Nhà thơ Mỹ Walt Whitman lận đận “lá cỏ” – Công an Nhân dân
Thân phụ của nhà thơ vốn là bạn của nhà khai sáng dân chủ theo chủ nghĩa thuyết thần giáo tự nhiên Thomas Paine. Ông cũng rất thán phục những tác phẩm của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Robert Owen và Francis Wright.
Khi Walt lên 4 tuổi, cha mẹ cậu chuyển về sống tại <?xml:namespace prefix = st1 />Brooklyn. Tại đây cậu theo học ở trường thị chính 6 năm rồi thôi – đó cũng chính là toàn bộ học vấn chính quy của thi sĩ tương lai. Chớm vào tuổi 11, Walt đã phải bỏ học và đi làm chân chạy việc không công cho một luật sư sở tại chỉ để đổi lấy quyền được “đọc ké” sách trong thư viện nhà ông này.
Rồi thi sĩ tương lai đi học nghề xếp chữ trong nhà in. Cũng ở nhà in, nhà thơ tương lai mới nhận được những hình dung đầu tiên về văn học. Từ năm 16 tới năm 21 tuổi, Whitman đã làm công nhân in ở New York, rồi làm giáo viên phổ thông lại Long Island. Ông đã lập ra và duy trì xuất bản trong gần một năm nguyệt san địa phương “Long Islander” ở Hungtington, bắt đầu viết một loạt những phóng sự báo chí nhan đề “Những ghi chép từ chiếc bàn thầy giáo buổi hoàng hôn”…
Tháng 5/1841, thôi không làm giáo viên nữa, Whitman trở lại New York, làm công nhân sắp chữ ở nhà in chuyên in báo New World. Cũng trong giai đoạn này, ông bắt đầu có quan hệ với Tammany Hall, trụ sở của đảng Dân chủ.
Mùa xuân năm 1842, ông làm biên tập cho tờ báo New York Aurora trong một thời gian rồi rời bỏ nó vì mâu thuẫn quan điểm với chủ báo. Bốn năm tiếp theo, Whitman làm biên tập cho nhiều tờ báo theo khuynh hướng dân chủ hoặc cộng tác với họ.
Năm 1842, Whitman bắt đầu chuyển sang học một cách nghiêm túc. Những truyện ngắn và những bài thơ đa cảm và mang tính giáo huấn, không hề có gì chung với tuyệt phẩm “Lá cỏ” sau này, được viết ra để chiều thị hiếu độc giả đương thời.
Năm 1842, Whitman đã cho in theo đơn đặt hàng của hội những người không nghiện rượu tiểu thuyết “Franklin Evans, or the Inebriate”, mà về sau, ông thường không thích nghe nhắc tới. Làm việc tại báo Long Island Star vài tháng, Whitman chuyển sang biên tập tờ Brooklyn Daily Eagle, một trong những nhật báo hàng đầu thời đó.
Trong các bài xã luận của mình, Whitman đã ủng hộ cuộc chiến tranh Mỹ – Mexico và việc sáp nhập những vùng lãnh thổ miền Tây. Khi ấy, trong hàng ngũ những người Dân chủ ở các bang miền Bắc đã bị phân hóa ý kiến về việc những vùng lãnh thổ mới có được trao cho các chủ nô lệ hay cho các chủ trang trại bình thường.
Whitman đã ủng hộ nhiệt thành những người theo chủ trương “đất đai tự do”, chống lại việc chuyển giao miễn phí đất đai cho các chủ trang trại, và khi bộ phận đảng Dân chủ, ủng hộ những đảng viên ở các bang miền Nam, giành thế thượng phong tại bang New York, tháng 1/1848, Whitman phải rời khỏi chân biên tập viên báo Brooklyn Daily Eagle.
Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày thất nghiệp, ông đã nhận được lời mời làm biên tập cho tờ báo Daily Crescent vừa được thành lập tại New Orleans. Buồn ngủ gặp chiếu manh, Whitman nhận lời và ngày 25/2/1848 đã cùng người em trai tới New Orleans.
Trong gần nửa thế kỷ, nhiều người viết tiểu sử của thi nhân đã miêu tả quãng đời ở New Orleans của Whitman đầy màu sắc rực rỡ mà quên rằng, chính trong giai đoạn đó, em trai của nhà thơ liên tục đau ốm, còn bản thân ông cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm ngôn ngữ chung với các chủ báo.
Rốt cuộc là ngày 25/5/1848, Whitman đã bỏ việc ở New Orleans và trở về nhà. Và không để phí thời gian, Whitman đã nghĩ ngay tới việc lập ra một tờ báo mới chủ trương ủng hộ “đất đai tự do”. Số đầu tiên của tờ Brooklyn Freeman ra ngày 9/9/1848, nhưng ngay ngày hôm sau, tại nhà in đã xảy ra một vụ hỏa hoạn và phần lớn lượng báo chuẩn bị được phát hành đã bị thiêu thành tro.
