Ánh sáng nào sáng nhất trong truyện “Hai đứa trẻ”?
Nhà văn đã nhiều lần miêu tả ánh sáng trong truyện, lấp lánh trên từng trang văn, tưởng tình cờ mà lại hữu ý, rất tự nhiên mà đượm suy tư, mà gợi sâu xa, mà trở trăn khiến người đọc có khi đọc đi rồi đọc lại để cảm, để hiểu và rồi yêu lúc nào không hay. Có ánh sáng của ánh dương chiều tà phía tây mặt trời sắp lặn, có ánh sáng của ngọn đèn chị Tí hàng nước, có ánh sáng của những con đom đóm lập lòe và những ngôi sao trên trời. Đặc biệt, ánh rực sáng vụt đến rồi vụt đi trong đêm khuya của đoàn tàu đêm.
Dù đậm nét hay ảo mờ, dù hiện thực hay lãng mạn, dù ban ngày hay ban đêm, dù để nhấn mạnh bóng tối hay để tả ánh sáng thì những chi tiết ấy cũng chính là tín hiệu thẩm mĩ đáng lưu tâm khi đọc “Hai đứa trẻ”.
Ánh trời thời khắc ngày tàn
Mở đầu truyện, nhà văn đã dẫn người đọc hướng mắt về phía ánh dương ở phương tây “đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Đoạn văn mở truyện, Thạch Lam chỉ “chào hàng” vỏn vẹn ba câu văn. Câu đầu tả âm thanh cổ điển miêu tả khoảnh khắc chiều tà, hai câu sau tả ba màu sắc: Màu đỏ, màu hồng và màu đen của ánh chiều tàn dịch chuyển nhanh thật nhanh vào đêm tối.
Màu đen cuối cùng, đọng lại, kết thúc đoạn văn mở đầu để thế giới phố huyện dần trôi về đêm, càng đêm khuya càng cô tịch, càng đêm khuya càng u tối… chỉ còn lấp lánh ánh sáng của tâm hồn ngây thơ, trong sáng, giàu ước mơ và luôn khát khao cũng như không thôi nỗ lực vì ước mơ ngời ánh sáng đổi đời lóng lánh của hai đứa nhỏ.
Trong “Hai đứa trẻ” mọi ánh sáng đều lấp lánh. Nhưng, ánh sáng nào sáng nhất trong truyện? Có phải mọi lóng lánh đều đẹp?
Ánh đèn phố huyện về đêm
Nếu đoạn đầu truyện ánh sáng tà dương như điểm kết thúc của ngày, màn đêm ập đến như tên đô vật muốn tóm gọn ném phố huyện vào hố đen thì trong đêm tối, ánh sáng lại lấp ló khắp mọi ngóc ngách. Nhưng, ánh đèn không vụt sáng hay sáng trưng mà leo lét, yếu ớt, thưa thớt: “Các nhà đã lên đèn cả rồi, đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn Hoa Kì leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách”.
Bóng tối nối tiếp bóng tối.
Trời vào đêm, ánh sáng bị bóng tối nhấn chìm nghim nghỉm: “Các nhà đã đóng im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức, nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng”. Ánh đèn xuất hiện nhiều trong từng góc nhà dân phố huyện, nhưng cái cảm nhận được của người đọc là phố huyện vào đêm đầy bóng tối. Câu văn đặc tả bóng tối tô đậm thêm dụng ý này của nhà văn: “Đêm tối đối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa. Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa”.
Nhà văn sử dụng thủ pháp chính của văn học lãng mạn là đối lập tương phản giữa ánh sáng và bóng tối để nhấn mạnh, tô đậm phố huyện về đêm chìm nghỉm trong tăm tối. Tối tựa mảnh đời của dân nghèo nơi đây vừa vật vờ, vừa cô độc vừa chật vật mưu sinh như bà cụ Thi hơi điên, như mẹ con chị Tí lần mò trong đêm bán hàng nước vỉa hè, như chị em Liên còn nhỏ đã phụ mẹ bán hàng rất khéo, như vợ chồng bác xẩm hát xin tiền mặc kệ thằng con bò cả ra đất, như vợ chồng bác Siêu bán phở…
Nếu không có các hình ảnh ánh sáng xuất hiện nhiều nhưng yếu ớt, trở đi trở lại trên từng trang văn truyện “Hai đứa trẻ” thì có lẽ người đọc khó nhận ra cuộc sống cơ cực, quẩn quanh, tối tăm của cư dân nghèo nơi phố huyện nghèo. Đó cũng chính là đời thực của nhân dân ta hồi trước Cách mạng: Nghèo nàn, cơ cực, tăm tối, chật vật. Phố huyện tối tăm là thế, liệu còn chút hi vọng nào cho ngày mai? Nhân vật nào, ánh sáng nào hiện thân cho chút hi vọng ấy?
