Bệnh trĩ: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và hướng điều trị

“Thập nhân cửu trĩ” – bệnh trĩ phổ biến như vậy nhưng rất nhiều người âm thầm chịu đựng, ít đi khám vì cho đây là căn bệnh nhạy cảm. Tuy nhiên, việc chậm thăm khám có thể khiến bệnh nhân dễ điều trị sai bệnh hoặc bệnh diễn tiến nặng, khiến việc chữa trị khó khăn hơn, tốn kém hơn. Việc hiểu rõ bệnh trĩ sẽ giúp người bệnh có hướng chữa trị kịp thời, đúng đắn hơn. Dưới đây là những thông tin chi tiết về bệnh trĩ.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch. Đây là các bệnh của một hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Đám rối tĩnh mạch nằm ở lớp dưới niêm được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi đàn hồi.

Bệnh trĩ

Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.

Cả nam lẫn nữ đều có thể bị trĩ, nhất là từ 30 đến 60 tuổi. Cứ 2 người trên 50 tuổi thì có một người bị trĩ (ít nhất 1 lần trong một đời người).

Dấu hiệu của bệnh trĩ

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trĩ có thể bao gồm:

  • Chảy máu không kèm đau trong quá trình đi tiêu. Ban đầu có thể thấy một lượng kín đáo máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Chảy máu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu.
  • Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn.
  • Người mắc bệnh trĩ thường bị đau hoặc khó chịu, dao động từ không đau, đau ít đến rất đau do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt.
  • Người bệnh cũng có thể bị sưng vùng quanh hậu môn.
  • Người bị trĩ có thể có một khối nhô lên gần hậu môn, rát hoặc đau (có thể là huyết khối tại búi trĩ).

Triệu chứng trĩ thường phụ thuộc vào vị trí:

Trĩ ngoại gây khó chịu nhất, bởi vì vùng da trên búi trĩ bị kích thích và bị loét. Nếu cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ ngoại, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể cảm thấy hoặc nhìn thấy một khối nhô lên quanh hậu môn. Cục máu đông có thể bị hấp thu để lại vùng da nhăn nheo gây ngứa và rát.

Trĩ nội thường không gây đau, ngay cả khi chúng xuất huyết (chảy máu). Người bệnh có thể nhìn thấy máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt vào bồn cầu nhà vệ sinh. Búi trĩ thường không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được, và chúng hiếm khi gây khó chịu. Trong lúc rặn đi cầu, phân khi đi ngang hậu môn có thể làm trầy xước bề mặt búi trĩ và làm chảy máu. Trĩ nội cũng có thể bị sa ra ngoài hậu môn tạo trĩ nội sa. Khi trĩ bị sa, nó có thể hấp thu một lượng nhỏ chất nhầy và phân nên có thể kích thích gây ra ngứa, đau và rát. Lau liên tục để cố gắng giảm ngứa có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.

Biến chứng của bệnh trĩ

Dưới đây là các biến chứng của bệnh trĩ bệnh nhân có thể gặp phải:

  • Thiếu máu: Do mất máu mạn tính qua búi trĩ, lúc này cơ thể sẽ không có đủ số lượng hồng cầu cần thiết để thực hiện trao đổi Oxy cho tế bào. Trường hợp này hiếm xảy ra.
  • Nghẹt búi trĩ: Nếu búi trĩ sa và bị mắc kẹt làm cho mạch máu cung cấp đến búi trĩ bị tắc. Lúc này triệu chứng đau sẽ rất rõ ràng. Khi ấn nhẹ vào sẽ cảm giác lộm cộm do có cục máu đông.
  • Tắc mạch: Là tình trạng hình thành cục máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ. Khi mạch máu bị giãn phồng và ứ máu do rặn, bưng vác nặng, có thai, chơi thể thao nặng làm tăng áp lực trong khoang bụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Tắc mạch trĩ ngoại thì vùng rìa hậu môn sẽ thấy khối phồng nhỏ màu xanh, đi kèm cảm giác đau rát khi sờ, căng. Tắc mạch trong trĩ nội thì có cảm giác đau và cộm trong sâu và triệu chứng không rầm rộ như trĩ ngoại.
  • Viêm da quanh hậu môn, viêm nhú và viêm khe khi da giữa các búi trĩ bị loét gây triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát.
Đọc thêm:  Dàn ý nghị luận về lòng dũng cảm trong cuộc sống - Đọc Tài Liệu

Phân loại bệnh trĩ

Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids).

