Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – tác giả, nội dung, bố cục, tóm

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả – tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.

A. Nội dung tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Tác phẩm đã nêu ra bình luận cụ thể về những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách và thói quen của người Việt Nam, từ đó, đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam phải khắc phục điểm yếu để bước vào thế kỉ mới

B. Đôi nét về tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

1. Tác giả: Vũ Khoan

– Nhà hoạt động chính trị.

– Nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

– Từng là Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Đầu năm 2001, thời điểm mở đầu thế kỉ XXI khi dân tộc ta đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn là đưa nước ta đi vào công nghiệp hóa, vượt qua tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

b. Bố cục

– Luận điểm chính: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt trước khi bước vào nền kinh tế mới.

– Tác giả đã lập luận chặt chẽ bằng hệ thống các luận cứ:

+ Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người.

+ Bối cảnh của thế giới hiện nay và những mục tiêu nặng nề của đất nước.

+ Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam.

+ Kết luận.

c. Ý nghĩa nhan đề

– Hành trang ở đây được dùng với nghĩa những giá trị tinh thần mang theo như tri thức, kĩ năng, thói quen…

– Thế kỉ mới: Thế kỉ XXI

  • Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là sắp sẵn những phẩm chất trí tuệ, kĩ năng, thói quen để tiến vào thế kỉ XXI.

d. Giá trị nội dung

Bài viết bàn về những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách và thói quen cuả người Việt Nam, nêu yêu cầu phải khắc phục điểm yếu, hình thành những đức tính và thói quen tốt khi đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thế kỉ mới.

e. Giá trị nghệ thuật

+ Ngôn ngữ báo chí, gắn với đời sống, cách nói trực tiếp, dễ hiểu, giản dị.

+ Sử dụng cách so sánh: người Nhật, người Hoa trong cùng một sự việc, hiện tượng xong lại có các thói quen và ứng xử – khác nhau.

+ Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao cụ thể, sinh động.

C. Sơ đồ tư duy Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

D. Đọc hiểu văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

1. Ý nghĩa ra đời của bài viết

– Bài viết ra đời vào đầu năm 2001, thời điểm chuyển giao giữa 2 thế kỉ, hai thiên niên kỉ – thời điểm bắt đầu một chặng đường mới.

Đọc thêm:  Chuyện về người con gái còn sót lại của Nguyễn Trãi

– Luận điểm cơ bản của bài viết được nêu ra ngay trong câu mở đầu: Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.

Vấn đề ấy không chỉ có ý nghĩa thời sự trong thời điểm chuyển giao thế kỉ, mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với quá trình đi lên của đất nước. Bởi vì, nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu là điều kiện hết sức cần thiết để phát triển đối với mỗi người và mọi dân tộc. Điều đó lại càng cần thiết với dân tộc ta khi thực sự đi vào công cuộc xây dựng, phát triển trong xu thế hội nhập, trong nền kinh tế có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

  • Vấn đề nêu trực tiếp, rõ, ngắn gọn, có ý nghĩa thời sự và lâu dài trong quá trình đi lên của đất nước.
  • Trình tự lập luận của bài viết

a) Luận cứ 1: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị của bản thân con người

Đây là luận cứ quan trọng mở đầu cho cả hệ thống luận cứ của văn bản. Nó có ý nghĩa đặt vấn đề, mở ra hướng lập luận của toàn văn bản. Luận cứ này dựa trên hai lí lẽ:

+ Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử.

+ Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.

Con người sáng tạo ra lịch sử, những phát minh, sáng kiến vĩ đại, kì diệu đều là của con người… Vì vậy, trong thế kỉ mới – thế kỉ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự hội nhập kinh tế toàn cầu, chủ nhân vẫn là con người nên sự chuẩn bị bản thân con người lại càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn.

=> Bằng lí lẽ sắc sảo, logic, tác giả đã cho ta thấy vai trò, vị trí của con người trong quá trình tiến hóa của nhân loại và dân tộc Việt Nam. Quan điểm xác đáng được tác giả rút ra trên cơ sở khoa học, thực tiễn cụ thể.

b) Luận cứ 2: Bối cảnh thế giới và mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước

– Bối cảnh hiện nay: Một thế giới khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại, sự giao thoa hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế.

– Nước ta phải đồng thời giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đồng thời phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

=> Hệ thống lý lẽ chặt chẽ thể hiện những định hướng phát triển với mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong hoàn cảnh mới.

c) Luận cứ 3: Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam

+ Thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành;

+ Cần cù, sáng tạo nhưng thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương;

+ Có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nhất là trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng lại thường đố kị nhau trong làm ăn và trong cuộc sống thường ngày;

+ Bản tính thích ứng nhanh, nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen và nếp nghĩ, kì thị kinh doanh, quen với bao cấp, thói sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức, thói “khôn vặt”, ít giữ chữ “tín”.

Đọc thêm:  Biện pháp tu từ trong bài ca dao Khăn thương nhớ ai - HOC247

=> Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đòi hỏi mọi người phải nhìn rõ cả điểm mạnh và điểm yếu của dân tộc, có sự thôi thúc vươn lên, vứt bỏ những cái yếu kém, vượt qua những hạn chế để sánh vai được với những đất nước phát triển, văn minh, tiến bộ. Thái độ của tác giả là tôn trọng sự thực, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, không thiên lệch về một phía, khẳng định và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt yếu kém, không rơi vào sự đề cao quá mức hay tự ti, miệt thị dân tộc.

