Saigo Takamori: huyền thoại Samurai cuối cùng của Nhật Bản
Sinh ra trong gia đình Samurai ở Kagoshima, vùng Satsuma, Saigo Takamori đã được truyền dạy những đức tính của một võ sĩ đạo chân chính. Dù xuất thân từ Samurai cấp thấp nhưng ông đã trở thành vị Samurai vĩ đại có công lớn trong việc thành lập Triều đại Minh Trị.
Bối cảnh sinh ra vị Samura cuối cùng
Saigo Takamori (西鄕隆盛) sinh vào ngày 23/1/1828 tại Kagoshima, thủ phủ của Satsuma. Ông ra đời trong bối cảnh toàn bộ giới võ sĩ Samurai ở quê hương Satsuma của ông bị chính quyền ghẻ lạnh. Vì phiên Satsuma nằm trong liên minh chống lại Mạc phủ Tokugawa nên khi chính quyền Tokugawa lên nắm quyền, họ đã hào phóng phong tặng cho những người ủng hộ mình và trừng phạt những kẻ thuộc phe thù địch bằng cách ngăn chặn việc tham gia vào bộ máy chính quyền.
Ông là con cả trong gia đình 7 người con. Cha ông – Saigo Kichibei được xếp vào hạng Samurai cấp thấp làm công việc thuế chỉ đủ sống qua ngày. Vì vậy, Takamori và các người em của mình phải trải qua cuộc sống khốn khó như phải chia sẻ một chiếc chăn trong đêm, mặc dù một số người họ có thân hình cao lớn đến 1,8 mét. Bố mẹ của Takamori cũng phải vay tiền mua đất trồng trọt để đủ cái ăn cho gia đình. Gia cảnh nghèo khó cùng cách dạy dỗ của cha mẹ đã giúp Takamori – một Samurai trẻ thấm nhuần giá trị của lòng tự trọng, tính tiết kiệm và lòng tự hào.
Năm 6 tuổi, Takamori bắt đầu theo học tại ngôi trường địa phương goju, hay còn gọi là trường tiểu học dành cho Samurai và lần đầu tiên được sử dụng thanh kiếm ngắn được các chiến binh Samurai dùng – wakizashi (脇差). Khi còn học ở trường, ông đọc rất nhiều sách nên được xem như một học giả hơn là một chiến binh. Ông tốt nghiệp vào năm 1842. Ba năm sau đó, Takamori bắt đầu làm việc tại bộ máy quan lại địa phương với chức vụ cố vấn nông nghiệp. Năm 1852, khi 24 tuổi, ông trải qua cuộc hôn phối sắp xếp với Ijuin Suga kém ông 1 tuổi nhưng không có mụn con nào. Không lâu sau đám cưới, bố mẹ của Takamori đều qua đời và để lại trên vai ông gánh nặng của một gia đình đông người. Năm 1854, lúc 26 tuổi, ông đã được cử đến Edo để trợ giúp cho lãnh chúa phiên bang Satsuma – Shimazu Nariakira.
Trở thành trợ thủ đắc lực của lãnh chúa Shimazu Nariakira
Trong thời gian Takamori trở thành “cánh tay phải” cho lãnh chúa Shimazu Nariakira thì nhiều biến cố ập tới. Sự kiện đánh dấu mốc đó là năm 1854, Phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew C. Perry đưa hạm đội tàu chiến vào Vịnh Edo buộc Nhật Bản phải mở cửa, chấm dứt thời kỳ bế quan tỏa cảng. Chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã triệu tập tất cả các lãnh chúa lại để bàn bạc cách đối phó với quân Mỹ. Lãnh chúa Nariakira là một trong số những người ủng hộ mạnh mẽ Nhật chống lại quân xâm lược phương Tây với đề xuất táo bạo là lấy toàn bộ tài sản của gia tộc giao cho chính quyền Tokugawa để củng cố sức mạnh quân sự. Lãnh chúa Nariakira thúc giục Takamori lập các kế hoạch quân sự cho mục tiêu chống Tây.