  • Trĩ ngoại: Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng), được gọi là trĩ ngoại. Lúc này búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy (squamous epithelium) và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.
  • Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội, và búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp (transitional epithelium).

Phân độ bệnh trĩ dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn.

  • Trĩ độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
  • Trĩ độ 2: Lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong.
  • Trĩ độ 3: Mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào.
  • Trĩ độ 4: Búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trĩ

Các đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh trĩ nhất:

  • Những người thường xuyên bị táo bón, hoặc tiêu chảy làm tăng tần suất bệnh trĩ, rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng giãn và ứ máu.
  • Những người có chế độ ăn ít chất xơ, làm tăng tần suất bệnh trĩ.
  • Những người thừa cân và béo phì, làm gia tăng tần suất bệnh
  • Những người gia tăng áp lực ổ bụng do thường xuyên lao động nặng như: khuân vác, vận động viên cử tạ, quần vợt,…; đứng lâu, ngồi nhiều như thư ký, thợ may, nhân viên bán hàng làm gia tăng áp lực ổ bụng cản trở sự hồi lưu máu về tim đưa đến giãn tĩnh mạch hậu môn.
  • Những đối tượng có u vùng tiểu khung bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung và thai nhiều tháng làm cản trở hồi lưu máu trở về tim gây giãn tĩnh mạch.

Khi nào cần phải đi khám trĩ?

Người dân ngay khi thấy có những triệu chứng bất thường như ngứa, đau rát, ẩm ướt hậu môn, khó đi đại tiện và khi đi xuất hiện máu, cơ thể mệt mỏi,… chính là cơ thể đang cảnh báo rất có khả năng bạn đang bị trĩ. Khi đó, bạn hãy tới ngay các Chuyên khoa Tiêu hóa tại các Bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và kiểm tra kịp thời.

Trong trường hợp biến chứng nặng như gây chảy máu thành tia, hậu môn có biểu hiện hoại tử, hậu môn kích thích đau, rát, khó sinh hoạt, người bệnh phải đến ngay bệnh viện để được bác sĩ can thiệp kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không được tiếp tục tự điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Quy trình khám trĩ

Đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ đặt ra một số câu hỏi và người bệnh cần trả lời tất cả một cách chính xác với tình trạng bệnh hiện tại của bản thân. Bởi đây sẽ là cơ sở đầu tiên giúp chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân bệnh. Một số câu hỏi có thể là:

  • Trong gia đình có thành viên nào đã hoặc đang bị trĩ không?
  • Đặc điểm công việc của bạn ra sao?
  • Chế độ ăn uống mỗi ngày, có hay đồ cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn hay đồ ăn nhiều dầu mỡ không?; Có thường xuyên ăn rau xanh không?; Có uống đủ lượng nước tối thiểu trong ngày không?
  • Đã từng bị bệnh táo bón chưa, mức độ táo bón như thế nào?
  • Liệt kê các triệu chứng gặp phải mỗi lần đi vệ sinh?
  • Bạn đã sử dụng thuốc hay phương pháp điều trị nào trước đó chưa?
Đọc thêm:  Hướng dẫn chuyển đổi PDF sang ảnh không cần phần mềm

Sau khi có những thông tin đầu tiên, nhận diện ban đầu về bệnh thông qua các câu trả lời, bác sĩ sẽ khám trực tiếp tại vùng hậu môn để đánh giá chính xác tình trạng búi trĩ. Khi đó, ngoài việc quan sát bằng mắt thường, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm các các xét nghiệm liên quan và tiến hành nội soi hậu môn trực tràng với mục đích nhận biết các tổn thương và tình trạng bên trong của búi trĩ.

Cuối cùng là đưa ra kết luận. Bác sĩ sẽ tổng hợp kết quả và kết luận về tình trạng của búi trĩ ở cấp độ (với trĩ nội) hoặc giai đoạn (với trĩ ngoại) nào để thuận tiện hơn trong việc tiến hành điều trị về sau.

Một số lưu ý trước khi đi khám trĩ

Bạn cần vệ sinh cơ thể, nhất là vùng hậu môn sạch sẽ. Trước khi đi khám không nên sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn như bia rượu và nhớ chuẩn bị giấy tờ hoặc hồ sơ bệnh án liên quan để cung cấp cho bác sĩ trong quá trình thăm khám.

