Treo biển [Truyện cười dân gian Việt Nam]
Truyện cười Treo biển
Treo biển là truyện cười dân gian Việt Nam mang màu sắc ngụ ngôn, khuyên chúng ta cần phải biết phân biệt và suy xét kĩ càng mỗi khi được người khác góp ý.
1. Ở một cửa hàng bán cá làm cái biển, đề mấy chữ to tướng:
” Ở đây có bán cá tươi” [1].
Vừa treo biển lên, có người qua đường xem, cười bảo:
– Nhà này xưa nay quen bá cá ươn [2] hay sao mà bây giờ lại phải đề biển là “bán cá tươi”?
Chủ cửa hàng nghe nói thế, xóa ngay chữ “tươi” đi.
2. Hôm sau, có người khác đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:
– Người ta chẳng nhẽ đến hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là “ở đây”!
Chủ cửa hàng nghe nói, bỏ ngay hai chữ “ở đây” đi.
3. Cách vài hôm lại có một người khác đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:
– Ở đây chẳng bán cá thì bầy cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”?
Chủ cửa hàng nghe nói, lại bỏ ngay hai chữ “có bán” đi. Thành ra treo trên biển chỉ còn mỗi một chữ “cá”. Anh ta nghĩ bụng chắc từ bây giờ không còn ai bắt bẻ [3] gì nữa.
4. Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn lên biển, nói:
– Ôi dào, chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh. Đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá mà còn phải đề biển làm gì?
Thế là nhà hàng cất luôn nốt cái biển đi.
Truyện cười dân gian Treo biển Nguồn: Kể chuyện 5, trang 66, NXB Giáo dục – 1984
Chú giải trong truyện
[1] Tươi: trong câu chuyện muốn nói đến cá mới đánh bắt về, chưa bị biến chất. [2] Ươn: ở đây ý muốn chỉ cá không còn tươi nữa, bắt đầu biến chất và thường có mùi hôi. [3] Bắt bẻ: vạch thiếu sót hết điều này đến điều khác để làm khó dễ.
Ý nghĩa của truyện cười Treo biển
Khi nghe người khác góp ý về công việc mình làm, không nên thấy bất cứ ai có ý kiến gì cũng cho là đúng mà vội làm theo ngay, không chịu suy xét kĩ càng, phân biệt điều nên nghe, điều không nên nghe để tự mình chủ động giải quyết công việc của mình cho hợp lí.
Câu chuyện Treo biển trên đây cho ta thấy kết quả của việc cả nghe người khác, đã khiến cho người chủ nhà hàng bán cá có việc làm rất kì khôi là bỏ hẳn tấm biển đi, mà theo lẽ thông thường cửa hàng buôn bán nào cũng phải có.
Truyện này mang ý nghĩa khá giống với câu chuyện Đẽo cày giữa đường. đều là những bài học ý nghĩa về việc cả tin nghe theo lời người khác, mà không có chính kiến của mình.
Câu hỏi thử thách các bé
- Có mấy người “góp ý” về cái biển của cửa hàng bán cá?
- Người chủ cửa hàng đã làm gì mỗi lần có người góp ý chê tấm biển treo ở cửa hàng của mình?
- Kết quả cuối cùng kì khôi và buồn cười ra sao?
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!