Ngày 15/4/1858, Lãnh chúa Nariakira qua đời đột ngột, nguyên nhân cái chết được nghi ngờ là do bị đầu độc. Lúc này, Takamori dự tính sẽ quyên sinh theo lãnh chúa như truyền thống của Samurai. Nhà sư Gessho đã thuyết phục Takamori hãy sống và tiếp tục công việc chính trị trong sự tưởng nhớ về Lãnh chúa Nariakira. Với chính sách bài ngoại của mình, Takamori trở thành đối tượng bị Mạc chúa thanh trừng. Gessho và Takamori nhanh chóng rời Edo trở về quê hương Kagoshima, nhưng Lãnh chúa mới của vùng Satsuma lại từ chối bảo vệ những người đã làm việc cho Mạc phủ. Để không bị bắt, Gessho và Takamori đã nhảy từ con thuyền nhỏ xuống vịnh Kagoshima, đáng tiếc Gessho đã không sống sót. Một con thuyền nhỏ đi qua đây đã cứu Takamori rồi đưa ông đến đảo Amami Oshima.
Hành trình 3 năm lưu vong
Tiếp tục bị chính quyền Mạc phủ truy sát, Takamori đã lưu vong tại một con đảo nhỏ tên Amami Oshima và đổi tên thành Saigo Sasuke. Những vị quan trong triều đình phản đối chính sách của Mạc phủ vẫn viết thư cho ông để xin lời khuyên về chính trị, mặc dù Mạc phủ thông báo ông đã chết. Vì vậy mà sức ảnh hưởng của ông vẫn được duy trì tại Kyoto. Ông cũng kết hôn với một phụ nữ địa phương tên là Aigana và có một đứa con trai.
Sau 3 năm sống lưu vong, Takamori được phép quay trở về quê hương Kagoshima, nhưng vợ con ông lại là dân thường nên không thể đi cùng ông. Mạc phủ lúc này đã trở nên yếu kém, bất lực bởi sự xuất hiện của các hạm đội Mỹ, cùng nhiều quốc gia như Anh, Hà Lan, Pháp, Nga,… buộc Mạc phủ mở cửa đất nước. Nhiều gia tộc Samurai bất mãn với chính quyền Mạc phủ, trong đó có phiên Satsuma, đã hợp lực cùng nhau để tổ chức phong trào cần vương với mục đích lật đổ chính quyền, đưa Thiên hoàng trở thành người lãnh đạo đất nước thật sự.
Lúc này em trai của lãnh chúa Shimazu Nariakira tên Hisamitsu đã kích động cuộc nổi loạn và tổ chức phong trào cần vương. Takamori đã khuyên ngăn họ vì hiện tại chưa phải thời cơ chín muồi, nếu hành động thì chỉ dẫn đến cuộc tàn sát nên ông đã đi trước một bước. Ông tiến hành thương lượng với chính quyền Mạc phủ để duy trì quan hệ hòa bình giữa hai bên. Tuy nhiên, Mạc phủ một lần nữa hiểu lầm, cho rằng ông phản bội và đày ông ra đảo Tokunoshima trong 4 tháng.
Cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân
Năm 1866, khi cuộc tấn công của phiên Choshu nổ súng vào dinh thự của Thiên Hoàng, Takamori đã nhanh chóng liên minh với lực lượng của phiên Aizu để dập tắt loạn lạc và giữ cho Thiên hoàng an toàn, cũng như đàm phán thành công với phiên Choshu biến chiến sự thành hòa bình. Năm 1868, chiến tranh Boshin với 5.000 quân của Takamori liên kết với phiên Choshu tiến đánh chính quyền Mạc phủ Tokugawa. Mạc phủ nhận thấy tình thế nguy cấp với nhiều kẻ thù bao vây nên đã trả lại chính quyền cho Thiên hoàng. Mạc phủ sụp đổ từ đây.
Sau đó, Takamori đã trở thành cố vấn chính trị cho Thiên hoàng Minh Trị và đóng vai trò cốt yếu trong cuộc cải cách Minh Trị. Ông đã thuyết phục Thiên hoàng thành lập quân đội Nhật theo phong cách phương Tây. Năm 1871, chính quyền Minh Trị phái sứ thần sang Hoa Kỳ và châu Âu. Takamori đã ở lại Nhật Bản và được giao trọng trách quản lý triều đình.
Cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân là chuỗi các cải cách lớn về cấu trúc chính trị, xã hội của Nhật Bản từ một nước nông nghiệp sang nước công nghiệp. Lúc này, Samurai không còn là tầng lớp trên cùng của xã hội nữa mà thay vào đó là các nhà sản xuất vải công nghiệp giàu có. Năm 1877, Chính quyền Minh Trị tiến hành chấm dứt các đặc quyền của tầng lớp Samurai. Tuy nhiên, các vấn đề nảy sinh với Samurai lại không trở thành bất đồng then chốt khiến Takamori từ quan.
Từ quan vì bức quốc thư gửi cho Triều Tiên
Sau khi chính quyền Minh Trị lên nắm quyền, Thiên hoàng đã nối lại mối quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Năm 1869, Chính phủ Minh Trị cử phái viên đến Hàn Quốc mang theo một lá thư đề nghị thiết lập quan hệ thiện chí giữa hai nước. Tuy nhiên, bức thư có con dấu của chính phủ Minh Trị chứ không phải là con dấu do Triều Tiên cho phép gia tộc So sử dụng. Nó cũng sử dụng ký tự “皇 – ko” thay vì “大君 – taikun” để chỉ hoàng đế Nhật Bản. Người Hàn Quốc chỉ sử dụng “皇” để chỉ hoàng đế Trung Hoa, nên hành động này đối với Hàn Quốc là ngụ ý về sự vượt trội về mặt nghi lễ của Nhật Bản so với nhà vua Hàn Quốc. Do đó, Hàn Quốc không chấp nhận thư này. Takamori thật sự nổi giận và đề xuất khai chiến với Triều Tiên để trừng phạt họ. Chính quyền Minh Trị nhận thấy Nhật Bản hiện tại không đủ lực lượng chiến đấu, cũng như không nhận được sự ủng hộ từ quốc tế nên đã từ chối kế hoạch của Takamori. Ông đã phản đối bằng cách từ chức và trở về quê nhà Kagoshima.
Cuộc nội chiến cuối cùng ở Satsuma và sự ra đi của Saigo Takamori
Takamori trở về quê hương và mở ra học viện quân sự có tên là Shi-gakko. Nhiều Samurai bất mãn với triều đình đã gửi con theo học ở ngôi trường này. Học viện của ông mở rộng chi nhánh khắp Kagoshima và trở thành mối lo của Chính quyền Minh Trị. Lo sợ cuộc nổi dậy từ phía Takamori, triều đình đã cử một tàu chiến đến Kagoshima để dỡ vũ khí từ kho súng Kagoshima. Các học trò thân cận của Takamori lại nhìn nhận cuộc đại chiến đang đến gần nên đã tấn công kho súng để cướp vũ khí và phát hiện ra Chính quyền Minh Trị sai người ám sát Takamori. Từ đây, trận chiến Shiroyama (hay còn gọi là cuộc nổi loạn Satsuma) đã được châm ngòi. Mục đích ban đầu của Takamori là không muốn nổi loạn vì ông vẫn giữ lòng trung thành với Thiên hoàng, thay vào đó, ông muốn đến “chất vấn” chính quyền Minh Trị. Sau cùng, nhận thấy lòng trung thành của mình không được coi trọng cũng như quyền lợi của giới Samurai bị đe doạ, ông đã tập hợp quân đội để tiến hành cuộc nổi loạn Satsuma.
Đã có khoảng 12.000 người trong đoàn quân do Takamori dẫn đầu tiến về Tokyo. Lực lượng chiến đấu của Takamori nhanh chóng hao hụt do phải đối mặt với quân triều đình 45.000 người. Sau nhiều lần đánh, quân Takamori chỉ còn 300 người sống sót đã di chuyển lên núi Shiroyama – nơi đang có 7.000 quân triều đình chiếm đóng. Đội quân của ông đã bị tiêu diệt trong đợt tấn công cuối cùng của quân triều đình. Ông bị bắn xuyên đùi và đã thực hiện seppuku (mổ bụng tự sát) theo truyền thống của Samurai vào ngày 24/12/1877. Một trong những người thân cận đã giấu thủ cấp của ông tránh bị quân đội Thiên hoàng cướp lấy. Để tưởng nhớ vị Samurai cuối cùng, tượng của ông đã được đặt tại công viên Ueno, Tokyo.
kilala.vn
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!