Bài văn Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua Trao duyên

Đề bài: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua Trao duyên, Nỗi thương mình, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

than phan nguoi phu nu trong xa hoi cu qua trao duyen noi thuong minh tinh canh le loi cua nguoi chinh phu

Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua Trao duyên, Nỗi thương mình, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

I. Dàn ý Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua Trao duyên, Nỗi thương mình, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

1. Mở bài

– Giới thiệu về người phụ nữ.- Họ đặc biệt xuất hiện trong các áng thi văn thời trung đại mà nổi tiếng là Truyện Kiều với hai đoạn trích Trao duyên và Nỗi thương mình, cùng đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn).

2. Thân bài

a. Bối cảnh xã hội:– Sự xuất hiện của Nho giáo, ảnh hưởng mạnh mẽ tới tất cả các mặt trong đời sống, đặc biệt là tới vị thế của người phụ nữ.(tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nam quyền).- Người phụ nữ phải gánh chịu những bất công trong xã hội, với tam quan “tam tòng tứ đức”, không được học hành, gò bó cả thể xác và tinh thần.- Xã hội đề cao người nam giới, còn phụ nữ bị bó buộc trong những định kiến xã hội khiến họ rơi vào bi kịch.- Ngoài ra thời điểm này các cuộc chiến tranh tranh giành, phân chia lãnh thổ luôn xảy ra liên miên.

b. Vẻ đẹp của người phụ nữ: Họ là hiện thân cho cái đẹp, với sự thủy chung, hiếu thảo, đức hy sinh, và lòng khao khát hạnh phúc.

– Nhân vật Thúy Kiều: là một người phụ nữ xinh đẹp, tài năng, hiếu thảo với đức hy sinh cao cả, là người phụ nữ với tấm lòng thủy chung.+ Thúy Kiều là người con gái xinh đẹp với tài năng cầm kỳ thi họa, đặc biệt là tài năng gảy đàn khiến cho ai cũng phải trầm trồ “Làn thu thủy … tài đành họa hai”, “cung thương làu … Hồ cầm một chương”.+ Không chỉ vậy, nàng còn vô cùng hiếu thảo khi bán mình để cứu cha và em.+ Nàng rất thông minh khi thuyết phục em mình nhận lấy mối duyên mình trao “lạy em em …sẽ thưa”.+ Nàng cũng là người phụ nữ giàu đức hi sinh và rất chung thủy, trao duyên cho em, để em thay mình trả nghĩa cho người yêu, dù rằng nàng vẫn còn yêu Kim Trọng vô cùng “lạy em em có …mặc em”.

– Người chinh phụ: là người phụ nữ rất chung thủy với chồng và luôn khao khát hạnh phúc lứa đôi.+ Chồng phải đi xa nơi chiến trận, nàng ở nhà cũng luôn một mực thủy chung, lo lắng cho chồng. Năm canh dài nàng thao thức, mong chờ: “Trời thăm thẳm …nào xong”, “lòng này gửi …bằng trời”, nàng khao khát hạnh phúc.

c. Số phận của những người phụ nữ: Mặc dù xinh đẹp, tài năng, thủy chung, thế nhưng họ vẫn luôn phải chịu những bất công, tủi khổ, là nạn nhân của xã hội đương thời.

– Họ là nạn nhân của xã hội đa thê, nam quyền, trọng nam khinh nữ, đàn ông quyết định mọi thứ:+ Những người phụ nữ phải sống trong khuôn khổ “tam tòng tứ đức”, “xuất giá tòng phu” – những người đàn ông có thể “năm thê bảy thiếp”, vui chơi chốn lầu xanh.+ Trong trích đoạn Trao duyên, Kiều trở thành một cô gái lầu xanh, mặc sức để đám đàn ông chơi đùa “Biết bao bướm …Trường Khanh”.

– Chế độ xã hội bất công, đồng tiền quyết định mọi thứ:+ Điều này đã đẩy bao người phụ nữ vào bi kịch, trong đó có Kiều. Cha và em trai bị bắt, nàng buộc lòng phải bán mình để cứu cha và em “Cò kè bớt …bốn trăm”, đành phải trao đi mối duyên đầu đậm sâu cho em gái “Lạy em em …tơ thừa mặc em”.+ Xã hội ấy cũng đẩy Kiều vào con đường thanh lâu nhơ nhớp, khởi đầu cho chuỗi mười lăm năm lưu lạc đầy oan trái của nàng “Khi tỉnh rượu …giữa đường”.+ Nàng có tài có sắc nhưng lại không được trân trọng, bị coi như một món hàng để người ta “cò kè” bớt giá, rồi bị lừa bán đi, bị đánh đập

– Những cuộc chiến tranh phi nghĩa:+ Người chinh phụ vì chiến tranh mà phải xa lìa chồng mình, cắt đi khát khao hạnh phúc mà nàng vô cùng mong mỏi: “Gà eo óc …bể xa” => Nỗi nhớ mong chồng của nàng day dứt từng đêm.+ Niềm khát khao hạnh phúc của nàng bị đứt đoạn, những yêu thương chỉ được gửi theo gió “Lòng này gửi …bằng trời”.

