Tự hào dân tộc, tự tôn nền văn hiến quốc gia, trọng trí tuệ, quy tụ
Dân tộc Việt Nam có một lịch sử lâu đời với nhiều thành tựu và chiến công huy hoàng rất đáng tự hào trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Là một quốc gia nằm ở khu vực nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vùng hải đảo và lục địa châu Á cũng là nơi tụ cư của nhiều tộc người khác nhau. Trên bước đường phát triển của loài người, Việt Nam nằm giữa hai trung tâm văn minh lớn, cổ xưa nên cũng sớm trở thành điểm giao lưu và chịu tác động ảnh hưởng của những nền văn minh đó nên vừa có nhiều thuận lợi, đồng thời cũng gặp không ít những khó khăn.
Ngay từ buổi đầu dựng nước, dân tộc việt Nam đã phải sớm đương đầu chống chọi với thiên tai, hạn hán lũ lụt và ngoại xâm. Vì vậy, tinh thần yêu nước, cố kết cộng đồng dân tộc trở thành động lực, sức mạnh chi phối sự vận động và phát triển của các thiết chế chính trị qua các giai đoạn lịch sử tạo thành nên đặc sắc của chính trị Việt Nam.
Ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ thì dân tộc nào cũng có. Nhưng lịch sử Việt Nam đã tạo nên tinh thần chính trị đó một cách đặc biệt. Một đất nước nhỏ, yếu về kinh tế, trong lịch sử lại phải luôn đương đầu với những đế quốc to, tinh thần và ý chí quyết tâm đánh bại dã tâm xâm lược càng tăng thêm tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào nền văn hiến của mình.
Ý thức dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ, quyết không cam chịu mất nước, không chịu làm nô lệ của nhân dân ta được hun đúc và rèn luyện trong lò lửa các cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc. Nhờ đó mà nhiều lần mất nước, dân tộc ta đều giành lại được, cũng như nhiều lần vượt qua được âm mưu đồng hóa thâm độc của kẻ thù. Ý thức đó đã lên đến đỉnh cao khi cuộc đấu tranh giải phóng đất nước giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 938 với chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại, mở ra kỷ nguyên Đại Việt cho dân tộc và nó tiếp tục được duy trì, củng cố trong thời bình thông qua xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt. Các triều đại phong kiến Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XV đều coi trọng việc xây dựng quân đội và tổ chức sản xuất, chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật chất để có thể giữ vững nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long với ý muốn “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu” cũng không nằm ngoài sự ý thức về vận mệnh lâu dài của quốc gia dân tộc.
Năm 939, Ngô Quyền tự xưng vương, từ Đinh Bộ Lĩnh đến các triều đại tiếp theo đều xưng đế, cùng với việc đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (từ năm 968), Đại Việt (từ năm 1054) là những biểu hiện rõ nét nhất cho thấy chủ trương xây dựng một đất nước độc lập, tự cường, bền vững và ngang hàng với phương Bắc. Tư tưởng này đã được tiếp tục khẳng định mạnh mẽ trong bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”; và trong bản anh hùng ca chiến thắng Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời dựng nước; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương”.
Ý thức tự chủ, lòng tự tôn dân tộc thể hiện sâu sắc ở việc giữ gìn quốc thể và bản lĩnh người Việt. Theo Trần Quốc Tuấn trong tác phẩm Hịch tướng sĩ thì điều sỉ nhục đáng sợ hơn cả đối với tướng sĩ và mỗi người dân là vua bị sỉ nhục, là quốc thể bị sỉ nhục, là sự bại trận trên chiến trường để cho quân xâm lược giày xéo lên quê hương đất nước, là tiếng xấu không rửa sạch được của những tướng sĩ không hoàn thành nhiệm vụ. Ông vô cùng căm tức khi: “Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ nhục triều đình”, và nghiêm khắc phê bình: “Nay các người nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường yết kiến sứ ngụy mà không biết căm”. Cho nên, Trần Quốc Tuấn đòi hỏi các tướng sĩ của mình phải dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù để rửa nhục, nếu không, “Chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ mẹ cha các người cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục rồi để trăm năm sau tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh nhà các người cũng không khỏi mang tiếng là từng bại trận”. Lòng tự tôn, tự hào dân tộc là động lực và bệ đỡ tạo nên biết bao hành động cao đẹp, làm vẻ vang cho dân tộc ta từ xưa đến nay. Người anh hùng Trần Bình Trọng bị địch bắt và giở trò dụ dỗ, mua chuộc đã thét vào mặt chúng: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Khí phách hiên ngang, tinh thần dân tộc đã làm cho bọn giặc phương Bắc phải kính nể, kiêng sợ.
