Người xưa có câu: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Anh (chị

Bài mẫu số 1: Nêu ý kiến về quan niệm: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Vào thời đại bấy giờ, khách quan thì ý kiến đó đúng với lễ giáo khắt khe, nhưng đây là một cách nhìn hết sức phiếm diện. Đó là cách đánh giá bảo thủ, sai lầm, không hề nhìn nhận toàn diện và khách quan hơn trường hợp cụ thể của chị em Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, đức hạnh

Bài làm

“Truyện Kiều” là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Trong kiệt tác đó, Thúy Kiều, Thúy Vân với những nét đẹp nhân cách đáng quý đã ghi lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc nhiều thời đại. Tuy nhiên, người xưa lại có câu “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Đây là ý kiến sai lầm, phiếm diện, cần được nhìn nhận lại.

Nguyên văn câu nói đó đầy đủ là:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.”

Có thể nói cái nhìn mà ông cha dành cho chị em Kiều ngày xưa là vô cùng khe khắt. Thời đại đó, đàn bà con gái cấm đọc truyện tình lãng mạn, đàn ông cấm đọc những truyện tình ủy mị, nhu nhược ảnh hưởng tới chí hướng nam nhi. Quan niệm của cha ông về Kiều và Vân ngụ ý đàn bà, con gái không nên đọc (chớ kể) Truyện Kiều và không được làm theo Thúy Vân, Thúy Kiều. Ông cha cho rằng các nàng không tuân thủ lễ giáo phong kiến.

Vì sao lại có quan niệm như vậy. Ứng chiếu vào thời bấy giờ, xã hội phong kiến vốn nhiều lễ nghi, thủ tục, quan niệm đạo đức theo các nhà nho xưa bao gồm lễ giáo phong kiến khắt khe, trói buộc quyền con người, đặc biệt là người phụ nữ. Người phụ nữ trong xã hội xưa phải tuân theo “tam tòng tứ đức”, phải giữ ” tam cương ngũ thường”, “công dung ngôn hạnh”… nhất định phải nghe theo cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.

Tư tưởng ấy trói buộc hàng nghìn năm, ăn sâu vào ý thức cha ông thuở đó. Vì thế, theo các nhà nho hành động ứng xử của Thúy Vân, Thúy Kiều là không phù hợp với lễ giáo phong kiến. Kiều theo đuổi tình yêu, thề non hẹn biển, một mình đi khuya, tự đính ước nhân duyên mà không có sự cho phép của cha mẹ. Đây là điều tối kị trong xã hội phong kiến đương thời, tự do yêu đương, không nghe theo cha mẹ. Kiều bán mình, trở thành gái lầu xanh, bị ghép vào người đàn bà lẳng lơ phạm vào lễ giáo không được lấy nhiều chồng, coi trọng trinh tiết.

Tuy nhiên, nhìn nhận 1 cách khách quan, ý kiến đó đúng với tư tưởng đạo đức xã hội phong kiến nhiều lễ giáo và khắt khe, song vẫn vô cùng phiếm diện. Quan niệm trên không hề nhìn nhận đúng cho hoàn cảnh của chị em Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, đức hạnh… Nàng là người con gái có lòng hiểu tháo đáng ngợi ca, song hành động hiếu thảo của nàng lại bị xếp vào lẳng lơ, vi phạm giáo điều. Nàng tự đính ước nhưng sẵn sang hi sinh cả tình yêu, hi sinh danh dự và tự do, bán mình để chuộc cha cùng em trai, làm tròn đạo hiếu.

Trong sóng gió và bị kịch cuộc đời, Kiều vẫn giữ trọn phẩm giá đáng trân trọng. Kiều có tình yêu cao thượng, trước ngày bán mình, nàng trao duyên lại cho Thúy Vân. Hai lần lưu lạc lầu xanh nhưng vẫn thủy chung vẹn tình với Kim Trọng nên tội danh không đoan chính buộc trên người nàng là vô cùng khắc nghiệt. Sống nơi lầu xanh nhiều dơ bẩn, nhơ nhuốc, Kiều vẫn ý thức sâu sắc về nhân phẩm của mình, không để mặc hoàn cảnh sa đọa bản thân.

Từ trong nghịch cảnh, Kiều luôn gắng gượng tìm cách trốn khỏi lầu xanh, nhưng số phận không ngừng buông tha, một lần vùng lên là một lần bị nhấn xuống sâu hơn. Cuộc đời lưu lạc, khổ đau của nàng suy cho cùng cũng do xã hội đương thời tàn bạo tạo ra, cố gắng cách nào cũng không thoát khỏi bàn tay của bi kịch. Thế nhưng, 15 năm lưu lạc, đến khi đoàn tụ gia đình, gặp lại Kim Trọng, dù vẫn thủy chung với mối tình khi xưa, Kiều vẫn tôn trọng mối tình đầu trong sáng, tôn trọng người yêu cũ và em gái, nàng đổi tình yêu thành tình bạn tri âm tri kỉ. Đến cuối cùng, sau bao sóng gió vùi dập, nàng vẫn làm tròn chữ hiếu, chữ trung, tài sắc vẹn toàn.