– Những người phụ nữ là nạn nhân của xã hội phong kiến, không được lên tiếng đòi quyền sống, quyền được hạnh phúc:+ Kiều trong chốn lầu xanh, nàng thương cho số phận mình, thương thân mình, nhưng chỉ biết bầu bạn với cảnh vật xung quanh, chứ không thể lên tiếng đòi quyền tự do, quyền được hạnh phúc cho bản thân mình “Mặc người mưa …xuân là gì”, “Vui là …với ai”.+ Người chinh phụ cô đơn, lẻ loi là thế, nhưng nàng đâu có quyền lên tiếng đòi hỏi hạnh phúc khi triều đình bắt lính.=> Tất cả những người phụ nữ xưa đều là nạn nhân của xã hội phong kiến, họ tài hoa, chung thủy, xinh đẹp nhưng bạc mệnh. Họ bị xã hội đưa đẩy tới bước đường cùng, biến cuộc sống của họ thành bi kịch.

Đọc thêm:  Học PowerPoint - Bài 27: Cách sử dụng Slide Master - Download.vn

3. Kết bài

– Khẳng định lại số phận của người phụ nữ cùng với phẩm chất của họ.

II. Bài văn mẫu Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua Trao duyên, Nỗi thương mình, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Người phụ nữ dù ở bất cứ thời kì nào cũng luôn là phái yếu, luôn là người chịu những thiệt thòi đặc biệt là trong xã hội phong kiến xưa. Có thể nói, xã hội ấy đã cướp đi của người phụ nữ không biết bao nhiêu quyền lợi cũng như gây nên cho họ biết bao đau thương. Vậy nên, các nhà văn thời kì trung đại đã ưu ái đặt người phụ nữ thành trung tâm các tác phẩm của họ, để phơi bày những nỗi khổ cũng như làm sáng lên nhân cách cao đẹp của họ. Và chúng ta có thể cảm nhận rõ được thân phận của người phụ nữ trong xã hội đương thời thông qua một số đoạn trích trong các tác phẩm trung đại như đoạn trích Trao duyên, Nỗi thương mình và Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

Các đoạn trích trên được sáng tác trong giai đoạn lịch sử phong kiến Việt Nam khi mà Nho giáo xuất hiện và thống trị bối cảnh xã hội thời bấy giờ. Là người phụ nữ trong xã hội, họ chịu ảnh hưởng nặng nề từ chế độ phong kiến Nho giáo bởi Nho giáo thì coi trọng bậc nam tử, coi những người phụ nữ chỉ là cái bóng phía sau người đàn ông và họ còn phải chịu đựng những thiệt thòi, áp bức từ giai cấp cường quyền, các hủ tục và các tư tưởng lễ nghĩa. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khi ấy đã ăn sâu vào tâm trí, phong tục cũng như lối sống của người xưa, vậy nên, người phụ nữ càng phải chịu thêm nhiều áp bức, bị bó buộc trong tam quan “tam tòng tứ đức”, không được học hành, bị gò bó về cả thể xác lẫn tinh thần. Không chỉ vậy tham vọng mở rộng bờ cõi của các bậc vua chúa cũng là một phần đẩy người phụ nữ vào bi kịch cuộc đời.

Những người phụ nữ ngày xưa thường được dạy dỗ rằng phải biết “tam tòng tứ đức”, cầm kỳ thi họa, và phải giúp ích cho chồng con, cung phụng chồng con cũng như phải một lòng vì gia đình nhà chồng. Bởi vậy khi lớn lên, họ là biểu trưng, là hiện thân cho cái đẹp không chỉ ngoại hình mà còn là phẩm chất với sự thủy chung, hiếu thảo, đức hi sinh, tài năng và khát khao hạnh phúc lứa đôi.