Trong tình thế quá bó buộc, Whitman không thể nào giúp cho báo nối bản được trước cuộc bầu cử tháng 11 năm đó và thế là những người Dân chủ đã bị thất bại ở bang New York. Tờ báo vẫn tiếp tục tồn tại trong một năm nữa nhưng tới mùa hè năm 1849, sau khi xuất hiện nhóm đảng viên Dân chủ có tư duy cực đoan, ai cũng hiểu rằng, đó là một ấn phẩm không có tương lai.
Số cuối cùng của Brooklyn Freeman đã được phát hành ngày 11/9/1849. Sau thời điểm này, Whitman thỉnh thoảng vẫn còn in bài trên một số ấn phẩm ở New York và Brooklyn, nhưng có thể coi hoạt động báo chí chuyên nghiệp của ông đã kết thúc từ đó.
Trong những năm 1857-1858, ông còn biên tập cho tờ Brooklyn Times rồi sau đó từ giã vĩnh viễn nghề biên tập viên. Với năng lực của mình, hiển nhiên Whitman có thể quay trở lại với nghề này bất cứ lúc nào nhưng bản tính cứng cỏi của ông không cho phép ông thỏa hiệp với những quan điểm không giống của ông.
Để kiếm kế sinh nhai, Whitman đã nhận làm rất nhiều việc, trừ việc làm báo. Năm 1852-1854, ông còn làm cả nhà thầu xây dựng. Mùa xuân năm 1855, ông bắt đầu công bố “Lá cỏ”. Anh em nhà Roam bạn bè của ông ở Brooklyn nhận lời in tập thơ này. Vì không tìm được nhà xuất bản nào chấp nhận chi phí cho việc in sách, Whitman đã cho in nó bằng tiền túi của ông và chính ông đã sắp chữ một phần của cuốn sách. Và “Lá cỏ” đã tới tay bạn đọc vào tuần đầu tiên tháng 7/1855.
Đối với một tập thơ được xuất bản lần đầu ở Mỹ, cuốn “Lá cỏ” năm 1855 đã có quá nhiều những hình ảnh minh họa. Tập thơ có 12 bài và một lời nói đầu tương đối kỳ lạ; bài thơ dài mở đầu tập thơ về sau được đặt nhan đề là “Hát về chính mình” (Song of Myself).
Thay vì tên và họ, Whitman đã xếp trên trang bìa bức chân dung vẽ ông trong áo sơ mi, quần công nhân với chiếc mũ đội lệch rất “chịu chơi”. Trong bài thơ nói đầu, ông tự giới thiệu mình là “Walt Whitman, vũ trụ, đứa con của Manhattan” và bài thơ được bắt đầu bằng câu: “I celebrate myself, and sing myself” (Tôi ca tụng mình, tôi hát về mình).
Chủ đề chính của bài thơ – ý nghĩa của kiếp người – dồn nén vào trong mình những mô típ thần thánh của cái tôi nhân thế, mối liên kết không thể tách rời của tâm hồn và thể xác, những tiến hóa của sự sống, sự bình đẳng của tất cả các sinh vật và cuộc viễn du bất tận của linh hồn trong quá trình sinh thành, chết chóc và nảy sinh cuộc sống mới… Những ý tưởng này đã hòa quyện với nhau trong một bài thơ tuyệt vời có nhan đề “Những người đang ngủ” (The Sleepers).
Cái mới nhập thế luôn luôn khó khăn. Không nhiều người ở Mỹ khi ấy đánh giá được đúng ngay những giá trị cách tân về mặt thi ca của “Lá cỏ”. Một trong số ít những “con mắt xanh” đã nhìn ra trong Whitman một tài năng lớn của nền thơ Mỹ là Ralph Waldo Emerson, người lúc đó đang ở đỉnh cao vinh quang.
Lá thư của Emerson đã khích lệ Whitman rất nhiều, đến mức năm 1856, ông đã quyết định tái bản có bổ sung lần hai “Lá cỏ”, đưa thêm vào trong đó một số bài thơ mới và cả lá thư của Emerson. Dẫu vậy, giới phê bình chuyên nghiệp vẫn hững hờ với sách của Whitman.
Trong giai đoạn này, Whitman đã làm biên tập cho tờ Brooklyn Times trong hai năm rồi lại bị thất nghiệp. Nhưng ông vẫn say mê chuẩn bị tái bản “Lá cỏ” lần nữa. Sách được in ra năm 1860 tại một nhà xuất bản mới được thành lập ở Boston. Đây chính là bản in tuyệt nhất từ tất cả các lần tái bản “Lá cỏ”.
