Trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người – Thủ thuật
Đề bài: Trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người
Trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người
I. Dàn ý trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người
– Trong xã hội cổ đại hay hiện đại, một con người muốn được tôn trọng, được sự kính yêu và dễ thành công trong cuộc sống thì ngoài tài năng,học vấn, trí tuệ hơn người thì họ còn cần rèn cho mình một phẩm chất đạo đức tốt đẹp.- Một trong những đức tính quý giá làm nên con người, vẫn luôn được ông bà tổ tiên ta truyền dạy cho con cháu ấy là đức tính trung thực.
2. Thân bài
* Khái niệm:– Trung thực là một đức tính tốt đẹp, đó là sự chân thành, ngay thẳng, không gian dối trong bất kỳ chuyện gì.- Người trung thực là không dối gian, giấu giếm, không đổi trắng thay đen sự thật, không lừa lọc người khác, luôn đối xử với mọi người một cách chân thành, thẳng thắn, luôn tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, lên án sự điêu trá.
* Biểu hiện:– Trong học tập: Học sinh trong giờ kiểm tra nghiêm túc làm bài, không quay cóp, sử dụng tài liệu.- Trong công việc:+ Người làm kế toán thì không lợi dụng nghiệp vụ để bòn rút công quỹ…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người tại đây
II. Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người
Trong xã hội cổ đại hay hiện đại, một con người muốn được tôn trọng, được sự kính yêu và dễ thành công trong cuộc sống thì ngoài tài năng, học vấn, trí tuệ hơn người thì họ còn cần rèn cho mình những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Những phẩm chất ấy bao gồm lòng yêu nước, lòng nhân hậu yêu thương con người, lòng khoan dung,… và một trong những đức tính quý giá làm nên con người, vẫn luôn được ông bà tổ tiên ta truyền dạy cho con cháu ấy là đức tính trung thực.
Trung thực là một đức tính tốt đẹp, đó là sự chân thành, ngay thẳng, không gian dối trong bất kỳ chuyện gì. Một người trung thực là người không dối gian, giấu giếm, không đổi trắng thay đen sự thật, không lừa lọc người khác, luôn đối xử với mọi người một cách chân thành, thẳng thắn. Không mượn lời nói dối để mang lợi ích về cho bản thân, đồng thời luôn tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, lên án sự điêu trá. Trong cuộc sống sự trung thực chính là sợi dây liên kết con người lại với nhau bằng niềm tin, bằng sự đúng đắn và trách nhiệm của những lời nói và hành động trong các mối quan hệ.
Trong cuộc sống ta có thể dễ dàng nhận thấy sự trung thực hiện diện ở khắp mọi nơi ví dụ trong học tập thì học sinh trong giờ kiểm tra nghiêm túc làm bài, không quay cóp, sử dụng tài liệu. Trong công việc thì nhân viên trung thực hoàn thành một cách tốt nhất công việc sếp giao, người làm kế toán thì không lợi dụng nghiệp vụ để bòn rút công quỹ, người hay được cử đi công tác thì không khai khống hóa đơn, chứng từ để nhận thêm tiền phụ cấp, người làm công trường xây dựng thì không rút ruột công trình,… Trong kinh doanh, người sản xuất không vì tranh thủ lợi nhuận mà làm ra các mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng,… Trong các mối quan hệ xã hội thông thường, ví dụ như con cái thì không lừa dối cha mẹ để đi chơi mà không đi học, thật thà với điểm số và năng lực của bản thân. Trong tình yêu và hôn nhân sự trung thực, thể hiện ở sự thẳng thắn với nhau về quá khứ, về hoàn cảnh, về tính cách, là sự tin tưởng, chung thủy, không dối gian, không có nhiều mối quan hệ ngoài luồng. Trong tình bạn là sự chia sẻ thực tâm, chân thành về bản thân, về những suy nghĩ, quan điểm, không dấu diếm, không lừa dối lợi dụng bạn bè để trục lợi cho bản thân.
Người trung thực sẽ ngày càng hoàn thiện và trau dồi nhân cách để hoàn thiện bản thân, trở thành một công dân tốt của xã hội. Họ luôn nỗ lực và phấn đấu để đi tìm những giá trị thực, vốn kiến thức mới, biết nhìn nhận và đánh giá khả năng của bản thân, không chỉ trung thực với người khác mà họ còn trung thực với bản thân, không tự lừa mình dối người. Họ luôn biết được năng lực của bản thân để tiếp tục cố gắng, chứ không có những mộng tưởng xa rời thực tế, ở những người này ta luôn nhìn thấy được sự tự tin, chắc chắn, khiến người khác an tâm và tin tưởng, có ấn tượng tốt dù mới gặp lần đầu. Và người sống trung thực sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng, trong công việc, học tập hay trong xã hội sẽ luôn được tin tưởng giao phó những trọng trách quan trọng. Đặc biệt người trung thực lại khéo léo thì dễ dàng thăng tiến và thành công trong cuộc sống.