Ví như trong tác phẩm Truyện Kiều, Thúy Kiều – nàng là hiện thân của cái đẹp mà đầu tiên là nét đẹp về nhan sắc “chim sa cá lặn”:

“Làn thu thủy nét xuân sơnHoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Vẻ đẹp ấy không chỉ khiến trăm hoa phải ghen tỵ mà hàng liễu cũng phải tủi hổ khi đứng trước nàng. Biết bao câu từ để miêu tả vẻ đẹp rạng ngời ấy của nàng, nhan sắc ấy của nàng! Và Kiều chẳng những đẹp ở dung nhan mà còn đẹp ở tài năng vượt trội. Cầm, kì, thi, họa, ngón nghề nào nàng cũng tinh thông, đặc biệt là tài năng gảy đàn với những khúc nhạc tuyệt đỉnh:

“Cung thương làu bậc ngũ âmNghề riêng ăn đứt Hồ cầm một chương”

Những khúc đàn của nàng khiến người nghe phải rơi lệ, khiến cho Hồ Tôn Hiến hay bao gã đàn ông khác phải mê say. Có thể nói, Kiều là minh chứng cho câu nói “tài sắc vẹn toàn”.

Không chỉ vậy, nàng còn là một người con vô cùng hiếu thảo, là một người phụ nữ có đức hy sinh vô cùng cao cả. Cha và em trai bị bắt bớ vô cớ, muốn được cứu ra phải tốn trăm lạng vàng, những tưởng một phận liễu yếu đào tơ như nàng không thể xoay xở. Nhưng không, nàng đã chấp nhận, nuốt nước mắt, bán mình lấy bốn trăm lạng vàng cứu lấy người thân của mình, chấp nhận làm vợ lẽ cho người ta:

“Cò kè bớt một thêm haiGiờ sau ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.

Phải nói, thế gian mấy ai có được sự hiếu thảo, sự hy sinh cao cả như Kiều. Nàng quả là người con gái hiếu thảo hết mực. Và nàng cũng là một người phụ nữ hết mực lo lắng cho người mình yêu, thủy chung, son sắt và vô cùng thông minh.

Đêm cuối trước ngày ra đi, Kiều đã nhờ Thúy Vân “chắp mối duyên thừa” của mình, trao cho người em tình yêu đầu với Kim Trọng. Nàng trao hết những kỷ vật của mình và người yêu cho em, mong em giúp mình nên duyên cùng chàng Kim. Bằng những lời nói thông minh thuyết phục em mình, Kiều đã thuyết phục được Vân nối tiếp duyên nợ với chàng Kim, thế nhưng trong thâm tâm của Kiều, nàng vẫn luôn đau đáu mối duyên tình đậm sâu ấy, thủy chung một lòng với người mình yêu thương. Đến khi nghĩ tới viễn cảnh cái chết nơi âm tào địa phủ, nàng vẫn luôn canh cánh về “lời thề” dưới ánh trăng hôm ấy:

Đọc thêm:  Dàn ý nghị luận về câu nói: Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu

“Hồn còn mang nặng lời thềRảy xin chén nước cho người thác oan”

Một lời thể nguyện ăn sâu vào trái tim của nàng, khiến nàng luôn đau đáu khôn nguôi, dù có trao đi kỷ vật, trao lại cho em gái tất cả nhưng mối duyên đậm sâu kia, nàng chẳng thể nào buông bỏ được.

Nhắc về sự thủy chung trong tình yêu thì không thể nhắc tới người chinh phụ trong “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” của Đặng Trần Côn được. Bởi người phụ nữ ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho tấm lòng thủy chung, son sắt của người vợ đối với chồng mình. Chồng ở nơi biên ải xa xôi, người vợ ở nhà năm canh đều trông đợi, mòn mỏi bên cạnh chiếc đèn khuya. Người phụ nữ ấy khao khát có được một mái ấm, một niềm hạnh phúc bé nhỏ bên người chồng của mình, vậy nên khi mong ngóng chồng, thời khắc trôi qua mà “đằng đẵng như niên”:

“Gà eo óc gáy sương năm trốngHòe phất phơ rủ bóng bốn bênKhắc giờ đằng đẵng như niênMối sầu dằng dặc tựa miền bể xa”

Người chinh phụ ấy không chỉ có đức hy sinh cao cả, sự thủy chung một lòng với chồng mà còn luôn khao khát hạnh phúc lứa đôi. Đây chính là những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và Kiều cũng vậy, nàng là một trong những người phụ nữ tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa, là hiện thân cho cái đẹp, vừa thủy chung, hiếu thảo, tài năng lại luôn biết hy sinh vì người khác.