Ngoài 124 bài thơ mới, bản in này còn có ba chùm thơ mới rất quan trọng: Những bài ca Dân chủ (Chants Democratic), Những đứa con của Adam (Enfants d’Adam, về sau đổi thành Children of Adam) và Calamus.-PageBreak-
Dù trong bài tiểu phẩm đả kích “Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 18” (The Eighteenth Presidency, 1856), Whitman đã tiên đoán rằng, nếu những kẻ ủng hộ chế độ nô lệ sẽ chiếm được vị trí chủ đạo trong chính quyền liên bang, thì không thể tránh được nội chiến, việc những người liên bang chiếm đồn Sumter ngày 12 và 13/4/1861 đã khiến ông bị bất ngờ cực độ.
Trong cơn phẫn nộ, ông đã viết bài thơ “Nổi trống lên! Nổi trống lên” (Beat! Beat! Drums!) – tác phẩm đầu tiên trong tập thơ sẽ được in sau chiến tranh “Hồi trống” (Drum-Taps, 1865). Sau chiến tranh, Whitman đã phục vụ ở Washington trong các công sở khác nhau, trong đó có cả Bộ Nội vụ…
Ông tự bỏ tiền túi ra in chùm thơ về nội chiến ở Mỹ “Hồi trống” cộng thêm những bài thơ tưởng niệm Abraham Lincoln “Khi hoa tử đinh hương nở trước nhà mùa xuân này” (When Lilacs Last in the Dooryard Bloom’d) và “Ôi người thuyền trưởng! Người thuyền trưởng của tôi!” (O Captain! My Captain!, 1865).
Năm 1867 đã tái bản lần thứ tư tập “Lá cỏ” và năm 1871 – tái bản lần thứ năm. Năm 1868 công chúng ở Anh bắt đầu được đọc một số trích đoạn của “Lá cỏ” và nhiều nhà văn hàng đầu ở hòn đảo sương mù đã tỏ ra rất thích thú với giọng điệu tâm hồn của Whitman. Cũng chính vì thế uy tín văn chương của ông tại Anh cho tới khi ông mất vẫn luôn cao hơn ở chính quê hương ông.
Năm 1873, Whitman bị bại liệt và ông không thể tiếp tục làm việc ở Washington nữa nên phải về tá túc ở nhà người anh là một doanh nhân tại Camden, bang New Jersey. Cũng trong năm này, một thử thách đau buồn nữa đã đến với ông khi thân mẫu của nhà thơ qua đời – với người mẹ hiền Whitman có những mối quan hệ gắn bó đặc biệt.
Trong những bức bối tâm hồn, Whitman đã được nhẹ lòng hơn nhờ một chàng trai trẻ đã chăm sóc ông và ghi lại những cuộc trò chuyện với ông và tới năm 1908-1964 đã cho công bố trong 5 tập sách với nhan đề “Cùng Walt Whitman ở Camden” (With Walt Whitman in Camden)…
Năm 1876 đã lại tái bản tập thơ của Whitman, trùng với dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Mỹ. Cũng trong năm này còn có một tuyển tập thơ cùng văn xuôi của ông được xuất bản với nhan đề “Hai dòng sông nhỏ” (Two Riverlets). Tuyển tập này được bán rất chạy ở Anh nhưng lại bị hững hờ ở Mỹ.
Thành công ở hòn đảo sương mù đã làm hưng phấn thi nhân đến mức sức khoẻ ông như trở nên tốt hơn và năm 1879, ông đã hoàn thành được một chuyến đi qua các bang miền Tây và năm tiếp theo, đã tới gặp nhà tâm lý học nổi tiếng đang sống ở Canada, Richard Maurice Bucke.
Sau khi đọc “Lá cỏ”, Bucke đã tới Camden thăm Whitman và năm 1883, đã cho xuất bản một tập tiểu sử chi tiết của nhà thơ. Cũng trong thời gian này, Whitman đã kịp hoàn thành văn bản ổn định cuối cùng của “Lá cỏ” và cho in ở nhà xuất bản lớn Osgood. Tuy nhiên, do một số bài thơ mà Whitman từ chối bỏ đi, bị dư luận đương thời cho là tầm thường và thô tục nên chủ nhà xuất bản này buộc phải ngừng phát hành sách.
Theo đúng hợp đồng, Whitman được nhận cả ấn bản và năm 1882, ấn bản này được sử dụng để in thành sách tại Philadelphia cùng một tập văn xuôi của Whitman “Những ngày đáng nhớ” (Specimen Days). Tập văn xuôi này có tự thuật và nhiều câu chuyện kể về nội chiến ở Mỹ…
Những lần in sách đó đã giúp cho Whitman có được thu nhập khá đến mức ông đã mua được một ngôi nhà riêng ở Camden. Mặc dù đã ốm nặng nhưng trong giai đoạn cuối đời Whitman đã chuẩn bị được lần tái bản cuối cùng trước khi mất ngày 26/3/1892.
Danh tiếng của Whitman chỉ trở nên lừng lẫy sau khi ông qua đời. “Lá cỏ” giờ đây được đánh giá là một trong những đỉnh cao khó có thể vượt qua của thi ca Mỹ nói riêng và thế giới nói chung
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!