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” vì những lẽ trên thực sự là một quan điểm sai lầm, phiếm diện. Thúy Vân, Thúy Kiều trong bi kịch của xã hội phong kiến tàn bạo, của lễ giáo khắt khe vẫn tỏa sáng vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, đáng trân trọng. Đó là tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam đương thời.

Bài mẫu số 2: Nêu suy nghĩ về quan niệm: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Nếu nhìn nhận và đánh giá tình yêu Kim Trọng – Thúy Kiều theo quan niệm của thời nay thì chúng ta thấy rằng đó là một tình yêu hồn nhiên, trong sáng. Nó không bị chi phối, không vướng bận bởi bất cứ một toan tính vật chất nào mà thuần là tiếng nói của hai trái tim, hai tâm hồn hòa hợp. Cho nên nó nhanh chóng trở thành lời thề nguyền vàng đá trăm năm.

Bài làm

Truyện Kiều từ lâu đã được đánh giá là một kiệt tác, đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca tiếng Việt và thi hào Nguyễn Du được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Thế nhưng dưới thời phong kiến trước đây, đã có lúc Truyện Kiều bị kết tội là “dâm thư” và trong dân gian lưu truyền câu nói: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Dựa trên cơ sở giá trị bất hủ của Truyện Kiều, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là quan điểm sai lầm của một số nhà Nho bảo thủ.

Dạng đầy đủ của câu nói đó như sau:

Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

Ý nghĩa của câu nói này là răn đe nam nữ chớ noi gương Phan Trần trong truyện thơ Phan Trần và Thúy Kiều trong Truyện Kiều, làm những điều trái với lễ giáo phong kiến. Các nhà Nho bảo thủ cho rằng Thúy Kiều là một cô gái hư vì đã dám coi thường chuẩn mực đạo đức phong kiến. Đạo đức ấy quy định người phụ nữ phải đoan chính, phải giữ chữ trinh làm đầu. Trong khi luân lí quy định nam nữ thụ thụ bất thân, vậy mà Thúy Kiều lại dám: Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang gặp Kim Trọng để thổ lộ lòng mình. Đã thế, trong quãng đời mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều phải trải qua: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, hết gá nghĩa với Thúc Sinh lại kết duyên vợ chồng với Từ Hải. Chính những điều ấy khiến các nhà Nho thủ cựu phê phán Thúy Kiều mà không cần tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân.

Chúng ta thấy họ đã sai lầm và phiến diện khi đánh giá Thúy Kiều và Truyện Kiều vì Thúy Kiều là người con gái đáng thương và đáng trân trọng. Nàng không chỉ tài sắc vẹn toàn mà còn có phẩm hạnh cao quý hiếm thấy. Trong tình yêu với Kim Trọng, Thúy Kiều là người tình tuyệt vời. Nàng đã dám vượt qua những trói buộc hà khắc của lễ giáo phong kiến để chủ động đi tìm hạnh phúc. Điều đó thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu mãnh liệt. Hành động của Thúy Kiều thật đáng yêu, đáng phục. Thử hỏi các cô gái ngày nay mấy người dám suy nghĩ và hành động mạnh dạn như nàng? Không ngồi chờ số phận, không chấp nhận quy định: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của lễ giáo phong kiến cổ hủ, đó là sự dũng cảm, tiến bộ của Thúy Kiều.

Chúng ta hãy trở lại với mối tình khá đặc biệt của lứa đôi Kim Trọng, Thúy Kiều, một trong những nguyên nhân dẫn đến quan niệm cực đoan trên. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì hai người đã bị ‘‘tiếng sét ái tình” đánh trúng ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ trong một buổi chiều của tiết Thanh minh, để rồi Người quốc sắc kẻ thiên tài, Tình trong như đã mặt ngoài còn e. Sau lúc chia tay, hình bóng Kim Trọng đã in đậm trong trái tim đa cảm của Thúy Kiều khiến nàng thao thức, băn khoăn suốt canh thâu: Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không ? Tình yêu chân thành, mãnh liệt đã thôi thúc nàng Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang tâm sự với chàng Kim. Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường, cử chỉ hăm hở và mạnh bạo của Thúy Kiều đã gây ngạc nhiên đến sững sờ cùng với phản ứng dữ dội của những người vốn coi trọng luân thường đạo lí Nho giáo. Họ không thể chấp nhận một tiểu thư khuê các như Thúy Kiều mà lại có tư tưởng tự do, tình yêu tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo và sợ rằng nàng sẽ là gương xấu cho nữ giới. Đó cũng là điều dễ hiểu dưới thời phong kiến.

