Xương mu là gì? Cấu tạo, vị trí, chức năng ở cả nam và nữ
Nhiều chị em vẫn đang nhầm lẫn tình trạng đau xương mu là đau khớp háng bởi chưa biết vị trí của bộ phận này nằm ở đâu. Bài viết dưới đây được tư vấn bởi BS.CKI Mẫu Thị Mai Ngân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ chia sẻ những thông tin cụ thể về xương mu giúp chị em hiểu rõ cơ thể mình.
Xương mu là gì? Xương mu nằm ở đâu?
Xương mu là một phần của xương chậu, là phần nhô cao ở bên ngoài bộ phận sinh dục ở nữ giới. Nằm trên xương mu là phần mô mỡ dưới da tích tụ lại.
Bác sĩ Mai Ngân cho biết, độ cao của xương mu ở nữ giới sẽ phụ thuộc vào độ dày của lớp mô mỡ dưới da và sự phát triển của khung xương ở độ tuổi dậy thì. Đồng thời, đây là khu vực tập trung số lượng lớn các kết nối thần kinh, do đó nữ giới sẽ cảm nhận nhanh chóng và rõ rệt những kích thích do bên ngoài tác động vào. (1)
Cấu tạo của xương mu
Xương mu được hình thành từ 3 phần gồm:
- Thân: là phần rộng nhất, khỏe và phẳng của xương mu.
- Phần trên: là một trong hai phần xương phân nhánh khỏi khung xương mu, kết nối với xương chậu và phần trên của đốt xương háng hình chữ L.
- Phần mu dưới: là phần dưới của xương mu phân nhánh khỏi khung xương mu, kết nối với phần trên của đốt xương háng hình chữ L.
- Nửa bên phải và bên trái của xương mu kết nối với nhau bằng sụn gọi là khớp mu. Ở phụ nữ trưởng thành, khớp mu không cố định một chỗ mà di chuyển khoảng 2mm.
Sự khác nhau giữa xương mu ở nữ giới và nam giới
Nghiên cứu chỉ ra sự khác nhau trong cấu trúc khung xương chậu theo giới tính như sau: (2)
- Khung xương chậu ở nữ giới sẽ mỏng và nhẹ hơn, trong khi khung xương chậu ở nam giới sẽ dày và đặc hơn để nâng đỡ trọng lượng cơ thể lớn hơn.
- Xương chậu ở nữ giới rộng và nông, trong khi xương chậu ở nam giới hẹp hơn và có hình trái tim.
Ngoài ra cũng có sự khác biệt, cụ thể như sau:
- Ở nam giới: khớp mu là nơi dây chằng treo dương vật gắn vào khung chậu.
- Ở nữ giới: khớp mu nằm gần âm vật, có thể mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh nở.
Bác sĩ Mai Ngân cho biết, sự khác biệt trong cấu trúc khung xương chậu và xương mu giữa nữ giới và nam giới là rất cần thiết và phù hợp với sự khác biệt trong cấu tạo cơ quan sinh dục và tiết niệu ở mỗi giới.
Chức năng của xương mu
Xương mu nối với xương chậu tạo nên khung xương chậu khỏe mạnh để nâng đỡ và bảo vệ các cơ quan sinh dục nữ như tử cung, buồng trứng… Xương chậu giúp phân bổ trọng lượng cơ thể xuống chân và bàn chân. Khớp mu có độ chuyển động 2mm có vai trò quan trọng khi phụ nữ mang thai, hoạt động linh hoạt hơn, tạo điều kiện thuận lợi để thai nhi di chuyển và chui qua ống sinh. (3)
Tại sao phụ nữ thường bị đau xương mu?
Nhiều chị em gặp phải tình trạng đau xương mu thắc mắc không biết nguyên nhân xuất phát từ đâu? Bác sĩ Mai Ngân cho biết, xương mu nằm trong cấu trúc vùng xương chậu, kết nối với hai bên xương chậu nhờ vào hai khớp xương mu phía trước. Trong đó, các khớp này có tính năng co giãn dưới sự giúp đỡ của hệ thống dây chằng, nếu bị kéo căng sẽ dẫn đến tình trạng đau xương mu ở vùng kín nữ giới.
Những nguyên nhân gây đau ở vị trí này gồm:
1. Hiện tượng sinh lý bình thường khi phụ nữ mang thai
Vào những tháng cuối thai kỳ, chị em rất dễ gặp tình trạng đau xương mu. Tùy vào thể trạng mỗi người mà mức độ cơn đau sẽ khác nhau, có thể kéo dài hoặc ngắn, đau âm ỉ hoặc đau đột ngột.
Sở dĩ có hiện tượng đau xương mu khi mang thai là do thai nhi phát triển lớn tác động đến khả năng chuyển động, làm ảnh hưởng đến hệ thống dây chằng hỗ trợ khớp xương mu gây đau. Tình trạng này không gây nguy hiểm, tuy nhiên sẽ gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu.
Nếu nhận thấy tình trạng đau xương mu ngày một trầm trọng kèm theo nhiều triệu chứng bất thường, chị em cần thăm khám với bác sĩ Sản khoa để được hướng dẫn giải pháp cải thiện các triệu chứng.
