Chương I: Giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 (1916 – 1945)

Chương I

GIAI ĐOẠN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

(1916-1945)

Ngày 14.7.1915, Thống sứ Bắc Kỳ ký quyết định thành lập khoa Mắt tại Hà Nội. Sau 9 tháng xây dựng cơ sở, ngày 16.4.1916, khoa Mắt bắt đầu nhận bệnh nhân nhưng chỉ khám và chữa ngoại trú vì nhà cửa còn quá nghèo nàn, không có giường điều trị nội trú.

Ngày 7.6.1917, viên toàn quyền Albert Sarraut ký quyết định chuyển khoa Mắt thành Viện Mắt với 50 giường bệnh, trực thuộc Trường Y khoa Đông Dương làm nơi hướng dẫn thực hành về nhãn khoa cho sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4, đồng thời đào tạo ra các Y sĩ người bản xứ (Médecin indigène) phụ trách các đội lưu động chống mắt hột (brigade mobile antitrachomateuse, theo Journal Officiel de l’Indochine Franỗaise, 1917). Giám đốc Viện đầu tiên là bác sĩ quân y Bargy. Cũng nên biết là ngoài Viện Mắt ở Hà Nội, trong khoảng thời gian từ 1916-1920, Pháp còn cho mở thêm một Viện Mắt ở Huế gọi là Viện Mắt Albert Sarraut (Giám đốc là bác sĩ Léon Collin) và một Viện Mắt ở Chợ Lớn (giám đốc là bác sĩ Motais). Thực chất những cái gọi là viện này, chỉ là những khoa mắt hoặc bệnh viện mắt nhỏ, làm nhiệm vụ khám và chữa mắt là chính, không phải như dưới chế độ ta làm đủ 5 chức năng là điều trị tuyến cao nhất, đào tạo cán bộ chuyên khoa sau ĐH, NCKH, chỉ đạo xây dựng ngành và vận động tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh.

Ngoài 3 cơ sở nhãn khoa nói trên, ở một số tỉnh và thành phố như Thanh Hoá, Hải Phòng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ,… cũng có các Y sĩ Đông Dương kiêm nhiệm thêm việc chữa mắt.

Sau khi chuyển thành Viện Mắt (Hà Nội) với 50 giường bệnh, nhà cửa được xây dựng thêm. Mặt trước Viện mở ra đường Résident Miribel (bây giờ là phố Trần Nhân Tông). Ở phía đường Duvigneaud (bây giờ là phố Bùi Thị Xuân) và phía đường Lê Lợi (bây giờ là phố Bà Triệu) cũng mọc lên những dãy nhà trệt lợp ngói. Các khoa phòng gồm có 1 phòng khám và chỗ cho bệnh nhân ngồi chờ, 2 phòng mổ (1 cho phẫu thuật vô trùng và 1 cho phẫu thuật hữu trùng), phòng thay băng. 50 giường bệnh chia làm 3 loại: 19 giường cho nữ, 21 giường cho nam và 10 giường cho bệnh nhân cách ly (tỷ lệ giường dành cho cách ly đủ để nói lên tình trạng nghiêm trọng của những bệnh mắt do lậu cầu hồi bấy giờ). Ngoài ra, còn có nhà cầu, hành lang đi lại và làm nơi ăn, nghỉ tạm cho những bệnh nhân không được nằm điều trị nội trú (số này có khi lên đến hàng trăm).

Trong khuôn viên của viện, ở góc gần ngã tư Bà Triệu – Trần Nhân Tông bây giờ, hồi trước có 1 cây gạo to, cao đến vài chục mét, thân cây hai người ôm không xuể, nhưng đã bắt đầu bị mục mối nên phải chặt bỏ (vào giữa thập kỷ 80). Dưới gốc cây có cái miếu nhỏ tiếng đồn là linh thiêng lắm. Thường cứ đến ngày mồng 1 và ngày rằm, thậm chí cả những ngày khác, người nhà bệnh nhân đến thắp hương và bày lễ vật khấn vái, cầu phúc, xin cho tai qua nạn khỏi. Sau này, cái miếu không còn nữa khi xây dựng dãy nhà 3 tầng thay thế cho dãy nhà lụp xụp ở phía đường Trần Nhân Tông. Và cũng từ đó cổng chính ra vào của Viện mở ra phía đường Bà Triệu (mang số nhà 85).