Đọc thêm:  Hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn (31 mẫu) - Tập làm văn lớp 5

Thúy Kiều đã tự tìm đến với người yêu, với tình yêu. Tuy chủ động tìm đến với Kim Trọng nhưng Thúy Kiều luôn giữ sự đoan trang, đúng mực. Trong đêm thề nguyền đính ước, khi Kim Trọng: Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi thì Thúy Kiều đã tế nhị, nhẹ nhàng khuyên nhủ:

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Phải tuồng trên bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

Thúy Kiều không làm gì sai trái với đạo đức mà nàng chỉ không tuân theo những ràng buộc phi lí, cổ hủ của chế độ phong kiến mà thôi.

Nếu nhìn nhận và đánh giá tình yêu Kim Trọng – Thúy Kiều theo quan niệm của thời nay thì chúng ta thấy rằng đó là một tình yêu hồn nhiên, trong sáng. Nó không bị chi phối, không vướng bận bởi bất cứ một toan tính vật chất nào mà thuần là tiếng nói của hai trái tim, hai tâm hồn hòa hợp. Cho nên nó nhanh chóng trở thành lời thề nguyền vàng đá trăm năm. Tình yêu ấy dù dang dở nhưng nó vẫn ám ảnh mọi suy nghĩ, cảm xúc của Thúy Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc: Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương với thân phận tủi nhục: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. Mỗi lần chìm đắm trong đau khổ, Thúy Kiều đều nghĩ tới Kim Trọng với một tình cảm xót xa, nuối tiếc: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Như vậy là tình yêu và phẩm giá của Thúy Kiều rất xứng đáng với hai câu thơ ca ngợi của Nguyễn Du: Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Hay như nhận xét của Chu Mạnh Trinh, một nhà Nho tiến bộ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX vốn rất mê hình tượng Thúy Kiều thì: Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.

Đối với cha mẹ, Thúy Kiều là người con hiếu thảo hiếm có. Sau lời vu oan của một thằng bán tơ nào đó, gia đình nàng tan tác. Thúy Kiều đành phải ngậm ngùi gác mối tình đầu trong sáng, thiết tha với Kim Trọng rồi quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy ba trăm lạng vàng chuộc cha và em ra khỏi chốn ngục tù : Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Hành động bán mình chuộc cha của Thúy Kiều khiến người đọc cảm phục và thương xót.

Sau khi bước chân lên cỗ xe định mệnh: Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay, Thúy Kiều đã dấn thân vào kiếp đoạn trường. Suốt mười lăm năm lưu lạc, nàng luôn bị những thế lực đen tối vùi dập xuống bùn nhơ. Mấy lần nàng cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi đêm tối của số phận nhưng lại càng bị nhấn chìm sâu hơn nữa. Làm sao chúng ta có thể trách một người con gái liễu yếu đào tơ như Thúy Kiều?! Có trách là trách cái xã hội vạn ác đã nhẫn tâm chà đạp lên số phận của người phụ nữ đáng thương ấy.

Để thoát khỏi kiếp kĩ nữ tủi nhục chốn lầu xanh nhơ nhớp, Thúy Kiều đành chấp nhận làm lẽ Thúc Sinh. Cuộc hôn nhân tạm bợ này kéo dài chưa được bao lâu thì nàng bị vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư bắt cóc về nhà làm con ở, đày đọa cất đầu chẳng lên, đang đêm phải bỏ trốn khỏi Quan Âm Các. Thoát chốn hang hùm, Thúy Kiều lại rơi vào ổ rắn. Lần thứ hai, Thúy Kiều bị Bạc Bà, Bạc Hạnh lừa bán vào lầu xanh. Đau đớn và tuyệt vọng, nàng đã thốt lên những lời bất bình, uất hận:

Chém cha cái số hoa đào,

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!

Nghĩ đời mà ngán cho đời,

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!

Tiếc thay nước đã đánh phèn,

Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!

Từ Hải yêu vì sắc trọng vì tài nên đã bỏ tiền chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh và cưới nàng làm vợ. Chàng còn giúp nàng thỏa ước nguyện đền ơn, báo oán, gột rửa bao tủi hờn chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Sống sung sướng, đầy đủ bên người anh hùng hiểu mình, thương mình hết lòng nhưng Thúy Kiều vẫn không quên tình cũ, người xưa:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Xã hội trọng nam khinh nữ quan niệm rằng: Trai năm thê bảy thiếp, Gái chính chuyên chỉ có một chồng, cho nên các nhà Nho căn cứ vào đó để kết tội Thúy Kiều là: đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm mà không xem xét kĩ để tìm ra nguyên nhân nào đã đẩy nàng vào tình cảnh éo le, trớ trêu ấy.

Có lẽ chỉ có Nguyễn Du là người thấu hiểu và đồng cảm nhiều nhất với nỗi đau khổ của Thúy Kiều, để từ đó đưa ra lời nhận xét khái quát thấm đẫm cảm xúc chua xót, đắng cay:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!

Nguyễn Du đã hoàn lương chiêu tuyết cho Thúy Kiều bằng những câu thơ thể hiện thái độ yêu mến và trân trọng:

Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay…

Hoa tàn mà lại thêm tươi,

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa…

Thúy Kiều không chỉ đáng thương mà còn đáng quý. Đọc Truyện Kiều, chúng ta thông cảm với nỗi đau khổ và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của người con gái tài sắc ấy.

