“Thiền vị” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là một tác phẩm lớn viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, gồm 3.254 câu. Bối cảnh Truyện Kiều là xã hội quân chủ Trung Hoa dựa trên nền tảng Nho giáo thời vua Gia Tĩnh nhà Minh, nhưng đồng thời có nhiều ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo trong dân gian.
Hoàng Hạnh Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Nhân vật chính trong Truyện Kiều là Vương Thúy Kiều. Đó là một cô gái tuổi mới mười lăm, gia đình trung lưu ở Bắc Kinh. Kiều có sắc đẹp hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, tài đủ cầm kỳ thi họa, thông minh nhưng đa sầu đa cảm.
Thiền vị là gì? Là vị giải thoát khỏi khổ đau của đạo Phật. Có hai loại khổ đau: Khổ đau do nghiệp quả quá khứ tạo tác, và khổ đau do vọng tưởng tham sân si dẫn dắt.
Đạo Phật dạy rằng con người muốn giải thoát khỏi khổ đau thì phải tránh ác, làm thiện, giữ tâm thanh tịnh. Tránh ác để không tạo nghiệp mới. Làm thiện để tạo phước đức có thể chuyển hóa nghiệp cũ. Có đủ phước đức và biết giữ tâm thanh tịnh thì có trí tuệ sáng suốt, không bị gì ràng buộc là được giải thoát.
Thiền vị trong Truyện Kiều được soi chiếu từ góc nhìn của người học Phật qua nội dung tóm tắt Truyện Kiều dưới đây:
*Người đâu gặp gỡ làm chi?
Ngày xuân, Thúy Kiều cùng hai em đi chơi thanh minh, thấy mộ ca nhi Đạm Tiên không hương khói thì thương xót than rằng:
(83) Đau đớn thay, phận đàn bà! Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Về nhà, Kiều được Đạm Tiên đồng cảm báo mộng rằng hai người cùng hội cùng thuyền.
Kiều gặp Kim Trọng, một thư sinh phong nhã. Hai người yêu nhau, thề ước trăm năm. Gia đình đi vắng, Kiều sang chơi nhà trọ của Kim Trọng. Chiều tối về nhà, thấy gia đình chưa về, Kiều lại sang, đánh đàn cho Kim Trọng nghe. Tiếng đàn nhặt khoan trầm bổng, như oán như sầu. Kim Trọng nhận xét rằng:
(489) Rằng:- Hay thì thật là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
Kiều trả lời Kim Trọng:
(493) Rằng:- Quen mất nết đi rồi, Tẻ, vui thôi cũng tính trời biết sao!
Tính trời là quan niệm xuất phát từ Nho giáo và cả Đạo giáo, đã trở thành phổ biến trong các xã hội Đông Á xưa. Theo đó, tính tình và số phận mỗi người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành là do trời phú. Trời cũng công bằng: Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Theo cái nhìn của người học Phật thì tuy Kiều đang ở trong cảnh gia đinh êm ấm, được gặp người yêu như trong mộng mà lòng lúc nào cũng buồn bã bất an. Đây là biểu hiện tâm si của Thúy Kiều do nghiệp tiền kiếp tạo tác.
Cả hai hấp lực này sẽ dẫn dắt nàng đi vào nẻo đoạn trường.
*Bể trần chìm nổi thuyền quyên:
Kim Trọng về quê, nhà Kiều bị vu cáo, cha và em trai bị khảo tra. Kiều xin bán mình làm vợ lẽ Mã Giám Sinh để có tiền lo lót cứu cha, em. Nhưng Mã dối rằng quê ở Lâm Thanh, thề có quỷ thần rồi đưa Thúy Kiều về Lâm Tri, cùng Tú Bà ép nàng làm gái lầu xanh. Kiều uất ức tự tử. Chưa chết, Tú Bà vỗ về hứa sẽ gả nàng nơi xứng đáng, thề có trời, rồi lập mưu cho Sở Khanh dắt Kiều đi trốn để Tú Bà bắt về có cớ hành hạ. Cùng đường, Kiều đành phải làm gái lầu xanh, chịu khổ đau mà trả nghiệp:
(1233) Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Tấm thân chịu dập vùi, nhưng lòng nàng chẳng động tình:
(1239) Mặc người mưa Sở mây Tần, Những mình nào biết có xuân là gì!
Rồi Kiều được Thúc Sinh, một khách chơi có học, thương cảm chuộc nàng về làm vợ lẽ. Kiều cũng nặng tình với chàng. Nhưng Sinh giấu vợ nên Hoạn Thư ghen tức, và cậy thế con quan bắt Kiều về làm nô tì hành hạ trước mắt mà Sinh không dám mở miệng. Sau nể tài, thương tình và theo ý Kiều, Hoạn Thư cho Kiều xuất gia ra giữ chùa trong vườn nhà chép kinh, niệm Phật. Nhưng lòng chưa yên, Kiều vẫn âu sầu buồn bã. Khi Thúc Sinh lén đến chùa thăm, Kiều lại cầm tay Sinh than thở:
(1963) Xót vì cầm đã bén dây Chẳng trăm năm cũng một ngày, duyên ta.
