Học tập đức tính giản dị, khiêm tốn của Bác – Ban Quản lý Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại và nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc ta, một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với lịch sử hiện đại của dân tộc ta và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Người đã viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Bác đã trở thành di sản lớn lao của dân tộc ta. Vì thế, việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người vĩ đại. Người để lại cho mỗi chúng ta bao điều cần học tập. Một trong những đức tính ấy là sự giản dị, khiêm tốn. Có thể khẳng định, phong cách khiêm tốn, giản dị của Hồ Chí Minh là kết tinh của văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam bao thế hệ, thừa hưởng đạo đức, lối sống thanh bạch giản dị của gia đình, được thể hiện sống động qua từng cử chỉ hành động trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người từ khi còn nhỏ đến lúc giữ cương vị cao nhất của dân tộc Việt Nam. Biết bao vần thơ, áng văn bất hủ ca ngợi về phong cách khiêm tốn, giản dị của Hồ Chí Minh, bởi phong cách khiêm tốn, giản dị của một con người là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người.
“Bác sống như trời đất của ta,
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa”
(Tố Hữu)
Với bao thế hệ Việt Nam, thì Hồ Chủ tịch gần gũi thân thương, đáng kính “Người là Cha, là Bác, là Anh” và vô cùng khiêm tốn giản dị. Bác của chúng ta là một tấm gương sáng ngời về đức tính giản dị. Mặc dù là Chủ tịch nước, là nguyên thủ của một quốc gia nhưng Bác Hồ lại có một cuộc sống hết sức giản dị. Nơi làm việc cũng là nơi ở của Người chỉ là một ngôi Nhà sàn đơn sơ với các đồ đạc đủ dùng ở mức tối thiểu và cần thiết nhất. Hàng ngày, Người thường dùng bữa với vài ba món ăn dân dã, đơn giản. Trang phục Người thường mặc nhất là bộ bà ba nâu, bộ ka ki vàng và đôi dép cao su… Sự giản dị của Người còn thể hiện ở trong từng lời nói luôn luôn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Nói về chủ nghĩa xã hội, Người nói một cách thật dễ hiểu là “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ốm đau được chữa bệnh”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Bác là minh chứng sống động cho đức khiêm tốn, giản dị của Người thể hiện qua nhiều câu chuyện mà những người may mắn được sống và làm việc bên cạnh Người kể lại. Mỗi khi gặp gỡ đồng bào, Bác coi như những người ruột thịt nên câu chuyện thân tình, không có khoảng cách trên dưới, bởi thế những điều Người nói như những lời gợi mở, khuyên nhủ thật dễ nhớ để làm theo. Trong bữa ăn, thấy có món ngon, món lạ là Bác hỏi. Nếu anh em phục vụ bảo nơi này, nơi kia biếu là Bác nhắc: Bác có phải là vua đâu mà cung với tiến, rồi Người đem chia đều thức ăn cho mọi người.
Khi thăm viếng những nơi tôn kính cũng như khi tham gia giao thông trên đường Bác luôn thể hiện phong cách khiêm tốn đáng nể phục như một lần Bác đi thăm một ngôi chùa vào hôm chính lễ nên khách thập phương rất đông. Trước cửa chùa mọi người đều cởi giày dép, vị sư trụ trì khẩn khoản xin Bác đừng tháo dép, Bác vẫn dừng lại để dép ở ngoài như mọi người. Lúc trở ra đến ngã tư đường thì đèn đỏ, xe Bác phải dừng lại, nhưng anh em cùng đi sợ dân chúng phát hiện thấy Bác mà ùa ra đường thì khó bảo vệ, các anh định chạy lại nói với cảnh sát giao thông bật đèn xanh cho xe Bác đi ngay, liền bị Bác ngăn lại và bảo: “Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình”.
