Thông minh không bằng TUỆ CĂN: Tuệ căn được phân làm 4 tầng
Thực ra, tuệ căn không phải là cái gì đó quá huyền bí, trong Phật giáo, đúng như tên gọi, tuệ căn nghĩa là nền tảng căn bản của trí tuệ, có người nhìn thì ngu ngơ, hồ đồ, nhưng trong cuộc sống và công việc, họ luôn có thể biến hiểm thành lành và đạt được thành công, đó chính là sức mạnh của tuệ căn.
Giống như rễ cây ẩn sâu trong đất, rễ trí tuệ của con người cũng vậy, tuy không hiển lộ ra bề ngoài nhưng lại ẩn chứa sức mạnh rất to lớn, quyết định cả vận hạn của một con người.
Nói đến đây chắc nhiều người cũng thắc mắc không biết mình có tuệ căn hay không, sau đây tôi sẽ chia sẻ một phương pháp do một cổ nhân có trí tuệ vĩ đại truyền lại, ông ấy chia tất cả chúng sinh thành 4 cấp độ tùy theo độ nông sâu của trí tuệ, lấy người ví như ngựa để tiện hình dung. Nếu có thể đạt đến được tầng thứ nhất thì đó chính là những người có trí tuệ thực thụ. Hãy đến và xem bạn thuộc tầng thứ mấy nhé!
1. Tinh tường thế sự – Ngựa thượng đẳng
Tầng thứ nhất được ví như ngựa thượng đẳng, thị giác tinh tường, tuệ căn sâu nhất nên được xưng là ngựa tốt hạng nhất. Loại ngựa này có thể di chuyển hàng nghìn dặm một ngày, nhanh như một ngôi sao băng.
Giá trị nhất chính là nó tràn đầy linh tính, chứ không phải chỉ theo đuổi tốc độ một cách mù quáng. Khi người cưỡi chỉ vừa mới vẫy roi lên, thì nó đã có thể lập tức hiểu được tâm ý của chủ, khả năng di chuyển nhanh chậm linh hoạt, tạo nên sự phối hợp hoàn hảo với chủ nhân của mình. Trên đường đi, tai chúng có thể nghe thấy tám phương, mắt thì có thể quan sát sáu hướng, vì thế khi phát hiện chướng ngại vật nó luôn có thể tránh một cách hoàn hảo, dẫn đến việc đi lại rất ổn định và hiệu quả cao.
Những người được ví như loại ngựa này có thể nhận ra rõ ràng bản chất của mọi thứ, khi họ làm việc, họ không rập khuông hoặc làm hoàn toàn theo phương pháp người khác nói, họ thích dựa vào tư duy sáng tạo mà ứng biến linh hoạt, hay nói ngắn gọn, họ chính là loại người nói một hiểu mười.
Đồng thời, họ có thể nhìn thấy trước tai họa, cảm giác trước được nguy hiểm, từ đó chuẩn bị trước cách giải quyết hoặc thậm chí là có thể giải trừ luôn mối đe dọa chưa đến đó, tránh gây ra thiệt hại cho chính họ và cả người khác.
Ví dụ, tập đoàn Suning trước đây là một nhà bán lẻ phi chính phủ lớn nhất tại Trung Quốc, công việc làm ăn rất thành công. Tuy nhiên, với sự phát triển của internet, Trương Cận Đông, một trong những nhà sáng lập của tập đoàn Suning, nhận ra rằng điều này không chỉ giúp mọi người truy cập internet thuận tiện hơn mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển đổi loại hình kinh doanh, vì vậy ông đã quyết định chuyển đổi Suning thành một doanh nghiệp thương mại điện tử.
Trong bối cảnh sụp đổ của vô số công ty khi phải đối mặt với thời kỳ “xâm lược” của internet, thì tập đoàn Suning đã được dịp vươn lên và trở thành một trong những gã khổng lồ trong ngành mua sắm trực tuyến.
Vì vậy, hầu hết những người có trí tuệ sâu xa đều có tầm nhìn xa, có thể nhìn thấy những nguy hiểm vô hình, từ đó đưa ra cách đối phó. Họ thậm chí có thể biến tai họa thành cơ hội. Loại người này là những con ngựa tinh tường thượng đẳng.
2. Phản ứng linh hoạt, người có chút trí tuệ
Hạng thứ hai là những con ngựa phản ứng tốt, chúng có xu hướng chạy rất nhanh. khi chủ nhân vung roi, chúng có thể lập tức kéo theo cỗ xe phía sau phi nước đại nhanh chóng. Nhưng loại ngựa này chỉ mù quáng tìm kiếm tốc độ, chạy không ngừng, khó có thể phối hợp đúng với tâm ý của chủ nhân, vì thế không thể nhìn thấy chướng ngại vật trên đường.