Ánh sáng của “mặt đất” và “bầu trời”
Những vì sao trên bầu trời cao chiếu sáng; những con đom đóm thắp sáng mặt đất. Ánh sáng xa, mờ ảo, khi ẩn khi hiện nhưng mang lại nhiều niềm vui, hi vọng cho hai tâm hồn đang cần rất cần tiếp năng lượng sống.
Nhà văn Thạch Lam đã làm được điều đó: “Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là trên mặt đất hay leo vào cành cây. An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ…”.
Câu văn ngắn nhưng hai hình ảnh ánh sáng đồng hiện: Ánh sáng của sao trời với hàng ngàn, hàng ngàn vì sao thắp sáng bầu trời; ngang tầm mắt, ánh lập lòe của những con đom đóm dưới mặt đất hoặc trên cành cây. Khi ngắm sao sáng và ánh lập lòe lúc sáng lúc tối của những con đom đóm, hai đứa trẻ “lặng” như không thốt nên lời.
Những gì muốn nói, chị em Liên đã thầm thì cả với ánh sao trời lung linh mầu nhiệm rồi.
Hai đứa trẻ không hề bị động ngắm sao, mà chủ động kiếm tìm thứ mà bầu trời ẩn giấu trong những vì sao kia, là bí mật của đêm tối, của vũ trụ thăm thẳm. Nhà văn miêu tả sự chủ động kiếm tìm của Liên và em An chỉ bằng một câu văn: “An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông”. Những điều hai chị em Liên tìm kiếm đẹp nhưng mơ hồ như niềm hạnh phúc, như khát vọng đổi đời của hai tâm hồn nhạy cảm.
Phải chăng, mọi điều tuyệt đẹp, ngời sáng, lấp lánh đều ngoài tầm với như những vì sao kia? Phải chăng, hạnh phúc không tự đến mà phải biết đợi chờ, biết tìm kiếm và nỗ lực? Đến khi đoàn tàu xuất hiện ở phố huyện thì khuya, rất khuya rồi, nhưng đoàn tàu là niềm vui, nên chị em Liên vẫn cố thức?
Ánh sáng của đoàn tàu khuya
Thạch Lam là nhà văn hướng nội. Văn của ông dường như cũng để riêng tặng những bạn đọc ưa cảm ở chiều sâu hơn là bề nổi, ưa đọc bằng xúc cảm hơn là lí trí, khoái tinh tế hơn gay cấn giật gân. Đọc “Hai đứa trẻ”, đến hình ảnh đoàn tàu đêm sáng rực huyên náo ta lầm tưởng đây là ánh sáng sáng nhất trong truyện ngắn trữ tình này. Nhưng không, có những thứ ánh sáng thực sự sáng, sáng bền vững, không dễ thấy bằng mắt. Chỉ khi nhắm mắt ta mới nhìn thấy. Đó là những ánh sáng nào vậy?
1. Là ánh sáng tâm hồn Liên và An
Đó là tâm hồn thơ trẻ giàu tình thương, giàu niềm tin và nỗ lực biến những khoảnh khắc nhỏ nhoi thành niềm vui lớn.
Tâm hồn Liên giàu tình thương? Phải, khi phụ mẹ bán hàng, bà cụ Thi hơi điên mua rượu, Liên luôn rót đầy cút rượu: “Chị lẳng lặng rót một cút rượu ti đầy đưa cho cụ”, bà cụ Thi hơi điên nhưng rất tỉnh nhận ra tấm lòng thơm thảo của Liên, cụ nói: “A em Liên thảo nhỉ. Hôm nay lại rót đầy cho chị đây”. Liên rót đầy cút rượu, bà cụ nói Liên “thảo”. Vì hôm nào Liên cũng rót đầy. Rõ ràng, Liên khá rộng rãi, thảo thơm trong hành động bán hàng. Niềm vui của bà cụ Thi có lẽ cũng lan sang cả Liên. Chị sợ mà vẫn vui?
Không chỉ “thảo”, tâm hồn Liên còn ngời sáng niềm tin. Hành động đợi tàu minh chứng cho điều đó. Tàu đến trong tích tắc rồi vụt đi, nhưng đêm mai tàu lại đến. Chỉ cần biết, dám chờ đợi. Kết quả là:
“Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng…
– Tàu hôm nay không đông nhỉ, chị nhỉ.
Bìa sách truyện “Hai đứa trẻ”
…Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”.
Tại sao chị em Liên cố đợi tàu khuya? Không phải để bán hàng, mà vì lí do “ngọt ngào” khác. Bởi đoàn tàu đến từ Hà Nội. Nơi lấp lánh tuổi thơ êm đềm của gia đình Liên. Bởi đoàn tàu đến đối lập với phố huyện tối tăm. Ánh sáng và âm thanh của đoàn tàu đẹp lắm, cần lắm với chị em Liên.
