bạc gần hết với khuôn mặt khắc khổ đượm màu thời gian đang gánh hai thùng nước đã đun sôi để nguội lên tầng hai để đổ vào những chiếc bình ở hành lang của mỗi tầng. Đây sẽ là nguồn nước uống cho những học sinh như chúng tôi thỏa cơn khát sau những giờ học căng thẳng. Không biết tôi có phải là người nhạy cảm hay không mà cảnh tượng đó cứ in hằn trong tâm trí của một cô gái mới lớn cho đến tận bây giờ. Bác gánh hai thùng nước từng bước, từng bước lên cầu thang rồi từ từ đổ nước vào bình. Rồi từ hôm đó tôi đi học sớm hơn và quan sát các công việc bác làm rất tỉ mỉ, cẩn thận. Có lẽ mãi sau này tôi cũng không bao giờ quên được điều đó! Thời gian trôi qua, giờ đây tôi đã là một học sinh sắp phải rời xa mái trường THCS Bình Gia thân yêu để tiếp tục bước đi trên con đường tương lai của mình ở những giảng đường đại học. Vì vị trí lớp học của tôi ở chỗ khuất nên ít khi tôi thấy bác, đó có lẽ là thiệt thòi đối với tôi chăng? Thi thoảng tôi mới thấy bác khi tôi học môn thể dục hoặc có việc của lớp phải vào phòng hành chính. Vẫn đôi bàn tay ấy với những công việc quen thuộc, rất cần mẫn, cẩn thận từng chút một. Nếu tôi chỉ bắt gặp hình ảnh đó một lần thì có lẽ tôi đã không nghĩ về bác nhiều đến thế. Trong suốt thời gian tôi học ở trường đến bây giờ, ngày nào cũng vậy bác cứ đi, từng bước một trên con đường riêng của mình và làm những công việc có ích cho tất cả mọi người mà ít ai biết đến. Bác với chiếc xe đạp cũ kĩ, thô sơ của mình ngày ngày vẫn đến trường chăm sóc khuôn viên nhà trường. Dù tiết trời có chuyển từ nắng nóng sang mưa rào thì bác vẫn luôn có mặt để làm đẹp cho trường. Khi trời nắng rát bỏng người, vẫn dáng người ấy cùng với chiếc xe đạp ấy, bác vẫn đi. Rồi những khi mưa phùn gió bấc, vẫn dáng người ấy, chiếc xe đạp ấy, bác vẫn đi.

Hình ảnh bác lặng lẽ lau chùi từng căn phòng, từ phòng hành chính, phòng chờ của thầy cô, rồi đến phòng hội đồng và các lớp học. Có lẽ những kẻ căm ghét bác duy nhất là lũ vi khuẩn và bụi bẩn, có bàn tay của bác là chúng không có chốn dung thân. Hôm nào cũng vậy, bác đến sớm hơn mọi người, lặng lẽ lau chùi ở các căn phòng, đun nước pha trà sẵn… Bác đi qua khu nhà vệ sinh của học sinh phía đằng sau dãy nhà ba tầng, nếu còn thấy bẩn, bác dọn dẹp vệ sinh lại cho sạch sẽ. Có lẽ bác là người ra về muộn nhất, khi đã hoàn tất các công việc ở trường, với chiếc xe đạp cũ – người bạn đường của bác, bác lại lặng lẽ ra về. Phải chăng người hiểu và biết rõ ngôi trường này chính là bác. Bác nhớ từng gốc cây, hòn sỏi và lối mòn, bác nhớ từng ô cửa, viên gạch. Viên nào vỡ, ô cửa nào nứt là bác lại kịp thời báo cáo với nhà trường để sửa chữa ngay. Có lần lớp tôi học lâm sinh, giờ thực hành cả lớp phải ra vườn cuốc đất để gieo mầm sự sống, bác là người đã ra tận vườn chỉ bảo chúng tôi cách cuốc, tránh cuốc vào ống dẫn nước ngầm ở dưới lòng đất.

Công việc của bác lao công làm đã giúp ích cho nhà trường rất nhiều, vậy mà hình như rất ít người biết đến bác. Ban đầu tôi cũng chưa biết bác tên là gì, tôi đã hỏi bạn bè trong trường nhưng cảm tưởng như chẳng ai quan tâm đến vấn đề tôi đang hỏi. Một người hết lòng chăm lo cho ngôi trường, lặng lẽ đi trên con đường với biết bao mong ước về một ngôi trường xanh – sạch – đẹp. Nhiều lúc tôi bắt gặp những bạn học sinh không biết vô tình hay cố ý vặn vòi lấy nước trong bình để rửa tay, họ không biết hay cố tình không biết rằng mỗi sáng có một người đến trường sớm hơn họ gánh những thùng nước vượt qua từng bậc thang, mồ hôi lã chã rơi, để họ có thể uống sau những giờ học mệt mỏi. Vậy mà…

