- Văn Chinh – Nhà văn viết phê bình
- Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Văn chương nhẹ nhàng mà ý tứ
- Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Đi qua bến nước mười ba…
1.Võ Quảng sinh ngày 1-3-1920 tại làng Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm nay, lẽ ra những hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng đã được tổ chức ở Hà Nội cũng như tại quê hương ông hồi tháng 3 vừa rồi. Nhưng vì đại dịch COVID-19 nên phải lui lại, dự kiến có thể là tháng 10 tới.
Tuy vậy, mới đây, NXB Kim Đồng – nơi nhà văn Võ Quảng có thời gian làm Tổng biên tập – đã xuất bản năm tựa sách kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông: “Quê nội”, “Ai dậy sớm”, “Võ Quảng – Những truyện hay viết cho thiếu nhi”, “Truyện đồng thoại Võ Quảng”, “Võ Quảng – Một đời thơ văn” với nhiều đầu tư về mĩ thuật. Đồng thời “Tuần lễ đọc sách Võ Quảng” cũng được đơn vị này phát động.
.Nhà văn Võ Quảng
Có mặt trong buổi ra mắt sách mới đây, ông Võ Châu Tấn – trưởng nam của nhà thơ Võ Quảng cho rằng, những người làm sách đã rất trân trọng đời văn của cha ông. Từ đầu năm nay, NXB Kim Đồng đã liên hệ với gia đình nhà thơ Võ Quảng để in bộ sách nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Bộ sách ra mắt lần này đẹp, trang trọng cho thấy một ứng xử rất văn hóa của nhà xuất bản đối với đời văn Võ Quảng.
Ông Châu Tấn cũng chia sẻ, nhà thơ Võ Quảng là người rất cẩn thận, kỹ lưỡng với từng câu chữ. “Cha tôi thường viết xong và để đó, rồi sau đó xem lại, ngẫm nghĩ, tìm từ ngữ, nhạc điệu của bài thơ đến khi nào cảm thấy phù hợp nhất mới công bố. Cả đời ông không viết bài thơ nào cho vợ, cho con. Tất cả các truyện ngắn, truyện dài, truyện đồng thoại và những bài thơ Võ Quảng đều viết cho các em thiếu nhi” – ông Châu Tấn nhớ lại.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử, Võ Quảng được học hành bài bản ngay từ nhỏ. Năm 17 tuổi, ông thi đỗ vào trường Quốc học Huế, và cũng từ năm này, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông từng bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, quản thúc. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Đà Nẵng, Phó Chánh án Tòa án quân sự miền Nam Việt Nam.
Khác với các nhà văn cùng trang lứa, Võ Quảng bắt đầu với sự nghiệp văn chương khá muộn. Năm 1957, khi đã ở tuổi 37, Võ Quảng mới trình làng tác phẩm đầu tiên, tập thơ “Gà mái hoa” và rất nhanh sau đó đã chinh phục được bạn bè văn chương. Cũng trong năm này, Võ Quảng về làm Tổng biên tập của NXB Kim Đồng mới thành lập.
Dù bước vào con đường văn chương muộn, song Võ Quảng đã sớm lựa chọn cho mình một con đường, một lối đi. Đó là viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi. Và ông đã trung thành với lựa chọn đó. Đây chính là nét khác biệt của Võ Quảng với nhiều bạn văn, bạn viết cùng thời, thậm chí khác thời.
Điểm lại sự nghiệp văn chương của các nhà văn, dễ dàng nhận thấy có nhiều người viết cho thiếu nhi. Thế nhưng rất ít người dành cả đời để viết cho thiếu nhi. Nhiều người chỉ viết được một vài tác phẩm cho thiếu nhi, còn lại là những sáng tác cho người lớn. Dường như chỉ còn Võ Quảng là dành trọn vẹn đời mình để sáng tác cho thiếu nhi.
Dù viết văn, viết thơ, hay sau này có đoạn chuyển sang làm Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình, ông đều hướng về các em. Có lẽ vì thế, mà những tác phẩm của ông như “Quê nội”, “Tảng sáng”, “Anh Đom đóm”, “Ai dậy sớm” rồi những truyện đồng thoại của ông luôn được độc giả thiếu nhi các thế hệ đón nhận, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và đến với bạn đọc thiếu nhi thế giới…
Mỗi khi nhớ về Võ Quảng, nhiều người lại nhớ ngay tới những vần thơ của ông mà người ta từng thuộc khi mới học tiểu học: “Ai dậy sớm/ Bước ra vườn/ Hoa ngát hương/ Đang chờ đón”; hay “Cốc, cốc, cốc/ Ai gọi đó?/ Tôi là Thỏ/ Nếu là Thỏ/ Cho xem tai”…
Và nhắc tới Võ Quảng, người ta cũng không quên nhân vật Cục và Cù Lao trong “Quê nội” – tiểu thuyết mang tính tự truyện gắn với tên tuổi của nhà văn Võ Quảng, bối cảnh sau Cách mạng Tháng Tám ở làng Hòa Phước bên dòng sông Thu Bồn.
