Đám mây nhiều màu sắc liên tục xuất hiện ở Việt Nam
Dân mạng thích thú
Theo đó, hình ảnh của những đám mây rực rỡ sắc màu có hình dáng rộng như miếng vỏ con trai khổng lồ bỗng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng những ngày vừa qua. Nhiều người đã thích thú, nhanh chóng chụp lại bức ảnh về những đám mây này chia sẻ lên mạng, khẳng định nó xuất hiện trên bầu trời TP.HCM, Tây Ninh, Thanh Hóa…
Bức ảnh chụp những đám mây nói trên của anh Nhựt Trường (20 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về gần 10.000 lượt thích cùng hàng trăm bình luận, chia sẻ.
Tâm sự với Thanh Niên, anh Trường cho biết chiều ngày 18.6, tại xã Vĩnh Lộc B, anh vô tình nhìn thấy đám mây trên bầu trời với hình thù lạ và nhiều màu sắc nên vô cùng thích thú. Chàng trai trẻ cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy hiện tượng này nên đã nhanh chóng chụp lại và tìm cách chia sẻ với mọi người.
“Mình cũng bất ngờ khi những bức ảnh chụp được nhiều người quan tâm tới vậy. Những hiện tượng trên bầu trời lúc nào cũng kỳ thú mà”, chàng trai trẻ chia sẻ.
Trong khi đó, những bức ảnh về đám mây nói trên cũng được một tài khoản chia sẻ lên một hội nhóm với dòng trạng thái: “Hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo! “Mây lưỡi trai” cầu vồng trăm năm hiếm gặp ở vùng trời Hậu Lộc”.
Những bức ảnh này được cho là chụp tại Thanh Hóa và bên dưới bài đăng, nhiều người cũng xác nhận thông tin trên kèm theo những bình luận bằng hình ảnh. Tài khoản Đặng Lành cho biết: “Hôm chủ nhật vừa rồi mình đi tắm biển Hải Tiến cũng nhìn thấy. Con gái mình chỉ cho mình xem hỏi mẹ ơi trời đẹp chưa!”.
“Mới tháng trước mình cũng gặp ở Đồng Nai”, “Chiều nay ở Quảng Nam em cũng thấy đám mây y chang luôn”, “Bắc Giang hầu như hè năm nào mình cũng gặp những đám mây như thế này”…. nhiều tài khoản khác cũng bình luận.
“Không phải hiện tượng quá hiếm”
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đây là những bức ảnh chụp lại hiện tượng mây ngũ sắc. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết hiện tượng này thường xảy ra khi những đám mây mỏng hoặc vùng rìa mỏng của các đám mây ở khu vực gần nơi có mặt trời hoặc mặt trăng, đồng thời trong mây có chứa nhiều tinh thể băng và các hạt nước rất nhỏ, gây ra sự nhiễu xạ ánh sáng.
Ông Vũ Thế Hoàng, Chủ nhiệm Hội thiên văn Hà Nội (HAS) cũng cho biết hiện tượng trên xảy ra do nhiễu xạ – một hiện tượng xảy ra khi những giọt nước nhỏ hoặc tinh thể băng nhỏ tán xạ dưới ánh sáng mặt trời.
“Mây ngũ sắc là hiện tượng ít khi xảy ra vì đám mây phải mỏng và có nhiều giọt nước hoặc tinh thể băng có cùng kích thước, tia nắng mặt trời chỉ gặp một vài giọt vào thời điểm đó. Vì lý do này, những đám mây bán trong suốt hoặc những đám mây chỉ đang hình thành là những đám mây có nhiều khả năng tạo thành mây ngũ sắc nhất”, ông Hoàng nói.
Cũng theo chuyên gia, không phải lúc nào cũng có thể quan sát được hiện tượng này. Tuy nhiên đây không phải là hiện tượng quá hiếm gặp “ngàn năm có một” như nhiều người nói bởi không ít lần nếu để ý bầu trời, may mắn chúng ta cũng có dịp quan sát được hiện tượng này.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!