Nhiều người cho rằng, đợi tàu còn là hi vọng đổi đời. Chị em Liên chờ đợi và khát khao cuộc sống khác, có thể ở tương lai, có thể chỉ trong mơ nhưng nó sáng hơn, vui nhộn hơn, nó cũng sung túc sang trọng hơn. Khác với hiện tại tối, ảm đạm nơi phố huyện, ga xép leo lét mòn mỏi này.
Tưởng thế, nhưng không phải thế. Liên, An là hiện thân của chị em Thạch Lam thuở còn thơ ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, quê ngoại của nhà văn. Lại nói, Thạch Lam tính tình trầm lặng, ít nói, bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng tâm hồn ấm áp. Người hướng nội ưa sống bằng hoài niệm và mơ mộng. Họ bầu bạn với thế giới bên trong, với thiên nhiên vạn vật xung quanh hơn là kết nối nhiều bạn và khao khát cuộc sống sôi động, huyên náo. Họ ưa tịch mịch, ưa tĩnh lặng hơn cả. Liên, An có lẽ cũng vậy.
Với lại, ai từng sống ở cả phố thị và thôn quê đều dễ nhận thấy: Ở thôn quê trời đêm đẹp mê hồn. Ngàn sao thi nhau lấp lánh, đêm trăng thì rực rỡ êm ả, dịu dàng như lời tình thơ. Ngược lại, ở phố ánh đèn công nghiệp chói lóa và có cảm giác hơi nóng. Đêm trăng ngào ngọt biến thành đêm nhạt như đêm ma chơi nhờ nhợ. Thạch Lam hiện thân trong chị em Liên, liệu nhà văn có đổi những đêm trăng, sao lấp lánh lấy đêm rộn ràng ánh đèn của đoàn tàu?
Có lẽ, cố đợi tàu đêm bởi hai chị em được sống lại những kỉ niệm thơ ấu, để tiếp tục sống với phố huyện tuy hơi thiêu thiếu ánh sáng và đơn điệu nhưng bình yên ở đó. Và có lẽ, nếu chọn về lại Hà Nội, nơi có những ga tàu lớn, có cuộc sống sung túc hơn với hiện tại, nơi đây, phố huyện với xóm làng bà cụ Thi, mẹ con chị Tí, vợ chồng bác xẩm… chắc gì Liên và An đã không chọn phố huyện?
2. Và là ánh sáng của tấm lòng nhà văn Thạch Lam
Thạch Lam tinh tế phát hiện, nâng niu và trân trọng ước mơ của hai đứa trẻ ẩn trong tâm trạng, nỗ lực đợi tàu của chúng. Đợi tàu với người lớn ở phố huyện như chị Tí, như bác Siêu hàng phở, như vợ chồng bác xẩm có thể để trao đổi hàng hóa, để bán buôn, để mưu sinh nhưng với hai đứa trẻ thì khác.
Hai đứa trẻ đợi chờ chuyến tàu đêm vì cái cớ dễ thương đến tội nghiệp. Vì “chuyến tàu là hoạt động cuối cùng của đêm”. Chờ đợi đoàn tàu là hai đứa trẻ đang sống cho quá khứ – hiện tại – hay tương lai? Có lẽ là tất cả, nhưng cho hiện tại là chính. Để biết rằng tại đây, phố huyện lúc đêm khuya này vẫn có đoàn tàu đến, dừng chân chứ không chỉ Hà Nội xa xôi.
Khi phát hiện, miêu tả lại niềm háo hức chờ tàu của chị em Liên, nhà văn đã thể hiện sự trân trọng, nâng niu cái dịu dàng, cái tinh tế, cái sâu thẳm, của nhân vật mà cũng là của chính mình. Bởi nhà văn không hiểu mình thì còn hiểu ai hơn nữa. Và bởi nhân vật nào nhà văn sáng tạo nên lại chẳng hiện thân một phần chính tâm hồn nhà văn? Thạch Lam đã miêu tả lại tâm trạng của hai đứa trẻ với lời văn nhẹ như gió thoảng. Tấm lòng của Thạch Lam chất chứa yêu thương ngọt ngào.
Có câu châm ngôn, đại ý: Không phải mọi thứ lấp lánh đều tốt. Nhưng mọi thứ tốt đều lấp lánh. Có lẽ, nhờ tấm lòng ấm áp mà những trang văn nhẹ nhàng của Thạch Lam lại có sức nặng tựa ngàn cân, vẫn lấp lánh cùng thời gian.
Dù đậm nét hay ảo mờ, dù hiện thực hay lãng mạn, dù ban ngày hay ban đêm, dù để nhấn mạnh bóng tối hay để tả ánh sáng thì những chi tiết ánh sáng ấy cũng chính là tín hiệu thẩm mĩ đáng lưu tâm khi đọc “Hai đứa trẻ” – tác phẩm nhẹ nhàng như một bài thơ trữ tình đượm buồn này.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!