Nguyễn Trung Ngạn: Vị công thần nhà Trần – VOV2
Cho đến bây giờ những câu chuyện về tài năng của danh nhân Nguyễn Trung Ngạn vẫn được lớp người cao tuổi ở làng Thổ Hoàng, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên kể lại cho con cháu. Nổi tiếng thông minh, hiếu học, Nguyễn Trung Ngạn đã được người đương thời tôn vinh là “thần đồng”.
Ông Nguyễn Trung Đức, hậu duệ đời thứ 21 của danh nhân Nguyễn Trung Ngạn kể lại: Ngay từ nhỏ Nguyễn Trung Ngạn đã bộc lộ là người thông minh, ham học. Năm 12 tuổi, ông đỗ Thái học sinh, năm 16 tuổi, đỗ Hoàng giáp, là vị Hoàng giáp trẻ nhất của nước ta và cũng là ông tổ khai khoa của làng Thổ Hoàng.
Trong cuộc đời mình, Nguyễn Trung Ngạn trải qua nhiều chức vụ từ chức Thông giám đến Tể tướng. Ở cương vị nào, ông cũng là vị quan thanh liêm, hết lòng tận tụy, làm lợi cho nước, cho dân. Ông được vua Trần bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng như là An Phủ sứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa), rồi làm Tào Vận sứ ở lộ Khoái Châu, Đại doãn kinh sư Thăng Long, Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm viện Khu mật, Đại học sĩ…. Về sau, ông làm quan đến chức Nhập nội Đại Hành khiển (tức Tể tướng), tước Thân Quốc công, đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều đình.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng hiếm có vị quan nào lại được trọng dụng như Nguyễn Trung Ngạn. Từ chỗ được giao địa vị làm quan ngoài (tức là quan ở các địa phương) đến chỗ được gọi về làm quan trong. Đặc biệt Nguyễn Trung Ngạn được giao rất nhiều chức vụ, trọng trách trong triều đình.
Trong suốt cuộc đời làm quan, mặc dù không ít lần ông bị giáng chức do tính tình cương trực, ngay thẳng nhưng với tài năng hơn người, ông lại được thăng chức và trọng dụng. Khi đảm nhận trọng trách Đại doãn kinh sư, tức là quan đứng đầu quản lý kinh thành, Nguyễn Trung Ngạn được người dân Thăng Long hết mực yêu mến, kính trọng, bởi ông là một vị quan liêm khiết, thương yêu dân chúng, làm nhiều điều tốt cho dân.
Theo PGS.TS Vũ Văn Quân, trưởng Khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội: “Nguyễn Trung Ngạn là vị đại doãn kinh sư nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử thành Thăng Long. Trong thời gian ông làm người đứng đầu kinh thành Thăng Long đã có rất nhiều đóng góp cho nhân dân, thể hiện năng lực quản lý cũng như đức độ của vị quan thanh liêm cho nên Nguyễn Trung Ngạn rất được người dân kinh thành và triều đình coi trọng”.
Cuộc đời Nguyễn Trung Ngạn qua sử sách khắc hoạ sâu sắc tố chất của vị quan tài năng, ngay thẳng, yêu nước, thương dân. Ông là người dám đổi mới, biết đổi mới và đổi mới có hiệu quả. Nhiều sáng kiến trong quá trình làm quan của Nguyễn Trung Ngạn được vua Trần đánh giá cao và xuống chiếu cho các lộ bắt chước thi hành.
Làm quan dưới 5 triều vua nhà Trần, Nguyễn Trung Ngạn xuất sắc trên mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học… Nhà bác học Phan Huy Chú đã xếp Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn là một trong 10 danh thần lỗi lạc nhất của thời Trần. Còn nhà sử học Ngô Thì Sĩ phải thốt lên rằng: “Nho thần cả thời nhà Trần chưa thấy ai được tin dùng như Trung Ngạn”. Trần Nguyên Đán, một nhân cách lớn thời Trần thì ca ngợi Nguyễn Trung Ngạn “sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vòi vọi như núi Thái Sơn”. Theo nhà sử học Lê Văn Lan: “Nguyễn Trung Ngạn đã để lại cho nhà Trần, cho lịch sử rất nhiều công tích. Đây cũng là lý do mà ông được phụng thờ ở rất nhiều nơi trên mọi miền đất nước”.
Lịch sử đã lùi xa, thế nhưng, những câu chuyện về Nguyễn Trung Ngạn vẫn được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đó không chỉ là sự ngưỡng vọng của người dân đối với vị danh nhân thời Trần, mà còn là cách để giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của dân tộc với các bậc anh tài cho thế hệ trẻ.
Mời nghe âm thanh tại đây:
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!