Lý lịch tư pháp là gì? Thủ tục làm lý lịch tư pháp mới nhất

Hiện nay, thay vì sơ yếu lý lịch xin cấp tại Ủy ban nhân dân xã phường, thì nhiều cơ quan, đơn vị tuyển dụng yêu cầu người lao động phải cung cấp lý lịch tư pháp.

Vậy, chính xác:

  • Lý lịch tư pháp là gì?
  • Đối tượng được cấp Lý lịch tư pháp tại Việt nam là ai?
  • Lý lịch tư pháp để làm gì?
  • Lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu?
  • Làm lý lịch tư pháp mất bao lâu?
  • Làm lý lịch tư pháp bao nhiêu tiền?
  • Lý lịch tư pháp xin ở đâu?
  • Làm lý lịch tư pháp cần giấy tờ gì?
  • Thủ tục làm lý lịch tư pháp gồm những bước nào?

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tất cả mọi thông tin chi tiết theo quy định của pháp luật ngay tại bài viết này.

Lý lịch tư pháp là gì - Thủ tục làm Lý lịch tư pháp
Lý lịch tư pháp là gì – Thủ tục làm Lý lịch tư pháp

1. Lý lịch tư pháp là gì?

Khoản 1 Điều 2, Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 đưa ra định nghĩa rõ ràng về lý lịch tư pháp. Theo đó:

“Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.”

Có 02 loại phiếu lý lịch tư pháp, phân biệt với nhau rõ ràng dựa theo nội dung thể hiện trên phiếu đó, cụ thể:

  • Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là Phiếu ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
  • Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là Phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Dưới đây là mẫu phiếu lý lịch tư pháp mới nhất

Quý vị hoàn toàn có thể xem trọn bộ so sánh Lý lịch tư pháp số 1 khác số 2 như thế nào.

2. Đối tượng được cấp Lý lịch tư pháp tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 7, Luật lý lịch tư pháp năm 2009, Lý lịch tư pháp Việt Nam được cấp cho các đối tượng sau:

  • Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
  • Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
  • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đọc thêm:  Quản lý nhà nước về quốc phòng

3. Lý lịch tư pháp để làm gì?

Mục đích yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là để:

  • Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không
  • Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án có thể tái hoà nhập cộng đồng.
  • Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.
  • Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…

4. Lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu

Hiện nay, Luật Lý lịch tư pháp 2009 hay các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có bất kỳ quy định nào về thời hạn lý lịch tư pháp.

Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực mà thời hạn của lý lịch tư pháp được quy định khác nhau tại các văn bản. Ví dụ, để xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, người lao động nước ngoài bắt buộc phải xin Lý lịch tư pháp và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ nhận các Phiếu lý lịch tư pháp còn thời hạn 06 tháng tính từ ngày nộp hồ sơ.

Do đó, khi chuẩn bị hồ sơ tương ứng có yêu cầu lý lịch tư pháp, bạn cần tìm hiểu về thời hạn lý lịch tư pháp để chuẩn bị cho đúng.

5. Làm lý lịch tư pháp mất bao lâu?

Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định rõ về thời gian cấp lý lịch tư pháp như sau:

  • Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.
  • Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 15 ngày nếu người được cấp là:
    • công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài,
    • người nước ngoài;
    • người nước ngoài đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên;
  • Trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Đọc thêm:  Công an xã chính quy là gì? Chức năng, nhiệm vụ công an xã

6. Làm lý lịch tư pháp bao nhiêu tiền?

Lệ phí làm lý lịch tư pháp được quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó,

  • Phí cấp phiếu lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/phiếu;
  • Phí làm lý lịch tư pháp cho sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/người;
  • Ngoài ra, trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

Những trường hợp sau đây được miễn lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp:

  • Người cao tuổi theo quy định của Luật người cao tuổi;
  • Người khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật;
  • Người thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
  • Người cư trú tại xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

7. Lý lịch tư pháp xin ở đâu?

Theo Điều 44 quy định Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thì:

  • Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú và Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam sẽ xin cấp Lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; và
  • Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước, và Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, và Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam xin cấp Lý lịch tư pháp tại Sở tư pháp tại tỉnh đang cư trú.

Dưới đây là địa chỉ một số cơ quan làm Lý lịch tư pháp:

  • Địa chỉ làm lý lịch tư pháp ở Hà Nội:
    • Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia: Tầng 6 – Nhà A – Học viện Tư pháp – Phố Trần Vỹ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
    • Sở Tư pháp Hà Nội: 221 Trần Phú, P. Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội
  • Làm lý lịch tư pháp ở đâu TPHCM:
    • Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh: 143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Làm lý lịch tư pháp cần giấy tờ gì?

Để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, bạn sẽ cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Tờ khai yêu cầu cấp giấy lý lịch tư pháp (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP nếu tự xin hoặc Mẫu 04/2013/TT-LLTP nếu ủy quyền xin)
  • Bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu
  • Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú/tạm trú
  • Mẫu giấy ủy quyền làm lý lịch tư pháp có chứng nhận của Ủy ban nhân dân phường/xã nếu là công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước hoặc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài nếu là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (trừ trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp) và bản sao chứng minh thư của người được ủy quyền, trong trường hợp cá nhân uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2, cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.
Đọc thêm:  Đơn xin xác nhận đối tượng ưu tiên tuyển sinh [Mới nhất 2023]

9. Hướng dẫn cách làm lý lịch tư pháp

Có 3 cách làm Lý lịch tư pháp, bao gồm:

  • Làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại cơ quan cấp Lý lịch tư pháp,
  • Làm lý lịch tư pháp online;
  • Làm Lý lịch tư pháp qua bưu điện.

Trong phần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn thủ tục xin lý lịch tư pháp trực tiếp, tức là trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp.

Thủ tục cấp lý lịch tư pháp theo cách này bao gồm 3 bước như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo checklist ở trên. Lưu ý chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định, để tránh phải chuẩn bị lại;
  • Bước 2: Nộp hồ sơ:
    • Bạn mang các giấy tờ đã chuẩn bị lên cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nộp.
    • Lưu ý thời gian làm việc của các cơ quan này để tránh phải đi lại nhiều lần. Ví dụ, thời gian làm việc của Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh là thứ 2 đến thứ 6, Sáng 7h30 đến 11h30, Chiều 13h00 đến 17h00, Thứ 7 Sáng 7h30 đến 11h30; thời gian làm việc của Sở tư pháp Hà Nội là sáng từ thứ 2 đến thứ 6, sáng từ 8h00 đến 11h30 và chiều từ 13h00 đến 16h30.
    • Khi hồ sơ đầy đủ, bạn sẽ đóng phí và nhận được phiếu hẹn kết quả.
  • Bước 3: Nhận kết quả:
    • Vào ngày hẹn nêu trong giấy hẹn, bạn đến cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nhận kết quả lý lịch tư pháp của mình.
    • Khi đó, bạn phải đọc kỹ thông tin trong Lý lịch tư pháp, và hỏi ngay cán bộ trả hồ sơ nếu có thông tin chưa khớp.

Trên đây là hướng dẫn làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại cơ quan tư pháp. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể xem quy trình:

  • Làm lý lịch tư pháp online;
  • Làm Lý lịch tư pháp qua bưu điện.

để biết các ưu nhược điểm của các cách xin lý lịch tư pháp này và chọn cho mình thủ tục cấp lý lịch tư pháp tiện lợi nhất.

Rất mong với những thông tin này, các bạn hoàn toàn có thể xin được Lý lịch tư pháp cho bản thân một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button