Để tránh tình trạng bị đau bụng và đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác khi khám thì bạn nên nhịn ăn.

Các phương pháp điều trị bệnh trĩ

Điều trị trĩ nội khoa

  • Điều trị nội khoa được áp dụng cho trĩ độ I và đa số là trĩ độ II.
  • Ăn nhiều chất xơ: Những loại thực phẩm được khuyên dùng gồm ngũ cốc nguyên cám (lúa mạch, lúa mì, gạo lứt, kê, lúa mạch đen, yến mạch,…); trái cây; rau củ;… giúp tăng khối lượng phân, mềm phân. Người bệnh cũng nên bổ sung nhiều nước (khoảng 2 lít mỗi ngày) để làm hỗ trợ tiêu hóa, làm mềm phân.
  • Tránh rặn khi đi vệ sinh giúp hạn chế sự sa trĩ. Người bệnh cần tạo thói quen đi vệ sinh, nên đi đại tiện ngay khi có cảm giác, bởi việc nhịn khiến phân giữ lại lâu trong trực tràng và hậu môn, trực tràng sẽ dần hấp thu trong nước, trong phân, khiến phân khô cứng, ứ đọng và khó đi hơn. Còn việc cố rặn mạnh khi đi vệ sinh sẽ tạo áp lực lớn lên tĩnh mạch ở trực tràng dưới, khiến búi trĩ càng dễ chảy máu và phình to. Bệnh nhân nên tránh vừa đi đại tiện vừa đọc báo, xem điện thoại, thiếu tập trung.
  • Hạn chế ngồi quá lâu: Người bệnh cũng cần hạn chế ngồi quá lâu, đặc biệt trên bồn cầu, bởi điều này sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn, khiến bệnh trĩ nặng thêm. Nếu do tính chất công việc, hãy cố gắng thường xuyên vận động, vừa hạn chế bệnh trĩ, vừa tốt cho xương cột sống.
  • Ngâm hậu môn trong nước ấm ngày 2-3 lần, mỗi lần 10 phút. Dùng các thuốc đặt hậu môn, các thuốc tăng cường thành mạch.
  • Thuốc điều trị trĩ: thuốc uống, thuốc mỡ và viên đạn được quảng cáo trên thị trường để ngừa đau, chống chảy máu, chữa trĩ và các bệnh hậu môn trực tràng khác, hiện nay một số thuốc vẫn bán trên thị trường như Ginkor Fort, Proctolog, Daflon. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và xác định độ an toàn của các loại thuốc được quảng cáo trên thị trường trước khi sử dụng.

Cách điều trị bệnh trĩ ngoại khoa

Can thiệp thủ thuật

  • Thắt dây chun là phương pháp thường được áp dụng với trĩ nội độ I và II (không dùng cho trĩ ngoại). Bác sĩ sẽ báo trước cho bạn là khi trĩ rụng, từ ngày 6 đến ngày 10 có thể bị chảy máu nhẹ. Nếu bạn bị đau, bí tiểu và sốt thì cần đến khám lại để loại trừ một hội chứng nhiễm trùng của đáy chậu.
  • Tiêm xơ thường chỉ định cho trĩ độ I và độ II, nhất là cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh đông máu. Thủ thuật tiêm xơ sẽ thực hiện bằng cách bơm 1 – 2 ml chất làm xơ, là phenol 5%, quinine, urea hydrochloride, polidocanol hay natri tetradecyl sulfate, tiêm bằng kim dưới lớp niêm mạc của búi trĩ.
  • Quang đông hồng ngoại thường chỉ định cho trĩ độ I, II.
  • Đốt laser búi trĩ thường chỉ định cho trĩ độ II.

