Chế độ tập sự đối với viên chức, công chức mới nhất năm 2022
Công chức, viên chức là một bộ phận của nguồn nhân lực xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, những đóng góp của họ quyết định đến sự phát triển chung về kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Chính vì vậy, Nhà nước ta luôn chú trọng đến chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức cả về trình độ, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, chính trị.
Cụ thể hóa điều này, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019, Luật viên chức 2010 sửa đổi bổ sung năm 2019 không chỉ quy định về tiêu chuẩn trong việc tuyển dụng công chức, viên chức mà còn quy định về chế độ tập sự đối với những người được tuyển dụng vào công chức, viên chức nhằm làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Vậy, công chức, viên chức khi được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự như thế nào?
Tư vấn về chế độ tập sự của công chức, viên chức: 1900.6568
Qua bài viết này, Luật Dương Gia sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về chế độ tập sự của công chức, viên chức mới nhất theo quy định của pháp luật.
1. Thời gian tập sự đối với công chức, viên chức:
– Đối với công chức, thời gian tập sự với công chức loại C là 12 tháng, công chức loại D là 6 tháng (Khoản 2 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên, cần lưu ý:
+ Không tính vào thời gian tập sự với thời gian công chức nghỉ sinh theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau hoặc bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác.
– Thời gian tập sự đối với viên chức theo Khoản 2 Điều 27 Luật viên chức 2010 sửa đổi bổ sung 2019, Khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được quy định là từ 03 tháng đến 12 tháng và phải được quy định trong hợp đồng làm việc. Mỗi chức danh nghề nghiệp của từng ngành, lĩnh vực sẽ có thời gian tập sự được quy định cụ thể khác nhau. Mặt khác, không tính thời gian tập sự đối với 2 trường hợp sau đây:
+ Viên chức đã có đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (Theo Khoản 1 Điều 27 Luật viên chức 2010 sửa đổi bổ sung 2019).
+ Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự. Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.
2. Nội dung tập sự đối với công chức, viên chức:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, công chức, viên chức thực hiện tập sự với các nội dung sau:
– Công chức, viên chức phải nắm vững quy định về quyền, nghĩa vụ của mình và những việc không được làm. Đồng thời hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác cũng như chức trách, nhiệm vụ của vị trí công việc được tuyển dụng.
– Trong thời gian tập sự, công chức, viên chức phải trao dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tập giải quyết, thực hiện các công việc của vị trí việc làm đã được tuyển dụng.
3. Điều kiện để công chức, viên chức được miễn chế độ tập sự:
– Phải có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội với thời gian sau:
+ Đối với công chức, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự (Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP)
+ Viên chức phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự (Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP)
– Trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc người được tuyển dụng đã làm những công việc theo yêu cầu của vị trí được tuyển dụng.
4. Chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự:
Chế độ, chính sách đối với công chức được quy định tại Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, viên chức tại Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Theo đó:
– Hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng với công chức, viên chức; bậc 2 đối với người có trình độ thạc sĩ và bậc 3 đối với trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, công chức, viên chức trong thời gian tập sự còn được hưởng các khoảng phụ cấp theo quy định của pháp luật
– Công chức, viên chức được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tương đương với trình độ đào tạo nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Công chức, viên chức làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm.
+ Công chức, viên chức là người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
5. Các vấn đề công chức, viên chức cần chú ý khi hết thời gian tập sự:
– Công chức, viên chức phải báo cáo kết quả tập sự có nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn tập sự bằng văn bản sau khi hết thời gian tập sự. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Theo đó:
+ Quyết định theo thẩm quyền hoặc làm văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đối với viên chức. Làm văn bản đề nghị người đứng đầu cơ quan quản lý đối với công chức quyết định bổ nhiệm ngạch/chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho công chức, viên chức được tuyển dụng.
+ Trường hợp công chức, viên chức trong thời gian tập sự không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị xử lý kỉ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức. Người tập sự được trợ cấp 01 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi cư trú.