Rồi sợ Hoạn Thư đã biết sẽ ngầm hại, Kiều bỏ trốn, mang theo chuông khánh quý đến am Ni cô Giác Duyên xin tá túc. Sau Giác Duyên biết chuyện, gởi Kiều tạm lánh ở nhà Bạc Bà là người thường đến am lễ Phật. Không ngờ Bạc Bà lập mưu cho cháu là Bạc Hạnh xin cưới nàng, thề thốt có thành hoàng, thổ địa rồi đem bán Kiều vào lầu xanh.
Kiều vào lầu xanh lần đầu vì hoàn cảnh gia đình, do nghiệp quả quá khứ tạo tác. Nhưng vào lầu xanh lần hai là do Kiều tuy ở chùa nhưng tâm chưa thanh tịnh, nên còn bị tâm si lôi cuốn vào nẻo đoạn trường:
(2661) Lại mang lấy một chữ tình, Khư khư mình buộc lấy mình vào trong. Vậy nên những chốn thong dong, Ở không yên ổn ngồi không vững vàng. Ma dẫn lối, quỷ đưa đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Ở lầu xanh lần này Kiều gặp Từ Hải, người có mười vạn tinh binh, hùng cứ một phương. Hai người cảm mến nhau, Từ Hải chuộc nàng về làm phu nhân. Kiều kể đời mình. Từ Hải nổi giận sai bắt hết kẻ ân người oán về cho Kiều phân xử. Kiều tạ ơn Thúc Sinh, tha Hoạn Thư còn Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh cứ theo lời thề thốt trước với nàng mà gia hình:
(2381) Nàng rằng:- Lồng lộng trời cao! Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta!
Từ đây niềm sân hận đã vơi, tâm Kiều được nhẹ nhàng hơn:
(2424) Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
Tạm yên với Từ Hải được 5 năm, Tổng đốc Hồ Tôn Hiến mang lễ vật đến chiêu an. Kiều cả tin, khuyên Từ Hải quy hàng để hưởng lộc triều đình cho trăm họ được bình yên. Từ Hải nghe Kiều, nhưng thiếu cảnh giác bị quan quân đánh úp chết đứng giữa trận tiền. Kiều bị ép gả cho thổ quan. Nàng tuyệt vọng và ân hận vì cái chết của Từ Hải nên gieo mình xuống sông Tiền Đường. May nhờ có Giác Duyên theo lời Đạo cô Tam Hợp thuê ngư phủ chờ sẳn, Kiều được cứu sống. Trong mê, Kiều nghe Đạm Tiên nói đã uổng công bao năm chờ đợi nàng. Nay Kiều phúc đức đã dày nhờ việc cứu cha và cứu trăm họ khỏi nạn binh đao, nên đã hết kiếp đoạn trường.
Được Từ Hải yêu quý chở che, Kiều đang mơ về một tương lai tốt đẹp có thể đàng hoàng tìm về với gia đình thì đất trời sụp đổ. Hiện thực phũ phàng cho thấy cuộc đời là vô thường, không như ý mình, không có gì để bám víu được.
Khi buông mình xuống sông Tiền Đường, Kiều đã hoàn toàn buông bỏ không còn tiếc gì nữa, kể cả thân mình. Mọi nỗi niềm vọng tưởng đã chìm theo dòng nước. Nên khi được vãi Giác Duyên cứu vớt, tỉnh dậy Kiều đã là một người khác. Giờ đây, nàng đã biết cuộc đời không như ý mình nên không mong cầu gì nữa. Rồi được chung sống với Giác Duyên tại thảo am giữa cảnh trời nước thênh thang, nhẹ lòng với muối dưa đạm bạc, tâm Kiều đã dần trở nên thanh tịnh. Hiện tại không có gì để sợ mất, không còn gì ràng buộc, Kiều đã được giải thoát:
(2733) Một nhà chung chạ sớm trưa, Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng. Bốn bề bát ngát mênh mông, Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau. Nạn xưa trút sạch làu làu.
*Chữ trinh còn một chút này.