Những người được ví như loại ngựa này cũng là những người thông minh trong cuộc sống, nhưng họ không thể học một hiểu mười hay tiên liệu trước sự việc. Bù lại, họ học rất nhanh và có thể phản ứng linh hoạt khi có chuyện xảy ra.
Nhưng loại người này cũng có khuyết điểm, đó là họ không có tư duy đổi mới, họ chỉ luôn làm theo cách của người khác, không có tính sáng tạo, nên chỉ có thể đi theo dấu chân của người trước và đạt được những thành tựu nhỏ mà thôi, rất khó để trở thành người dẫn đầu trong một ngành hay người tiên phong.
Bạn biết đấy, nếu bạn làm theo người khác, bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua người khác. Vì thế, trong cuộc sống, bạn nên nâng cao dũng khí, đọc nhiều hơn, giao tiếp với những người có “chất lượng cao”, mở rộng tầm nhìn và học cách suy nghĩ độc lập. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể tìm ra con đường cho riêng mình.
3. Học chậm, hiểu chậm – ngựa thường
Hạng ba là ngựa thường, khi người cưỡi vẫy roi, loại ngựa này sẽ vẫn không biết chuyện gì đang xảy ra cho nên chúng chỉ đứng im không nhúc nhích, cho đến khi roi chạm vào da thịt, cảm nhận được đau đớn mới bắt đầu chạy.
Những người được ví như loại ngựa này có tuệ căn tương đối nông cạn, phản ứng rất chậm, nhận thức về những nguy cơ trong cuộc sống rất kém, làm việc gì cũng do dự, không đủ quyết đoán, thường bỏ lỡ thời cơ, không nhìn thấy được tai họa sắp đến. Cho nên khi khổ nạn ập đến rồi, thì chỉ biết oán than rằng ông trời không công bằng, không cho họ cơ hội thành công.
Bất luận là làm việc gì thì cũng nên có những kế hoạch dự phòng kỹ lưỡng, có thế thì hành sự mới thông suốt, cho dù là gặp khó khăn cũng sẽ có thể không loạn. Nếu khi gặp vấn đề mà bạn lại hoảng loạn cả lên, chần chừ giải quyết, sợ sói trước hổ sau, thì chỉ có làm tình hình càng tệ thêm mà thôi.
4. Ngựa non trì độn, khó thuần hóa
Hạng thứ tư là những con ngựa bất kham, ngoan cố và ngu ngốc, dù người đánh xe có vung roi thế nào thì chúng cũng nhắm mắt làm ngơ, án binh bất động.
Loại ngựa này rất vô dụng, đương nhiên cũng sẽ không có người nào chịu mua chúng, giữ lại nuôi thì phí nên người chăn ngựa thường giết loại ngựa này để làm thịt.
Những người được ví như loại ngựa này hầu như không có tuệ căn, suy nghĩ đơn giản, những kiến thức cơ bản cũng dường như không biết, càng không hiểu thế sự, cho nên dù người khác có giải thích cặn kẽ đi chăng nữa thì họ cũng không thể lĩnh hội được.
Trong cuộc sống, họ luôn tự cao tự đại, làm việc gì cũng không từ thủ đoạn, không màng đến hậu quả chỉ để tranh đoạt lợi ích. Ở nơi làm việc, họ cũng là một người ích kỷ mù quáng, do không coi trọng người khác nên thường khiến đồng nghiệp ghét bỏ.
Ngay cả khi được người khác tốt bụng khuyên ngăn, họ cũng sẽ vẫn cố chấp tự mình đi theo con đường của mình. Hậu quả thường là lâm vào cảnh tự làm tự chịu, sự nghiệp và gia đình đều tan thành mây khói.
Muốn bỏ những thói hư tật xấu này, bạn phải kiên định học cách làm điều thiện và tích đức trong cuộc sống, biết chọn lọc và tiếp thu những lời khuyên tốt của người khác. Nhân quả thiện ác, nói trắng ra, bạn giúp người thì người ấy sẽ giúp ngược lại bạn, tử tế với người thì người cũng tự nhiên sẽ tử tế với bạn, ở đời thêm bạn bớt thù thì cuộc sống mới tốt lên được.
Tựu chung lại, tuệ căn là thứ ẩn giấu trong tâm của mỗi người, từ lời nói và việc làm của một người, ta có thể nhìn ra được họ có tuệ căn hay không, nhưng suy cho cùng nó cũng không phải là một thứ cố định. Vận mệnh là do chính mình tạo ra, chỉ cần chúng ta biết tu thân, tích đức từ những việc nhỏ thì về lâu dài, tuệ căn cũng sẽ tự nhiên đâm chòi bén rễ, phước báo sẽ âm thầm đến.
Trần Anh
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!