6. Lương và phụ cấp tập sự của viên chức:
Tóm tắt câu hỏi:
Em là sinh viên mới tốt nghiệp, đang có dự định xét tuyển viên chức kế toán của sở nội vụ của tỉnh Hậu Giang. Em muốn hỏi, em tốt nghiệp đại học loại giỏi nếu được tuyển dụng làm viên chức thì có được hưởng 100% lương và phụ cấp miễn chế độ tập sự không? Và chế độ mà viên chức tỉnh em được hưởng như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 27 Luật Viên chức 2010 sửa đổi bổ sung 2019 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP : trường hợp được tuyển dụng vào viên chức, ký hợp đồng làm việc, thì chế độ tập sự áp dụng quy định. Thời gian tập sự tương ứng với các chức danh được bổ nhiệm từ 3 tháng đến 12 tháng và phải được ghi rõ trong hợp đồng làm việc.
Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng. Trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự có trình độ thạc sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 2, người tập sự có trình độ tiến sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật. Thời gian tập sự không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương.
Về mức lương được trả trong khoản trợ cấp, bạn sẽ dựa vào mức lương hiện tại của mình được hưởng. Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định rõ về chế độ, chính sách đối với người tập sự :
“2. Người tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau:
a) Làm việc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Làm việc trong các ngành, nghề độc hại, nguy hiểm;
c) Hoàn thành nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.”
Khoản 5 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp không thực hiện chế độ tập sự như sau:
“5. Không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm”.
Căn cứ vào thời gian làm việc, thời gian làm việc và địa điểm làm việc thì sẽ có các loại phụ cấp tương ứng. Theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP:
1. Phụ cấp thâm niên vượt khung;
2. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo;
3. Phụ cấp khu vực;
4. Phụ cấp đặc biệt;
5. Phụ cấp thu hút;
6. Phụ cấp lưu động;
7. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm;
8. Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc;
a) Phụ cấp thâm niên nghề
b) Phụ cấp ưu đãi theo nghề
c) Phụ cấp trách nhiệm theo nghề
d) Phụ cấp trách nhiệm công việc
đ) Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh
7. Tiêu chí đánh giá viên chức tập sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Sau khi tham gia kỳ tuyển dụng viên chức, tôi đã trúng tuyển và đang tập sự ở một cơ quan Nhà nước. Kết thúc thời gian tập sự, tôi được Ban lãnh đạo thông báo là chưa đạt yêu cầu và kéo dài thời gian tập sự thêm 6 tháng. Trong quá trình tập sự, tôi không vi phạm kỷ luật ở cơ quan. Đánh giá xếp loại hàng tháng, 1 tháng tôi bị xếp loại B vì có để ra sai sót nhỏ trong công việc. Đánh giá xếp loại cuối năm, tôi được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.Vậy, xin luật sư tư vấn giúp, căn cứ vào tiêu chuẩn nào để đánh giá viên chức là đạt hay không đạt yêu cầu? Sau khi hết 6 tháng tập sự kéo dài tiếp theo, nếu không đạt yêu cầu, tôi có bị chấm dứt hợp đồng làm việc hay không? Xin chân thành cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Mục đích của đánh giá viên chức để làm căn cứ tiếp tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức.
Việc đánh giá viên chức được thực hiện dựa trên các căn cứ sau:
+ Các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết;
+ Quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xứ của viên chức
Theo quy định của Luật viên chức 2010 sửa đổi bổ sung năm 2019. Ngoài ra, tùy vào việc đánh giá viên chức theo mức như thế nào thì đơn vị sử dụng viên chức phải dựa vào các tiêu chí đánh giá riêng quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP để đánh giá viên chức.
Mặt khác, theo nội dung bạn đưa ra thì bạn bị kéo dài thời hạn tập sự, theo quy định của Luật viên chức 2010 sửa đổi bổ sung năm 2019 thì thời gian tập sự được quy đinh “Thời gian tập sự từ 03 tháng đến 12 tháng và phải được quy định trong hợp đồng làm việc.” Nếu đơn vị kéo dài thời hạn mà không đảm bảo thời hạn pháp luật quy định bạn có thể yêu cầu làm rõ về nội dung kéo dài thời hạn này.