Trước hành động đó tôi cảm thấy rất bức xúc nhưng giờ đây tôi tự trách mình khi chỉ biết đứng nhìn và lắc đầu, tôi đã không ngăn lại hành động vi phạm nội quy, vi phạm đạo đức đó chỉ vì tính cách nhút nhát của mình. Nếu như mọi người bảo rằng bác làm những công việc nặng nhọc đó chỉ vì tiền thì có lẽ đó là một lời nhận định ngớ ngẩn. Bác làm những công việc đó không đơn giản đó là một việc để làm mà nó xuất phát từ trái tim, tình yêu thương với mái trường và những mầm non của đất nước.

Bác là người đã từng xung phong ra mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Khi nghỉ chế độ, trở về với cuộc sống đời thường, trên ngực áo của bác rất nhiều huân huy chương. Nhưng cuộc sống xô bồ thời mở cửa mấy ai còn nghĩ đến những điều trong quá khứ máu lửa ấy nữa.

Nếu bạn sống vội vã, không cảm nhận những gì đang diễn ra xung quanh thì bạn sẽ chẳng bao giờ phát hiện, khám phá và nhận ra những gì mà mình cần phải quý trọng và trân trọng những gì đang có. Tôi gọi bác là bác lao công bởi lẽ những công việc bác làm đích thực là việc của người lao công thực thụ nhưng không vì lẽ đó mà tôi khinh thường bác, ngược lại tôi càng kính trọng khâm phục bác nhiều hơn. Nhớ lại bài học về hình ảnh “Chị lao công đêm đông quét rác” giờ đây tôi càng thấm thía bài học làm người. Có những con người hi sinh thầm lặng không đòi hỏi gì hơn nhưng thế giới xung quanh thì lại quá thờ ơ, vô tâm. Quả thực đó mới là “Sống trong cát chết vùi trong cát, những trái tim như ngọc sáng ngời” và những con người đó “đã làm nên đất nước” ngày hôm nay. Có nhiều người coi thường công việc mà bác làm, cho rằng đó là một công việc hạ đẳng nhất trong xã hội nhưng với tôi thì khác. Công việc mà bác đang làm là một trong những công việc cao quý, bởi lẽ bác đã lặng thầm góp phần vào việc giữ gìn khuôn viên sạch đẹp của trường. Thành công của ngôi trường ngày hôm nay không chỉ có công của các thầy cô mà một phần nào đó có sự âm thầm góp công của những người như bác. Qua nhiều lần hỏi mọi người mà không ai biết, tôi mạnh dạn trực tiếp hỏi bác. Bác chỉ mỉm cười, một nụ cười thân thiện rồi nhẹ nhàng trả lời:

– “Cháu cứ gọi bác là bác lao công được rồi”.

Tôi thưa rằng:

– “Nhưng cháu muốn biết tên bác để sau này còn kể cho mọi người nghe câu chuyện về một con người đáng kính”.

– “Có gì đâu hở cháu! Nhà sạch thì mát, trường sạch thì bác mới yên tâm”.

Bác lao công từng ngày, từng ngày vẫn lặng lẽ chăm sóc khuôn viên trường. Có lần trong khi dọn vệ sinh, bác đã nhặt được một chiếc ví trong đó có hơn ba trăm nghìn. Bác vội vã đem chiếc ví nộp cho văn phòng Đoàn trường để trả lại cho người đánh mất. Thì ra chiếc ví đó là của một bạn học sinh mang tiền đi nộp học.

Tôi băn khoăn mãi về tên của bác rồi đem chuyện này nói với cô giáo chủ nhiệm, cô cười thật tươi trả lời tôi rằng:

– “Em là một học sinh ngoan, biết trân trọng những gì nhỏ bé nhất. cô rất vui vì có một người học trò như em. Hi vọng rằng tình cảm của em sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng trường học của chúng ta. Đó thực sự là một tấm gương người tốt việc tốt đáng để chúng ta noi theo em ạ! Bác ấy là bác Thành.”

Sáng nay tôi đi học sớm hơn chỉ để bắt gặp cảnh tượng như ngày nào. Vẫn bóng dáng ấy, vẫn mái đầu đã quá nửa bạc trắng với những công việc quen thuộc, bác đến trường và làm, lặng lẽ và âm thầm… Tôi cảm thấy tự hào về bác lao công trường tôi, bác Thành! Và giờ đây tôi có thể nói với mọi người rằng có một câu chuyện sẽ trở thành bài học làm người song hành cùng “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long, đó là “Lặng lẽ bác lao công”.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button