Nói về vị trí địa dư thì từ khi mới thành lập cho đến ngày nay, Viện Mắt vẫn ở chỗ cũ. Nó có thuận lợi là nằm ở khu vực gần trung tâm Thủ đô (thuộc quận Hai Bà Trưng), trên các trục đường giao thông chính, tiện cho bệnh nhân đi lại nhưng có phần nào ồn ào, náo nhiệt, thiếu sự yên tĩnh cần thiết cho một bệnh viện. Diện tích mặt bằng hẹp (khoảng 6.600m2), áp sát bốn phía chung quanh là phố xá, nhà cửa dân cư đông đúc, không có điều kiện để nới rộng thêm. Do đó những năm gần đây, việc cải tạo và xây dựng thêm chỉ có thể phát triển theo chiều cao, thiếu khoảng trống cho cây xanh và vườn hoa là những cảnh quan cần cho môi sinh của người bệnh. Ngày nay, ai đi qua khu vực này, nhìn thấy những toà nhà 7 tầng, 5 tầng, 3 tầng vây quanh Viện, khó mà nghĩ rằng nơi đây 90 năm về trước là cái nhà thương chữa mắt Dốc Hàng Gà với đôi, ba dãy nhà lụp xụp.

Dưới đây là những số liệu thống kê của viên Giám đốc Bargy trong 4 năm đầu hoạt động của Viện Mắt dưới thời Pháp thuộc (từ 1917 đến 1920):

Năm

Số người được khám

Số bệnh nhân được chữa nội trú

+

Mắt hột

Các bệnh khác

Tổng số

Mắt hột

Các bệnh khác

Tổng số

1917

3.688

1.408

5.096

231

476

707

1918

4.079

3.280

7.359

144

772

916

1919

2.956

2.979

5.935

171

722

893

1920

3.094

3.093

6.187

138

680

818

Về bệnh mắt hột hồi bấy giờ (1918), viên quan 5 thầy thuốc Marque có viết trong quyển Les grandes endémies tropicales (những bệnh lưu hành lớn ở vùng nhiệt đới) như sau: cả 5 nước thuộc Đông dương đều bị nhiễm mắt hột với mức độ khác nhau. Đứng đầu là xứ Bắc Kỳ mà theo bác sĩ Casaux, vùng trung du có tỷ lệ từ 50-70%, là một vùng có mật độ dân số cao nhất thế giới (700 người một cây số vuông). Trong khi đó thì ở vùng cao, chỉ số nhiễm bệnh thấp hơn nhiều. Theo Bargy, những người Kinh ở trung du bị mắt hột mà lên sinh sống ở vùng núi thì bệnh mắt hột tự khỏi nhanh hơn. Ở vùng núi cao, mắt hột ít gây biến chứng hơn và khó lây lan hơn. Tác giả Talbot và Collin (Viện mắt Huế) thấy tỷ lệ mắt hột xứ Trung Kỳ là 50% nhưng tỷ lệ này thay đổi một cách đáng kể giữa các vùng dân cư khác nhau. Ở vùng cát duyên hải, dân làm nghề chài lưới có tỷ lệ mắt hột cao nhất, ví dụ Đà Nẵng (Pháp đặt tên là Tourane), tỷ lệ mắt hột là 80%, ở Phan Rang là 80%. Càng đi lên dần về phía núi rừng Trường Sơn thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng giảm. Ở Nam Kỳ tỷ lệ phân bố đồng đều hơn. Motais (Viện Mắt Chợ Lớn) ước lượng tỷ lệ nhiễm mắt hột ở người Việt là 25%, còn ở người Hoa kiều vùng Chợ Lớn thì cao hơn một chút.

