Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên – Một đời sáng

Dòng nhạc trữ tình Việt Nam từ thập niên 1960 trở về sau đã có sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ mới cùng những tác phẩm đã trở thành bất tử. Đại diện cho thế hệ này là 5 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, và trẻ nhất là Ngô Thuỵ Miên.

5 nhạc sĩ này cùng sáng tác thể loại tình ca, nhưng mỗi người đều sở hữu những cá tính âm nhạc riêng biệt, nếu so với trước đó và cả sau này thì đều không ai trùng lặp với ai. Trong số 5 nhạc sĩ thì có 2 nhạc sĩ hiếm hoi đã dành cả cuộc đời chỉ để sáng tác những bài tình ca lãng mạn, đó là Từ Công Phụng và Ngô Thuỵ Miên.

Trả lời câu hỏi tại sao không viết về những đề tài khác ngoài tình ca, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho biết:

“Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi”.

Những sáng tác tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc, có thể kể đến là Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Chiều Nay Không Có Em, Áo Lụa Hà Đông, Giọt Nước Mắt Ngà, Từ Giọng Hát Em, Mắt Biếc, Giáng Ngọc, Tuổi 13, Mùa Thu Cho Em… Đây cũng có thể xem là những bài nhạc trữ tình hay nhất của âm nhạc Việt Nam.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên vẫn sáng tác không ngừng để cho ra mắt những ca khúc nổi tiếng Bản Tình Ca Cho Em, Riêng Một Góc Trời, Dốc Mơ…

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh ngày 26/9/1948 tại Hải Phòng, là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh chị em. Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở thành phố Hải Phòng, và sau này ở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi di vào đến Sài Gòn. Tại đây, ông theo học trường Trung học Nguyễn Trãi, sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên).

Đọc thêm:  Cách đổi kích thước ảnh trên Fotor nền web - Trường Đại Học Y

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã từng nói về những nơi mà ông đã từng gắn bó một thời như sau: “Tôi sinh ra ở Hải Phòng miền Bắc Việt Nam, nhưng đã lớn lên tại Sài Gòn, đã được nuôi dưỡng bởi cái tánh khí bình dị, cái tinh thần mộc mạc của miền Nam, đã có cả một thời mơ mộng, cả một tuổi trẻ với bao mộng ước đầu đời, khát khao…”

Trong thập niên 1960, Ngô Thụy Miên có theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt, học nhạc lý với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Trong thời gian học tại đây, ông được quen biết với Đoàn Thanh Vân (con gái của tài tử nổi tiếng Sài Gòn là Đoàn Châu Mậu), và hai người đã có một mối tình sâu đậm. Những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phần nhiều là được viết cho cuộc tình này.

Ngô Thụy Miên đã bắt đầu sáng tác từ năm 1963 khi mới 15 tuổi với bút danh là Đông Quân, nhưng đến 2 năm sau đó thì tên tuổi của ông mới được công chúng biết đến qua tình khúc Chiều Nay Không Có Em.

Năm 1969, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho xuất bản tập nhạc “Tình khúc Đông Quân” gồm một số ca khúc tiêu biểu như: Giáng Ngọc, Gọi Nắng (sau đổi tên thành Giọt Nắng Hồng), Mùa Thu Này Cho Em (sau đổi tên thành Mùa thu cho em), Dấu Vết Tình Yêu (sau đổi tên thành Dấu Tình Sầu)… “Tình khúc Đông Quân” được in ronéo và phát hành tại Sài Gòn.

Năm 1974, Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bắt tay vào thực hiện băng nhạc đầu tay mang tên “Tình Ca Ngô Thụy Miên” với 17 ca khúc được sáng tác từ năm 1965 – 1972. Bài hát đầu tiên được hoàn tất trong năm 1965 là Chiều Nay Không Có Em và bài cuối cùng được viết trong năm 1972 là Mắt Biếc.

Mời bạn nghe lại băng nhạc này sau đây:

Click để nghe

Cho đến nay, nhiều người vẫn xem đây là băng nhạc hay nhất của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, đồng thời cũng là một trong những băng nhạc hay nhất của dòng nhạc trữ tình với sự góp mặt của những ca sĩ thượng thặng như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang,…

Một mảng sáng tác đáng lưu ý và cũng rất được đón nhận trong số các tình khúc Ngô Thuỵ Miên, đó là nhạc phổ thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết: “Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông”.

Đọc thêm:  2023 Hủ Tục Là Gì? Phân Biệt Phong Tục Và Hủ Tục - Hồng Thái AD

Từ yêu thích và thuộc thơ, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên bắt đầu phổ nhạc cho thơ Nguyên Sa và cho ra đời những ca khúc bất hủ như là Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, và Tuổi 13.

