Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc
1. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc
Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, vì kẻ thù chống chúng ta về mọi mặt, nên chúng ta cũng phải dùng sức mạnh toàn diện để chống lại chúng. Hồ Chí Minh khẳng định: “… chiến tranh ngày càng phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”(1). Do đó, xem xét sức mạnh BVTQ trên mọi phương diện, không chỉ xem xét sức mạnh về vật chất, về vũ khí trang bị…, mà còn về tinh thần, lực lượng của quần chúng nhân dân. Nếu chỉ dựa vào vũ khí, trang bị, mặc dù vũ khí, trang bị đó có tối tân, hiện đại đến đâu cũng khó có thể giành được thắng lợi, khó có thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuy có những vũ khí tối tân, nhưng chỉ dựa vào vũ khí và binh lực thì không thể thắng nổi địch”(2). Thực tiễn đã chứng minh rằng, lúc bắt đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược quân đội ta là một quân đội còn non trẻ. Mặc dù, tinh thần dũng cảm có thừa, nhưng còn thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt… Trong khi đó, đội quân xâm lược của địch là một quân đội nổi tiếng thế giới. Chúng có hải quân, lục quân, không quân lại được đế quốc Anh, Mỹ giúp, nhất là Mỹ viện trợ. Lực lượng ta và địch so le nhiều như thế, cho nên lúc đó bọn phản động cho rằng: cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đá voi”. Chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn về hiện trạng, chỉ nhìn bằng con mắt thiển cận mà xem xét thì như thế thật. Vì lúc đó địch đã có máy bay và đại bác, xe tăng… mà ta chỉ có súng kíp, mã tấu, dao kiếm và gậy tầm vông… Nhưng Đảng ta không chỉ nhìn vào hiện tại mà đã thấy tương lai, tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Hồ Chí Minh yêu cầu: “… chúng ta phải tập trung hết thẩy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến của ta mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng”(3). Bác đã quả quyết: “Nay tuy châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”.
Như vậy, sức mạnh BVTQ theo Hồ Chí Minh phải là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sức mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự… Đó là vấn đề rất quan trọng trong xem xét tương quan, so sánh lực lượng, trong xây dựng sức mạnh BVTQ. Có phương pháp xem xét, đánh giá đúng sẽ có hành động đúng, tạo nên sức mạnh giành chiến thắng.
2. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết
Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của đoàn kết. Đó là nguyên nhân của mọi thành công nói chung, của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN nói riêng. Lời kêu gọi nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 19.12.1954, khi mà nhân dân ta mới giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã đoàn kết, đấu tranh, cảnh giác và tin tưởng, cho nên chúng ta đã thắng lợi trong kháng chiến. Thì nay chúng ta phải đoàn kết rộng rãi cả nước và đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn cùng nhân dân yêu chuộng hoà bình toàn thế giới… Như vậy, chúng ta nhất định thắng lợi trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta”(4).
Phương châm của đoàn kết theo Hồ Chí Minh là phải “lâu dài”, là “một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”. Mục đích của đoàn kết “để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”, và “để xây dựng nước nhà”. Hồ Chí Minh giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác”. Người coi: “Đó là nền gốc của đại đoàn kết” và khẳng định cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bởi vậy, bất kỳ ai mà “thật thà” tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây có “chống” chúng ta, bây giờ họ hiểu ra, chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ. Cho nên, ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ. Theo Hồ Chí Minh khi đã đoàn kết rồi thì phải thường xuyên củng cố tình đoàn kết ấy. Theo Người: “Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi”. Trong chính sách đoàn kết của Hồ Chí Minh đề phòng hai khuynh hướng sai lầm: cô độc hẹp hòi và đoàn kết một chiều vô nguyên tắc. Từ đó, Người dạy: “Phải lấy công tác mà củng cố đoàn kết. Phải lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác”(5).
Không những đoàn kết nhân dân mà còn đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp BVTQ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chú trọng giúp đỡ đồng bào vùng cao và làm tốt công tác an ninh trật tự, củng cố quốc phòng”(6).
Không chỉ đoàn kết rộng rãi giữa các tầng lớp nhân dân, dân tộc, nâng cao chí khí đấu tranh và tinh thần cảnh giác cách mạng mà còn “tin tưởng hơn nữa vào lực lượng mạnh mẽ và tiền đồ vẻ vang của dân tộc ta”. Nghĩa là phải có niềm lạc quan cách mạng mới tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp BVTQ XHCN.