Đọc thêm:  Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già

Nói chung, dưới thời Pháp thuộc tỷ lệ nhân dân ta bị bệnh mắt hột rất cao; Những con số trên đây của các tác giả người Pháp còn dưới thực tế nhiều vì họ chỉ thống kê trên những bệnh nhân đến bệnh viện là những người bệnh đã bị bệnh nặng, mù loà mới đi chữa.

Với những con số thấp như vậy mà hồi bấy giờ Casaux đã gọi Việt Nam là xứ sở của bệnh mắt hột (pays du trachome).

Nói về tình hình và nguyên nhân gây mù loà trong nhân dân ta dưới thời Pháp thuộc thì số liệu rất khác nhau tuỳ theo từng tác giả. Và có một điều cần chú ý là hồi bấy giờ không có những cuộc điều tra cơ bản trong nhân dân mà chỉ là những dữ liệu thống kê, thu lượm trong số bệnh nhân đến khám và nằm điều trị, nên chưa phản ánh đầy đủ thực trạng bệnh tật. Để tham khảo có thể dẫn ra một vài bản thống kê dưới đây.

Thống kê về nguyên nhân gây mù loà của Talbot (1916) trên 311 người mù:

Mắt hột 51%

Viêm toàn nhãn 20%

Đậu mùa 15%

Tổn thương hắc-võng mạc 6%

Số liệu của Casaux (1917) trên 284 người mù:

Mắt hột 50%

Đục thể thuỷ tinh 40%

Đậu mùa 15%

Viêm toàn nhãn 12%

Glôcôm 10%

Số liệu của Keller (1938) trên 750 người mù:

Do lậu cầu 75%

Rãn lồi bán phân trước 10%

Glôcôm 9%

Khô nhuyễn giác mạc 8%

Teo thị thần kinh 5%

Viêm toàn nhãn 10%

U bướu 2%

Qua những số liệu của các tác giả trên đây, tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng ta cũng có thể rút ra một nhận xét chung là vào thời bấy giờ bệnh mắt hột trong nhân dân ta rất trầm trọng và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, mặc dầu các bảng thống kê không nói đến những biến chứng của nó như lông quặm, sẹo giác mạc. Sau đó là những bệnh lưu hành dưới thời Pháp thuộc như lậu, giang mai, đậu mùa,… do đó số người mù loà và bị các bệnh về mắt rất cao. Đi đâu cũng gặp những người mù chống gậy lần dò từng bước, những bà già mắt viền vải điều (mắt toét) với miếng vải thâm che trước mắt, trông thật thảm hại. Bệnh nhân đến khám và chữa mắt ở nhà thương làm phúc Dốc Hàng Gà ngày càng đông.

Những số liệu thống kê dưới đây trong khoảng 10 năm (từ 1929-1938) mới nói lên một phần thực trạng:

Năm

Số người được khám

Điều trị nội trú

Số lượng phẫu thuật chính

1929

7.498

987

1.197

1930

8.861

993

1.120

1931

9.931

1.073

1.263

1932

10.524

952

1.160

1933

11.115

1.347

1.514

1934

11.434

1.101

764

1935

13.172

1.099

1.356

1936

14.784

1.084

1.168

1937

13.441

1.086

1.473

1938

13.634

1.093

1.351

Năm 1930, số giường nội trú được nâng lên 90. Đến năm 1942 xây thêm dãy nhà 2 tầng, nâng khả năng thu dung lên đến 120 giường bệnh.