Còn ngược lại những người giả dối, kém trung thực thì sao? Có lẽ, cả tôi và các bạn đều đã từng bắt gặp những người như thế. Những người hay nói dối, họ rất giỏi trong việc thêm thắt, đổi trắng thay đen, cũng giỏi bịa ra những gì không có để mê hoặc người khác. Lời nói của họ mặt ngoài thường rất hào nhoáng, dễ khiến người ta tin tưởng, nhưng lâu dần người ta sẽ nhận ra rằng những lời dối gian thường có lỗ hổng. Lập tức người dối gian sẽ bị mọi người quay lưng và lánh, thậm chí họ còn tự tạo thêm cho mình kẻ thù, vì lời nói dối của họ đã khiến người khác phải chịu tổn thương. Kết quả là họ chẳng có một mối quan hệ nào tử tế, người như thế thì liệu có thể tồn tại và thành công trong cuộc sống khi không ai dám tiếp xúc và tin tưởng vì sợ bị lừa. Người nói dối chính là kẻ cô đơn và đáng thương nhất trong cuộc đời của họ. Đặc biệt nhiều con người gian dối, đặc biệt là lớp trẻ, lứa tuổi học sinh kéo theo một hệ lụy không hề nhỏ khiến cho nền móng tương lai của xã hội xuống cấp và biến chất. Rồi đất nước, dân tộc sẽ đi về đâu? Những hành động gian dối, lời nói xảo trá đáng bị lên án và trừng phạt thật đích đáng.
Vậy chúng ta cần phải hành động như thế nào để rèn luyện tính trung thực? Trung thực là một phẩm chất đạo đức không phải ngày một ngày hai là có thể có được, mà nguồn gốc nó xuất phát từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường và tâm tính của mỗi con người. Muốn sống trung thực, thật thà trước hết chúng ta phải có thói quen trung thực với chính bản thân, biết được vị trí của bản thân, không ảo tưởng huyễn hoặc. Luôn tôn trọng sự thật, khi trò chuyện với người khác đừng tự biến tấu những câu chuyện hay sự kiện theo ý mình, có sao hãy nói vậy, đừng cố thay đen đổi trắng. Đừng vì một chút lợi ích trước mắt mà sẵn sàng bịa ra một lời nói dối vô thưởng vô phạt, rồi chính bản thân bạn lại phải che đậy lời nói dối ấy bằng nhiều lời nói dối khác một cách không lối thoát. Trung thực với lỗi lầm của bản thân, không che đậy giấu diếm mà nên thẳng thắn nhìn nhận để được thông cảm và được sửa chữa lỗi lầm. Là học sinh thì tránh việc chép bài, quay cóp, gian lận trong thi cử, hãy tự cố gắng học bài và làm bài năng lực thật của mình nhé các bạn trẻ. Ngoài các nỗ lực thay đổi bản thân thì chúng ta cần lên tiếng và có những hành động để bênh vực sự thực, bênh vực lẽ phải và những người trung thực dám lên án hành vi gian dối. Ngăn chặn những hành vi lừa lọc, thiếu trung thực, tuyên truyền mọi người cùng noi gương những tấm gương về sự trung thực.
Trung thực là truyền thống quý báu đã được lưu truyền muôn đời nay cho nhiều thế hệ con cháu, là cái cốt lõi mà con người cần phải có được. Mỗi chúng ta cần ý thức tự giác luôn luôn trau dồi, bồi dưỡng tính trung thực cho bản thân, góp phần làm cho xã hội trở nên văn minh, tốt đẹp hơn.
-HẾT-
Trong tuyển tập những bài văn hay lớp 12, bên cạnh bài Trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người, chúng tôi còn giới thiệu đến các em nhiều bày nghị luận đặc sắc khác như: Trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người, Phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử, Dàn ý suy nghĩ về bệnh nói dối, Dàn ý trình bày quan điểm về câu nói: Mất đi sự chân thực, mất đi trách nhiệm trong lời nói, con người sẽ tuột dốc lỗi lầm;…
https://thuthuat.taimienphi.vn/trinh-bay-suy-nghi-ve-tinh-trung-thuc-cua-con-nguoi-47738n.aspx
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!