Bên cạnh đó, những truyện đồng thoại tươi vui, ngộ nghĩnh, ngôn ngữ trong trẻo đầy chất thơ như “Những chiếc áo ấm”, “Trăng thức”, “Anh Cút lủi”, “Mắt Giếc đỏ hoe”… in trong tập “Truyện đồng thoại Võ Quảng”, “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Võ Quảng” hẳn sẽ còn được lưu nhớ trong tâm trí độc giả.
Ngoài sáng tác thơ, truyện, Võ Quảng còn viết kịch bản phim hoạt hình và dịch một số tác phẩm văn học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt. Ông là tác giả kịch bản phim hoạt hình “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, “Những chiếc áo ấm” – hai tác phẩm được “khắc tên vào bảng Vàng của ngành Hoạt hình Việt Nam” theo đánh giá của họa sĩ Trương Qua (Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam từ năm 1967-1977). Ông cũng là người đầu tiên phỏng dịch và giới thiệu “Truyện Đông Ky-sốt” (Hiệp sĩ Don Quixote) và “Người anh hùng rừng Séc Vút” (Robin Hood – Hiệp sĩ rừng xanh) sang tiếng Việt.
Là một trong số ít các nhà văn dành trọn vẹn tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng ý thức rất rõ tầm quan trọng của văn chương trong việc giáo dục thẩm mỹ, nhân cách cho trẻ em. Ông đã dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của trẻ em; tìm hiểu những quan điểm, phương pháp sáng tác của các nhà văn lớn trên thế giới viết cho thiếu nhi.
2.Coi viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống, nhà văn Võ Quảng từng nêu ra quan niệm rất rõ ràng: “Văn học cho thiếu nhi có một nhiệm vụ chính yếu, đó là giáo dục các em trở thành người tốt. Văn học thiếu nhi phải “tải đạo”. Nhưng tuyệt nhiên ở đây không phải là những lời giáo huấn giá lạnh, khô khan hoặc ngược lại không phải là những chuyện bạo lực, giật gân để làm cho thiếu nhi bị thu hút. Văn học thiếu nhi được gọi là hay, là tốt, thường có bên trong một sức mạnh. Đó là sức mạnh của cái đẹp, của văn chương nghệ thuật. Sức mạnh để sẽ đánh thức trong các em tình cảm và ý nghĩa tốt đẹp, làm cho các em biết tôn trọng, yêu thương, thấy những nghĩa vụ cần làm, sống có tinh thần nhân ái, biết sống một cách tốt đẹp”.
Bên cạnh đó, nhà văn Võ Quảng cũng cho rằng, một tác phẩm viết cho các em có giá trị cao khi nào cũng phản ánh được sinh động thực tế cuộc sống, tâm hồn của các em và khi nào cũng phải viết đúng đối tượng. Muốn viết tốt cho các em phải có vốn sống về các em, phải am hiểu các môn tâm lí, sinh lí.
Theo ông, khi viết cho thiếu nhi cần chú ý đến một cách chọn đề tài khai thác chủ đề, xây dựng nhân vật, một cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng lứa tuổi người đọc. Lứa tuổi người đọc đó hiểu được, rung cảm được, vừa với trình độ, cảm nhận với thế giới bên ngoài, phù hợp với các mặt tâm lí có chỗ rất mạnh, chỗ yếu của mỗi đối tượng.
Bộ sách nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng do NXB Kim Đồng ấn hành, 8-2020.
Với những quan niệm và suy nghĩ như vậy, người ta dễ nhận ra dù viết văn hay thơ, Võ Quảng đều hướng các em thiếu nhi đến với các giá trị tốt đẹp của chân – thiện – mỹ. Nhà văn Đoàn Giỏi từng nhận xét: “Đọc Võ Quảng không thấy giống một tác giả nào khác”. Trong khi đó, nhà văn Vũ Tú Nam cho rằng: “Nhịp điệu và âm sắc trong thơ, văn Võ Quảng là tiếng vang trong trẻo của tâm hồn anh. Một cái gì đó vừa trầm ấm, đôn hậu, vừa ngộ nghĩnh, vui tươi, rất gần với bạn đọc thiếu nhi”.
Còn nhà văn Hà Ân thì quả quyết: “Trong số những người viết cho các em, Võ Quảng là người dành hết tâm hồn, hết sức lực, có nghĩa là toàn vẹn cho sự nghiệp ấy”. Từ góc độ nghiên cứu văn học, GS Phong Lê cho rằng: “Trong vườn văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam từ sau 1945, tôi chưa thấy có ai, cuốn sách nào viết hay và sinh động, tha thiết đến thế về cuộc đổi đời vĩ đại đã diễn ra vào tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam như trong bộ sách “Quê nội” của Võ Quảng”.
Vào một ngày mùa hạ năm 2007, nhà văn Võ Quảng qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi. Một trái tim tha thiết với thiếu nhi đã ngừng đập nhưng những tác phẩm văn học cho thiếu nhi mà ông để lại sẽ còn mãi với thời gian. Với những đóng góp cho văn học, nghệ thuật nước nhà và những thành tích trong công tác, Võ Quảng đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007) cùng nhiều huy chương, giải thưởng của các tổ chức, đoàn thể khác trong và ngoài nước.