Câu: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều không chỉ nhận xét sai lầm về nhân vật Thúy Kiều mà còn là nhận định không đúng về Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi cho rằng đây là “dâm thư”, không nên đọc. Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học dân tộc, đỉnh cao của thơ ca tiếng Việt, bởi vậy khi đánh giá Truyện Kiều, chúng ta cần phải có thái độ khách quan, đúng đắn.

Đọc Truyện Kiều, chúng ta thấy được sự tàn ác của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ. Một người con gái tài sắc, hiếu nghĩa đủ đường như Thúy Kiều mà lại bị coi như một món hàng vô tri vô giác: Thoắt mua về, thoắt bán đi, Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi. Cuộc đời Thúy Kiều trầm luân, khổ nhục cũng vì những thế lực đen tối trong xã hội vạn ác. Ma lực của đồng tiền khiến những kẻ bất lương nhẫn tâm đẩy Thúy Kiều từ tình cảnh đau thương này tới tình cảnh đau thương khác. Hơn ở bất cứ đâu, bức tranh về một xã hội nhiễu nhương, đảo điên, thối nát được phản ánh rất rõ trong Truyện Kiều. Nguyễn Du đã ngậm ngùi thốt lên:

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Truyện Kiều còn đạt tới đỉnh cao của giá trị nhân đạo bởi nó là tiếng kêu đứt ruột về số phận của một người con gái tài sắc vẹn toàn, lẽ ra phải được sống trong tình yêu và hạnh phúc thì lại phải chịu toàn là khổ nhục, đớn đau.

Về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều đạt tới đỉnh cao của văn chương, đặc biệt là nghệ thuật thơ ca tiếng Việt. Nguyễn Du thành công xuất sắc trên nhiều phương diện như tả cảnh, tả người, thể hiện tâm lí nhân vật… Với Truyện Kiều, Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào của dân tộc Việt Nam.

Bài mẫu số 3: Ý kiến của anh (chị) về quan niệm: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, hành động bán mình chuộc cha của Kiểu thê hiện giá trị đạo đức, luân lý bị suy đồi, có nhiều cách để kiếm ra tiền chuộc cha mà lại chọn cách hạ sách nhất. Nhưng thực tế, không phải nàng Kiều muốn bán mình chuộc cha mà chính cái xã hội thối nát kia đã dồn nàng vào bước đường cùng

Bài làm

Ông cha ta xưa kia có câu nói:

Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

Câu ý nói ấy mang ý nghĩa cấm đoán phận nữ nhi trong xã hội cũ không được đọc những câu chuyện tình lãng mạn, đàn ông không được đọc những câu chuyện tình ủy mị, nhu nhược, ảnh hưởng tới chí nam nhi. Đó là một quan niệm lạc hậu, không công bằng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của con người.

Truyện Phan Trần là câu chuyện nói về chuyện chàng Phan Sinh yêu nàng Trần Liên, vì nhớ nhung nàng mà sinh ốm rồi tự vẫn. Đó là tư tưởng không thể chấp nhận đối với chí nam nhi lúc bấy giờ. Truyện Kiều là câu chuyện tình lãng mạn, nhưng đầy bi kịch.

Trong xã hội cũ, tư tưởng xã hội chịu ảnh hưởng đạo Khổng nên phụ nữ không mấy được tự do và hạnh phúc theo ý mình. Người phụ nữ lúc bấy giờ sống phụ thuộc vào cha, vào chồng, vào con. Người phụ nữ nào đi quá giới hạn của “Tam Tòng, Tứ Đức” thì cuộc đời của họ coi như mất nhiều giá trị trước gia đình và xã hội. Tức là suốt cuộc đời họ bị chi phối bởi người đàn ông, tại gia tòng phụ người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha, Xuất giá tòng phu, phải theo chồng, Phu tử tòng tử, khi chồng chết phải theo con. Người phụ nữ trong xã hội xưa phải hội tụ cả bốn đức tính như: Công (biết ngành nghề và khôn khéo trong mọi việc làm), Dung (sắc diện khoan thai, hòa nhã), Ngôn (lời nói nhẹ nhàng, lễ độ), Hạnh (tính nết nhu mì, ngoan hiền, đạo đức).

Đọc thêm:  Bài văn Miêu tả hàng phượng vĩ và tiếng ve kêu vào một ngày hè

Tư tưởng để đánh giá về một người phụ nữ trong xã hội cũ là như vậy, qua khắt khe, quá tàn nhẫn. Nhưng trong truyện Kiều, nàng Kiều đã tự quyết định tình yêu khi chưa được sự cho phép của cha mẹ, tự sang nhà Kim Trọng, bán mình vào chốn lầu xanh làm gái thanh lâu, lấy nhiều người đàn ông… Đó là những hành động không thể chấp nhận được trong xã hội lúc bấy giờ. Nếu người phụ nữ đọc được họ sẽ bị ảnh hưởng, có tư tưởng không tốt, không phù hợp với lễ giáo mà ông cha đã đưa ra. Tất cả những người đọc truyện Kiều đều phải cho rằng, nàng Kiều là người đáng khinh, nhơ nhớp và mạt hạng:

“Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm,

Bán mình trong bấy nhiêu năm,

Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai,

Nghĩ đời mà ngán cho đời.”