Những người phụ nữ như thế, đáng ra họ phải có được một cuộc sống hạnh phúc, an yên, với những người đàn ông yêu thương, trân trọng và lo lắng hết mực cho họ mới phải. Thế nhưng, dù có xinh đẹp, giỏi giang, tài năng thế nào thì những người phụ nữ ấy đều phải chịu đựng đủ mọi thiệt thòi trong xã hội, bị coi thường, bị rẻ rúng, trở thành những cái bóng mờ nhạt giữa cuộc đời. Họ thành những nạn nhân của xã hội phong kiến với những bi kịch chồng chất.

Đối với Nho giáo, vị thế của người đàn ông là độc tôn trong xã hội, họ được hưởng thụ mọi quyền lợi cũng như được đáp ứng tất cả các nhu cầu khác. Nếu như người phụ nữ phải chịu bó buộc trong lễ giáo, với “tam tòng tứ đức” thì người đàn ông lại được phép “năm thê bảy thiếp”, người phụ nữ cả đời chỉ thờ một chồng, còn người đàn ông thì mặc sức cưới hỏi, chơi bời. Đây chính là một phần làm nên bi kịch của người phụ nữ: chế độ đa thê, nam quyền, người đàn ông được phép quyết định mọi thứ, chính điều này đã làm nên những bi kịch đau khổ cho người phụ nữ. Như trong trích đoạn Nỗi thương mình, Kiều sau khi bán mình cứu cha thì bị lừa bán vào lầu xanh, ở đây, mỗi ngày, biết bao kẻ nam nhân kéo nhau ra vào lũ lượt mua vui trên thân xác người phụ nữ:

“Biết bao bướm lả ong lơiCuộc say đầy tháng trận cười suốt đêmDập dìu lá gió cành chimSớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh”

Nếu như người vợ, người phụ nữ phải luôn ở nhà lo việc nhà cửa, cơm nước, chăm sóc con trẻ, thủy chung chờ chồng, coi chồng là bầu trời, là tất cả thì những người đàn ông luôn được đứng cao hơn họ một bậc, mặc sức ăn chơi trong những chốn xa hoa, lầu xanh. Chế độ đa thê, nam quyền trong xã hội phong kiến đã gây nên nỗi khổ đau, thiệt thòi cho người phụ nữ mà không điều gì có thể bù đắp được.

Không chỉ vậy, xã hội ấy còn là một xã hội với bao điều bất công, khi những kẻ nắm trong tay sức mạnh luôn đi đàn áp những kẻ yếu thế hơn và một xã hội mà đồng tiền là cán cân đánh giá tất cả.

Vì tiền mà Kiều phải bán mình cứu lấy cha và em, vì tiền mà cuộc đời của Kiều mới bi thảm mà hết lần này tới lần khác bị lừa bán vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, biến cuộc đời một cô gái khuê các thành mười lăm năm lưu lạc đau khổ. Vì đồng tiền mà những ma cô dẫn gái đã biến Kiều trở thành một gái làng chơi khiến một người con gái xinh đẹp, tài năng phải chán chường chính bản thân mình:

“Mặt sao dày gió dạn sươngThân sao bướm chán ong chường bấy thânMặc người mưa Sở gió TầnNhững mình nào biết có xuân là gì”

Cũng chính vì đồng tiền mà người con gái ấy phải từ bỏ mối tình đầu đầy hạnh phúc, trao lại duyên tình của mình cho em gái, thuyết phục em gái trả nghĩa cho tình lang của mình:

“Lạy em em có chịu lờiNgồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưaGiữa đường đứt gánh tương tưKeo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

Nếu như xã hội ấy công bằng hơn, có tình người hơn thì liệu rằng, Kiều có phải dứt lòng trao duyên, có phải đến nỗi bán mình lấy tiền cứu cha hay không? Chắc chắn là không! Bởi xã hội ấy thối nát, ích kỷ với lũ cường quyền đầy xảo trá mới đẩy con người ta tới bước đường cùng, đẩy những người phụ nữ tới bước truân chuyên, bi kịch của số kiếp.

Đọc thêm:  So sánh lời nói, cử chỉ, hành động của hai nhân vật Đăm Săn và

Xã hội phong kiến đầy rẫy những nỗi bất công, được điều khiển bởi quyền lực và đồng tiền, thế nên nó chẳng thể tránh khỏi những cuộc chiến tranh phi nghĩa, tước đi quyền hạnh phúc của bao nhiêu người phụ nữ trong xã hội.

