Quy định về vành đai Biên giới và vùng cấm ? – Luật Hoàng Anh
Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.
Khu vực biên giới là phần lãnh thổ nằm phía trong, tiếp giáp với đường biên giới quốc gia, có phạm vi và chế độ pháp lý riêng nhất định theo các quy định của pháp luật quốc gia hoặc các Điều ước quốc tế về quy chế biên giới được quốc gia ký kết.
Vậy, vành đai Biên giới và vùng cấm trong khu vực Biên giới được quy định như thế nào?
Quy định về vành đai Biên giới
a. Về khái niệm:
Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào, được thiết lập nhằm quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện trong vành đai biên giới; duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; nơi hẹp nhất 100 m, nơi rộng nhất không quá 1.000 m, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định. (Theo Khoản 2 Điều 3 của Nghị định 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 04 năm 2014 về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
b. Về thẩm quyền xác định vành đai Biên giới:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 43/2015/TT-BQP ngày 28 tháng 05 năm 2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các chủ thể sau đây có thẩm quyền xác định vành đai Biên giới.
+ Việc xác định chiều sâu vành đai biên giới từ 100m đến 1.000m, do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
+ Trường hợp do địa hình cần phải xác định chiều sâu vành đai biên giới dưới 100m hoặc trên 1.000m thì Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
c. Về căn cứ xác định vành đai Biên giới:
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 của Thông tư số 43/2015/TT-BQP ngày 28 tháng 05 năm 2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định việc xác định vành đai Biên giới phải căn cứ như sau:
Khi xác định chiều sâu vành đai biên giới phải căn cứ vào tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, xã hội, địa hình để quy định cho phù hợp; ở những khu vực có cửa khẩu, chợ biên giới, khu kinh tế cửa khẩu phải căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các dự án, công trình để quy định, không ảnh hưởng đến xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; lưu thông hai bên biên giới.
Quy định về vùng cấm
a. Về khái niệm:
Vùng cấm là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới đất liền được thiết lập để quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, phá hoại, khai thác, thu thập bí mật nhà nước. (Theo Khoản 3 Điều 3 của Nghị định 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 04 năm 2014 về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
b. Về trình tự thẩm quyền xác định vùng cấm:
Căn cứ theo Điều 4 của Thông tư số 43/2015/TT-BQP ngày 28 tháng 05 năm 2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, pháp luật quy định trình tự thẩm quyền xác định vùng cấm như sau:
+ Các ngành chức năng trong tỉnh khi xác lập vùng cấm phải thống nhất với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh để xác định, xây dựng nội quy quản lý đối với vùng cấm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
+ Đối với công trình quốc phòng, Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh xác định rõ tính chất những công trình cần quy định vùng cấm, tổng hợp báo cáo Tư lệnh Quân khu trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
+ Đối với công trình biên giới, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xác định rõ tính chất những công trình cần quy định vùng cấm, tổng hợp báo cáo Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
+ Sau khi có quyết định xác định vùng cấm, cơ quan có thẩm quyền quản lý vùng cấm xây dựng nội quy, tổ chức bảo vệ và quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày các quy định về vành đai Biên giới và vùng cấm trong Biên giới quốc gia.
Luật Hoàng Anh
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!