Can thiệp phẫu thuật

Theo các bác sĩ, không phải trường hợp nào cũng cần cắt bỏ các búi trĩ. Trước tiên, người bệnh cần tiến hành thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh lý để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường, cắt trĩ được khuyến cáo cho các bệnh nhân ở cấp độ 3 trở lên, hay người có búi trĩ huyết khối, búi trĩ quá to, người bị trĩ hỗn hợp với trĩ ngoại lớn gây ra chảy máu và đau đớn nhiều. Hiện nay có 4 phương pháp điều trị trĩ phổ biến sau:

  • Phương pháp cắt trĩ bằng Laser: Cắt trĩ bằng laser là một thủ thuật ngoại trú dùng chùm ánh sáng của tia laser xác định chính xác và can thiệp vào búi trĩ mà không phải dùng tới dao mổ. Phương pháp này giúp loại bỏ búi trĩ nhanh chóng, bệnh nhân ít đau đớn và hồi phục nhanh.
  • Phương pháp Ferguson: Phương pháp cắt trĩ Ferguson là một thủ thuật cắt trĩ cổ điển, cắt khâu riêng biệt từng búi trĩ một giúp loại bỏ búi trĩ mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc của hậu môn. Đây là phương pháp áp dụng được với hầu hết các búi trĩ có chỉ định phẫu thuật và đòi hỏi bác sỹ chuyên môn cao cũng như trang thiết bị hiện đại.
  • Phương pháp Milligan Morgan: Đây là thủ thuật cắt trĩ bằng cách can thiệp và cắt từng búi trĩ một chỉ để lại ở giữa các búi trĩ những mảnh da niêm mạc và khâu lại. Đối với búi trĩ vòng, bác sĩ phải cắt thêm phần búi trĩ phụ. Với quy trình phẫu thuật đơn giản, thời gian thủ thuật ngắn, tỷ lệ tái phát thấp (5-10% trong 5 năm) và chi phí rẻ, đây là phương pháp được nhiều bệnh nhân lựa chọn.
  • Phương pháp Longo: Dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ trở lại vị trí bình thường, áp dụng cho các bệnh nhân trĩ vòng hoặc trĩ độ 3,4. Bác sĩ sẽ sử dụng máy khâu cắt hậu môn tự động, một thiết bị được thiết kế riêng để cắt – khâu khoang niêm mạc kèm mạch máu phía trên đường lược (chỗ nối giữa phần cuối ống tiêu hóa và hậu môn, phân chia trĩ nội và trĩ ngoại), kéo búi trĩ lên cao và đồng thời cắt phần mạch máu cung cấp đến búi trĩ, nhờ đó mà các búi trĩ teo dần. Với phương pháp này bệnh nhân ít đau đớn, phục hồi nhanh và không có vết thương hở hay biến chứng hẹp hậu môn.
Đọc thêm:  Tả một con vật nuôi trong vườn thú Hay nhất (73 mẫu) - VnDoc.com

Địa chỉ thăm khám bệnh trĩ tốt, đáng tin cậy

Hiện nay tràn lan các cơ sở khám và điều trị bệnh trĩ không chính thống khiến người dân thường nghi ngại và chần chừ trong việc đi khám trĩ. Tốt nhất, bạn nên đến các phòng khám có bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị hiệu quả, tránh biến chứng.

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc hội tụ đầy đủ đội ngũ bác sĩ, cùng hệ thống các phương tiện hiện đại, dần trở thành một địa chỉ uy tín được đông đảo bệnh nhân có nhu cầu khám và điều trị bệnh trĩ.

Bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Ngoại:

  • Thầy thuốc nhân dân PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – Nguyên Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. PGS Nguyễn Xuân Hùng là một trong những chuyên gia đầu ngành, hiện giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch Hội Hậu môn – Đại trực tràng Việt Nam, Thành viên Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam;- Hội viên Hội thầy thuốc điều trị các bệnh lý Đại trực tràng – Hậu môn của Cộng hoà Pháp.
  • TTUT. TS. BSCKII Phạm Văn Cường, gần 40 năm kinh nghiệm, hội viên Hội Phẫu thuật Nội soi và Ngoại khoa Việt Nam.

Bác sĩ Hùng khám bệnh nhân trĩ

Bằng những kiến thức y khoa và kinh nghiệm dày dặn trong nghề, PGS.TS sẽ chẩn đoán chính xác, đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả nhất, đồng thời trực tiếp thực hiện những ca mổ an toàn cho người bệnh.

Bệnh trĩ tuy chỉ là bệnh lý lành tính nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Để được tư vấn cụ thể, vui lòng liên hệ:

Hotline đặt lịch thăm khám với PGS Nguyễn Xuân Hùng: 0911 908 856

Đăng ký nhận thông tin và tư vấn tại:

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button