Kim Trọng trở lại nghe tin Thúy Kiều bán mình, vô cùng đau khổ. Nhà Kiều sa sút, Trọng nuôi dưỡng cả nhà rồi đi tìm Kiều ở Lâm Thanh. Mãi không thấy, Kim Trọng cưới Thúy Vân như lời dặn trao duyên của Kiều. Sau Kim Trọng và Vương Quan em Kiều cùng thi đỗ làm quan. Kim Trọng vẫn tiếp tục tìm Kiều. Rồi Kim Trọng được bổ nhậm ở Lâm Tri. Ở đây nghe được tin, tưởng Thúy Kiều đã chết nên cả nhà lập đàn tràng siêu độ bên sông Tiền Đường. Giác Duyên ngang qua thấy bài vị, kể chuyện. Cả nhà vui mừng được gặp lại Kiều, muốn đưa nàng về sum họp với gia đình. Nhưng Kiều nói được gặp lại cả nhà là đã thỏa nguyện rồi, nay lòng đã tịnh, không muốn rời am cỏ nữa:
(3043) Mùi thiền đã bén muối dưa, Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng. Sự đời đã tắt lửa lòng, Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.
Nhưng Vương ông cha Kiều cương quyết rằng về nhà sẽ lập am rước Giác Duyên cùng tu, Thúy Kiều đành chiều lòng cha.
Về nhà, Thúy Vân ngỏ lời tác hợp Kiều với Kim Trọng. Thúy Kiều nhất quyết gạt đi. Kim Trọng nhắc lại lời thề ước. Kiều chối từ, nói rằng lòng hổ thẹn vì không còn trinh trắng, giờ chỉ muốn làm bạn với chàng thôi. Kim Trọng thì muốn bù đắp cho những mất mát khổ đau của Thúy Kiều, nghĩ rằng Kiều còn trẻ không thể sống thiếu ái ân. Cả nhà cùng nài ép làm lễ thành hôn. Hai thân đã quyết, Kiều phải cuối đầu vâng theo. Nhưng đêm tân hôn, Thúy Kiều xin Kim Trọng không động phòng, nói rằng mình chỉ còn chút lòng trinh bạch để làm bạn đời với chàng mà thôi. Kim Trọng nghe ra, tỏ lòng kính phục. Cả nhà nghe chuyện đều ngợi khen Kiều.
Kim Trọng hỏi ngón đàn xưa. Nể lòng chàng, Kiều lại đàn khúc nhạc năm xưa cho Kim Trọng nghe. Tiếng đàn lần này đầm ấm, trong trẻo không còn sầu thảm như xưa. Kim Trọng ngạc nhiên rằng:
(3207) Chàng rằng: Phổ ấy tay nào? Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy? Tẻ vui bởi tại lòng này?
Những câu hỏi trên cũng chính là câu trả lời. Cùng một khúc nhạc, cũng đôi tay tài hoa ấy nhưng tiếng đàn khác xưa vì lòng người đã khác. Tâm Thúy Kiều đã an vui nên nay tiếng đàn đã hết thảm sầu.
Việc Thúy Kiều từ chối động phòng có thể giải thích theo cái nhìn của Kim Trọng là nàng có lòng tự trọng theo quan niệm đề cao chữ trinh đương thời. Kim Trọng là một quân tử của đạo Nho, có lòng nhân nghĩa, biết tùy thời, nhưng chưa biết đạo giải thoát nên không thể hiểu thấu lòng Kiều. Theo cái nhìn của người học Phật thì nguyên nhân sâu xa là do Thúy Kiều đã nếm được vị giải thoát, đã chạm được niềm vui thanh tịnh thì không còn ham muốn dục lạc của đời thường nữa. Tiếng đàn trong sáng của Kiều là minh chứng cho nhận xét này.
Cách xử sự của Thúy Kiều cho thấy nàng đã biết tùy duyên thuận cảnh. Nếu Kiều cứ khăng khăng từ chối hôn lễ sẽ làm cho cả nhà thất vọng, đưa đến những hậu quả không lường được. Nàng đã biết rõ việc mình làm, đó là trí tuệ sáng suốt của người đã ngộ đạo.
Từ đây Thúy Kiều với Kim Trọng như hai người bạn tương giao, không có gì ràng buộc. Câu thơ, tiếng đàn để biểu cảm không còn cần thiết nữa. Bây giờ họ chỉ ở bên nhau là đã mãn nguyện rồi:
(3221) Hai tình vẹn vẽ hòa hai, Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ. Khi chén rượu, khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên Ba sinh đã phỉ mười nguyền…
Đó là cảnh niết bàn của Thúy Kiều ngay tại cõi hồng trần khi đã trả xong nghiệp cũ, buông xả tâm si, lòng thanh tịnh, trí sáng suốt.
Bài viết đã dài. Trình bày về thiền thì không thể không dùng lời, nhưng càng nói nhiều thì e rằng càng xa.
Vì vậy, xin mượn 4 câu trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du để đúc kết cho bài viết này:
(3249) Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!
Hoàng Hạnh Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!