Tác hại của rượu bia đến cơ thể
Bất chấp những tác hại của rượu bia, nhiều người xem rượu bia là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù ai cũng từng nghe đến việc uống rượu bia không tốt cho sức khỏe nhưng đều bỏ qua hoặc không xem đó là điều gì nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê ra những tác động của rượu bia đối với cơ thể khiến bạn phải suy nghĩ trước khi nhậu nhẹt quá đà.
Uống nhiều rượu bia có hại cho sức khỏe
Ethanol là chất kích thích thần kinh được tạo ra bởi các loại men tiêu hóa đường trong thực phẩm giàu carbohydrate, tiêu biểu là nho sử dụng để làm ra rượu và ngũ cốc được dùng để làm ra bia. Ethanol có trong rượu bia làm giảm khả năng phán đoán và thúc đẩy hành vi bộc lộ cảm xúc của con người.
Uống ít rượu bia có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng khi bạn thường xuyên uống rượu bia trở thành say xỉn thì hành vi đó cực kỳ có hại. Rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe tinh thần mà nó là nguyên nhân thúc đẩy hàng loạt các loại bệnh về tiêu hóa, tim mạch, xơ gan, tiểu đường và cả ung thư.
1. Rượu bia làm tăng chất béo nội tạng
Rượu bia làm tăng lượng mỡ nội tạng
Lượng calo có trong bia tương tự như nước ngọt và calo có trong rượu còn nhiều hơn thế. Rượu bia làm người ta ăn nhiều hơn và làm giảm động lực tập thể dục, từ đó gây ra tăng cân béo phì.
Càng uống nhiều rượu bia thì vòng eo càng to. Nhiều người nghĩ rằng nó chỉ đơn giản là mỡ bụng, nhưng thứ nguy hiểm hơn chính là lượng chất béo bên trong khoang bụng của bạn. Chất béo nội tạng được nhận biết bằng việc bụng tròn nhô ra phía trước, nó bao quanh các cơ quan nội tạng, là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý như gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tiểu đường, đau tim và đột quỵ.
2. Rượu bia gây xơ gan
Gan là cơ quan quan trọng của cơ thể, có chức năng chuyển hóa và trung hòa các chất độc hại từ bên ngoài giúp bảo vệ cơ thể, bao gồm cả rượu bia. Sử dụng rượu bia lâu dài có thể làm tăng chất béo trong tế bào gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ được phát hiện ở 90% những người uống nhiều hơn 15ml rượu mỗi ngày.
Đồng thời, khi gan phải tăng cường hoạt động để chuyển hóa rượu có thể làm chức năng gan suy yếu, dẫn đến chất độc tích tụ trong cơ thể. Uống rượu nhiều có thể khiến gan bị viêm mạn tính, dẫn đến xơ gan. Xơ gan là yếu tố nguy cơ rất cao dẫn đến ung thư gan.
3. Rượu bia làm tăng lượng đường trong máu
Tuyến tụy đóng vai trò sản xuất isulin và glocagon – hormone điều chỉnh lượng đường thích hợp trong máu và tế bào. Uống quá nhiều rượu có thể gây kích hoạt bất thường các enzym tiêu hóa trong tuyến tụy, kích thích các tế bào tuyến tụy và gây ra viêm tụy. Viêm tụy làm giảm sản xuất isulin dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng uống một ít rượu có thể tăng cường sự hấp thụ đường trong máu. Nhưng uống quá nhiều rượu thì đem lại hiệu quả ngược lại, có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường.
4. Rượu bia tác động xấu đến hệ thần kinh
Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông
Rượu bia có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống thần kinh và não. Khi uống rượu, cơ thể khó duy trì cân bằng và sự tỉnh táo. Đó là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông do rượu, đặc biệt tăng cao trong các dịp lễ tết.
Nhưng say rượu chỉ là tạm thời, nếu lạm dụng rượu quá mức còn gây ra những tác động có hại đến não, gây tổn thương não vĩnh viễn, làm suy giảm chức năng não. Một số tác hại như tình trạng mất trí nhớ, co rút não ở người trung niên và lớn tuổi. Ở những người nghiện rượu nặng, thùy trán thường là vùng tổn thương dẫn đến việc khó kiểm soát cảm xúc, giảm khả năng ghi nhớ và phán đoán, làm suy giảm khả năng hoạt động của cơ thể.
5. Rượu bia gây ung thư hệ tiêu hóa
Trong nhiều trường hợp, một người nghiện rượu có thể trở nên gầy gò bởi vì rượu bia đi vào đường tiêu hóa ngăn cản quá trình tiêu hóa thức ăn và làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người nghiện rượu ăn rất ít cũng dẫn đến tình trạng suy sinh dưỡng.
