‘Tao khang’ trong ‘nghĩa tao khang’ là gì? – Báo Nông Nghiệp
“Tin nhà ngày một vắng tin,
Mặn tình cát lũy, lạt tình tao khang”
(Truyện Kiều)
“Ai xui rã chút duyên kim cải,
Ai khiến rời chút ngãi tào khang…”
(Ca dao)
“Tao khang” hay “tào khang” là gì?
Sách “Tập tục đời người” (Phan Cẩm Thượng – NXB Hội Nhà văn, 2017) giải thích: “Trong tiếng Hán, hạt gạo là đạo (tao), vỏ trấu bọc ngoài gạo gọi là khang. Sự bao bọc này rất khăng khít, nên muốn có gạo ăn phải xay lúa giã gạo. Chữ “tạo khang”, “đạo khang” được chỉ sự chung thủy của vợ chồng, nên có câu “Vợ chồng là nghĩa tao khang”. Ở đây ta thấy có hiện tượng người Việt dùng nguyên tiếng Trung Quốc cổ lẫn tiếng Hán Việt”.
Tác giả “Tập tục đời người” đã giảng rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, ở đây có sự nhầm lẫn “tao” 糟 (bã rượu), thành “đạo” 稻 (hạt gạo); rồi lại nhầm lẫn hạt thóc với “hạt gạo” và “vỏ trấu”; cuối cùng là suy diễn hai chữ “đạo khang”, “tao khang” theo ý chủ quan, thiếu căn cứ.
Nhầm lẫn thóc với “hạt gạo” và “vỏ trấu”
Trong Hán ngữ, “đạo CỐC” 稻穀 mới có nghĩa là hạt thóc, hạt lúa – thứ mà vỏ chưa bị bóc/tách khỏi hạt (tức vỏ đang còn ôm khít lấy hạt). Còn cái gọi là “đạo KHANG” 稻糠 mà Phan Cẩm Thượng nói, nó là vỏ trấu (đã) bong ra khỏi hạt sau khi đem xay xát, chứ không có nghĩa là “hạt gạo” và “vỏ trấu”.
“Hán ngữ đại từ điển” giảng hai chữ “đạo khang” 稻糠 mà Phan Cẩm Thượng dẫn như sau: “Đạo cốc kinh qua gia công thoát xuất đích ngoại xác” [稻糠 dào kāng. 稻穀經過加工脫出的外殼; 礱糠], có nghĩa là: “Đạo khang là vỏ ngoài của hạt lúa (tức “đạo cốc” – Hoàng Tuấn Công), tách ra qua quá trình gia công xay xát”.
“ĐẠO khang” 稻糠 đồng nghĩa với “LUNG khang” 礱糠 (lung = xay, cối xay): “vỏ trấu bong ra sau khi hạt thóc đem xay” [đạo cốc kinh qua lung ma thoát hạ đích xác – 稻穀經過礱磨脫下的殼 – “Hán ngữ đại từ điển”].
Nghĩa bóng ngược với nghĩa đen
Những dẫn chứng trên đây cho thấy, phải là ở dạng “đạo CỐC” (hạt lúa/hạt thóc chưa xay xát) thì vỏ và hạt mới còn “khăng khít”. Còn đã gọi là “đạo KHANG” như Phan Cẩm Thượng viết, thì có nghĩa thóc đã xay xong; vỏ (trấu) đã đi đằng vỏ (trấu), hạt (gạo) đã đi đằng hạt (gạo); đâu còn “sự bao bọc này rất khăng khít, nên muốn có gạo ăn phải xay lúa giã gạo”?
Như vậy, với nghĩa đen này thì nghĩa bóng của “đạo khang” chỉ có thể là sự chia lìa, vợ đi đằng vợ, chồng đi đằng chồng (giống như hạt đi đằng hạt, trấu đi đằng trấu), chứ không thể “chỉ sự chung thủy của vợ chồng”.
“Tao khang”/ “tào khang” trong từ điển tiếng Việt
Trong tiếng Việt chỉ có “tao khang” hay “tào khang”, chứ không có “Đạo khang” như Phan Cẩm Thượng dẫn. Bởi vì “đạo” 稻 = gạo (bính âm: dào); trong khi “tao” 糟 = bã rượu (bính âm: zào).
Trong tiếng Việt, “tao khang” hay “tào khang” là những từ khá thông dụng và được hầu hết các sách từ điển chúng tôi có trong tay ghi nhận với lời giảng thống nhất. Sau đây xin dẫn ba sách (trong số hơn 10 cuốn) đại diện cho ba thời kỳ xuất bản (trích lần lượt):
“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức – 1931): “tao-khang” • Bã và tấm. Nghĩa bóng: Chỉ người vợ lấy lúc còn bần hàn; Mặn tình cát-lũy, nhạt tình tao-khang (Kiều)”.
“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức – 1974): “tao khang • dt. C/g. Tào-khang, bã rượu và tấm mẳn. • (R) người vợ nghèo (khi trước, vợ chồng chỉ ăn ròng bã hèm và tấm mẳn): Ai xui rã chút duyên kim cải, Ai khiến rời chút ngãi tao-khang… (CD)”.
“Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex – 2016): “tao khang • 糟糠 d. 1 [cũ] người vợ lấy từ lúc còn nghèo khó. […] Đn: tào khang. 2 [cũ] tình nghĩa vợ chồng gắn bó từ thuở còn nghèo khó. Dứt nghĩa tao khang. Đn: tào khang”.
Hai chữ “tao khang” 糟糠 còn được dùng để chỉ người vợ cả; còn “cát lũy” chỉ người vợ lẽ. Thế nên trong Truyện Kiều có câu: “Tin nhà ngày một vắng tin, Mặn tình cát lũy, lạt tình tao khang”.
“Tao khang” 糟糠 trong từ điển Hán ngữ
Trong tiếng Hán, “tao” 糟 là bã rượu/bã hèm, “khang” 糠 chỉ lớp vỏ trấu, hay màng cứng bao ngoài hạt gạo, mì mạch, ngũ cốc… khi chế biến thì trở thành cám gạo.
Bã rượu và cám gạo là phụ phẩm của rượu và quá trình xay giã, sơ chế ngũ cốc. Người ta thường dùng bã rượu và cám gạo để chăn nuôi lợn gà. Tuy nhiên, đây cũng là thức ăn của người nghèo đói. Trong cảnh cơ hàn của mỗi gia đình, người phụ nữ bao giờ cũng nổi lên như một hình ảnh tiêu biểu cho đức hy sinh, chịu khó chịu khổ, vì chồng vì con. Bởi vậy, “tao khang” hay “tào khang” (tùy cách phiên âm trong tiếng Việt) là cách gọi tắt của thành ngữ “tao khang chi thê”, chỉ người vợ từng chung cảnh nghèo khổ, từng cùng ăn cám bã thuở hàn vi.
“Hán ngữ đại từ điển” (La Trúc Phong chủ biên – Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã – 1993) giảng nghĩa rõ ràng hai chữ “tao khang” 糟糠 (nghĩa 2 và 3) như sau:
– “Loại đồ ăn thô kém như bã rượu, cám, mà kẻ nghèo hèn thường dùng lúc đói khổ” (tửu chỉ, cốc bì đẳng thô liệt thực vật, bần giả dĩ sung cơ – 酒滓, 穀皮等粗劣食物, 貧者以之充饑);
– “Hậu Hán thư – Tống Hoằng truyện”: “bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường”. Ý nói người vợ từng cùng chung miếng cám bã lúc đói khổ thì không thể bỏ. Về sau dùng hai chữ “tao khang” để gọi người vợ từng chung cảnh cơ hàn” [nguyên văn: 後漢書-宋弘傳: “貧賤之知不可忘, 糟糠之妻不下堂”. 意謂貧困時與之共食糟糠的妻子不可遺棄. 後因以 “糟糠” 稱曾共患難的妻子].
“Tống Hoằng truyện” mà “Hán ngữ đại từ điển” trích dẫn có đoạn chép: Tống Hoằng, tự Trọng Tử, người quận Kinh Đào, huyện Trường An, thời Quang Vũ Đế làm quan tới chức Đại tư không. Ông học rộng, hiểu nhiều, có tiếng nhân từ, thanh liêm.
Quang Vũ Đế có người chị là Công chúa Hồ Dương góa chồng. Quan Vũ Đế thường cùng với chị đàm luận về các quần thần trong triều để dò ý tứ. Một bận Công chúa thổ lộ: “Uy đức của Tống Hoằng thì quần thần trong triều không ai sánh được”. Quan Vũ Đế đáp: “Vậy để ta nghĩ cách xem”.
Quan Vũ Đế cho gọi Tống Hoằng đến triều kiến, đoạn bố trí để Công chúa ngồi khuất phía sau bức bình phong.
Quan Vũ Đế hỏi Tống Hoằng: “Ngạn ngữ có câu thăng quan đổi bạn, giàu sang đổi vợ, đó có phải là điều thường tình của con người ta chăng?”. Tống Hoằng bèn đáp: “Thần văn, bần tiện chi giao bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường”, nghĩa là: “Thần nghe nói bạn bè từ thuở hàn vi không thể quên, người vợ từ hồi đói khổ không thể bỏ”.
Như vậy, “tao khang” hay “tào khang” nghĩa đen là bã rượu và cám gạo, chứ không phải là “hạt gạo” và “vỏ trấu bọc ngoài”. Mặt khác, về nghĩa bóng, người ta dùng “tao khang”/“tào khang” để ví người chồng chung thủy với vợ, không quên người vợ từng đồng cam cộng khổ với mình lúc khốn khó (ví dụ: Một lời đã hứa tào khang, Trăm năm ghi tạc nghĩa chàng, chàng ơi! – Ca dao); hoặc giả lên án người chồng phụ bạc người vợ từng gắn bó với mình thuở hàn vi (ví dụ: dứt nghĩa tao khang; lạt nghĩa tào khang), chứ không “chỉ sự chung thủy của vợ chồng” nói chung, như tác giả “Tập tục đời người” phân tích.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!