Cũng có thể hiểu câu nói ấy theo hai nghĩa, là đàn bà thì không được đọc Truyện Kiều, còn đã như Thúy Kiều Thúy Vân thì không được gọi là đàn bà. Trong xã hội hiện nay, con người đã có những quan điểm thoáng hơn, vì vậy nàng Kiều là người bất hạnh, đáng thương chứ không đáng trách.

Cửa ngoài vội rủ rèm the,

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.

Phận nữ nhi mà giữa đêm khuya đi sang nhà một người nam nhi, hành động bị cho là hành động sai trái và hư hỏng, khó chấp nhận. Nhưng đọc kĩ chúng ta mới hiểu được Kiều sang nhà Kim Trọng vào lúc đêm khuya chỉ để thề ước, không có bất kì sự lợi dụng vật chất hay thể xác nào. Chuyện đính ước thề nguyền là điều tất yếu của một tình yêu trong sáng.

Có nhiều ý kiến cho rằng, hành động bán mình chuộc cha của Kiểu thê hiện giá trị đạo đức, luân lý bị suy đồi, có nhiều cách để kiếm ra tiền chuộc cha mà lại chọn cách hạ sách nhất. Nhưng thực tế, không phải nàng Kiều muốn bán mình chuộc cha mà chính cái xã hội thối nát kia đã dồn nàng vào bước đường cùng, nàng thấy nhục nhã ê chề nhưng vẫn nhắm mắt làm liều vì chữ hiếu. Nàng đã làm tròn bổn phận của một người con đúng với quan niệm của lễ giáo phong kiến, nhưng lại bị chính cái lễ giáo ấy chê trách.

Nếu gia đình nàng không bị hãm hại, người đến mua Kiều về làm vợ không bán Kiều thì cuộc đời nàng đâu đến nỗi nổi chìm như vậy. Nàng đã cố gắng thoát ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp, nhưng nàng càng ngóc đầu lên, lại càng bị chìm sâu hơn.

Hiểu hết được những khổ cực mà Kiều gánh chịu ta mới thấy khâm phục, trân trọng. Nàng không chỉ là một người tài sắc vẹn toàn mà còn là người có nhân cách sống cao quý và một tấm lòng trong sáng, thanh cao, giàu phẩm hạnh. Khắc họa hình ảnh nhân vật Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện lòng nhân đạo đối với những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội xưa.

Tính chất nhân đạo và tính chất vượt thời đại của truyện Kiều được Nguyễn Du thể hiện rất sâu sắc. Chính tính chất vượt thời đại này gây ra sự hiểu biết chưa thấu đáo mà đã vội vàng kết luận của một bộ phận người xưa vốn lấy lễ nghĩa Nho giáo làm chuẩn mực tuyệt đối trong đánh giá con người.

Quan niệm “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” chỉ là một quan niệm cổ xưa và sai lầm. Chúng ta không nên đánh giá thấp về Kiều mà hãy mở tấm lòng cảm thông đối với nàng.

Bài mẫu số 4: Bình luận quan niệm: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” thực sự là một quan điểm sai lầm, phiếm diện. Thúy Vân, Thúy Kiều là nạn nhân của xã hội phong kiến tàn bạo, của lễ giáo khắt khe nhưng vẻ đẹp tâm hồn của họ vẫn sáng, cần được trân trọng. Đó là tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam đương thời.

Bài làm

“Truyện Kiều” là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều, Thúy Vân với những nét đẹp nhân cách đáng quý đã ghi lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người xưa lại có câu “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Đây là ý kiến sai lầm, chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn để hiểu rõ hơn câu nói này.

Nguyên văn câu nói đầy đủ là:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.”

Ông cha ta ngày xưa nhìn nhận ở khía cạnh rất khe khắt. Đàn bà con gái cấm đọc truyện tình lãng mạn. Đàn ông cấm đọc những truyện tình ủy mị, nhu nhược ảnh hưởng tới chí hướng nam nhi “Đầu đội trời, chân đạp đất.” Câu nói trên ở đây hiểu rằng ông cha ngụ ý đàn bà, con gái không nên đọc (chớ kể) Truyện Kiều và không được làm theo mẫu Thúy Vân, Thúy Kiều vì cho rằng nàng không tuân thủ lễ giáo phong kiến.

