“Ăn nói xà lơ” là gì mà dân mạng đua nhau “bắt trend’? – Báo Tuổi Trẻ
“Ăn nói xà lơ” từ đâu mà có?
Nếu như “đúng nhận sai cãi” bắt nguồn từ clip của một người tự xưng cô đồng thì “ăn nói xà lơ” lại xuất phát từ một clip livestream bán hàng trên Tiktok. Khi bé gái con của người phụ nữ bán hàng bất ngờ thốt lên những từ ngữ không được hay thì lập tức người mẹ chấn chỉnh lại bé gái như sau: “Ăn nói xà lơ! Sao con nói dị!?”
Chỉ với câu nói hết sức ngắn ngủi như vậy nhưng được thốt ra với chất giọng cũng như giọng điệu khá hài hước nên tạo thành trend trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok.
Theo nhiều người, từ này ý muốn chỉ những lời nói, cử chỉ hay việc làm sai trái của một người nào đó. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là cách nói biến thể của một từ không hay. Nhưng nhiều người dùng mạng xã hội thích hiểu theo nghĩa vui vẻ,
Phát âm đúng của nó phải là “sai lơ”, nhưng do chị nhân viên bán hàng nói trại âm thành “xà lơ” cho nên nghe có vẻ khá ngộ nghĩnh và vui nhộn. Vì thế chiếc clip livestream với trích đoạn “ăn nói xà lơ” ấy được lan truyền là trở thành cụm từ hot trend được giới trẻ đua nhau sử dụng.
Trước đó, nhiều từ ngữ trendy như “khum”, “u là trời”, “lemỏn”, “ sin lũi”, “chằm Zn”…các bạn trẻ rất ưa chuộng và thường sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trở thành trào lưu trong giao tiếp của GenZ.
Sử dụng nhưng đừng lạm dụng
Bạn Lê Thu Thủy (sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Mình có nghe qua những câu nói ấy, nhưng không hiểu ý nghĩa của chúng cho lắm và cũng không dùng những từ ấy trong giao tiếp nhiều. Riêng bạn bè của Thủy thì gần đây rất thường xuyên sử dụng “ăn nói xà lơ” trong lúc nhắn tin, trò chuyện. Mình cảm thấy khá vui khi nghe mọi người đua nhau bắt trend như vậy”.
“Mình cảm thấy những câu nói hot trend không hẳn là vô bổ vì nó cũng có giá trị mang lại sự giải trí cho mọi người. Tuy nhiên mình luôn mong mạng xã hội sẽ lan truyền những câu nói mang tính truyền cảm hứng nhiều hơn”, Ngọc Hân (học sinh lớp 12 trường THPT Hoàng Diệu, Sóc Trăng) bày tỏ.
Bạn Kiến Quốc (20 tuổi, TP.HCM) nêu suy nghĩ : “Mỗi lần TikTok có trend gì mới là đi đến đâu mình cũng nghe mọi người nhắc đến, dạo gần đây là “đúng nhận sai cãi”. Mình cảm thấy dùng những câu nói trendy như thế giúp cuộc trò chuyện bớt nhàm chán và nhiều tiếng cười hơn. Nhưng có điều mình không thích lắm đó là một số từ tiếng Việt bị viết sai chính tả mà lại được giới trẻ sử dụng nhiều, chẳng hạn như “khum” hay “sin lũi”…Nếu hạn chế, ít lạm dụng thì sẽ hay hơn”.
QUẾ TRÂN
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!