Về phẫu thuật thì chủ yếu là mổ lông quặm theo phương pháp Panas, cắt kết mạc quanh rìa giác mạc (périectomie) để chữa màng máu. Cũng đã có mổ đục thể thuỷ tinh theo phương pháp ngoài bao và trong bao, cắt mống mắt hoặc khoan lỗ dò vùng rìa theo kỹ thuật Elliot để chữa glôcôm.

Về điều trị các bệnh mắt thông thường thì có thuốc nước và thuốc mỡ để tra, rỏ mắt. Thuốc nước thường dùng là Nitrat bạc 1%, Sulfat kẽm 1%, Sulfat đồng 1-3%, xanh Méthylen 1-1,5%, Argyrol 3-5%; Atropin 1%, Dionin 2%. Thuốc mỡ thì có Oxyde jaune Hg, xanh méthylen, về sau có cả mỡ Auréomycin. Nếu có kèm theo các bệnh khác thì tuỳ bệnh mà cho thêm thuốc. Hồi đó thường cho Cyanur Hg, Bismuth, Arsenic (vì nhiều người bị lậu, giang mai), dầu gan cá thu, Sulfamid (Dagénan) và một vài loại kháng sinh như Pénicillin, Auréomycin, Terramycin. Cũng có tiêm dưới kết mạc một số thuốc như Cyanur Hg…

Riêng về điều trị mắt hột thì hồi bấy giờ chủ yếu là nạo hột (râclage), đánh hột (frottage) bằng que có một đầu quấn bông hoặc gạc nhúng vào một dung dịch như Nitrat bạc hoặc Sulfat đồng, đánh mạnh cho đến khi hột vỡ, chảy máu, sau đó tra một loại thuốc mỡ như Campho đồng hoặc Oxyde-jaune Hg. 3 ngày đánh 1 lần, trong 2-3 tuần. Sau đánh hột, mi mắt bị phù nề và đau nhức.

Vì chưa có một loại thuốc nào đặc trị bệnh mắt hột nên người ta đã tìm nhiều cách để chữa. J.Casaux (1928) dùng mỡ Xylol (Diméthyle benzène) điều trị mắt hột và toét bờ mi, loét giác mạc. Cornet (ở Viện Mắt Chợ Lớn) tiêm dưới kết mạc cồn 45 độ pha lẫn Novocain để làm xơ hoá kết mạc sụn mi. Năm 1944, Bs. Nguyễn Xuân Nguyên và Nguyễn Đình Cát điều trị mắt hột bằng dầu Krabao (bà Delanoe đã sử dụng ở Maroc) thấy có kết quả đối với mắt hột khởi phát và tiến triển. Qua đến thập kỷ 50 thì bắt đầu điều trị mắt hột bằng Sunfamid và kháng sinh (sẽ nói ở chương II).

Về mặt phòng bệnh mắt hột, hồi bấy giờ cũng đã có những nhận thức đúng đắn: bệnh mắt hột phát sinh và lây lan mạnh là do đời sống nghèo nàn, ăn ở thiếu vệ sinh cá nhân và trong cộng đồng, nhất là ở trẻ em và học sinh. Vì vậy phải đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh mắt hột, đặc biệt là ở nhà trường. Bác sĩ Petit đã viết: nhà trường là một công cụ tuyệt vời (merveilleux instrument) trong việc tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mắt hột. Phải ưu tiên dựa vào nhà trường. Do đó hồi bấy giờ, hàng năm học sinh đều phải khám mắt và có ghi vào phiếu khám bệnh. Học sinh nào bị mắt hột (và đau mắt đỏ) thì phải nghỉ học để chữa, khỏi bệnh mới được trở lại trường (phải có giấy y tế chứng nhận). Họ nói như thế đấy nhưng trong thực tế họ làm được đến đâu thì lại là chuyện khác! Keller (Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội trong thập kỷ 30) đã viết: bệnh mắt hột như là một loại nấm mọc trên bức tường ẩm ướt… vấn đề dịch tễ học mắt hột là một vấn đề xã hội. Nói chung về mặt lý thuyết thì hồi bấy giờ người ta cũng đã biết cả nhưng trên thực tế thì họ chẳng làm được gì. Cho nên bệnh mắt hột trong nhân dân ta vẫn cứ phát triển mạnh và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà.

