Thuyết minh về nghệ thuật sấn khấu tuồng
Đề bài: Thuyết minh về nghệ thuật sấn khấu tuồng
Thuyết minh về nghệ thuật sấn khấu tuồng
I. Dàn ý Thuyết minh về nghệ thuật sấn khấu tuồng (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu đối tượng thuyết minh: nghệ thuật tuồng.
2. Thân bài:
a. Nguồn gốc, tên gọi:– Tuồng còn có tên gọi khác là hát bộ, hát bội hay luông tuồng, đây là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền rất đặc sắc của dân tộc.- Theo nhiều học giả, tuồng có nguồn gốc xuất phát từ ca vũ nhạc và các trò diễn xướng trong dân gian, được ra đời từ rất sớm.- Đào Duy Từ là người đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam.- Phổ biến: Ban đầu, tuồng xuất hiện nhiều ở miền Bắc nước ta, sau đó phát triển vào Đàng Trong. Ở Miền Trung, đặc biệt là Bình Định, tuồng có sức ảnh hưởng rất lớn.
b. Phân loại:– Tuồng thầy, tuồng ngự, tuồng pho, tuồng đồ, tuồng cung đình, tuồng tân thời.- Bên cạnh đặc điểm chung, mỗi loại tuồng lại có những nét riêng biệt, tạo nên “cá tính” riêng.
c. Đặc điểm:
– Nội dung, đề tài:+ Viết về những anh hùng trung quân ái quốc, dám đương đầu, xả thân vì nghĩa lớn.+ Họ sáng ngời lên những vẻ đẹp về phẩm chất anh hùng: có lí tưởng cao đẹp, niềm tin sắt đá vào thắng lợi, lòng trung thành vô hạn, tinh thần anh dũng, quả cảm, sẵn sàng hi sinh tất cả.+ Bên cạnh đó, nghệ thuật tuồng còn đề cập đến những bài học về lẽ phải, cách ứng xử giữa con người với con người, ứng xử riêng – chung giữa gia đình với Tổ quốc.
– Kịch bản:+ Xây dựng theo dòng kịch tự sự phương Đông.+ Các sự kiện được diễn ra theo trình tự thời gian, có đầu, có cuối.+ Tính xung đột được xây dựng rất chặt chẽ và đẩy lên cao trào.+ Mỗi kịch bản trong tuồng thường gồm ba hồi.
– Lối diễn xuất:+Tuồng sử dụng lối diễn xuất ước lệ, hình thức.+ Các diễn viên được phân biệt từ mặt mũi, phục trang đến tính cách, hành động.+ Những động tác cách điệu trong lối múa, đi đứng: bê, xiên, lỉa và lăn, khai, ký, cầu, bẻ lông trĩ, bẻ cờ,…
– Ca điệu:+ Khi biểu diễn, các diễn viên dùng ngôn ngữ ca ngâm phải thật to, cao và rõ.+ Trong hát bội thì điệu hát quan trọng nhất là “nói lối”- kết hợp giữa hát và nói.+ Một số điệu hát tiêu biểu: điệu khách (khách thường, Phú lục, xướng, Ngâm, Tẩu Mã), điệu Nam (Nam ai, Nam xuân,..)
– Các tác phẩm tiêu biểu: Chị Ngộ, Trần Bình Trọng, Trầm Hương cát, Tình sử Mỵ Châu – Trọng Thủy,…
3. Kết bài
– Khẳng định giá trị của nghệ thuật tuồng.- Liên hệ: giữ gìn, phát triển.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về nghệ thuật sấn khấu tuồng (Chuẩn)
Nước Việt Nam ta luôn tự hào với những giá trị văn hoá lâu bền được gìn giữ và phát triển qua hàng thế kỉ dựng nước và giữ nước. Một trong những giá trị văn hoá được gìn giữ là các loại hình nghệ thuật đặc sắc như chèo, tuồng, dân ca quan họ,… Đặc biệt là nghệ thuật tuồng cho đến nay vẫn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong nền văn hoá, nghệ thuật của dân tộc.
Tuồng còn có tên gọi khác là hát bộ, hát bội hay luông tuồng. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của dân tộc. Theo nhiều học giả, tuồng có xuất phát từ ca vũ nhạc và các trò diễn xướng trong dân gian, được ra đời từ rất sớm. Theo nhiều sử sách ghi chép, Đào Duy Từ là người đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam. Ban đầu, tuồng xuất hiện nhiều ở miền Bắc nước ta, sau đó phát triển vào Đàng Trong. Vào thời Nguyễn, tuồng rất được các vị vua và quần thần yêu thích, họ quan tâm, mở các trường và nhiều ưu đãi để đào tạo nghệ sĩ tuồng, vì vậy mà loại hình nghệ thuật này phát triển cực thịnh trong khoảng thế kỉ XVII – XIX. Ở Miền Trung, đặc biệt là Bình Định, tuồng có sức ảnh hưởng rất lớn.
Tuồng là môn nghệ thuật khá đa dạng với nhiều loại như: tuồng thầy, tuồng ngự, tuồng pho, tuồng đồ, tuồng cung đình, tuồng tân thời. Bên cạnh đặc điểm chung, chúng có những nét riêng biệt tạo nên “cá tính” riêng của mỗi loại tuồng.