Ngoài sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên còn là một công chức. Từ năm 1970 đến 1975, ông làm kiểm soát viên không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhất. Cũng khoảng thời gian đó, ông là Trưởng ban nhạc Luân Phiên tại Đài phát thanh Quân đội.

Năm 1973, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đính hôn với cô bạn gái lâu năm Đoàn Thanh Vân, người đã cùng ông trải qua nhiều thăng trầm với những sự hợp tan. Đám cưới dự định sẽ được tổ chức sau khi Đoàn Thanh Vân tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên dự định chưa thành thì xảy ra biến cố 1975, Đoàn Thanh Vân theo gia đình đi di tản, còn Ngô Thuỵ Miên ở lại Sài Gòn. Niềm thương nhớ người yêu đã ở bên kia bờ đại dương đã trở thành nguồn cảm xúc để ông viết:

Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Đông Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong…

Đó là lời ca trong tình khúc duy nhất mà Ngô Thuỵ Miên viết tại Sài Gòn sau năm 1975 mang tên Em Còn Nhớ Mùa Xuân, với lời khẳng định: Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong…

Click để nghe Sĩ Phú hát Em Còn Nhớ Mùa Xuân

Ông đã từng nói về quan điểm của mình về tình yêu như sau:

“Tình yêu đối với tôi dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng liêng. Yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận để mang lại hạnh phúc cho người yêu. Yêu cũng là tha thứ cho những vấp ngã của người và của chính mình. Đó chính là cái nét riêng biệt của tình ca Ngô Thụy Miên”.

Đến năm 1978, Ngô Thụy Miên sang được đến Pulau Bidong – Mã Lai và ở đây 6 tháng trước khi được bảo lãnh cho sang Montréal (Canada) vào tháng 4 năm 1979. Khi đó, Đoàn Thanh Vân từ San Diego – Mỹ, được tin người yêu đã đến được Canada, cô đã bay sang gặp người yêu và cùng nhau nối lại cuộc tình dang dở hơn 10 năm vì thời cuộc. Họ kết hôn ngay trong năm 1979 và cả hai sống tại San Diego, sau đó là Orange County.

Đọc thêm:  Sinh ngày 8/5 là cung gì – Bói ngày sinh theo cung hoàng đạo
Vợ chồng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Năm 1980, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho trường UCLA (Los Angeles), đúng với chuyên ngành và ông đã được đào tạo và làm việc từ trước năm 1975. Vợ chồng nhạc sĩ sang định cư tại Seattle (Washington) và ông đã cho ra đời sáng tác đầu tiên tại hải ngoại của mình là Bản Tình Ca Cho Em sau một thời gian dài không viết nhạc.

Những ca khúc quen thuộc khác cũng được Ngô Thụy Miên sáng tác trong thời gian này là Nắng Paris Nắng Sàigòn, Giấc Mơ, Mùa Thu Xa Em, Tháng Giêng và Anh, Dốc Mơ…

Thời gian sau đó, vợ chồng Ngô Thụy Miên – Đoàn Thanh Vân chuyển đến định cư ở nơi có khá ít người Việt sinh sống là thành phố Olympia, tiểu bang Washington, là một thành phố hiền hòa, cùng nhau sống hạnh phúc trong một nếp sống bình yên và khá kín tiếng cho đến nay.

Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên từng nói về sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình như sau:

“Tôi đến với âm nhạc như một sự tự nhiên, không hề có tham vọng gì. Những sáng tác của tôi đều được cẩn trọng, chăm sóc từ lời ca đến ý nhạc.

Những năm tháng học nhạc cổ điển Tây phương đã giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tạo, chọn lựa cũng như trau chuốt, làm đẹp câu nhạc. Đã có những bài tôi để cả năm trời chỉ để viết đi, viết lại những giai điệu mà mình chưa vừa ý!

Nói về lời ca, thì có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không biết. Rồi khi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên sẽ đến”.

Ngoài ra, ông cũng từng nói một câu đại ý rằng: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Có lẽ vì chỉ sáng tác dành cho những cảm xúc thật của mình, không phải lo lắng nhiều đến sinh kế, không phải viết theo đơn đặt hàng, không chịu sự hối thúc của một ai nên các bài hát của ông không có sự dễ dãi, mang được một nét lãng mạn đặc trưng, luôn dạt dào cảm xúc, là những tác phẩm để đời được nhiều thế hệ yêu thích.

Đông Kha – nhacxua.vn biên soạn

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button