Đọc thêm:  Cộng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích khi xét tốt nghiệp THPT

Viện Mắt là một trong ba bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y khoa Hà Nội (hai bệnh viện khác là nhà thương Yersin còn gọi là nhà thương Phủ Doãn và nhà thương René Robin hay là nhà thương Bạch Mai). Vì vậy các sinh viên trường thuốc đều đến nghe giảng và thực tập tại Viện. Mới đầu (trước năm 1920), tất cả các sinh viên Y năm thứ 4, mỗi tuần phải đến Viện nghe giảng một bài lâm sàng. Bắt đầu từ năm 1930, tất cả các sinh viên Y năm thứ 3 và năm thứ 4, đều phải chia thành từng nhóm đến thực tập 3 tháng liền. Hàng ngày họ phải đến từ 7 giờ sáng và bắt đầu công việc: khám và làm bệnh án cho bệnh nhân mới vào, trình bày với giáo sư khi ông đi thăm khám bệnh nhân. Giáo sư xem từng người bệnh, giảng ngay trên thực tế lâm sàng và quyết định chẩn đoán. Bệnh nhân nằm điều trị được khám lại và theo dõi hàng ngày. Sinh viên còn được tham gia phụ mổ và được làm các tiểu phẫu thuật.

Bắt đầu từ năm 1919, trường thuốc Đông Dương được chuyển thành trường Đại học Y khoa, trực thuộc Trường Đại học Y Paris. Muốn vào học trường Đại học Y thì phải có bằng Tú tài, sau đó học thêm 1 năm PCN (Physique, Chimie, Sciences naturelles: Lý, Hoá, Vạn vật), sau đổi thành PCB (Physique, Chimie, Biologie: Lý, Hoá, Sinh), rồi thi vào Đại học Y. Nếu trúng tuyển thì sẽ học chương trình Y sáu năm, 5 năm đầu tại Hà Nội, năm thứ 6 phải sang Pháp làm luận án bảo vệ tại trường Đại học Y Paris. Nhưng bắt đầu từ năm 1934, không phải sang Pháp nữa mà luận án được bảo vệ tại trường Y Hà Nội (các luận án phải viết và bảo vệ bằng tiếng Pháp). Từ năm 1936-1945 tại trường Đại học Y khoa Hà Nội đã có 8 bản luận án tốt nghiệp về chuyên khoa mắt (xem phần phụ lục).

Các luận án nói chung đều lấy đề tài từ trong thực tế lâm sàng và điều trị, thường là những công trình nghiên cứu thống kê số liệu, qua đó rút ra những nhận xét, kết luận có giá trị thực dụng nhiều hơn là đề xuất được vấn đề mới.

Còn các bác sỹ, dược sỹ người Việt Nam tuy được đào tạo chung dưới một mái trường nhưng khi vào đời họ chỉ được phân công giữ những nhiệm vụ thứ yếu, đóng vai người giúp việc, phụ tá cho những bác sỹ, dược sỹ người Pháp. Đồng lương của họ cũng thấp hơn nhiều so với người Pháp trong chức vụ tương đương.

Trước cách mạng tháng Tám, dưới thời Pháp thuộc, các giám đốc Viện đều là người Pháp. Trong số đó có Giáo sư Huard, kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa và Bác sỹ Keller. Với chủ trương và chính sách ngu dân được thực dân Pháp thực hiện triệt để vì thế nhiều bác sỹ người Pháp cũng thực hiện trên tinh thần đó, dấu diếm nghề, mà bác sỹ Keller là một ví dụ. Ông Keller không muốn truyền đạt cho ai, thường dấu nghề. Đến cả việc mổ quặm đơn giản nhưng ông ta cũng buông màn, đóng cửa lại, không cho ai xem, vì thế mà các bác sỹ ta hồi ấy thường tìm cách mổ vụng trộm ngoài giờ, tự tìm tòi nâng cao tay nghề. Việc này khiến Keller khó chịu và luôn tìm cơ hội để trù úm, kiềm toả. Và cơ hội không may đó đã rơi vào bác sỹ trẻ Nguyễn Xuân Nguyên.