Quan niệm đạo đức của xã hội phong kiến theo các nhà nho xưa bao gồm lễ giáo phong kiến khắt khe, trói buộc quyền con người, nhất là phụ nữ phải tuân theo “tam tòng tứ đức”, phải giữ ” tam cương ngũ thường”, “công dung ngôn hạnh”… đặc biệt phải nghe theo cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chiếu theo quan điểm trói buộc ấy, theo các nhà nho Thúy Vân, Thúy Kiều có những hành động ứng xử không phù hợp với lễ giáo phong kiến. Đầu tiên, hành động Kiều theo đuổi tình yêu được cho là tự do yêu đương, thề non hẹn biển, một mình đi khuya, tự đính ước nhân duyên mà không có sự cho phép của cha mẹ. Đây là điều tối kị trong xã hội phong kiến đương thời. Kiều bán mình, trở thành gái lầu xanh, bị ghép vào người đàn bà lẳng lơ phạm vào lễ giáo không được lấy nhiều chồng, coi trọng trinh tiết.

Vào thời đại bấy giờ, khách quan thì ý kiến đó đúng với lễ giáo khắt khe, nhưng đây là một cách nhìn hết sức phiếm diện. Đó là cách đánh giá bảo thủ, sai lầm, không hề nhìn nhận toàn diện và khách quan hơn trường hợp cụ thể của chị em Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, đức hạnh… Nổi bật nhất ở nàng ngay từ những phần đầu tác phẩm là tấm lòng hiếu thảo. Nàng hi sinh tình yêu, bán mình để chuộc cha cùng em trai, làm tròn đạo hiếu. Chính những bất công, hủ lậu của chế độ phong kiến đã gián tiếp gây nên những oan trái, bi kịch trong cuộc đời Kiều . Trong sóng gió cuộc đời, Kiều vẫn giữ trọn phẩm giá cao quý. Kiều có tình yêu cao thượng, trước ngày bán mình, nàng trao duyên lại cho Thúy Vân, hai lần lưu lạc lầu xanh nhưng vẫn thủy chung vẹn tình với Kim Trọng nên tội danh không đoan chính buộc trên người nàng là vô cùng khắc nghiệt. Tuy sống nơi lầu xanh, nhơ nhuốc và đầy cạm bẫy, Kiều vẫn ý thức sâu sắc về nhân phẩm của mình:

“Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay”

Chìm trong nghịch cảnh, Thúy Kiều luôn gắng gượng tìm cách trốn thoát khỏi chốn lầu xanh, nhưng số phận không ngừng buông tha, một lần vùng lên là một lần bị nhấn xuống sâu hơn. Suy cho cùng, cuộc đời lưu lạc, khổ đau của nàng là do xã hội đương thời tàn bạo tạo ra, nàng không thể thoát khỏi bàn tay của số phận bi kịch. Thế nhưng, nhìn nhận cuộc đời của Kiều, kết thúc 15 năm lưu lạc, Kiều được đoàn tụ cùng gia đình, với Kim Trọng. Vì tôn trọng mối tình đầu trong sáng, tôn trọng người yêu cũ và em gái, nàng “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” (đổi tình yêu thành tình bạn tri âm tri kỉ). Dù số phận không công bằng, đẩy lên vai nàng những gánh nặng không dễ dàng gánh vác nhưng Kiều vẫn làm tròn chữ hiếu, chữ trung, tài sắc vẹn toàn. Chính vì những lẽ đó “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều“ là ý kiến sai lầm, phiếm diện.

Truyện Kiều là một kiệt tác của dân tộc với nhiều giá trị lớn lao sâu sắc. Tác phẩm phơi bày sự tàn bạo của xã hội phong kiến thời bấy giờ, cướp đi quyền sống của con người nhất là người phụ nữ, chỉ ra đạo giáo và nho giáo đã áp cái nhìn phiếm diện vào nhân vật, phê phán, chê bai…. Phê phán một xã hội không cho phụ nữ quyền được sống hạnh phúc. Từ đó ngợi ca, trân trọng nhân cách Thúy Vân, Thúy Kiều dù đã trải qua biết bao bể dâu vẫn sáng ngời, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ và thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du.

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” thực sự là một quan điểm sai lầm, phiếm diện. Thúy Vân, Thúy Kiều là nạn nhân của xã hội phong kiến tàn bạo, của lễ giáo khắt khe nhưng vẻ đẹp tâm hồn của họ vẫn sáng, cần được trân trọng. Đó là tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam đương thời.

Bài mẫu số 5: Bài mẫu nêu ý kiến về quan niệm: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

tình yêu là thứ tình cảm cao quý thiêng liêng, nó thuộc về tất cả mọi người, không là đặc quyền của riêng tầng lớp, giai cấp, giới tính nào. Tình yêu cũng đến (và đi) tự nhiên như gió và nắng vậy, chẳng ai có thể ngăn cản hay cưỡng ép. Con người ai ai cũng biết yêu (không yêu sao có thể gọi là người?) chỉ có điều có ai dám nói ra điều đó hay không

Bài làm

Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có một số phận chìm nổi lênh đênh chẳng khác nào nhân vật chính của truyện – nàng Kiều. Trước khi được thừa nhận với tư cách là kiệt tác truyện Nôm, là “quốc hồn quốc túy” của dân tộc, những tư tưởng tiến bộ trong tác phẩm bị che mờ, ẩn khuất. Đã có những quan niệm phủ nhận, thậm chí lên án tư tưởng của “Truyện Kiều” chẳng hạn như câu nói của người xưa: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Vậy ta cần hiểu vấn đề này ra sao?