Khác với chèo, cải lương hay ca kịch, nghệ thuật tuồng mang âm hưởng ngợi ca, hùng tráng, viết về những anh hùng tận trung với quốc gia dân tộc, những tấm gương trung quân ái quốc, dám đương đầu, xả thân vì nghĩa lớn. Lực lượng chính nghĩa trong tuồng luôn được đặt vào những tình huống, hoàn cảnh đầy gian khổ, hiểm nguy. Trong nghịch cảnh, họ sáng ngời lên những vẻ đẹp về phẩm chất anh hùng như: có lí tưởng cao đẹp, niềm tin sắt đá vào thắng lợi, lòng trung thành vô hạn, tinh thần anh dũng, quả cảm, sẵn sàng hi sinh tất cả vì nghĩa lớn. Cuộc chiến của họ với quân phi nghĩa diễn ra đầy khí thế, mỗi phút giây trôi qua đều gây xúc cảm mạnh mẽ cho người xem. Bên cạnh đó, nghệ thuật tuồng còn đề cập đến những bài học về lẽ phải, cách ứng xử giữa con người với con người, ứng xử riêng – chung giữa gia đình với Tổ quốc. Chính những nội dung đạo đức đẹp đẽ trong tuồng đã giúp môn nghệ thuật này có sức sống dài lâu bởi nó mang tính nhân dân sâu sắc.
Kịch bản của tuồng thường được xây dựng theo dòng kịch tự sự phương Đông. Mỗi vở tuồng đều mang một ý nghĩa sâu sắc, các sự kiện được diễn ra theo trình tự thời gian, có đầu, có cuối. Trong tuồng, tính xung đột được xây dựng rất chặt chẽ và đẩy lên cao trào. Đó có thể là mâu thuẫn giữa phe đối lập và phe chính diện, cũng có thể là mâu thuẫn giữa những nét tính cách nội tại của nhân vật. Mỗi kịch bản tuồng thường gồm ba hồi. Hồi I giới thiệu hoàn cảnh nhân vật, nêu mâu thuẫn cơ bản. Hồi II tái hiện những xung đột đầy gay gắt, phức tạp. Hồi III, giải quyết xung đột, thắng lợi thuộc về phe chính nghĩa.
Tuồng sử dụng lối diễn xuất ước lệ, hình thức. Vì vậy mà khi lên sân khấu, mỗi nhân vật một nét riêng, không dễ bị nhầm lẫn, nhờ đó khán giả dễ dàng cảm nhận được câu chuyện. Trên sân khấu tuồng, kẻ trung nịnh, người sang hèn, người minh chánh, kẻ gian tà đều được thể hiện rõ. Các diễn viên được phân biệt từ mặt mũi, phục trang đến tính cách, hành động. Vua, quý phi, hậu phi thường mặc trang phục thêu rồng, may phượng. Tiểu thư đài các mang áo lụa trắng, cô dâu thì mặc lụa đỏ,… Người ngay thẳng, cương trực thì đi đứng đàng hoàng, dặm lên mặt sắc đỏ để thể hiện vai trung thần. Ngược lại, quân phản diện, gian xảo thì mắt láo liên, đi đứng uốn éo, mặt mũi đậm sắc xám. Những động tác cách điệu trong lối múa, đi đứng của các nhân vật trong tuồng cũng khá đa dạng như: bê, xiên, lỉa và lăn, khai, ký, cầu, bẻ lông trĩ, bẻ cờ,…
Khi biểu diễn, các diễn viên dùng ngôn ngữ ca ngâm phải thật to, cao và rõ. Trong hát bội thì điệu hát quan trọng nhất là “nói lối”- kết hợp giữa hát và nói. “Xuân” – giọng vui tươi, “ai” – giọng ảo não, bi thương là hai điệu chính của nói lối. Một số điệu hát tiêu biểu trong tuồng phải kể đến là điệu khách (khách thường, Phú lục, xướng, Ngâm, Tẩu Mã), điệu Nam (Nam ai, Nam xuân,…). Các tác phẩm tuồng không quá nhiều nhưng đều mang những giá trị đặc sắc. Nhiều vở tuồng được công chúng biết đến và yêu thích như Chị Ngộ, Trần Bình Trọng, Trầm Hương cát, Tình sử Mỵ Châu – Trọng Thủy.
Hiện nay, nghệ thuật tuồng dân gian đang có nguy cơ bị mai một bởi nhiều nguyên nhân. Việt Nam chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi và giới thiệu và phát triển môn nghệ thuật này. Thiết nghĩ, chúng ta là những thế hệ trẻ, cần tìm hiểu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thông để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những di sản tinh thần quý giá mà ông cha ta để lại.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-ve-nghe-thuat-san-khau-tuong-68880n.aspx Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em bài văn Thuyết minh về nghệ thuật sân khấu tuồng, bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu hay khác như: Thuyết minh về nghệ thuật Múa rối nước, Thuyết minh về cải lương – nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nam Bộ, Việt Nam, Thuyết minh về làn điệu chèo để có thêm những kiến thức bổ ích và nắm được cách làm một bài văn thuyết minh nhé!
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!