Giữa năm 1938, Keller về Pháp nghỉ phép. Ngày 30.81938, Thống sứ Bắc kỳ là Yves C.Chatel ký quyết định cử bác sỹ Nguyên thay Keller điều hành công việc của Viện Mắt. Tuy mới 31 tuổi nhưng bác sỹ Nguyên đã có tài tổ chức và giỏi chuyên môn nên mọi công việc trong Viện đều trôi chảy, được thanh tra thuộc địa và Giám đốc Nha y tế Bắc kỳ, Bs. De Raymond khen ngợi. Sau 6 tháng nghỉ phép, thấy công việc điều hành tốt, mọi người đều mến phục bác sỹ Nguyên nên Keller lấy làm khó chịu, tìm cách đẩy ông ra khỏi Viện bằng cách vu khống cho ông đã làm mất dụng cụ phẫu thuật và sách vở, tài liệu của Viện. Sau đó, từ tháng 6.1939 ông bị chuyển công tác sang Lào và làm việc tại Bệnh viện đa khoa Mahasot – Vientiane (Lào). Trong thời gian bác sỹ Nguyên ở Lào thì Nha y tế Bắc kỳ cho điều tra, xác minh sự việc, thấy không có vấn đề gì đã phải ra thông báo đính chính. Nhân dịp đó, có cuộc thi tuyển trợ lý (assitant) bộ môn ngoại khoa, ông trúng tuyển và trở về Hà Nội cuối năm 1941.

Đến giữa năm 1942 thì ông được chính thức bổ nhiệm Giám đốc Viện Mắt, thay Keller về Pháp. Như vậy ông là người Việt Nam đầu tiên giữ trọng trách Giám đốc Viện Mắt từ thời Pháp thuộc. Ông tốt nghiệp Bác sĩ tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội, niên khoá 1929-1935, với luận án mang tên: Contribution à l’étude de la mélioidose en Indochine (Góp phần nghiên cứu về bệnh nhiễm khuẩn Malléomyces ở Đông Dương), vào loại xuất sắc, được hội đồng giám khảo của Viện hàn lâm Paris tặng thưởng huy chương bạc là huy chương cao nhất thưởng cho người bản xứ (huy chương vàng chỉ dành cho người Pháp). Năm 1935, trường Đại học Y khoa Paris đã cử 1 giáo sư của trường là BS. Brumpt (chuyên về ký sinh trùng) sang Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo và năm đó cũng là năm đầu tiên cấp bằng Bác sĩ Y khoa cho 10 bác sĩ Việt Nam bảo vệ luận án tốt nghiệp trong nước, trong số này có Bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên. Cũng nên biết rằng việc thực dân Pháp, bắt đầu từ năm 1935 tổ chức cho sinh viên trường thuốc bảo vệ luận án tốt nghiệp trong nước, cũng như năm 1919, chúng đổi tên trường thuốc Đông Dương (Ecole de plein exercice de Médecine et de Pharmacie) thành trường Đại học Y dược hỗn hợp (Faculté mixte de Médecine et de Pharmacie), đào tạo ra bác sĩ và dược sĩ đại học ngay tại chỗ là một mưu đồ chiến lược của đế quốc thực dân, nhằm ngăn chặn thanh niên, trí thức ta đi ra nước ngoài có dịp tiếp xúc các luồng tư tưởng phản đế làm cách mạng vì vào khoảng cuối thập kỷ 20 và đầu thập kỷ 30 đã có phong trào thanh niên Việt Nam xuất dương tìm đường cứu nước. Mưu đồ này của thực dân Pháp đã lộ rõ qua lời tuyên bố của Viên toàn quyền Albert Sarraut vào năm 1931: tôi đã mở các lớp cao đẳng của trường Đại học Hà Nội cho người An Nam để không một tên nào trong bọn chúng có quyền đi ra khỏi xứ Đông Dương mà học lấy những bài học về phiến loạn (trích dẫn từ sách lịch sử cận đại Việt Nam, tập III, trang 277, về A. Sarraut: Grandeur et Servitude coloniales – Vinh và nhục của thực dân).