Đọc thêm:  50+ mở bài Việt Bắc của Tố Hữu ngắn gọn và hay nhất - Tailieu.com

Thực ra, câu nói trên có dạng đầy đủ giống như một câu ca dao:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Tác giả của hai câu trên đã nhìn các nhân vật văn học bằng hệ thống quan niệm khe khắt, khắc nghiệt của đạo Nho.

Phan Trần hay Thúy Vân và đặc biệt là Thúy Kiều, họ đều là những người có quan niệm mới mẻ, táo bạo trong tình yêu đôi lứa, trong cách ứng xử thế thái nhân tình.

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” bởi trước hết những nhân vật này đã phá vỡ quan niệm phong kiến về tình yêu đôi lứa. Người xưa cho rằng: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Con cái không có quyền chủ động trong tình yêu, hôn nhân. Việc trăm năm đời người do cha mẹ tính kế vuông tròn, dạm hỏi nơi môn đăng hộ đối. Thậm chí có những người phải chấp nhận hôn ước từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Có kẻ đến lễ động phòng mới biết mặt vợ, mặt chồng… Những cuộc hôn nhân ấy không xuất phát từ tình yêu, họ sống với nhau cả đời chỉ bởi trách nhiệm và nghĩa vụ. Họ không hạnh phúc. Họăc không, nếu có chút tình ý, con trai mới có quyền chủ động tỏ tình, dạm hỏi. Tình người thiếu nữ dẫu có dạt dào muôn trùng sóng vỗ cũng đành ghìm nén nguyện làm bến làm bờ lặng im chờ đợi:

“Thuyền về có nhớ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

Có “trót dại” để tình ý lộ ra, người con gái sẽ bị dư luận khép vào tội “lăng loàn”, “dại trai”, “đĩ thõa”,… Thúy Kiều thì ngược lại. Sau ngày Tết thanh minh – sau chút “lưu luyến ban đầu” “tình trong như đã mặt ngoài còn e” với chàng Kim, nàng đã ấp ủ trong tim hình bóng chàng trai “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” này. Biết chàng ở kề ngay bên nhà, nàng đã có một hành động vô cùng táo bạo, có thể khiến cả hệ thống tư tưởng Nho gia lung lay sụp đổ.

“Xăm xăm băng lối vườn khuya, một mình”.

Chỉ xét về mặt thời gian của hành động đã thấy Thúy Kiều “cả gan” thế nào! “vườn khuya”, đêm khuya là thời điểm người ta ít ra ngoải bởi e những điều trắc trở. Là nữ giới, lại càng kiêng kỵ hơn. Các nàng ngày ngày chỉ giam mình trong khuê phòng học đàn hát, thêu thùa. Bản thân Kiều cũng vốn: “Êm đềm trống rủ màn che” đây chứ! Vậy mà đêm hôm nàng dám “một mình” vượt tường sang với Kim Trọng. Nam nam nữ nữ giữa đêm khuya khoắt tất có chuyện ám muội. Cái tư thế, tâm trạng của nàng mới hăm hở, vội vã làm sao “xăm xăm” – “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Thực hiện hành động dễ gây mối hiểm nghi như vậy nhưng nàng không chút dè dặt, e lệ. “Xăm xăm” là từ gợi tả dáng đi nhanh liền một mạch nhằm thẳng tới nơi đã định. Trong cái “xăm xăm” của Kiều, ta tưởng như nàng ngoài Kim Trọng ra chẳng còn biết ai nữa!

Mối tình Kim – Kiều là mối tình táo bạo, đẹp đẽ hiếm có trong văn học Việt Nam nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Đến như Nguyễn Công Trứ đa tình nức tiếng, tám mươi tuổi vẫn tuyển những nàng hầu mười tám đôi mươi còn muốn gọi hồn Nguyễn Du đòi nọc ra đánh vì: sao nàng Kiều của Tố Như “bạo gan” đến thế! Vạ dĩ nhiên, xã hội phong kiến với những định kiến cổ hủ về quyền yêu, quyền sống con người sao có thể chấp nhận một người thiếu nữ khát khao tình yêu rất thành thực với mình như vậy?

Người ta e dè Thúy Kiều còn bởi họ đã gán cho nàng một cái oan danh: tà dâm. Có điều đó bởi trong mời lăm năm lưu lạc, Kiều đã phải chịu số: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Tức là kiếp gái lầu xanh “Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”. Trong suy nghĩ thiển cận của lớp nhà nho hủ lậu, họ cho rằng Thúy Kiều hiện thân cổ vũ cho lối sống buông thả, lăng loàn, đĩ thõa – lối sống của gái lầu xanh “lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm”.