Nhiều lần đi thăm các địa phương, Bác bảo anh em phục vụ chuẩn bị cơm mang theo, lúc nào thuận tiện thì dừng lại ăn cơm. Theo Bác, xuống thăm các địa phương, cơ quan, đơn vị là để nắm tình hình thực tế và góp ý, nhắc nhở về các công việc, chứ không phải xuống dự tiệc tùng, gây tốn kém, Bác còn nói vui: “Để tỉnh chiêu đãi thì họ cho mình ăn một nhưng sẽ hết cả con bò. Nếu Bác đến thăm 4 tỉnh như vậy kinh tế sẽ lạm phát”. Có tỉnh nọ mặc dù đã được báo trước là Bác có mang cơm theo, nhưng vẫn sắm sửa cỗ bàn thịnh soạn. Khi được mời, Bác kiên quyết không ăn mà còn phê bình rất nghiêm khắc.
Ðồng thời, Bác cũng nhắc nhở mọi người rằng, nước ta còn nghèo, mà cái nghèo thì không phải dễ dàng nhanh chóng khắc phục, còn phải chịu đựng nó lâu dài, vậy thì sống giản dị, tiết kiệm là thói quen tốt, cần rèn luyện thường xuyên. Sự giản dị, phong thái ung dung ấy của Bác bắt nguồn từ một thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Nó kết hợp nhuần nhị những nét cao đẹp của tính cách dân tộc với đạo đức cộng sản. Nó có sức thu hút mạnh mẽ tình cảm mọi người và qua đó Bác càng trở nên vĩ đại.
Nhận xét về nếp sống giản dị của Bác, một tờ báo Pháp đã viết: “Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người chung quanh đều bắt chước hành động đó của ông…”.
Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp. Ngày 15-7-1969, Charles Fournio – nhà báo Pháp cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến và kể rằng: “Khi nghe nói đến những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào ngày 19-5 sang năm), Hồ Chủ tịch đã tỏ ý không tán thành tất cả mọi biểu hiện chú ý đặc biệt đến Người và nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này, chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện và thư viện”.
Sự khiêm tốn cũng là một đức tính nổi bật của Bác Hồ. Là lãnh tụ nhưng Người khiêm tốn với tất cả mọi người, cả người già và người trẻ. Đối với những người giúp việc thường xuyên bên mình, Bác thường gọi hết sức thân mật và trân trọng là cô, chú như những người trong gia đình. Đối với các vị nhân sĩ, trí thức khi tiếp chuyện Bác luôn thưa gửi rất lễ độ và đúng mực. Khi Quốc hội đề nghị tặng Bác Huân chương cao quý nhất của Nhà nước là Huân chương Sao Vàng. Biết tin ấy, Bác Hồ rất cảm động.
Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.
Bác nhắc đến đồng bào miền Nam đang sống khổ cực dưới chế độ dã man của đế quốc Mỹ và tay sai, đang anh dũng kiên quyết đấu tranh thắng lợi và Bác nói tiếp “miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.
Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lênin – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Xô viết – nhưng Bác cũng đã từ chối, hẹn đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.
Suốt cả cuộc đời, Bác Hồ luôn là một tấm gương mẫu mực về sự giản dị, khiêm tốn. Điều quan trọng hơn, tư tưởng của Người không chỉ thể hiện bằng lời nói mà luôn đi đôi với việc làm. Đức tính giản dị, khiêm tốn, của Người mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo, nhất là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí hiện nay.
Học tập đạo đức của Bác Hồ chính là học tập và rèn luyện cho được đức tính khiêm tốn, giản dị của Người. Điều này vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi đó không phải là những gì quá cao siêu. Khó bởi phải thật sự có một tấm lòng thật trong sáng thì mỗi người mới có thể vượt qua các cám dỗ của quyền lực, danh vọng… luôn diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Do đó, mỗi người cán bộ, đảng viên chúng ta phải học tập, tu dưỡng và rèn luyện mình một cách tự giác, thường xuyên các đức tính quý báu ấy.
Minh Thu (Tổng hợp)
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!