Đọc thêm:  Tại sao chọn du học Mỹ? 9 lý do nên cân nhắc

Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên là người thông minh, hiếu học. Ngay từ khi còn học ở trường Y (sinh viên năm thứ 5), ông đã được tuyển chọn làm trợ lý giải phẫu (prosecteur d’anatomie) cùng một khoá thi tuyển với bác sĩ Đỗ Xuân Hợp (ra trường trước ông nhiều năm). Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, ông được nhà trường giữ lại làm hướng dẫn viên (moniteur) về bệnh học lâm sàng nhãn khoa (1936-1938), rồi chủ nhiệm khoa mắt (chef de clinique); chủ nhiệm khoa ngoại (1939-1943), giảng viên nhãn khoa kiêm Giám đốc Viện Mắt (1942-1945). Ông say mê nghiên cứu khoa học từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, kiến thức ông rất cơ bản và toàn diện. Lĩnh vực nào ông cũng có công trình nghiên cứu: từ nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, giải phẫu học, nhân chủng học cho đến nhãn khoa là ngành ông chuyên sâu và có nhiều cống hiến xuất sắc. Chỉ tính riêng từ năm 1935-1945, 10 năm trong thời kỳ Pháp thuộc, ông đã công bố 48 công trình trên các tạp chí trong và ngoài nước. Đặc biệt là về giải phẫu học và nhân chủng học (anthropologie) ông đã viết 22 công trình, trong đó có những công trình cùng thực hiện với giáo sư Huard, giáo sư Đỗ Xuân Hợp, giáo sư Tôn Thất Tùng. Riêng về nhãn khoa, trong khoảng thời gian 10 năm ấy, ông đã công bố 21 công trình đề cập đến nhiều khía cạnh. Do ông say mê nghiên cứu và có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà và thế giới mà ông đã được mời tham gia vào nhiều hội nghiên cứu như Hội y học nhiệt đới (1938), Hội Y học Đông Dương (1935-1945) Trường Viễn đông Bác Cổ (Ecole Franỗaise d’Extrême Orient), Hội Nhân chủng học Đông Dương mà ông là một thành viên sáng lập (1940-1945).

Trong quá trình làm việc ở nhà thương chữa mắt Dốc Hàng Gà, ông nhận thấy nhân dân ta bị quá nhiều bệnh đau mắt, nhiều người mù loà, hàng ngày có đến hàng trăm người đến khám và chữa bệnh… nhưng cơ sở vật chất, nhà cửa của cái nhà thương này hồi bấy giờ còn quá thiếu thốn. Cho nên khi ông được giao trọng trách làm giám đốc thì việc đầu tiên ông nghĩ tới là phải tìm mọi cách cải tạo, xây dựng thêm khoa phòng để có điều kiện thu dung thêm người bệnh. Ông trình bày dự kiến lên viên Thống sứ và Giám đốc Nha y tế Bắc Kỳ xin ngân sách xây nhà nhưng bị từ chối với lý do nhà nước bảo hộ thiếu tiền. Ông liền hỏi họ nếu nhà nước bảo hộ không có tiền thì ông vận động xin tiền xây nhà có được không? Viên thống sứ không thể lấp liếm đành phải chấp nhận đề nghị của ông. Thế là ông đứng ra vận động các nhà hảo tâm ở Hà Nội và các gia đình có người mổ mắt sáng ra, đóng góp đủ tiền xây được dãy nhà 2 tầng, khang trang và đẹp đẽ mà trong nhiều năm khoa Tổng hợp sử dụng. Số giường bệnh từ 90 nâng lên 120, có thêm điều kiện thu dung bệnh nhân. Đó là nghĩa cử đầu tiên của ông giám đốc trẻ tuổi. Ngoài ra ông cũng bắt đầu tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hành chính, chuyên môn và có nhiều dự định về công cuộc phòng chống mù loà cho nhân dân. Nhưng ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công thì ông được Chính phủ giao cho trọng trách làm Chủ tịch UBHC Hải Phòng kiêm Giám đốc y tế miền Duyên Hải và Giám đốc Bệnh viện Hải Phòng.