Tư tưởng Nguyễn Trãi là biểu hiện tiêu biểu về lòng tự hào dân tộc, tự hào về non sông, đất nước Đại Việt. Trong Bức thư dụ thành Bắc Giang, ông viết: “Người có Bắc Nam, đạo không kia khác. Nhân nhân quân tử, không đâu là không có. Nước Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Linh mà có tiếng là nước thi thư, những bậc túc trí đa mưu đời nào cũng có”. Đặc biệt, trong Đại cáo bình Ngô, ý thức tự hào dân tộc được khẳng định rõ ràng nhất, đầy đủ nhất hơn bất cứ lúc nào trước đó:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.
Sự thật đó đã đánh đổ ngay định kiến hết sức sai lầm, láo xược và thái độ khinh miệt, kiêu ngạo của các triều đại phương Bắc cho rằng, nhân dân nước Nam là mọi rợ, là “Nam man” và xoá đi sự tự ti đối với nước láng giềng to lớn trong một số tầng lớp dân ta. Nguyễn Trãi nhấn mạnh rằng, chúng ta không có gì phải tự ti cả, họ đông nhưng mà không phải lúc nào họ cũng mạnh, bằng cớ là chúng ta đã nhiều lần đánh bại họ:
“Nên Lưu Cung tham công mà đại bại,
Còn Triệu Tiết hiếu đại chóng tan tành.
Toa Đô bị bắt ở cửa Hàm Tử,
Ô Mã Nhi giết ở sông Bạch Đằng,
Xem xét việc xưa, chứng cứ còn ghi…”
Như vậy, trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam truyền thống có rất nhiều tư tưởng có giá trị. Lịch sử đã để lại cho chúng ta hôm nay rất nhiều những giá trị tinh thần đặc sắc và phong phú. Lịch sử không để lại cho chúng ta những học thuyết chính trị đồ sộ, những cuốn sách “bác học” về chính trị nhưng lịch sử đã để lại cho chúng ta một kho tàng truyền thuyết, tục ngữ, ca dao, văn học bình dân, bài hịch, bài điếu và những bản tuyên ngôn như những bản anh hùng ca sáng chói mà ánh sáng của nó còn chói lòa cho đến tận hôm nay và mai sau.
Một quốc gia dân tộc có một nền văn hóa cao biểu hiện trước hết là trình độ văn hóa phổ quát của nhân dân sống trong một cộng đồng nhất định và chiều cao văn hóa trí tuệ của những đại biểu tinh hoa xuất hiện trên cái nền tảng phổ quát ấy. Nền văn hóa quốc gia Đại Việt trong chiều dài lịch sử tồn tại của mình có thể tự hào là đã sản sinh ra được một đội ngũ những người trí thức yêu nước (mà lực lượng chủ chốt là những danh nhân văn hóa – chính trị) mang hào khí của tổ tiên làm nên những sự nghiệp lớn. Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Văn hiến theo quan niệm của ông cha ta là truyền thống văn hóa lâu đời với những giá trị tốt đẹp; cụ thể hơn là tổng thể những giá trị thành văn”. Văn hiến ở đây còn chỉ nước Đại Việt có nhiều “hiền tài”, tức có nhiều danh nhân quốc gia, đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thân Nhân Trung – danh thần nhà Lê – đã để lại trên bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám một chân lý: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp”. Đàm Văn Lễ khẳng định: “Nhân tài thịnh, chính trị lên cao, vận nước nhà rực rỡ vô cùng, càng sâu xa càng lâu dài, mà càng sáng sủa lớn lao thêm”. Hiền tài là sản phẩm của lịch sử và đồng thời là những người tích cực làm nên lịch sử.
