Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân

Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân

“Điều 9. Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân

1. Nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân bao gồm:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở khu vực biên giới;

b) Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới;

c) Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng;

d) Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại;

đ) Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

2. Nội dung cơ bản xây dựng thế trận biên phòng toàn dân bao gồm:

a) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới;

b) Xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng;

c) Phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, khu vực biên giới;

Đọc thêm:  11/10 – Ngày Quốc tế Trẻ em gái – ISOCERT

d) Tổ chức nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng”.

Việc thể chế hóa quan điểm nêu trên của Đảng trong Luật BPVN là sự ghi nhận truyền thống tổ chức, động viên toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ biên giới quốc gia nói riêng; đồng thời, đây cũng là sự đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật BPVN mà Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 96/TTr-BQP ngày 10-1-2020 của Bộ Quốc phòng về Dự án Luật BPVN. Trong Tờ trình số 96/TTr-BQP khẳng định, một trong những mục tiêu của Dự án Luật này là “… xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Vấn đề “xây dựng nền biên phòng toàn dân” và “xây dựng thế trận biên phòng toàn dân” không phải là vấn đề mới trong quy định pháp luật. Nội dung này đã được nêu trong khoản 1, Điều 28, Luật Biên giới quốc gia; Điều 15, khoản 5, Điều 30, khoản 2, Điều 31, Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, trong Luật Biên giới quốc gia mới chỉ khẳng định về nguyên tắc “Nhà nước xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia” và xác định ngày 3 tháng 3 hàng năm là “Ngày biên phòng toàn dân”. Bên cạnh đó, trong Nghị định số 140/2004/NĐ-CP cũng chưa có sự phân định rõ ràng nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân.

Đọc thêm:  Hoa Tiêu Là Gì? Giới Thiệu Sơ Lược Về Hoa Tiêu

Bằng quy định của Luật BPVN, 5 nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân và 4 nội dung cơ bản xây dựng thế trận biên phòng toàn dân đã được luật hóa, xác định rõ nội hàm và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao.

Quy định nội dung xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân tại Điều 9 còn thể hiện sự thống nhất với các nội dung khác của Luật BPVN, đặc biệt là thống nhất với cách hiểu “Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường” (khoản 2, Điều 2); “Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” (khoản 3, Điều 2).

Trách nhiệm xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân là của cả hệ thống chính trị; trong đó, Luật BPVN xác định rõ xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân là trách nhiệm của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (điểm c, khoản 3, Điều 10); nhiệm vụ của BĐBP (khoản 9, Điều 14); trách nhiệm của Chính phủ (điểm a, khoản 2, Điều 28); trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (điểm c, khoản 1, Điều 29); trách nhiệm của Bộ Công an (điểm a, khoản 2, Điều 31); trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ (khoản 3, Điều 32); trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp (Điều 33).

Đọc thêm:  Hướng dẫn ghép khung đăng trạng thái Facebook vào ảnh cực đẹp

Theo quy định, từ ngày 1-1-2022, các quy định của Luật BPVN sẽ chính thức có hiệu lực. Trong giai đoạn này, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thì vấn đề quan trọng là cần phải tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về các quy định của Luật BPVN, trong đó có quy định về xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân.

Có thể khẳng định, Điều 9, Luật BPVN đã xác định rõ ràng một trong những vấn đề cơ bản của công tác biên phòng, nhiệm vụ biên phòng; khẳng định nhất quán trách nhiệm xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân của các chủ thể; làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng và nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thắng, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Đánh giá bài viết