Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà quân sư lỗi lạc, nhà thơ, nhà văn kiệt xuất của dân tộc, nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba – một danh nhân văn hóa thế giới. Sự nghiệp cầm bút của ông đã truyền cảm hứng sáng tác cho rất nhiều người, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi nhé!
- Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
- Tiểu sử và cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
- Tiểu sử nhà văn Kim Lân và sự nghiệp sáng tác văn học
1. Tiểu sử
Nguyễn Trãi (1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc) với Đại Việt. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong Lịch sử Việt Nam. Ông được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” và là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Trãi có cha là Nguyễn Phi Khanh, con rể của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán nhà Trần. Khi nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ lập nên nhà Hồ, Nguyễn Trãi tham gia dự thi, thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi làm quan dưới triều Hồ với chức Ngự sử đài chính chưởng. Khi nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc. Sau khi nước Đại Ngu rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự thống trị của nhà Minh. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn, đề ra chiến lược cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông tiếp tục phục vụ dưới triều đại vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông với chức vụ Nhập nội hành khiển và Thừa chỉ.
Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu ân xá cho ông. Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam.
2. Phong cách sáng tác
Là một trong những vị anh hùng của dân tộc, đóng góp của Nguyễn Trãi cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước vô cùng to lớn. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi có nhiều tác phẩm có giá trị cho kho tàng văn học Việt Nam. Thơ của ông mang tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân và tình yêu mãnh liệt đối với thiên nhiên.
Một số tác phẩm mang tính chính trị và quân sự nổi tiếng của ông, đó là “Quân trung từ mệnh tập”, “Chiếu biểu viết dưới triều Lê” và đặc biệt là “Bình ngô đại cáo” – với giọng văn đầy sự hào hùng, lời đanh thép, thuyết phục, Nguyễn Trãi ca ngợi chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn và hào khí thời đại. Tác phẩm này được xem là bản tuyên ngôn đọc lập lần thứ 2 của nước ta, tổng kết cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc. Bình ngô đại cáo xứng đáng là một bản thiên cổ hùng văn còn lưu truyền đến muôn đời.
Trong sự nghiệp cầm bút của ông có rất nhiều tác phẩm được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán. Thơ của Nguyễn Trãi luôn gần gũi, giản dị và thực tế với cuộc sống. Dù tác phẩm của ông để lại không còn nguyên vẹn và đầy đủ thế nhưng nó đã phần nào chứng minh được tài năng của ông.
Nguyễn Trãi dành cả một cuộc đời cống hiến cho sự phát triển của văn học và chính trị của dân tộc. Tuy vậy, cuộc đời của ông luôn mang nhiều bi thương nhưng để lại tiếng thơm muôn đời và sự kính phục của các thế hệ con cháu sau này. Nguyễn Trãi xứng đáng là vị anh hùng, dân tộc, nhà thơ của thời đại.
3. Vinh danh
Hiện nay, tại các thành phố lớn ở Việt Nam đã có rất nhiều con đường mang tên Nguyễn Trãi.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Hà Nội vốn là từ đường của họ Nguyễn Nhị Khê, được xây dựng sau khi vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết cho ông. Đền còn lưu giữ bức chân dung Nguyễn Trãi cổ vẽ trên lụa và nhiều bức hoành phi nêu bật công lao và đức độ Nguyễn Trãi. Nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, nhà thờ đã được tôn tạo mở rộng, có thêm phòng trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi và tượng đài Nguyễn Trãi. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa vào tháng 1 năm 1964.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Hải Dương được khởi công xây dựng vào năm 2000 và khánh thành vào năm 2002. Tọa lạc tại khu vực động Thanh Hư, đền có mặt bằng rộng 10.000 m2, xoải dốc dưới chân dãy Ngũ Nhạc kề liền núi Kỳ Lân, chia thành nhiều cấp, tạo chiều sâu và tăng tính uy nghiêm. Nghệ thuật trang trí mô phỏng phong cách Lê và Nguyễn. Đền đã được công nhận Di tích nghệ thuật kiến trúc năm 2003. Ngoài ra, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cũng được thờ ở làng Khuyến Lương, nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai và ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
4. Nhận định
Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị ngoại giao “mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu đánh mạnh ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa”; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao… Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta. – Phạm Văn Đồng
Hành trạng của Nguyễn Trãi ở triều Lê không thể cho ta cái nhận thức ông là một lãnh tụ, linh hồn của Khởi nghĩa Lam Sơn. Ở ông, ông chỉ là một viên quan triều đình như bao viên quan khác. Ông nổi tiếng là ở tài văn chương được người đời ca ngợi trong chức vụ Thừa chỉ mà Thái Tổ ban cho. Lê Thánh Tông cũng đã có một câu đánh giá tài năng văn chương của ông: “Văn chương Nguyễn Trãi làm vẻ vang cho nước”. – Nguyễn Diên Niên
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nhiều hiểu biết về Nguyễn Trãi để có một kết quả học tập tốt nhất nhé!