2. Triệu chứng của bệnh lý phụ khoa
Đau xương mu có thể là triệu chứng báo hiệu các căn bệnh phụ khoa ở nữ giới, trong đó phải kể đến:
- Viêm nhiễm bàng quang ở nữ giới: bàng quang có nhiệm vụ lưu trữ nước tiểu khi thận bài tiết, với tần suất làm việc liên tục sẽ khó tránh khỏi những tổn thương. Bất kỳ những vấn đề xuất hiện tại cơ quan này sẽ ảnh hưởng đến những cơ quan lân cận.
Chị em bị viêm nhiễm bàng quang sẽ thấy rối loạn tiểu tiện, đau bụng dưới và nước tiểu có mùi khó chịu. Tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn sẽ thấy cơn đau xuất hiện ở vùng xương chậu, xương mu và thậm chí đau lưng.
- Viêm vùng chậu: xương chậu nằm phía dưới hai bên xương hông và tiếp giáp với xương đùi, khi bị viêm nhiễm sẽ xuất hiện những cơn đau ở xương mu. Nếu không can thiệp điều trị hiệu quả, vi khuẩn tấn công và gây viêm nhiễm có thể phát triển và lây lan dẫn đến áp xe buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc mang thai ngoài tử cung.
- Viêm đường tiết niệu: cấu tạo đường tiết niệu ở nữ giới khá ngắn, thẳng và nằm gần vùng hậu môn nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là Ecoli. Chị em bị viêm đường tiết niệu sẽ gặp những triệu chứng như tiết buốt, tiểu rắt, đau vùng hạ vị, đau tức ở bàng quang, mệt mỏi, sốt cao, ớn lạnh…
“Đau xương mu là một trong những dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa phức tạp. Vì thế chị em không được chủ quan, cần thăm khám ngay để được kiểm tra, tìm nguyên nhân. Tùy vào nguyên nhân và mức độ cơn đau mà bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp”, bác sĩ Mai Ngân khuyến cáo.
Đau xương mu có nguy hiểm không?
Bác sĩ Mai Ngân chia sẻ, tình trạng đau xương mu nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả có thể gây ra những ảnh hưởng sau: (4)
- Gây đau nhức, sưng tấy và khó chịu ở vùng kín, từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày, giảm hiệu suất, chất lượng công việc.
- Cơn đau dai dẳng khiến chị em không còn hứng thú với chuyện chăn gối, giảm kích thích hưng phấn hoặc lãnh cảm trong đời sống tình dục vợ chồng, lâu ngày ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân.
- Tác động xấu đến sức khỏe, nguy cơ dễ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tính mạng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Để góp phần chẩn đoán chính xác tình trạng, tìm ra nguyên nhân để có can thiệp điều trị sớm và hiệu quả những ảnh hưởng lên xương mu, bác sĩ Mai Ngân khuyến cáo chị em cần đến ngay cơ sở y tế uy tín khi có những biểu hiện sau:
- Bị đau ở vùng xương chậu, cơn đau càng dữ dội hơn khi hoạt động.
- Đau ở vùng bụng dưới mà không rõ nguyên nhân.
- Cảm giác đau ở cơ thắt lưng mỗi khi ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế.
- Dáng đi bất thường, cảm giác chân mất sức hoặc giảm độ linh hoạt…
Khi thăm khám, tùy vào dấu hiệu và triệu chứng gặp phải mà bác sĩ Sản Phụ khoa sẽ có chỉ định thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng phù hợp để tăng kết quả chẩn đoán. Có thể xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng hoặc chụp X-quang để đánh giá cấu trúc, mật độ xương…
Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ điều trị mới nhất trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa.
Thêm vào đó, Trung tâm Sản Phụ khoa liên kết chặt chẽ với nhiều trung tâm khác trong bệnh viện như Trung tâm Xét Nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, khoa Cơ xương khớp, Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng… phối hợp điều trị toàn diện và hiệu quả các vấn đề, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hệ thống xương – nền tảng nâng đỡ cơ thể khỏe mạnh cho chị em.
Để đặt hẹn tư vấn và thăm khám với các chuyên gia tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chị em vui lòng liên hệ đến:
Cách chăm sóc xương mu luôn khỏe mạnh
Để tránh gây áp lực và những tổn thương lên xương mu, bác sĩ Mai Ngân nhắn nhủ chị em cần lưu ý những vấn đề sau:
- Hạn chế vận động quá nhiều hoặc tránh những hoạt động nặng nề tăng áp lực lên xương mu.
- Cố gắng giữ tư thế thăng bằng và lưng thẳng trong những hoạt động hàng ngày và khi di chuyển.
- Khi ngồi nên kê thêm gối mềm sau lưng nhằm giảm bớt áp lực lên bộ phận này
- Bổ sung canxi bằng chế độ ăn uống và các thực phẩm chức năng. Tốt nhất chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách bổ sung canxi phù hợp.
- Tập luyện thể dục thể thao để tăng độ dẻo dai và linh hoạt cho vùng bụng, vùng hông chậu…
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp chị em hiểu rõ hơn về xương mu – phần cơ thể khá nhạy cảm và dễ bị đau bởi nhiều nguyên nhân. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ!
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!