Ông bàn giao công việc Giám đốc Viện cho bác sĩ Tôn Thất Hoạt và tạm rời công tác ngành Mắt cho đến năm 1952 ông mới trở lại với ngành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỂ VIẾT CHƯƠNG I

Tiếng Pháp:

1. Bargy (Maurice) – Statistique des 5 premières années de l’Institut ophathalmologique de Hanoi (1919-1922), Bull.Méd. chir.

2. Bulletin administratif du Tonkin, 2 Aoỷt, 1915.

3. Casaux J. – Le xylol en ophtalmologie, Bull.M.C. 1927.

4. Casaux J. – Au pays du trachome, B.M.C 1917-1918.

5. Collin M. – De la valeur des traitements à l’école dans la prophylaxie oculaire du trachome, B.M.C 1925.

6. Collin M. – Le Trachome, cause de cécité en Annam, B.M.C., 1926.

7. Cornet E. – Nouveau traitement du trachome par injection sous – conjonctivale d’alcool à 450 novocainé, B.M.C, 1931.

8. Cornet E – La prophylaxie du trachome en Indochine, prophylaxie scolaire en particulier, B.M.C. 1936.

9. Journal officiel de l’Indochine, 1916-1917. e caxie oculaire du trachome, B.M.C 1925. t và tạm rời công tác ngành Mắt cho đến năm 1952 ông mới trở lại với

10. L’école de plein exercice de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine, 1920.

11. Keller P – Comment réaliser une prophylaxie scolaire rationnelle et efficace du trachome, B.M.C 1936.

12. Keller P – Etude du trachome en Indochine, Archives Ophtalmologiques, 1938.

13. Motais – Du trachome en Cochinchine, B.M.C. 1925.

14. Nguyễn Văn Hanh – Evolution de la lutte antitrachomateuse au Vietnam, Thèse doctorat, 1952.

15. Nguyễn Ngọc Kính – Etiologie et fréquence de la cécité au Nord-Vietnam, Thèse doctorat, 1952.

16. Nguyễn Xuân Nguyên – Statistique de l’Institut ophtalmologique de Hanoi de 1929 à 1938, B.M.C. 1939.

17. Nguyễn Xuân Nguyên – Notes sur le traitement du trachome par l’huile de Krabao et considérations sur le traitement du Trachome en général, B.M.C. 1944.

18. Talbot – Clinique ophtalmologique de Hanoi en 1916, B.M.C 1917-1918.

19. Talbot – La lutte antitrachomateuse – Assistance et Prophylaxie, B.M.C 1917-1918.

Tiếng Việt:

1. Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, số 28, 1957.

2. Lịch sử cận đại Việt Nam, tập III, 1990.

3. Hồi ký (viết tay) của bác sĩ Nguyễn Thị Sinh (vợ Cố Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên).

4. Sơ lược lịch sử Y tế Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Y học, 1996.

5. Tiếng nói Đại học Y khoa Hà Nội, đặc san kỷ niệm 50 năm, 1995.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button