Từ ba luận cứ được triển khai rất chặt chẽ nói trên, tác giả kết thúc bài viết bằng việc nêu lên yêu cầu đối với thế hệ trẻ: Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

E. Bài văn phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

“Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” là bài báo của Vũ Khoan, lần đầu được giới thiệu trên báo Tia sáng năm 2001. Tác giả là một trong những gương mặt mới của bộ phận lãnh đạo đất nước ta trong thời kì đổi mới, hội nhập. Đối tượng đối thoại là “lớp trẻ Việt Nam”, những chủ nhân của đất nước ta trong thế kỉ XXI, thế hệ nối bước ông cha, gánh trên đôi vai mình sứ mệnh lịch sử vô cùng nặng nề là xây dựng Việt Nam trở nên giàu mạnh cường thịnh. Có thể xem câu văn đầu bài luận đã nêu lên ý tưởng chủ đạo của bài luận văn: “Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới”.

Tác giả đặt vấn đề và khẳng định: chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất trong những hành trang mà đất nước ta phải có và cần có. Bởi lẽ con người, từ cổ chí kim “vẫn là động lực phát triển của lịch sử”, “vai trò con người lại càng nổi trội” trong thế kỉ XXI khi nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ. Phải chuẩn bị những cái cần thiết trong hành trang mang vào thế kỉ mới khi mà “sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ…”, khi mà “dưới tác động của những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều!”. Vấn đề thời cơ và thách thức được Vũ Khoan nêu lên và giải thích một cách khúc chiết, sáng tỏ.

Tiếp theo, tác giả nêu lên 3 nhiệm vụ: một là, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; hai là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ba là phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức. Và Vũ Khoan chỉ rõ: “Làm nên sự nghiệp ấy đương nhiên là những con người Việt Nam với những điểm mạnh và điểm yếu của nó”. Có thể nói: Ý chí tự lực tự cường, tinh thần đổi mới hội nhập, và cái nhìn tỉnh táo là tư tưởng bao trùm phần đầu bản luận văn này. Phần thứ hai, tác giả lần lượt nêu lên, giải thích và bình luận những điểm mạnh, những điểm yếu của con người Việt Nam.

Đọc thêm:  Đọc hiểu Cách sống từ điều bình thường trở nên phi thường

Cái mạnh của con người Việt Nam là “sự thông minh sáng tạo”, bản chất tốt đẹp ấy “rất có ích” trong xã hội mới, khi mà “sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu”. Trong cái mạnh đó, dân trí ta lại có “những lỗ hổng kiến thức cơ bản”, “khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế”. Nguyên nhân là do “thiên hướng chạy theo những môn học thời thượng”, “do lối học chay học vẹt nặng nề”. Nếu “không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này”, khắc phục những điểm yếu này “thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng”.

Cái mạnh nữa của dân ta là “sự cần cù sáng tạo” nhưng trong cái mạnh ấy, “lại ẩn chứa những khuyết tật” của con người sản xuất nhỏ như “thiếu đức tính tỉ mỉ”, hành động theo phương châm “nước đến chân mới nhảy ” (thiếu nhìn xa trông rông, còn bị động), “liệu cơm gắp mắm” (làm ăn kiểu cò con, dễ dãi); “chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương”. Ngay như bản tính “sáng tạo” cũng chỉ “loay hoay “cải tiến”, làm tắt, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ.

Truyền thống lâu đời “đùm bọc, đoàn kết “của nhân dân ta, làm nên sức mạnh Việt Nam để chiến thắng ngoại xâm, để bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng do ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, dân ta lại mang nhiều cái yếu cố hữu như: tính đố kị, lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn “(ghen ghét tài năng), tự do tùy tiện, thường đố kị nhau. Con người Việt Nam còn có nhiều điểm yếu khác nữa như thái độ kì thị đối với sự kinh doanh, thói quen ảnh hưởng sự bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức. Không ít người lại có thói quen: “khôn vặt”, “bóc ngắn cắn dài”, không coi trọng chữ “tín”. Những cái yếu ấy, những thói quen xấu ấy, theo tác giả “sẽ gây tác hại khôn lường trong quá trình kinh doanh và hội nhập”.

Phần cuối bài báo, Vũ Khoan nêu lên hai điều kiện khi đất nước ta, nhân dân ta bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì phải:

– Một là, phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu.

– Hai là, hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là một văn bản độc đáo, đặc sắc. Tác giả đã dũng cảm chỉ ra những cái yếu của con người Việt Nam khi bước vào thế kỉ mới, khi đứng trước vận hội mới, thách thức mới. Giọng văn sắc sảo, nhiệt thành, tâm huyết. Tác giả đứng trên tầm cao của thời đại mới, với ý chí tự cường để trao đổi với thế hệ trẻ những cái mạnh, những cái yếu của dân ta, động viên thanh thiếu nhi Việt Nam vươn lên gánh vác sứ mệnh lịch sử.

Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, mang tính tranh biện đầy sức thuyết phục. Những câu tục ngữ, câu ca dao được tác giả vận dụng tạo nên một lối nói dung dị, đậm đà, gợi cho người đọc bao liên tưởng thú vị. Bài văn của Vũ Khoan đã giúp ta một cái nhìn sáng suốt về nhân dân ta, về bản thân mỗi chúng ta. Thế kỉ mới là thế kỉ hi vọng và bừng sáng đối với đất nước và con người Việt Nam.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button