Bí mật nhà nước là gì? Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà
Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh, an toàn, đến những bí mật Nhà nước được quy định trong luật bảo vệ bí mật Nhà nước. Đồng thời, người nào tiết lộ, tiêu hủy, chiếm đoạt các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ điều tra vụ án hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Mới đây, đã có nhiều vụ án liên quan đến tội phạm cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước có tổ chức và thủ đoạn tinh vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước năm 2018;
– Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung 2017);
– Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Bí mật nhà nước là gì?
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018, khái niệm “Bí mật nhà nước” được hiểu là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo đó, Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
2. Bí mật nhà nước gồm những gì?
Những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, cụ thể:
– Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ trương, kế hoạch, phương án phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên, đối phó với chiến tranh.
– Các chương trình nghiên cứu, sản xuất, phát triển, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị an ninh, quốc phòng phục vụ bảo vệ Tổ quốc.
– Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ.
– Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối nội, đối ngoại và các vấn đề phải giữ bí mật theo cam kết với nước ngoài.
– Các vấn đề liên quan đến các quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế và xã hội của đất nước chưa công bố.
– Các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.
– Các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu.
– Các chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội; y tế; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông và các lĩnh vực khác chưa công bố.
3. Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước:
– Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
– Chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
– Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.
4. Phân loại bí mật nhà nước:
Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm:
– Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
– Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
– Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thời hạn giải mật bí mật nhà nước được giới hạn trong một Khoảng thời gian nhất định căn cứ vào yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích của quốc gia, dân tộc, cụ thể: 40 năm đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật, 30 năm đối với bí mật nhà nước độ tối mật, 20 năm đối với bí mật nhà nước độ mật.
Thời hạn giải mật bí mật nhà nước được tính từ ngày ban hành, tạo ra bí mật nhà nước.
Trường hợp hết thời hạn, nếu xét thấy việc công khai nội dung bí mật nhà nước sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thì cơ quan ban hành, tạo ra bí mật nhà nước có quyền gia hạn tiếp.
Việc xem xét gia hạn thời hạn giải mật bí mật nhà nước phải được thực hiện trước khi hết thời hạn theo quy định và việc gia hạn có thể được thực hiện nhiều lần. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo mật theo quy định.
5. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước:
Theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được quy định như sau:
“1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
So với Điều 263 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này, thì Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có sửa đổi, bổ sung gì lớn, chỉ bỏ các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”, mà thay vào đó là các tình tiết: “bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa” (Khoản 2 Điều 337) và “có tổ chức; bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; phạm tội 02 lần trở lên và gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” (Khoản 3 Điều 337).
Việc nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau trong cùng một điều luật là căn cứ vào hành vi xâm phạm cùng một khách thể, tác động đến cùng một đối tượng, đó là bí mật nhà nước. Mặt khác, các hành vi phạm tội đều có tính chất nghiêm trọng tương tự như nhau. Vì vậy, khi xác định hành vi phạm tội cũng như khi định tội danh, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng hành vi phạm tội cụ thể để định tội cho chính xác
5.1. Cấu thành tội phạm:
– Khách thể: Trật tự quản lý hành chính, bí mật nhà nước trong các lĩnh vực.
– Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.
– Mặt khách quan: Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thể hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó. Tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật nhà nước thoát khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm giữ, quản lý nó.
– Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
5.2. Hình phạt:
Khoản 1 nêu: Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Khoản 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”
Như vậy, hình phạt của tội này từ 2-15 năm. Ngoài ra, khi xác định hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về bí mật nhà nước như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan là tài liệu không thể thiếu khi xác định hành vi phạm tội…
Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là do cố ý, tức là khi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, vì bản chất của hành vi chiếm đoạt đã chứa đựng sự cố ý phạm tội.
Người phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước có thể với nhiều động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là vì động cơ cá nhân. Tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ đối với người phạm tội là rất quan trọng. Nếu vì động cơ vụ lợi, sau khi chiếm đoạt được đã đem bán lấy tiền hoặc lợi ích vật chất, thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội mua bán tài liệu bí mật nhà nước; nếu chiếm đoạt rồi tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước mà mình đã chiếm đoạt thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước; nếu chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước rồi cung cấp cho các cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp, còn hành vi chiếm đoạt tài liệu chỉ là hành vi thực hiện tội gián điệp.
Tuy nhiên, nếu trước và trong khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội chưa có ý định cung cấp cho cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam, nhưng sau khi đã chiếm đoạt được tài liệu bí mật nhà nước mới cung cấp cho cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” và tội gián điệp.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!