Hồ Chí Minh không những chỉ ra phương châm, mục đích của đoàn kết mà còn chỉ ra phương pháp đoàn kết là chống tả khuynh và hữu khuynh; yêu cầu của đoàn kết là phải rộng rãi, đoàn kết trong nước và đoàn kết cả những người có quá khứ lầm lỗi nhưng đã biết ăn năn hối cải. Không những đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dân tộc mà cùng với nó phải là củng cố đoàn kết, để tạo nên đoàn kết vững chắc, tạo sự đồng thuận trong sự nghiệp BVTQ XHCN. Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp BVTQ, chỉ có thế cũng chưa đủ mà còn phải kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài để tạo nên tổng lực cùng hướng vào bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
3. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Hồ Chí Minh chỉ rõ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì sức mạnh BVTQ có sự chuyển hoá từ yếu thành mạnh. Người khẳng định: “Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó”(7). ở chính các nước đế quốc, nhân dân lao động tiến bộ cùng với nhân dân ở các nước thuộc địa ai cũng muốn hoà bình, cho nên phải đoàn kết đấu tranh chống thực dân, đế quốc thì mới giành được hoà bình thật sự, cách mạng sẽ thành công.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong sự nghiệp BVTQ theo Hồ Chí Minh không chỉ là khai thác triệt để sức mạnh thời đại để kết hợp với sức mạnh dân tộc, mà nhân dân ta còn có nghĩa vụ quốc tế trong sự kết hợp ấy. Quan niệm về nghĩa vụ quốc tế của Người không chỉ là trực tiếp giúp một nước nào đó trong đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc mà ngay cả khi củng cố, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngay từ khi đất nước ta còn đang chiến đấu chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc để giành lại độc lập dân tộc thì giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta đã và đang làm nghĩa vụ quốc tế cao cả chống chủ nghĩa đế quốc. Người viết: “Đồng bào lao động và toàn thể quốc dân ta cần phải hăng hái tổng động viên để đánh tan bọn xâm lược, để đưa cuộc kháng chiến thần thánh của ta mau đến thắng lợi hoàn toàn. Như thế, tức là toàn thể lao động và nhân dân ta thiết thực chen vai thích cánh với lao động và nhân sĩ thế giới để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại chung là bảo vệ dân chủ và hoà bình thế giới”(8). Và: “Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hoà bình trên thế giới”(9).
Trong khi khẳng định sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của bên ngoài, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh tinh thần tự lực cánh sinh, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hồ Chí Minh viết: “Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh”. Trông vào sức mình nhất là ở sau lưng địch thì lại càng phải đặc biệt chú ý. Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(10). Tư tưởng tự lực cánh sinh của Người rất cao, nên vào thời điểm khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ khi được các phóng viên nước ngoài hỏi: Nếu cuộc “chiến đấu” lại gay go trong thời gian sắp tới thì “Ngài sẽ trông cậy vào những sự hỗ trợ nào?” Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Chúng tôi bao giờ cũng trông cậy vào chúng tôi”, “đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế có hiệu quả nhất…”. Từ đó, chúng ta nhận thấy sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là công việc, trách nhiệm của chính chúng ta, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do đó, cần khai thác và phát huy tốt nội lực vào sự nghiệp BVTQ. Đồng thời để bảo vệ vững chắc Tổ quốc cần tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân và các dân tộc tiến bộ trên toàn thế giới một cách có hiệu quả nhất. Trong đó sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định, sức mạnh bên ngoài là quan trọng. Việc thu hút sức mạnh bên ngoài cũng phụ thuộc vào sức mạnh bên trong. Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”(11).
Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh BVTQ là vấn đề có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ để hiểu biết thêm tư tưởng của Người mà từ sự hiểu biết đó chúng ta nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn xây dựng sức mạnh BVTQ trong điều kiện mới, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.
________________________________
(1), (2), (3), (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000) Nxb CTQG, H., T.4, tr 298, 221, 447, 126.
(4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.7, tr 400, 438.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.11, tr244
(7), (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.1, tr11, 434.
(8), (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.6, tr38, 522.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!