Băng qua thăng trầm của thời gian, ngụp lặn vẫy vùng trong đầm lầy của định kiến, cho đến ngày nay Truyện Kiều vẫn rực rỡ như một kiệt tác lớn nhất của văn học Việt Nam. Điều đó khẳng định: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” chỉ là cái nhìn một chiều, phiến diện, hẹp hòi, ích kỷ.

Thật vậy, tình yêu là thứ tình cảm cao quý thiêng liêng, nó thuộc về tất cả mọi người, không là đặc quyền của riêng tầng lớp, giai cấp, giới tính nào. Tình yêu cũng đến (và đi) tự nhiên như gió và nắng vậy, chẳng ai có thể ngăn cản hay cưỡng ép. Con người ai ai cũng biết yêu (không yêu sao có thể gọi là người?) chỉ có điều có ai dám nói ra điều đó hay không. Và Thúy Kiều đã dám thể hiện thành thực với lòng mình, nàng làm điều đó một cách chân thành cảm động! Ở đặc điểm này của nhân vật, ngòi bút Nguyễn Du đã thể hiện giá trị nhân bản sâu sắc của mình.

Nhưng ta cần hiểu thêm rằng tình yêu của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng trong sáng, son sắt thủy chung đến vô ngần. Hiểu được điều này để ta trân trọng tình yêu của nàng hơn. Kiều không phải như ai “tường đông ong bướm”. Nàng thành thực, sôi nổi trong bày tỏ lòng yêu song cũng biết giới hạn, giữ gìn tiết hạnh. Khi Kim Trọng:

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”.

Thúy Kiều đã nhẹ nhàng nhắc nhở: “Thưa rằng đừng lấy làm chơi”. Tình yêu em dành cho chàng là tình cảm thật lòng, sâu sắc không phải là thứ tình thoáng qua chơi bời buông thả. Bởi vậy:

“Đã cho vào bậc bố kinh Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”.

Còn như:

“Ra tuồng trên bộc dưới dâu Thì con người ấy ai cầu mà chi”.

Sau câu nói này của Kiều, liệu còn ai dám coi thường nàng. Và Kim Trọng lại càng thêm “say vì sắc”, “trọng vì tình” Kiều hơn. Mối tình đầu say mê trinh trắng ấy, nàng đã mang theo suốt quãng đời mười lăm năm chìm nổi. Phiêu dạt chân trời góc bể có khi nào Kiều dám lãng quên? Bán mình chuộc cha, nàng ngất lịm đi khi nghĩ về chàng Kim:

“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân” bẽ bàng, người đầu tiên Kiều nhớ đến cũng là Kim Trọng: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Tình yêu nơi Thúy Kiều là thứ tình cảm chân chính mãnh liệt, là niềm mơ – ước ngưỡng vọng của muôn vàn thế hệ.

Chẳng những vậy, nỗi bất hạnh “Thanh lâu hai lợt, thanh y hai lần” của Kiều chỉ càng làm thắm thêm chữ hiếu, chữ trinh. Nhắc đến đây, tôi nhớ đến câu nói của một bà mẹ: “Nước Nam khổ nhất con Kiều”. Sự thực, người Việt Nam đã coi Kiều là một hình ảnh sống, sinh động chân thực. Và hơn hết đã dành cho con người ấy một tình thương bao la.

Không thương sao được, và có lẽ còn hơn cả lòng thương là sự cảm phục. Sở dĩ Kiều phải nhục nhã ê chề đến thế vì nàng nghĩ đến cha mẹ, hai em. Nàng bán mình chuộc cha để giữ yên ấm cho gia đình. Vậy căn nguyên của nồi đau trinh tiết chính là chữ hiếu cam động nơi Kiều. Mặt khác, dẫu dấn thân vào chốn bùn lầy, nàng cũng khổ đau lắm chứ. Nàng tự thấy mình nhơ bẩn, tự hổ thẹn với chính mình:

“Mặt sao dày gió dạn sương Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya”.

Nàng cũng đâu lây đó làm vui thú gì cho cam:

“Mặc người mưa Sở mây Tần Riêng mình nào có biết xuân là gì”.

Rồi không chịu nổi nhục nhã, điều tất yếu đã đến: Kiều tự giải thoát mình. Không trôn khỏi được lầu xanh, nàng liều mình tự sát… Có thể nói, Thúy Kiều là một hình tượng vắn học gây nhiều tranh cãi, là chủ đề bàn luận về sự Xấu – Đẹp ở đời. Gạt đi những khói sương còn che mờ đâu đó, Thúy Kiều tiêu biểu cho vẻ đẹp cũng như nỗi bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến Việt Nam. Qua Thúy Kiều, Nguyễn Du đã gửi gắm nhiều tư tưởng tiến bộ mang ý nghĩa nhân văn sâu đậm.

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” – một câu ca mang ý nghĩa phủ nhận nhưng nó càng khiến người đọc tò mò, tìm hiểu. Qua đó ta hiểu và khẳng định giá trị của nhân vật, của tác phẩm và trân trạng tài năng của Nguyễn Du hơn nữa.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button