Không phải phong kiến phương Bắc không biết sử dụng người hiền tài phục vụ cho nền chính trị của mình. Mà ngược lại, hiểu rõ tầm quan trọng của các bậc hiền tài đối với vận mệnh quốc gia, nên khi thôn tính được nước ta, chúng quy phục những danh tài kinh bang tế thế và muốn đồng hóa dân ta, chúng tìm mọi cách xóa đi những giá trị văn hóa độc đáo của nền văn hiến Việt Nam.
Trong thời kỳ Bắc thuộc nổi lên vai trò của giới trí thức tăng lữ Phật giáo. Thời Đường của Trung Hoa, nhiều danh sĩ nước Nam được các vua nhà Đường mời vào cung thuyết pháp và xướng họa. Có thể nói, họ là những hiền tài bảo vệ và giữ gìn quốc hồn, quốc túy của dân tộc trong giai đoạn đen tối này, đó là các pháp sư Duy Giám, Phụng Đình, Thiên tăng Nhật Nam…
Sau khi nước nhà được độc lập, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê dã mong muôn xây dựng một nhà nước tự chủ, tự lập với phương Bắc, và do đó đã coi việc tuyển dụng hiền tài ra giúp nước là một quốc sách. Trong tình hình lúc đó, Phật giáo là một thế mạnh nhất, được xem là chỗ dựa về tinh thần để xây dựng đất nước, về mặt trí thức, đạo đức và uy tín xã hội, thực ra thời đó chỉ có các nhà sư là có thể giữ được vai trò cầm cân nảy mực. Hơn thế nữa, các nhà sư vốn giỏi Hán học, họ vừa là những nhà ngoại giao đón tiếp sứ thần phương Bắc vừa là những người dùng thơ văn để ca ngợi chiến công và hào khí của dân tộc. Bao nhiêu việc nước trọng đại, các vua Đinh và Tiền Lê đều hỏi ý kiến của thiền sư. Tiêu biểu là Khuông Việt thiền sư (thế danh Ngô Chân Lưu 933-1011), Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915-990)…
Cùng với sự phát triển của bộ máy nhà nước, triều đại nhà Lý đã không dừng lại ở việc sử dụng các nhà sư giỏi, mà bắt tay xây dựng, phát triển giáo dục, trực tiếp đào tạo nhân tài phục vụ đất. nước. Năm 1070, Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu, sau đó là mở Quốc Tử Giám cho các hoàng tử đến học. Năm năm sau, năm 1075, khoa thi quốc gia đầu tiên được tổ chức và Lê Văn Thịnh là Tiến sĩ khai khoa của nước nhà. Ông là người đã góp phần đắc lực vào việc bảo vệ và xây dựng triều Lý Nhân Tông, một thời kỳ thịnh trị thái bình đã nhiều lần được sử sách ca ngợi. Bên cạnh các hiền tài khoa cử,, nhà Lý vẫn trọng dụng các nhà sư có học vấn uyên thâm. Đó là các thiền sư Vạn Hạnh, Viên Thông, Viên Chiếu, Mãn Giác, Không Lộ… Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) là cố vấn chính trị của vua Lê Đại Hành, có công giáo dưỡng Lý Công Uẩn lúc còn nhỏ và khi nhà Tiền Lê suy tàn đã phò giúp Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng ra triều Lý. Thiền sư Vạn Hạnh không những có vai trò to lớn trong đời sống chính trị của Nhà nước Đại Việt mà còn có ảnh hưởng quan trọng đối với lĩnh vực tư tưởng văn hóa ở nước ta thời kỳ này.