Ngoài ra, nếu như để biết chính xác bên bạn có bị chấm dứt hợp đồng làm việc hay không sẽ phải phụ thuộc vào kết quả đánh giá và năng lực sau quá trình tập sự của bạn dựa trên Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
“Điều 25. Chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự
1. Người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc được đơn vị sự nghiệp công lập trợ cấp 01 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi cư trú.”
8. Điều kiện được miễn chế độ tập sự khi trúng tuyển viên chức:
Tóm tắt câu hỏi:
Em có 1 vấn đề cần luật sư tư vấn như sau: Từ tháng 09/2018 đến 03/2021 em có làm việc tại công ty tư nhân và có tham gia đóng BHXH đầy đủ. Đến tháng 04/2021 em có trúng tuyển viên chức vào 1 đơn vị sự nghiệp công lập và làm đúng chuyên ngành mà em đã làm tại công ty tư nhân trước đó. Vậy khi trúng tuyển viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập, em có được miễn chế độ tập sự 12 tháng không ạ! Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, từ tháng 09/2018 đến 03/2021 em có làm việc tại công ty tư nhân và có tham gia đóng BHXH đầy đủ. Như vậy, bạn đã có 3 năm 3 tháng làm việc tại công ty tư nhân và có đóng BHXH đầy đủ. Đến tháng 04/2021 bạn có trúng tuyển viên chức vào 1 đơn vị sự nghiệp công lập, và làm đúng chuyên ngành mà bạn đã làm tại công ty tư nhân trước đó.
Căn cứ Điều 27 Luật Viên chức năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về chế độ tập sự. Cụ thể về trường hợp miễn thực hiện chế độ tập sự, khoản 5 Điều 21 Nghị định 115/2020 hướng dẫn về chế độ.
Với quy định trên, đối tượng được miễn chế độ tập sự đối với chức danh nghề nghiệp yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đại học khi trúng tuyển viên chức phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên.
+ Trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Xét trường hợp trên của bạn, bạn đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong 3 năm 3 tháng, đồng thời với thời gian này bạn đã làm những công việc chuyên môn, nghiệp cụ phù hợp với vị trí việc làm được tuyển. Bạn đã đáp ứng đẩy đủ các điều kiện về miễn chế độ tập sự. Như vậy, bạn được miễn chế độ tập sư trong trường hợp này.
9. Công chức đã có kinh nghiệm có phải tập sự nữa không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em công tác ở đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 10/2018, có quyết định bổ nhiệm ngạch viên chức 10/2019 và công tác đến hết tháng 9/2021. Em thi đậu công chức vào UBND. Vậy về cơ quan mới em có phải tập sự không? Em hiện đang mang thai, tháng 9/2021 nghỉ sinh. Vậy chế độ thai sản của em như thế nào? Thời gian tập sự tính ra sao? Mong sớm nhận thư trả lời Chân thành cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về thời gian tập sự đối với công chức:
Theo sự trình bày của chị, khoảng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chị đã lớn hơn thời gian tập sự quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Theo Khoản 5 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp không thực hiện chế độ tập sự.
Như vậy nếu bạn đáp ứng được điều kiện đó là bạn được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì không cần thực hiện chế độ tập sự.
Về thời gian tập sự, thời gian tập sự được quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Do đó, tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của bạn thì mới có thể xác định được thời gian tập sự như trên.
Thứ hai, về chế độ thai sản của bạn:
Căn cứ theo Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản. Như vậy, không phụ thuộc vào việc bạn là cán bộ công chức đang trong thời gian tập sự hay không mà chỉ cần bạn đã tham gia đóng các lại bảo hiểm bắt buộc đúng theo quy định của pháp luật và có đầy đủ các điều kiện trên thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 nếu đã đóng bảo hiểm đủ từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi nghỉ sinh.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!