Ở thời gian đầu, uống nhiều rượu bia chưa gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nhưng khi uống nhiều rượu bia hơn, chúng sẽ gây tổn thương lớp niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng. Ảnh hưởng ban đầu có thể xảy ra là: đầy hơi, cảm giác khó chịu bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, tình trạng loét hoặc trĩ, chảy máu trong đường tiêu hóa.
Uống rượu trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng, vòm họng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng. Nhất là khi một người vừa hút thuốc vừa uống rượu, nguy cơ ung thư càng cao.
6. Rượu bia gây bệnh tim mạch
Theo một số nghiên cứu, uống 1 ly rượu mỗi ngày có thể đem lại tác động tích cực cho tim mạch. Nó có thể làm tăng mức cholesterol HDL “tốt” trong máu, giảm huyết áp, giảm nồng độ fibrinogen trong máu (một chất tham gia tạo cục máu đông), giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường – yếu tố nguy cơ của bệnh tim, giảm căng thẳng và lo lắng tạm thời. Song điều này vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.
Nhưng uống nhiều rượu bia gây ảnh hưởng đến tim mạch là điều đã và đang xảy ra. Những người lạm dụng rượu có nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn những người không uống. Rượu bia gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, suy tim, các cơn đau tim và đột quỵ.
7. Rượu bia làm giảm sức khỏe sinh sản và tình dục
Uống nhiều rượu bia làm giảm ham muốn tình dục
Một ít rượu có thể khiến bạn thấy thoải mái và có cảm hứng hơn. Nhưng uống quá nhiều rượu là nguyên nhân gây rối loạn cương dương ở nam giới và làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ.
Rượu bia có thể ngăn cản sản xuất hormone giới tính và làm giảm ham muốn tình dục. Nó gây ra rối loạn kinh nguyệt ở nữ và giảm chất lượng tinh trùng ở nam. Rượu bia cũng cực kỳ có hại trong thai kỳ vì nó làm tăng nguy cơ sinh non, sẩy thai hoặc thai chết lưu. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe sinh sản, không nên uống nhiều rượu bia, đặc biệt là phụ nữ.
8. Rượu bia làm suy giảm hệ miễn dịch
Những người uống nhiều rượu bia dễ bị bệnh hơn, nhất là những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Lý do là vì rượu bia có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể, khiến cơ thể khó chống lại vi rút và vi khuẩn xâm nhập.
9. Rượu bia gây rối loạn sức khỏe tâm thần
Một số căng thẳng trong cuộc sống hoặc mâu thuẫn trong các mối quan hệ có thể khiến một người lạm dụng rượu. Nhiều người bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm chọn uống rượu để cải thiện tâm trạng. Trên thực tế, nó có thể giúp ích trong vài giờ đầu, nhưng khi kéo dài nó sẽ khiến sức khỏe tâm thần trầm trọng hơn. Ở chiều ngược lại, lạm dụng rượu có thể tác động xấu đến chất lượng cuộc sống và gây ra trầm cảm.
Nghiêm trọng hơn, nếu lạm dụng rượu trong thời gian dài bạn sẽ bị lệ thuộc vào rượu cả về thể chất và cảm xúc. Khi bạn có cảm giác thèm rượu, không thể kiêng hoặc kiểm soát được lượng rượu mình uống, nó được gọi là chứng nghiện rượu. Khi nghiện rượu, việc bỏ nó là hết sức khó khăn và phải nhờ vào sự giúp đỡ của chuyên gia để xóa bỏ cơn nghiện.
Việc cai nghiện rượu rất khó chịu vì nó gây ra nhiều triệu chứng như:
– Lo lắng
– Buồn nôn
– Tăng huyết áp
– Tăng nhịp tim
– Đổ mồ hôi nhiều
– Có thể xuất hiện trạng thái co giật, ảo giác và mê sảng.
Có thể ở hiện tại bạn không thấy được tác hại của rượu bia, nhưng về lâu dài những hệ lụy mà nó gây ra là không thể lường trước được. Vậy nên không uống rượu bia là một trong những cách để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống tương lai của bạn.
Nếu bạn không thể kiêng rượu bia hoàn toàn thì chỉ nên uống rượu bia trong giới hạn. Ở nam giới, mỗi ngày uống nhiều nhất là 01 lon bia 330ml (độ cồn 5%) hoặc 100ml rượu vang (độ cồn 12%) hoặc 40ml whisky (độ cồn 40%). Phụ nữ nên uống ít hơn. Nếu bạn hoặc người thân gặp khó khăn trong việc bỏ rượu thì hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được giúp đỡ cai nghiện thành công.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!