Dưới triều Lý, những danh tài anh kiệt như Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, đặc biệt là Lý Thường Kiệt, đã thực sự đóng vai trò trụ cột của triều chính và chống quân xâm lược Tống.
Khác với triều Lý, nhà Trần đề cao vai trò của tầng lớp quý tộc, vương hầu. Nhà Trần đã tự vươn lên trong việc bồi dưỡng học vấn và văn hóa. Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và các ông vua như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông… đều tự tìm kiếm con đường trau dồi kiến thức, văn hóa để không chỉ là tướng, là vua, mà còn là trí thức, hiền tài của đất nước. Một hệ thống trường học mang màu sắc thế tục đã dần dần hình thành và tách khỏi nhà chùa.
Nhà Trần đã củng cố hệ thống Văn Miếu – Quốc học viện và quy chế hóa các khoa thi. Năm 1246, nhà Trần quy định 7 năm mở một kỳ thi, và lần đầu tiên ra quy chế lấy ba người giỏi nhất kỳ thi (tam khôi) phong trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Tuy vậy, học vị phải đi liền với tài năng thực sự. Phan Huy Chú nhận xét: “Triều Trần dùng người thật là công bằng, tuy đã đặt khoa mục mà trong việc tin dùng chỉ cốt tài là được, cho nên những nho sĩ có ý chí thường được trổ tài của mình”. Có lẽ vì thế, danh tài anh kiệt đời Trần hết sức phong phú và đa dạng từ chính trị, ngoại giao, pháp lý, sử học, thơ ca… Ngoài vua tướng toàn năng nhà Trần còn có thể kể ra những danh tài tiêu biểu: Trạng nguyên Nguyễn Hiền, sử gia Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trương Hán Siêu… Đặc biệt, vào nửa sau thế kỷ XIV, nhà giáo dục lỗi lạc Chu Văn An với tư tưởng thực học chứ không phải học để làm quan đã đưa sự nghiệp giáo dục đạt đến cực thịnh với sự nở rộ của các nhân tài. Những nhân vật ưu tú đó thực sự đã công hiến tài năng và sức lực cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, xây dựng cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Sang thời nhà Lê, Nho giáo trở thành quốc giáo góp phần làm cho tầng lớp nho sĩ ngày càng đông đảo là nguồn lực cơ bản để nuôi dưỡng nhân tài. Danh sĩ Đỗ Nhuận đời Lê Thánh Tông có viết trên bút ký: “Việc lớn trong chính trị của đế vương, chẳng gì gấp bằng nhân tài, chế độ nhà nước muốn được kỹ càng tất phải đợi ở hậu thánh. Bởi vì, làm chính trị mà không cốt ở nhân tài, chế độ mà không nhờ ở hậu thánh thì mọi việc đều coi là cẩu thả, trị hiệu và phong hóa đâu đã được là thịnh…”. Đây cũng là thời kỳ của nhiều nhân vật lịch sử và cùng với họ là những công trình văn hóa lớn. Đó là Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, Dư địa chí; Ngô Sĩ Liên với Đại Việt sử ký toàn thư; Lê Thánh Tông với Bộ luật Hồng Đức và Hồng Đức quốc âm thi tập; Lương Thế Vinh với Đại thành toán pháp; Nguyễn Bỉnh Khiêm (dưới thời Lê – Mạc) với Bạch Vân quốc âm thi tập. Dưới thời Lê Trung Hưng là các tên tuổi: Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm… với hàng loạt các công trình khoa học và những tác phẩm văn học lừng danh làm nên diện mạo đặc sắc của văn hóa chính trị nước nhà.
Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, nhưng triều Tây Sơn (1771-1802) đã kịp để lại nhiều danh tài anh kiệt. Tấm lòng của người anh hùng áo vải Quang Trung đối với sĩ phu Bắc Hà là một nét son của truyền thống “chiêu hiền đãi sĩ” trong nền văn hóa chính trị Đại Việt. Những nhân vật tiêu biểu thời này là: Nguyễn Huệ, Ngô Văn sở, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Huy ích…
Dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945), cách tổ chức và đào tạo nhân tài vẫn tương tự dưới triều Trần và Lê. Thi hào dân tộc Nguyễn Du cùng với Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát… là những danh sĩ nổi danh trong nền văn hóa chính trị nước nhà. Kế tiếp đó là các nhà khoa bảng yêu nước như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,… đã đi đầu trong sự nghiệp chống thực dân Pháp. Quan điểm “chiêu hiền đãi sĩ” trong lịch sử thực chất là chính sách dùng người hiền tài với cả một hệ thống quan niệm và ứng xử kiên trì, tế nhị, bao gồm: phát hiện nhân tài, chân thành tha thiết cầu người hiền tài, tiến hiền, treo bảng cầu hiền, tin tưởng vào hiền tài với tầm nhìn xa trông rộng. Và từ truyền thống đó, dân tộc ta đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, với hiểu biết phong phú và sâu sắc, uyên thâm, đồng thời biết vận dụng tạo ra nhiều thành quả trong hoạt động thực tiễn, đóng góp tích cực cho việc xây dựng và thực thi các nhiệm vụ chính trị, phát triển đất nước, sự tiến bộ xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn vinh. Đó là những con người vừa giàu chất nhân đạo, chất trí tuệ sâu sắc kết hợp với tinh thần dấn thân hành động, biết hy sinh cái riêng trong niềm vui chung của cộng đồng dân tộc rộng lớn.
Tất cả những ứng xử đó chứng tỏ sự nhuần nhuyễn của một nền chính trị tự hào dân tộc, tự tôn nền văn hiến quốc gia, trọng trí tuệ và quy tụ người hiền, đó là:
1. Tự hào dân tộc, tự tôn nền văn hiến quốc gia, trọng trí tuệ và quy tụ người hiền đã trở thành di sản tinh thần quý báu, bệ đỡ tinh thần chính trị và đồng thời là yếu tố chi phối tính chất và hoạt động của các thiết chế chính trị Việt Nam truyền thống phải được coi là một tiền đề hết sức quan trọng cần phải được lường tính khi xây dựng Hệ thống chính trị ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
2. Trong quá trình xây dựng kiện toàn hệ thống tổ chức quyền lực chính trị cần hết sức lưu ý đến đến tính năng phục vụ và đại diện cho lợi ích dân tộc, nhân dân. Trong vận hành bộ máy quyền lực cần tuyển chọn và dùng “con người chính trị” mẫu mực (người hiền – tài), yếu tố quyết định thành bại của sự vận hành của hệ thống. Đây không phải chỉ là sự lưu ý thông thường mà là sự nhấn mạnh một đặc điểm truyền thống: “hiền tài là nguyên khí quốc gia…” có ý nghĩa quyết định đến sự vững mạnh của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Đặc điểm này là điều kiện tiên quyết, hết sức thuận lợi cho việc xây dựng một nền chính trị của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay.
3. Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn cầu, cùng với tác động mãnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0; cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, tạo ra rất nhiều thời cơ thuận lợi, đồng thời, cũng có vô vàn những thách thức và khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới hơn nữa, tích cực chủ động trong hội nhập và cần sáng tạo, đột phá trong việc phát huy các giá trị lịch sử chính trị nhằm tăng cường sức mạnh và bản lĩnh chính trị Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Dương Thị Thục Anh
TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tài liệu tham khảo
1. Lưu Văn An, Thể chế chính trị Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển, Nxb. Chính trị – Hành chính, H. 2012.
2. Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 3, Nxb. Giáo dục, H. 2004.
3. Trần Đình Hoan (Chủ biên): Quan điểm và nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam giai đoạn 2005 – 2020, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2008.
4. Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị – Hành chính, H. 2009.
5. Nguyễn Duy Quý (Chủ biên), Hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2008.
6. Lê Minh Quân (Chủ biên), Nhà nước trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!