Những người phụ nữ khi lấy chồng, luôn mang trong mình khao khát một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, vui vầy. Niềm hạnh phúc ấy đến từ người chồng bởi với họ, người chồng là tất cả của họ “xuất giá tòng phu”, chính là khuôn khổ này. Thế nhưng, khi người phụ nữ đang được vui thú nghi gia, được hưởng sự hạnh phúc ấy thì những cuộc chiến tranh phi nghĩa xảy ra. Triều đình bắt bớ trai đinh đi lính, và những người phụ nữ kia trở thành những nàng chinh phụ. Chồng nơi chiến trận, ra hiểm vào nguy, làm sao mà người vợ không lo lắng cho được? Như nàng Tô Thị kia đã trở thành núi Vọng Phu chỉ vì chờ chồng đó sao? Hay như nàng Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, bi kịch gia đình xảy ra chẳng phải nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc người chồng bị bắt đi lính chiêm hay sao? Còn người chinh phụ trong đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” cũng chịu chung số phận ấy. Nàng vò võ một mình suốt năm canh, ngày này qua tháng khác, mòn mỏi chờ đợi tin của người chồng của mình. Suốt đêm thâu, nàng ngồi bên rèm, mỗi khắc trôi qua những tưởng cả một năm ròng rã:

“Gà eo óc gáy sương năm trốngHòe phất phơ rủ bóng bốn bênKhắc giờ đằng đẵng như niênMối sầu dằng dặc tựa miền bể xa”Còn nỗi nhớ chồng thì dài đằng đẵng như “đường lên trời”:

“Lòng này gửi gió đông có tiệnNghìn vàng xin gửi tới non YênNon Yên dù chẳng tới miềnNhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trờiTrời thăm thẳm xa vời khôn thấuNỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”

Có thể nói, chiến tranh phi nghĩa đã cướp mất đi của người phụ nữ những niềm hạnh phúc nhỏ bé nhất, đẩy họ tới bi kịch trong cuộc sống.

Và không chỉ thế, những người phụ nữ ấy còn trở thành những cái bóng phía sau chồng con, bởi họ không có quyền được lên tiếng đòi quyền được hạnh phúc, được sống mà phải chịu đủ mọi đắng cay, tủi nhục.

Ví như Kiều trong đoạn trích Nỗi thương mình, nàng hiểu rõ những bi kịch của số phận, hiểu rõ sự nhơ nhớp của chốn thanh lâu, hiểu rõ nỗi đau mình phải chịu để tự “thương mình”. Thế nhưng, nàng đâu có quyền được đòi hỏi một cuộc sống khác, không được quyền hưởng niềm hạnh phúc khác, bởi nàng đã bị bán đi vào đây như một món hàng người ta mua bán ngoài chợ, bị rẻ rúng, khinh miệt đến thể nhưng nàng không thể lên tiếng để đòi quyền được sống, được hạnh phúc. Đó chính là do cái xã hội kia ban tặng, người phụ nữ chỉ vốn là một món hàng, một thứ vật trang trí làm đẹp cho những người đàn ông trong xã hội này mà thôi.

Tất cả những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, họ là nạn nhân của cả cái xã hội đen tối, xấu xa đó. Dù có tài có sắc, có lòng chung thủy, bao dung đến đâu, họ cũng sẽ phải gánh chịu những nỗi thiệt thòi, oan khiên, đôi khi là cả bi kịch được tạo nên từ lễ giáo, phong tục trong xã hội ấy. Họ tài hoa mà bạc mệnh, như Kiều, như người chinh phụ kia hay như muôn vàn người phụ nữ khác vô danh trong xã hội phong kiến đương thời.

Đúng như Nguyễn Du đã cảm thán một câu về thân phận người phụ nữ trong Truyện Kiều rằng:

“Đớn đau thay phận đàn bàLời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội xưa chỉ là mảnh chuông treo ngoài cửa sổ, chẳng có lấy một ai đảm bảo cho họ được quyền sống, được hạnh phúc cả. Đọc những tác phẩm trên, ta mới thấy được nỗi bất hạnh tới cùng cực của những người phụ nữ thời phong kiến. Từ đó, chúng ta ngày nay càng thêm cảm thông, thấu hiểu và trân trọng những người phụ nữ ấy, càng thêm trân trọng, yêu quý những người phụ nữ xung quanh mình.

-HẾT-

3 bài thơ Trao duyên, Nỗi thương mình, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã góp phần hoàn thiện bức chân dung về cuộc sống và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Bên cạnh bài tìm hiểu chung về 3 bài thơ trên đây, các em có thể tìm hiểu chi tiết về nội dung, nghệ thuật của từng bài thơ qua: Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình, Phân tích đoạn trích Trao duyên, Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Cảm nhận đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

https://thuthuat.taimienphi.vn/than-phan-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-cu-qua-trao-duyen-noi-thuong-minh-tinh-canh-le-loi-cua-nguoi-chinh-phu-55433n.aspx

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button